Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2020
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2020 xuất bản ngày 10 tháng 12 năm 2020. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 06 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, tìm hiểu từ xã hội.
Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin tóm tắt một số vấn đề cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:
Trong bài viết: “Bàn về nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm" của tác giả Vũ Ngọc Hà - Vũ Thúy Hòa nêu nhận định: Xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là nhiệm vụ quan trọng trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cùng với những kết quả tích cực của việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đang thực hiện bước chuyển hướng chiến lược, từ đặt trọng tâm vào xây dựng và hoàn thiện pháp luật, sang hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, tính liên thông, gắn kết mật thiết giữa công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật. Đánh giá một cách khái quát nhất, trong những năm qua, ở nước ta, hoạt động thi hành pháp luật đã có những tín hiệu tích cực hơn, nhưng thực tế cũng chỉ ra rằng, hiện vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế nhất định, rất cần được quan tâm xử lý sớm. Hiệu quả của việc thi hành pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là một ví dụ điển hình. Qua nghiên cứu, khảo sát nhiều nguồn tài liệu, chúng ta phải thừa nhận rằng, hệ thống các văn bản pháp luật về việc bảo tồn và bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm khá đồ sộ, ở nhiều cấp độ và mức độ khác nhau. Tuy nhiên, thực trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này, dù đã được ngăn chặn và xử lý, nhưng vẫn tồn tại tương đối nhiều. Trong bài viết này, các tác giả tập trung nghiên cứu để làm rõ một số nội dung cơ bản về thi hành pháp luật nói chung, đánh giá về thi hành pháp luật bảo vệ động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý hiếm nói riêng, từ đó, tìm ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về lĩnh vực đặc thù này trong thời gian tới.
Với bài viết:“Xác định di sản và phân chia di sản thừa kế trong Bộ luật Dân sự 2015 - một số vướng mắc, bất cập và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Quách Hữu Thái nêu quan điểm: Quyền để lại di sản thừa kế và quyền được hưởng di sản thừa kế của công dân được pháp luật ghi nhận và bảo hộ. Thể chế hóa quy định nói trên của Hiến pháp năm 2013, Bộ Luật Dân sự năm 2015 tiếp tục ghi nhận chế định thừa kế trong phần thứ tư (từ Điều 609 đến Điều 662). So sánh với Bộ luật Dân sự năm 2005 thì Bộ luật Dân sự năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung nội dung chế định thừa kế, đảm bảo sự phù hợp, tương thích và tính tiệm cận hơn với các yêu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các quy định về thừa kế trong Bộ luật Dân sự năm 2015 vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, tạo ra nhiều cách hiểu khác nhau, do đó, cần thiết phải có hướng dẫn hoặc sửa đổi cho phù hợp. Trong phạm vi bài viết này, thông qua thực tiễn xét xử, tác giả chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc trong Bộ luật Dân sự năm 2015 khi giải quyết các vụ án về chia thừa kế, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị hoàn thiện cụ thể.
Trong bài viết: “Luận bàn về một số trường hợp giải quyết quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với người thứ ba khi ly hôn”, tác giả Nguyễn Thị Thu Trang nêu nhận định: Trong các vụ án ly hôn, thông thường sẽ có ba vấn đề được các bên đưa ra để yêu cầu Tòa án giải quyết, đó là quan hệ hôn nhân của vợ chồng, vấn đề con chung và tài sản chung. Đối với việc giải quyết tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, trong một số trường hợp sẽ làm phát sinh quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba. Thực tiễn xét xử cho thấy, thông thường có bốn vấn đề thường gặp là: quyền về tài sản của vợ chồng trong trường hợp sống chung với gia đình; xác định tài sản của vợ, chồng khi đưa vào kinh doanh; nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình và nghĩa vụ phát sinh từ việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng. Trong nội dung bài viết, tác giả đi sâu vào phân tích một số vấn đề pháp lý đặt ra đối với việc xác định quyền, nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng với người thứ ba khi ly hôn; từ đó chỉ ra một số vướng mắc, bất cập và đưa ra đề xuất, kiến nghị cụ thể.
Trên chuyên mục Trao đổi ý kiến, Tạp chí TAND giới thiệu tới bạn đọc một số các quan điểm trao đổi về “Về bài viết: “lê văn c có phạm tội “cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh”?”. Đây là một vấn đề pháp lý cụ thể còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau về cách định tội danh trong trường hợp cụ thể được đưa ra trong tình hướng giả thiết. Qua việc tranh luân, đưa quan điểm giải quyết sẽ giúp bạn đọc có cách hiểu chính xác và thống nhất hơn trong quá trình áp dụng pháp luật.
Trong bài viết: “So sánh mô hình chế định hình phạt của Anh và Việt Nam”, của tác giả Nguyễn Thị Thùy Linh- Lê Thị Hồng Xuân nêu nhận định: Trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, hệ thống hình phạt được sắp xếp theo trật tự nhất định, tùy thuộc vào tính chất, mức độ nghiêm khắc của mỗi loại hình phạt. Bài viết so sánh các quy định về hình phạt trong pháp luật hình sự Việt Nam và Vương quốc Anh, chỉ ra những nét tương đồng và khác biệt trong quan niệm về hình phạt và hệ thống hình phạt của hai nước, từ đó, đưa ra kiến nghị hoàn thiện chế định hình phạt trong pháp luật hình sự Việt Nam.
Trên Tạp chí Tòa án nhân dân số này, chúng tôi tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc phần nội dung tiếp theo của bài viết: “ Bảo vệ người bị hại trong quá trình xét xử vụ án về mua bán người”, của tác giả Phạm Minh Tuyên. Trong phần này, tác giả tiếp tục phân tích các quy định về bảo vệ người bị hại sau khi xét xử và chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong công tác bảo vệ người bị hại trong các vụ án mua bán người; từ đó đưa ra kiến nghị cụ thể.
Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2020!
*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 xuất bản ngày 10 tháng 10 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao