Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 năm 2021

Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 năm 2021 xuất bản ngày 10 tháng 9 năm 2021. Đây là ấn phẩm đặc biệt để Chào mừng kỷ niệm 76 năm Ngày Truyền thống Tòa án nhân dân (13/9). Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 09 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học và phần đầu văn bản giải đáp số 01/2021/GĐ-TANDTC ngày 01/7/2021 của Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề nghiệp vụ về hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

Trong bài viết: “Tòa án quân sự các cấp nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” , tác giả Võ Minh Lương nêu nhận định: Phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của hệ thống Tòa án 76 năm qua, các Tòa án Quân sự luôn nỗ lực, phấn đấu, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, các Tòa án quân sự  đã có những thành tích nổi bật, trong đó đã thực hiện tốt công tác xét xử, thi hành án, giải quyết khiếu nại, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nghiên cứu khoa học đồng thời với các nhiệm vụ chính trị, quân sự.

Với vị trí là cơ quan xét xử đầu ngành trong quân đội, những năm qua, bên cạnh công tác xét xử, Tòa án quân sự Trung ương còn có nhiệm vụ sơ kết, tổng kết kinh nghiệm xét xử, tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ trong ngành Tòa án quân sự... Trong bài viết này, tác giả đánh giá về những thành tích nổi bật trong công tác năm 2020 của các Tòa án Quân sự, đồng thời, chỉ ra những nhiệm vụ trọng tâm công tác trong thời gian tới mà các Tòa án Quân sự phải thực hiện để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đóng góp vào nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Phấn đấu xây dựng Tòa án chính quy, mẫu mực, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, xứng đáng là biểu tượng của công lý, lẽ phải và niềm tin.

Với bài viết: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam  theo tinh thần  Nghị quyết Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII: phần II- chế định lớn về tội phạm”, tác giả Lê Cảm - Đinh Thế Hưng cho rằng: Trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền đích thực của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, đồng thời, triển khai có hiệu quả trên thực tế những luận điểm mang tính chỉ đạo trong các văn kiện tại Đại hội Đảng lần thứ XIII ở nước ta hiện nay, việc nghiên cứu để làm sáng tỏ những vấn đề về hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành, sẽ có ý nghĩa to lớn và quan trọng trên 03 bình diện (góc độ) về chính trị, kỹ thuật lập pháp hình sự và thực tiễn.

Trong bài viết này, các tác giả tập trung phân tích về ba bình diện này, từ đó khẳng định cho tính cấp bách và sự cần thiết của việc nghiên cứu chủ đề được đề cập trong bài viết này. Các tác giả cho rằng, nghiên cứu này sẽ được triển khai nhằm khắc phục những nhược điểm về kỹ thuật lập pháp và được đưa ra cụ thể trong phần 2 của bài viết tương ứng theo hai nhóm vấn đề cơ bản như sau: 1) Mô hình lập pháp của những kiến giải lập pháp cụ thể đối với các quy phạm có liên quan đến chế định lớn về tội phạm trong Dự thảo Bộ luật Hình sự tương lai; và 2) Những luận chứng nhằm lý giải về kiến giả lập pháp đối với các điều khoản có liên quan tại Chương II của Dự thảo Bộ luật Hình sự tương lai. 

Trong bài viết: “Một số nội dung về tiếp tục đổi mới hệ thống Tòa án nhân dân đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp ”, tác giả Phạm Minh Tuyên cho rằng: Trong những năm qua, công cuộc cải cách tư pháp luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Theo yêu cầu của Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 (Nghị quyết số 49-NQ/TW) thì Tòa án nhân dân có vị trí, vai trò hết sức quan trọng trong bộ máy Nhà nước ta. Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định, Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Nghị quyết số 49- NQ/TW cũng đã xác định Tòa án có vị trí trung tâm và xét xử là hoạt động trọng tâm.

Theo tinh thần cải cách tư pháp, tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Tòa án nhân dân được đổi mới, hoàn thiện, trong đó khẳng định Tòa án nhân dân là cơ quan thực hiện quyền tư pháp; xây dựng hệ thống Tòa án 4 cấp; đổi mới cách thức tổ chức phiên tòa theo hướng tiếp thu hạt nhân hợp lý của mô hình tranh tụng và mô hình thẩm vấn, chỗ ngồi trong phòng xử án đã được bố trí hợp lý. Đội ngũ cán bộ có chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân được đổi mới,...

Qua quá trình phát triển từ ngày thành lập đến nay, tổ chức, hoạt động của hệ thống Tòa án nhân dân đã không ngừng đổi mới, từng bước được hoàn thiện củng cố, về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động và trước những yêu cầu, nhiệm vụ mới của việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân còn bộc lộ một số điểm bất cập chưa hợp lý, đòi hỏi hệ thống Tòa án cần tiếp tục được cải cách, điều chỉnh cho phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp nhằm thực hiện các nhiệm vụ và yêu cầu mới. Trong nội dung của bài viết, tác giả tập trung làm rõ những luận điểm trên, đồng thời, đưa ra một số kiến nghị về tiếp tục cải cách hệ thống Tòa án trong cải cách tư pháp. 

Với bài viết: “Bàn về quy định “thừa nhận nghĩa vụ” – căn cứ bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự”, tác giả Lê Minh Hùng nêu quan điểm: Khi thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự kết thúc thì chủ thể có quyền khởi kiện sẽ bị mất quyền khởi kiện. Nhưng nếu bên có nghĩa vụ “thừa nhận nghĩa vụ” thì thời hiệu khởi kiện được bắt đầu lại. “Thừa nhận nghĩa vụ” là một khái niệm có nội hàm phức tạp về mặt lý luận, còn nhiều vướng mắc trong pháp luật thực định và chưa có sự nhất quán trong nhận thức cũng như trong thực tiễn áp dụng pháp luật tại Việt Nam hiện nay. 

Trên cơ sở phương pháp phân tích pháp luật thực định, khảo sát một số vụ việc từ thực tiễn xét xử tại Việt Nam, cùng với việc sử dụng phương pháp bình luận án và phương pháp so sánh luật học, bài viết này làm rõ nội hàm của khái niệm “thừa nhận nghĩa vụ” của bên có nghĩa vụ, phân tích về các bất cập của các quy định về việc thừa nhận nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ - một căn cứ phổ biến để bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện và đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về căn cứ để bắt đầu lại thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, đồng thời góp phần làm cho việc nhận thức và áp dụng pháp luật về nội dung này được nhất quán, dễ dàng hơn. 

Trong bài viết: “Một số bất cập trong quy định về hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Vũ Văn Tư cho rằng: Hiện nay, nước ta đang trong trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, thực hiện nền kinh tế thị trường, giao lưu hội nhập với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Điều này đòi hỏi Nhà nước phải có những thay đổi cả về chủ trương, đường lối trong chỉ đạo, điều hành, dẫn dắt sự phát triển của đất nước với những chính sách cụ thể, nhằm đáp ứng được yêu cầu của xã hội đặt ra, phù hợp và theo kịp sự phát triển của thế giới. Thực tế cho thấy, sự phát triển nhanh, mạnh của nền kinh tế đã kéo theo sự gia tăng của  tội phạm, với tính chất ngày càng phức tạp và quy mô ngày càng lớn, hành vi phạm tội ngày càng nguy hiểm.

Sự ra đời của Bộ luật Hình sự  năm 2015 đánh dấu bước phát triển mang tính đột phá trong chính sách và tư duy lập pháp hình sự của Nhà nước ta. Lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp hình sự, Bộ luật Hình sự quy định trách nhiệm hình sự  đối với một loại hình tổ chức là pháp nhân thương mại. Điều này đã làm thay đổi quan niệm mang tính truyền thống về tội phạm và hình phạt, đáp ứng yêu cầu đấu tranh chống các hành vi phạm tội do pháp nhân thương mại thực hiện ở Việt Nam trong những năm gần đây, tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động  hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là các loại tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia. Pháp nhân thương mại tuy là chủ thể của tội phạm, nhưng không phải là chủ thể của tất cả các tội phạm quy định trong Bộ luật Hình sự. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về một số tội phạm có liên quan trực tiếp đến hoạt động của mình. Theo đó, pháp nhân thương mại chỉ bị xử lý hình sự đối với 33 tội theo quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự năm 2015. Khi chịu trách nhiệm hình sự đối với 33 tội danh theo Bộ luật Hình sự năm 2015, pháp nhân thương mại phải chịu các hình phạt tương ứng. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích quy định về hình phạt áp dụng đối với pháp nhân thương mại trong Bộ luật Hình sự năm 2015. Từ đó chỉ ra một số vướng mắc, bất cập trong áp dụng hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội và đưa rakiến nghị hoàn thiện cụ thể.

Với bài viết: “Vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và đề xuất, kiến nghị”, tác giả Vũ Thị Nhung nêu nhận định: Bộ luật Dân sự  năm 2005 sau 10 năm thi hành đã có tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thực hiện tốt chức năng điều chỉnh các quan hệ dân sự thông qua việc quy định địa vị pháp lý, chuẩn mực pháp lý về cách ứng xử của cá nhân, pháp nhân; quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của cá nhân, pháp nhân trong các quan hệ được hình thành trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn phát triển mới của đất nước, trước yêu cầu thể chế hóa các Nghị quyết của Đảng và yêu cầu về công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 thì Bộ luật Dân sự năm 2005 đã dần bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Trong bối cảnh đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 24/11/2015 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017, với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng đã khắc phục được những hạn chế, tồn tại của Bộ luật Dân sự năm 2005. Tuy nhiên, quá trình áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 vào thực tiễn vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc, đòi hỏi cần được tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện.
Qua thực tiễn làm công tác xét xử, tác giả tập trung phân tích để chỉ ra một số hạn chế, bất cập khi áp dụng các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015; từ đó đưa ra một số kiến nghị, đề xuất cụ thể.

Trong bài viết: “Một số vấn đề cơ bản về quá trình xây dựng và triển khai thi hành luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án” tác giả Vũ Thúy Hòa nêu nhận định: Một thực tế đã được thừa nhận chung, trong xã hội, dù ở quốc gia nào cũng luôn tồn tại những mối quan hệ xã hội giữa người với người. Các mối quan hệ xã hội thường rất đa dạng, phức tạp, đan xen và nhiều chiều. Quá trình vận hành các mối quan hệ đó, tất yếu sẽ nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột… Đây là hiện tượng xã hội mang tính khách quan. Từ xưa đến nay, xã hội loài người đã sử dụng các phương thức khác nhau để giải quyết tranh chấp và xung đột, có thể kể đến là thương lượng; hòa giải; trọng tài; giải quyết thông qua thủ tục hành chính, thủ tục tố tụng tại Tòa án. Chúng tôi cho rằng, phương thức đơn giản, tiết kiệm và phổ biến nhất, đó chính là hòa giải. 
Trên Tạp chí số này, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc phần đầu của bài viết với các nội dung phân tích khái quát về quá trình xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Việt Nam; một số nhận xét, đánh giá về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và nghĩa của việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Với  bài viết: “Sự cần thiết của việc xây dựng mô hình Tòa án điện tử tại Việt Nam  ”, tác giả Huỳnh Thị Nam Hải nhận định: Nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu hướng ngày càng đơn giản hóa thủ tục tố tụng và ứng dụng công nghệ thông tin  vào hoạt động của Tòa án đã và đang từng bước được thực hiện ở nước ta. Với nhiều ưu điểm như giúp người dân thuận lợi hơn trong việc tiếp cận công lý; tiết kiệm chi phí, thời gian; nâng cao hiệu quả của hoạt động tố tụng,… việc xây dựng mô hình Tòa án điện tử  tại Việt Nam, là một trong những việc làm cần thiết, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ trình bày mô hình Tòa án điện thử tại một số quốc gia, từ đó cho thấy, sự cần thiết của việc xây dựng mô hình này tại Việt Nam. Đồng thời, bài viết cũng trình bày cơ sở pháp lý về Tòa án điện tử tại Việt Nam, từ đó, đưa ra một số kiến nghị, nhằm góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về vấn đề này.

Trong bài viết: “Bảo vệ phụ nữ bằng Bộ luật Hình sự năm 2015 – quy định pháp luật và một số giải pháp”, tác giả Lê Thị Diễm Hằng cho rằng: Phụ nữ là một trong những nhóm người dễ bị tổn thương trong xã hội. Điều này xuất phát từ chính một số đặc điểm về tâm sinh lý, cũng như những định kiến về giới. Tại Việt Nam, bảo vệ phụ nữ là một nội dung ngày càng được quan tâm, thể hiện qua việc có rất nhiều các quy định pháp luật đã được sửa đổi và xây dựng nhằm bảo đảm quyền của họ. Pháp luật hình sự, với tư cách là một ngành luật trong hệ thống pháp luật cũng phải có trách nhiệm bảo vệ người phụ nữ. Hơn nữa, với đặc thù của ngành luật này khi điều chỉnh mối quan hệ giữa Nhà nước và người phạm tội, thì bảo vệ phụ nữ càng cần thiết phải đặt ra. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung nghiên cứu những quy định bảo vệ phụ nữ trong Bộ luật Hình sự  năm 2015 và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật nhằm tăng cường bảo vệ nhóm đối tượng này.

Trên chuyên mục Trao đổi ý kiến, với bài viết: “Các bị cáo phạm tội giết người,tội cố ý gây thương tích, hay tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh?”, là tổng hợp quan điểm của nhiều tác giả trong việc định tội danh đối với tình huống cụ thể, Tạp chí Tòa án nhân dân mong muốn việc hiểu và áp dụng pháp luật trong thực tế được chính xác và thống nhất hơn. 

Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 17 năm 2021.


*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
 

BTK