Tạp chí Tòa án nhân dân số 13 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 13 xuất bản ngày 10 tháng 7 năm 2024.
Trong bài giới thiệu này, chúng tôi xin gửi tới độc giả một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 08 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 13 năm 2024, cụ thể như sau:
Với bài viết “Về xác định lỗi và thiệt hại trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê tài sản”, tác giả Tưởng Duy Lượng nêu nhận định: “Việc xác định lỗi và thiệt hại trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng cho thuê tài sản là vấn đề khá phức tạp, gây nhiều khó khăn cho Tòa án trong giải quyết các vụ việc thực tế. Việc ra đời của Án lệ số 21/2018/AL là hoàn toàn cần thiết và phù hợp.” Bài viết phân tích, luận bàn một số nội dung cơ bản, trọng tâm của Án lệ, từ đó làm rõ hơn sự cần thiết của Án lệ và việc áp dụng trong thực tiễn.
Tác giả Ngô Thanh Sơn nêu trong bài viết “Vướng mắc trong các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về hỏi cung bị can và kiến nghị hoàn thiện”: “Hỏi cung bị can là biện pháp điều tra được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2021.” Bài viết phân tích một số vướng mắc trong các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản liên quan về hỏi cung bị can, từ đó, đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện các quy định này.
Trong bài viết “Trách nhiệm của người có ảnh hưởng
khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo”, tác giả Nguyễn Thị Thái Hà nêu nhận định: “Mua sắm thông qua thương mại điện tử ở nước ta đã ghi nhận được sự tăng trưởng ấn tượng trong những năm gần đây. Do đó, thị trường thương mại điện tử đã trở nên hấp dẫn hơn bao giờ hết. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh đã quan tâm nhiều hơn đến việc mở rộng thị trường thông qua môi trường này. Theo đó, rất nhiều người nổi tiếng, người có ảnh hưởng đã được mời để tham gia thực hiện việc quảng bá các sản phẩm, dịch vụ thông qua mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng… Nhiều người trong số họ đã sử dụng hình ảnh của mình để quảng bá cho các sản phẩm, hàng hóa không đúng về chất lượng, công dụng, nhằm lừa dối người tiêu dùng.” Bài viết này, tác giả sẽ phân tích những quy định pháp luật liên quan đến trách nhiệm của người có ảnh hưởng nói chung khi chuyển tải sản phẩm quảng cáo và thực trạng về vấn đề này. Từ đó, tác giả đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật có liên quan.
Với bài viết “Bàn về dấu hiệu chiếm đoạt tài sản trong các tội xâm phạm sở hữu có tính chiếm đoạt”, tác giả Lê Tường Vy trình bày: “Quyền sở hữu về tài sản là một quyền quan trọng cơ bản của con người. Vì thế, bảo vệ quyền sở hữu về tài sản luôn được các quốc gia coi trọng và thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có biện pháp pháp lý hình sự. Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định các tội xâm phạm sở hữu trong Chương XVI gồm 13 điều (từ Điều 168 đến Điều 180). Trong các tội này, thì có 08 tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt bao gồm các tội được quy định từ Điều 168 đến Điều 175. Mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có những thay đổi lớn, hướng tới hoàn thiện về mặt pháp lý đối với các tội xâm phạm sở hữu. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay cho thấy, việc hiểu đúng và định tội danh đối với các tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt còn gặp nhiều bất cập, vướng mắc. Một trong những vướng mắc quan trọng là xác định dấu hiệu chiếm đoạt trong cấu thành tội phạm.”. Trong bài viết này, tác giả đề cập và phân tích dấu hiệu chiếm đoạt ở hai khía cạnh là hành vi chiếm đoạt thuộc mặt khách quan của tội phạm và mục đích chiếm đoạt thuộc mặt chủ quan của tội phạm.
Tác giả Nguyễn Thị Bình và Bùi Thị Thuận Ánh nêu trong bài viết “Bàn về thủ đoạn gian dối trong tội lừa dối khách hàng - phân biệt với hành vi quảng cáo gian dối trong bối cảnh kỷ nguyên số”: “Thế giới đang bước vào kỷ nguyên số trên mọi lĩnh vực, các phương thức quảng cáo sản phẩm và cách thức thiết lập một giao dịch mua bán, trao đổi hay các giao dịch khác đều có thể thực hiện trên không gian “ảo”, do đó, đã có những biến đổi không giống như cách thức truyền thống. Vì vậy, hành vi quảng cáo gian dối có thể không còn được hiểu theo phạm vi hẹp như cách hiểu truyền thống, mà trong một số trường hợp lại chính là một hình thức chào mời, đề nghị giao dịch, hoặc thiết lập mua bán, nhằm lừa dối khách hàng để trục lợi, gây thiệt hại cho khách hàng.” Bài viết phân tích cách thức phân biệt và nhận diện hành vi quảng cáo gian dối với hành vi lừa dối khách hàng được quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành trong bối cảnh hiện nay.
Với bài viết “Những điểm mới của luật giao dịch điện tử năm 2023”, tác giả Nguyễn Tấn Hoàng Hải - Trần Bảo Khanh - Đỗ Đăng Hợp viết: “Hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực giao dịch điện tử là vấn đề cần thiết trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và thương mại điện tử. Các phương thức kinh doanh mới, mô hình kinh doanh số đã và đang định hình, tác động toàn diện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế là một trong những động lực để phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia, đồng thời đòi hỏi pháp luật của quốc gia cần điều chỉnh, tiệm cận với quy định của pháp luật quốc tế. Luật Giao dịch điện tử năm 2023 được thông qua vào ngày 20/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024 có những sửa đổi, bổ sung tiến bộ và phù hợp với thực tiễn.” Bài viết trình bày một số điểm mới nổi bật của Luật Giao dịch điện tử năm 2023 trên cơ sở so sánh với Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
Bài viết “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối tượng hình sự hoạt động lưu động” của tác giả Đoàn Quang Hưng trình bày tình hình phạm pháp hình sự nói chung, tình hình tội phạm hoạt động lưu động nói riêng và công tác quản lý các đối tượng này của lực lượng Cảnh sát nhân dân; phân tích làm rõ ưu điểm, hạn chế; nguyên nhân của hạn chế và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý đối với loại tội phạm này.
Với bài viết “Tư pháp người chưa thành niên theo pháp luật Đài Loan (Trung Quốc) và kinh nghiệm cho Việt Nam”, tác giả Dương Thị Cẩm Nhung và Phạm Phương Thảo nêu: “Tư pháp người chưa thành niên của Đài Loan (Trung Quốc) có lịch sử phát triển lâu đời, liên tục được sửa đổi, cập nhật để phù hợp với xu thế quốc tế và bảo vệ tối ưu lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên. Do đó, quá trình sửa đổi Luật Tư pháp người chưa thành niên của Đài Loan (Trung Quốc) có nhiều điểm đáng để nghiên cứu. Bài viết trình bày một số nội dung chính Luật Tư pháp người chưa thành niên của Đài Loan (Trung Quốc) hiện hành để đề xuất những kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình xây dựng và thông qua Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 13 kỳ I tháng 7 năm 2024.
* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 xuất bản ngày 25 tháng 9 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 xuất bản ngày 10 tháng 9 năm 2024. Đây là ấn phẩm số đặc biệt chào mừng Kỷ niệm 79 năm Ngày Truyền thống Tòa án nhân dân (13/9/1945 - 13/9/2023).
Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 16 xuất bản ngày 25 tháng 8 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 15 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 15 xuất bản ngày 10 tháng 8 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Tòa án thụ lý đơn khởi kiện sau khi Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án có hiệu lực pháp luật
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL