Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 năm 2021

Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 năm 2021 xuất bản ngày 25 tháng 9 năm 2021. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 06 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học và nội dung tiếp theo của văn bản giải đáp số 01/2021/GĐ-TANDTC ngày 01/7/2021 của Tòa án nhân dân tối cao về một số vấn đề nghiệp vụ về hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

Trong bài viết: “Luận bàn về tội ra bản án trái pháp luật quy định tại Điều 370 Bộ luật Hình sự năm 2015” , tác giả Đinh Văn Quế nêu nhận định: Tội ra bản án trái pháp luật là tội xâm phạm hoạt động tư pháp, đã được quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự  năm 1999, nay Bộ luật Hình sự 2015 quy định tại Điều 370.

Tuy nhiên, Điều 370 Bộ luật Hình sự năm 2015 có một số sửa đổi, bổ sung quan trọng đáp ứng được đòi hỏi của xã hội đặt ra trong công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Với việc phân tích cụ thể các yếu tố cấu thành tội phạm của tội danh này, đồng thời, phân tích, bình luận các quy định về hình phạt đối với người phạm tội ra bản án trái pháp luật, tác giả đưa ra một số lưu ý quan trọng khi áp dụng quy định tại Điều 370 Bộ luật Hình sự năm 2015 vào thực tiễn.  

Với bài viết: Bình luận Án lệ số 37/2020/AL về hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tài sản trong trường hợp bên mua đóng phí bảo hiểm sau khi kết thúc thời hạn đóng phí bảo hiểm ”, tác giả Bạch Thị Nhã Nam cho rằng: Trong các tranh chấp hợp đồng bảo hiểm , có một dạng tranh chấp khá phổ biến liên quan đến nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm, là việc doanh nghiệp bảo hiểm từ chối bồi thường, hay từ chối chi trả số tiền bảo hiểm, vì khách hàng đóng phí bảo hiểm sau khi kết thúc thời hạn đóng phí bảo hiểm (đóng phí bảo hiểm trễ hạn). Án lệ số 37/2020/AL được công bố theo Quyết định 50/QĐ-CA ngày 25/02/2020 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tạo ra những ý nghĩa pháp lý nhất định, trong việc khẳng định tính hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm tài sản được duy trì, khi doanh nghiệp bảo hiểm đã nhận số phí bảo hiểm, phát hành hóa đơn và báo cáo thuế về khoản phí bảo hiểm, do đó, doanh nghiệp bảo hiểm không được từ chối bồi thường đối với bên mua bảo hiểm. Trong bài viết này, tác giả đưa ra các nhận định, các bình luận về Án lệ số 37/2020/AL; từ đó chỉ ra bài học kinh nghiệm và các đề xuất, kiến nghị cụ thể.

            Trên Tạp chí Tòa án nhân dân số này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu tới bạn đọc phần tiếp theo của bài viết: Một số vấn đề cơ bản và khái quát về quá trình xây dựng và triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Tiếp theo kỳ trước và hết), của tác giả Vũ Thúy Hòa. Trong phần này, tác giả tập trung đánh giá hiệu quả của việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thời gian vừa qua và đưa ra một số giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đây là bài viết nằm trong Chuyên mục mới được Tạp chí Tòa án nhân dân xây dựng với tên gọi: “Diễn đàn về Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án”.

  Với bài viết: Người đại điện theo ủy quyền là pháp nhân trong pháp luật tố tụng dân sự, tác giả Đặng Thanh Hoa - Nguyễn Huy Hoàng nêu quan điểm: Pháp nhân làm người đại diện nói chung và là người đại diện theo ủy quyền nói riêng là nội dung mới được quy định tại Điều 134 Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo đó, “pháp nhân” được làm người đại diện cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Đồng nghĩa với đó cũng là bổ sung cho pháp luật tố tụng dân sự một chủ thể làm người đại diện theo ủy quyền của đương sự tham gia tố tụng được quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Trước hết cần phải khẳng định rằng quy định này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế cũng như nhu cầu thực tiễn tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc nghiên cứu lý luận và thực tiễn áp dụng pháp luật về người đại diện theo ủy quyền là pháp nhân trong tố tụng dân sự còn khá mới mẻ. Trong bài viết này, các tác giả tập trung phân tích cơ sở của quy định “người đại diện theo ủy quyền là pháp nhân”; từ đó chỉ ra một số thách thức và kiến nghị hoàn thiện cụ thể.

           Trong bài viết: Nghiên cứu lý luận về mối quan hệ giữa lựa chọn luật áp dụng và thẩm quyền xét xử của Tòa án”, tác giả Ngô Thu Trang cho rằng: Dưới góc độ khoa học pháp lý, đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế là những quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Theo đó, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài tồn tại như một điều tất yếu và là nguyên nhân phát sinh hiện tượng “xung đột pháp luật” (hai hay nhiều hệ thống pháp luật khác nhau có khả năng được áp dụng trong cùng một vụ việc), cũng như dẫn đến việc xung đột thẩm quyền (vụ việc có liên quan đến hai hay nhiều quốc gia, nên Tòa án của mỗi quốc gia đều có thể có thẩm quyền giải quyết vụ việc đó). Trước hiện tượng xung đột pháp luật và xung đột thẩm quyền, tư pháp quốc tế mang trong mình sứ mệnh thiết lập các quy định, nhằm xác định hệ thống pháp luật để điều chỉnh các quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, cũng như xác định thẩm quyền của Tòa án của quốc gia trong việc xét xử các vụ việc có yếu  tố nước ngoài.

Đối với xung đột pháp luật, việc lựa chọn luật áp dụng giữa các bên trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài là một căn cứ quan trọng, nhằm xác định hệ thống pháp luật để điều chỉnh quan hệ có yếu tố nước ngoài đó. Ngoài ra, việc lựa chọn luật áp dụng cũng đóng vai trò quan trọng nhằm xác định thẩm quyền của Tòa án khi xét xử vụ việc liên quan, khi các bên không có thỏa thuận lựa chọn Tòa án, cũng như giúp Tòa án lựa chọn pháp luật, khi xét xử các tranh chấp thương mại và dân sự quốc tế.

Trong phạm vi bài viết, tác giả tập trung nghiên cứu các nội dung tổng quát liên quan đến thẩm quyền xét xử của Tòa án, quyền lựa chọn pháp luật của Tòa án khi xét xử các vụ việc dân sự  có yếu tô nước ngoài, đồng thời, trình bày những khó khăn đối với thực tiễn xét xử theo pháp luật quốc tế, thực tiễn ở Việt Nam và kinh nghiệm của một số quốc gia điển hình trên thế giới, trong việc xử lý mối quan hệ giữa lựa chọn luật áp dụng và thẩm quyền xét xử của Tòa án.

      Với bài viết: “Bàn về tội hủy hoại rừng trong pháp luật hình sự Việt Nam” , tác giả Ngô Ngọc Diễm- Trần Quang Minh nêu nhận định: Trong những năm qua, vấn đề về môi trường nói chung và bảo vệ rừng nói riêng luôn được Nhà nước dành sự quan tâm chú trọng đặc biệt. Bằng chứng là việc hệ thống hóa và ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm gìn giữ và bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá này. Trong đó, không thể không kể đến các quy định trong Bộ luật Hình sự  năm 2015, mà tiêu biểu là quy định về tội hủy hoại rừng tại Điều 243. Việc ban hành quy định trên đã đem lại kết quả tích cực khi góp phần ngăn chặn các hành vi khai thác, chặt phá, xâm hại rừng, tạo điều kiện bảo vệ các nguồn tài nguyên và đa dạng sinh học. Dẫu vậy, trong những năm gần đây, tình trạng hủy hoại rừng không những không có dấu hiệu suy giảm, mà còn có xu hướng diễn biến ngày càng phức tạp. Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu cấp thiết phải sửa đổi, bổ sung pháp luật để tháo gỡ những vướng mắc, khắc phục những hạn chế, tồn tại, nhằm tạo ra quy định linh hoạt và mang tính hiệu quả hơn. Bài viết tập trung phân tích dấu hiệu định tội, định khung đối với tội hủy hoại rừng được quy định tại Điều 243 Bộ luật Hình sự năm 2015 và một số khuyến nghị đối với việc quy định và áp dụng đối với tội danh này.

Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 năm 2021.

 

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

BTK