Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2021

Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2021 xuất bản ngày 25 tháng 12 năm 2021. Đây là ấn phẩm đặc biệt để Chào mừng Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2022. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 10 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

        Trong bài viết: “Thành tựu to lớn tạo tiền đề cho những thắng lợi mới” , tác giả Nguyễn Hòa Bình- Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhận định: Tổng kết nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội về công tác tư pháp, trong những năm qua, Tòa án nhân dân các cấp đã nỗ lực để thực hiện các mục tiêu đề ra. Mặc dù khối lượng công việc tăng (bình quân mỗi năm tăng khoảng 8%), với tính chất phức tạp, quy mô ngày càng lớn, trong bối cảnh phải tinh giản biên chế, nhưng các Tòa án đã không ngừng đổi mới, triển khai nhiều biện pháp đột phá, sáng tạo nên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc hội giao và đạt được nhiều kết quả nổi bật, tạo tiền đề cho những thắng lợi mới. Trong nội dung bài viết, tác giả phân tích chỉ rõ những thành tựu mà hệ thống Tòa án nhân dân đạt được trong nhiệm kỳ qua, đồng thời, tác giả cũng chỉ ra một số nhiệm vụ lớn trong thời gian tiếp theo.

 Với bài viết: “Những thành tích nổi bật trong công tác xét xử năm 2021 của Tòa án nhân dân ”, tác giả Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhận định: Năm 2021 là năm có ý nghĩa chính trị quan trọng, năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025. Trong năm qua, các Tòa án triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh tình hình quốc tế và trong nước tiếp tục có nhiều biến động; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Bên cạnh việc phải làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc, đáp ứng các chỉ tiêu, yêu cầu theo Nghị quyết của Quốc hội, các Tòa án còn phải tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tinh giản biên chế; tổ chức triển khai thi hành các đạo luật quan trọng liên quan tới hoạt động của Tòa án và triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo tinh thần các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị. Nội dung bài viết tập trung làm rõ các nhận định nêu trên mà tác giả đưa ra, đồng thời chỉ rõ những thành tựu nổi bật trong công tác xét xử năm 2021 của hệ thống Tòa án nhân dân, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tạo môi trường lành mạnh, ổn định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

  Trong bài viết: “Quản trị tốt Tòa án Việt Nam trong kỷ nguyên công nghệ số - giải pháp phòng, chống tham nhũng ”, tác giả Phí Thành Chung cho rằng: Kỷ nguyên công nghệ số tác động mạnh mẽ đến quản trị tốt quốc gia, trong đó có quản trị Tòa án đối với phòng, chống tham nhũng. Trước thách thức của kỷ nguyên kỹ thuật số, quản trị Tòa án ở Việt Nam cũng cần đổi mới nhằm đáp ứng yêu cầu thời đại đặt ra. Quản trị đặt ra kế hoạch, sự chỉ đạo, lãnh đạo và các chiến lược cho Tòa án và chỉ tập trung vào “bức tranh lớn”, bao gồm các hoạt động như lập kế hoạch, xây dựng chiến lược, kế hoạch của Tòa án; thiết lập cơ cấu tổ chức của Tòa án; quyết định các chính sách nhân sự đối với toàn bộ nhân viên Tòa án; xây dựng đề xuất và phân bổ ngân sách; quyết định các thỏa thuận hợp đồng với các nhà cung cấp, nhà thầu và nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài. Bài viết tập trung làm rõ những tác động và đưa ra một số kiến nghị nâng cao hiệu quả quản trị Tòa án trong kỷ nguyên công nghệ số ở Việt Nam.

  Với bài viết: “Triển khai nhiều giải pháp đột phá, đảm bảo tính khách quan, minh bạch, khoa học và chuyên nghiệp để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ công tác được giao”, tác giả Thái Chí Bình nêu quan điểm: Trong năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do có biến động về công tác cán bộ và đại dich Covid-19, nhưng với sự đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đột phá, Tòa án nhân dân huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu công tác. Bài viết phân tích bối cảnh thực hiện nhiệm vụ của Tòa án nhân dân huyện Chợ Mới; những kết quả nổi bật đã đạt được và đề ra phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

        Trong bài viết: “Tòa án nhân dân thành phố Hà Giang nỗ lực vượt khó, xứng danh đơn vị đón nhận cờ thi đua của Chính phủ”, tác giả Nguyễn Thị Thúy cho rằng: Năm 2021, cùng với khó khăn chung của hệ thống Tòa án cả nước, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác của Tòa án nhân dân thành phố Hà Giang cũng gặp nhiều trở ngại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Mặc dù có nhiều khó khăn về địa giới hành chính, về trình độ dân trí, về cơ sở vật chất, cũng như về con người, nhưng tập thể cán bộ, công chức, người lao động Tòa án nhân dân thành phố Hà Giang luôn xác định đẩy mạnh phát động và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua là động lực thúc đẩy mỗi công chức, người lao động hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của đơn vị, trọng tâm là công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án. Bài viết tập trung làm rõ những nhận định mà tác giả đưa ra.

