Tạp chí Tòa án nhân dân số 9 năm 2023

Tạp chí Tòa án nhân dân số 9, kỳ I tháng 5 năm 2023 xuất bản ngày 10 tháng 5 năm 2023.  Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 09 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 9, cụ thể như sau:

Bài viết “Thực tiễn xét xử các vụ án hình sự trong lĩnh vực giao thông đường bộ và một số vấn đề đặt ra” của tác giả Phạm Minh Tuyên và Hoàng Ngọc Anh phân tích, đánh giá thực tiễn xét xử các vụ án hình sự trong lĩnh vực giao thông đường bộ, chỉ ra những vướng mắc, bất cập qua thực tiễn xét xử, từ đó, có những kiến nghị nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật Hình sự đối với nhóm tội này.

Bài viết “Hoàn thiện pháp luật hình sự về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm ở Việt Nam đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay” của tác giả Phan Thị Thu Lê và tác giả Nguyễn Thị Thu Phương viết: “Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, thực tiễn hoạt động giải quyết vụ án hình sự về các tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm còn một số hạn chế, vướng mắc xuất phát từ quy định của pháp luật hình sự.”. Bài viết đánh giá tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm; nhận diện một số hạn chế, vướng mắc trong quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 ảnh hưởng tới công tác giải quyết các vụ án vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm và kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Bài viết “Bảo đảm quyền của người làm chứng trong tố tụng hình sự - những vấn đề cần hoàn thiện” của tác giả Trần Thảo nêu nhận định: “Kế thừa Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung và phát triển quy định về quyền của người làm chứng trong pháp luật tố tụng hình sự.”. Bài viết nghiên cứu những quy định về quyền của người làm chứng trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và vấn đề bảo đảm quyền của người làm chứng trong thực tiễn, từ đó đưa ra một số kiến nghị góp phần hoàn thiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự trong thời gian tới.

Bài viết “Khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tội hủy hoại tài sản”, tác giả Lê Thanh Nhãng nghiên cứu quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội hủy hoại tài sản; những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện pháp luật liên quan đến tội hủy hoại tài sản.

Bài viết “Luận bàn về hậu quả của việc đương sự rút yêu cầu tại phiên tòa sơ thẩm” của tác giả Huỳnh Quang Thuận – Nguyễn Thái Ngự Chiêu phân tích quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về việc đương sự rút yêu cầu tại phiên tòa sơ thẩm dựa trên thực tiễn xét xử thông qua một số tình huống, từ đó đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật về quyền khởi kiện lại và giải quyết tạm ứng án phí khi đương sự rút yêu cầu tại phiên tòa sơ thẩm.

Bài viết “Bàn về thủ tục tham gia vụ án hình sự với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự” của tác giả Lê Quốc Việt viết: “Thủ tục tham gia vụ án hình sự với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự trong vụ án hình sự hiện nay chưa được quy định đầy đủ gây nhiều khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức, cá nhân có liên quan.”. Bài viết phân tích những điểm bất cập, chưa đầy đủ của pháp luật liên quan đến thủ tục tham gia vụ án hình sự với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại, đương sự trong vụ án hình sự và đề xuất, kiến nghị hướng hoàn thiện quy định của pháp luật liên quan.

Bài viết “Một số vấn đề lý luận về phá sản doanh nghiệp” của tác giả Lê Văn Dũng viết: “Tại Việt Nam, “phá sản” là việc “chẳng đặng dừng”, hầu hết các thương nhân, các nhà quản lý kinh tế, thậm chí, các nhà làm luật… đều có tâm lý “dè dặt”, “e ngại” trong việc đưa doanh nghiệp vào diện phá sản”. Để có góc nhìn đúng về phá sản doanh nghiệp, bài viết phân tích các quy định của pháp luật về khái niệm phá sản doanh nghiệp, bản chất của phá sản doanh nghiệp, sự khác biệt giữa phá sản và giải thể doanh nghiệp; từ đó kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật phá sản doanh nghiệp.

Bài viết “Những trường hợp đương sự được loại trừ một phần nghĩa vụ chứng minh và những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015” của tác giả Vũ Hoàng Anh viết: “Trong tố tụng dân sự, kết quả của hoạt động chứng minh giữ vai trò quan trọng, là cơ sở để bảo đảm vụ việc dân sự được giải quyết khách quan và đúng đắn. Về logic, đương sự đưa ra yêu cầu hoặc phản đối yêu cầu có nghĩa vụ chứng minh yêu cầu hoặc phản đối yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, tuy nhiên, pháp luật tố tụng dân sự có quy định cho phép đương sự không phải thực hiện nghĩa vụ chứng minh trong một số trường hợp đặc biệt. Việc hiểu rõ những trường hợp này giúp người áp dụng pháp luật và người thực hiện pháp luật tiết kiệm được thời gian, công sức trong quá trình tham gia giải quyết vụ việc dân sự”. Bài viết tập trung nghiên cứu thực trạng quy định của pháp luật Việt Nam về những trường hợp đương sự được loại trừ một phần nghĩa vụ chứng minh và những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh, từ đó đưa ra những kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Bài viết “Nhận diện người lao động và người làm việc không có quan hệ lao động theo Bộ luật Lao động năm 2019” của tác giả Nguyễn Văn Tố Hữu có viết: “Người làm việc không có quan hệ lao động là một đối tượng chủ thể được ghi nhận trong Bộ luật Lao động năm 2019 bên cạnh người làm việc truyền thống là người lao động. Việc người làm việc không có quan hệ lao động xuất hiện trong pháp luật lao động là một điều tất yếu trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, đòi hỏi thị trường lao động ngày càng đa dạng, phức tạp”. Bài viết làm rõ, giải thích và nhận diện giữa người lao động và người làm việc không có quan hệ lao động cũng như đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện pháp luật lao động Việt Nam hiện nay.

          Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 9, kỳ I tháng 5 năm 2023.

* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

* Trên Tạp chí in (bắt đầu số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kế thêm mã QR trong trang mục lục, giúp bạn đọc dễ dàng truy cập các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng máy ảnh của điện thoại thông minh.

 

 

BTK