            Với bài viết: “Hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII: Phần V- chế định lớn về các biện pháp cưỡng chế hình sự” , tác giả Lê Văn Cảm nêu quan điểm: Xuất phát từ luận điểm của sự cần thiết về "hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật" (trong đó có pháp luât hình sự theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bài viết đề cập đến việc nghiên cứu đối với chế định lớn về các biện pháp cưỡng chế hình sự trong pháp luật hình sự (gồm 02 chế định nhỏ là hình phạt và các biện pháp tư pháp hình sự), đưa ra sự so sánh giữa hình phạt với trách nhiệm hình sự theo 05 tiêu chỉ cơ bản, đồng thời trên cơ sở phân tích kỹ thuật lập pháp của chế định lớn được nghiên cứu đưa một số kiến giải lập pháp cụ thể trong Dự thảo Bộ luật Hình sự tương lai sau pháp điển hóa lần thứ tư nhằm tiếp tục hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam.

            Trong bài viết: “Thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính của Tòa án trước yêu cầu cải cách tư pháp”, tác giả Nguyễn Văn Nam nhận định: Trong quá trình nghiên cứu để xây dựng Tòa hành chính ở nước ta, việc xác định thẩm quyền của Tòa hành chính là vấn đề rất quan trọng và phức tạp. Quy định thẩm quyền nhằm đảm bảo cho Tòa hành chính hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, độc lập, khách quan, song, phải phù hợp với nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước, đặc điểm thực tế nền hành chính; truyền thống bộ máy nhà nước, truyền thống pháp lý của Việt Nam, đồng thời, đảm bảo tính đặc thù trong hoạt động xét xử hành chính. Việc xác định thẩm quyền của Tòa hành chính cũng phải căn cứ vào cơ cấu tổ chức, vị trí của nó trong hệ thống các cơ quan nhà nước. Mặt khác, vị trí, cơ cấu tổ chức có ý nghĩa quyết định phạm vi thẩm quyền của Tòa hành chính. Việc xác định thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính của Tòa án đóng vai trò quan trọng trước yêu cầu cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước hiện nay. Bài viết làm rõ những quy định của luật hiện hành về thẩm quyền giải quyết khiếu kiện hành chính của Tòa án, qua đó, đưa ra một số kiến nghị nhằm giải quyết một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật.

          Với bài viết: “Công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tố tụng”, tác giả Bùi Thị Huyền - Nguyễn Thị Hương cho rằng: Hòa giải là “hành vi thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc xích mích một cách ổn thỏa”. Xu thế phát triển pháp luật tố tụng dân sự trên thế giới hiện nay là tăng cường biện pháp giải quyết tranh chấp thay thế Tòa án (ADR). Công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án là một trong các loại việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo thủ tục giải quyết việc dân sự. Bên cạnh đó, ngày 16/6/2020, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021. Bài viết phân tích, đánh giá bản chất pháp lý của thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án và thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án, chỉ ra những hạn chế, bất cập và đề xuất kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

          Bài viết: “Quy định về chỗ ngồi của luật sư tại phiên tòa- một yếu tố bảo đảm thực thi nguyên tắc hiến định về tranh tụng”, tác giả Lưu Tiến Dũng nhận định: Nhằm xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều nỗ lực trong công cuộc cải cách tư pháp. Một trong những kết quả quan trọng đã đạt được trong quá trình triển khai thực hiện các nội dung cải cách tư pháp đó là quy định về chỗ ngồi của luật sư ngang hàng với Kiểm sát viên khi tham gia phiên tòa, đảm bảo đúng tinh thần nguyên tắc tranh tụng đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013. Bài viết phân tích, luận giải quy định về chỗ ngồi của luật sư theo nguyên tắc tranh tụng và đề xuất một số nội dung để nâng cao hiệu quả tranh tụng trong thời gian tới.

          Bài viết: “Bảo vệ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số- kinh nghiệm cho Việt Nam”, tác giả Nguyễn Xuân Quang - Trần Ngọc Tuấn cho rằng: Trong các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ được pháp luật điều chỉnh thì quyền tác giả được xem là nội dung thể hiện rõ nhất khi nghiên cứu về mối quan hệ giữa luật pháp và công nghệ. Pháp luật một số quốc gia trên thế giới đã và đang thực hiện các nỗ lực của mình để ngăn chặn, xử lý và khắc phục tình trạng trên bằng nhiều giải pháp khác nhau. Việt Nam cũng đang trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý và sửa đổi các quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ để bảo vệ tối ưu nhất quyền tác giả, đồng thời cân bằng và đảm bảo sự phát triển của các vấn đề xã hội trong môi trường kỹ thuật số. Bài viết trình bày các khía cạnh pháp lý của việc bảo vệ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số tại Việt Nam; các quy định có liên quan trong các công ước quốc tế. Trên cơ sở tham khảo pháp luật của Hoa Kỳ, bài viết chỉ ra những điểm nổi bật, những hạn chế của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan của Việt Nam và đề xuất giải pháp hoàn thiện.

            Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2021.

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ./

 

 

BTK