Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2020
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2020 xuất bản ngày 20 tháng 12 năm 2020. Đây là ấn phẩm đặc biệt chào mừng Hội nghị triển khai công tác Tòa án nhân dân năm 2021. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 8 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, tìm hiểu từ xã hội.
Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin tóm tắt một số vấn đề cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:
Trên chuyên mục Xây dựng Hệ thống Tòa án nhân dân, với bài viết: “Tòa án nhân nhân các cấp ra sức phấn đấu phụng sụ Tổ quốc, bảo vệ công lý ", tác giả Nguyễn Hòa Bình - Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nhận định: Trải qua 75 năm xây dựng và trưởng thành, hệ thống Tòa án nhân dân đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Hiến pháp và pháp luật quy định. Chất lượng, kết quả công tác xét xử ngày càng được nâng lên, góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; góp phần tạo môi trường lành mạnh, ổn định cho sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Năm 2020 là một năm đặt ra nhiều khó khăn, thách thức với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội cả nước nói chung và việc triển khai các nhiệm vụ chính trị của hệ thống Tòa án nhân dân nói riêng, đặc biệt là sự ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, với tinh thần, ý chí quyết tâm cao, phát huy truyền thống vẻ vang 75 năm xây dựng và trưởng thành, hệ thống Tòa án nhân dân đã nỗ lực vươn lên, khắc phục những khó khăn, trở ngại, tiếp tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó.
Đây là công trình nghiên cứu khoa học công phu với những đánh giá về vai trò của hệ thống Tòa án nhân dân - cơ quan thực hiện quyền tư pháp; về những kết quả công tác cơ bản năm 2020 mà hệ thống Tòa án nhân dân đạt được; từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể để triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác năm 2021 để hệ thống Tòa án nhân dân xứng đáng là biểu tượng của công lý, nỗ lực hoàn thành thắng lợi mục tiêu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Với bài viết:“ Miễn trách nhiệm hình sự theo pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành và định hướng tiếp tục hoàn thiện”, tác giả Lê Cảm nêu quan điểm: Trong giai đoạn xây dựng Nhà nước pháp quyền và cải cách tư pháp ở Việt Nam hiện nay, việc nghiên cứu những vấn đề lý luận về miễn trách nhiệm hình sự có ý nghĩa quan trọng trên các bình diện: lập pháp, khoa học và thực tiễn.
Trên Tạp chí số này, chúng tôi xin giới thiệu tới bạn đọc phần đầu của bài viết với các nội dung cơ bản gồm: ý nghĩa của việc nghiên cứu về miễn trách nhiệm hình sự, nhận thức khoa học về miễn trách nhiệm hình sự và nội hàm của bảy dạng miễn trách nhiệm hình sự trong phần những quy định chung Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015.
Nội dung tiếp theo của bài viết sẽ được đăng tải trên Tạp chí số tiếp theo; kính mời độc giả cùng đón đọc.
Trong bài viết: “Pháp luật về hợp đồng mua bán căn hộ chung cư”, tác giả Nguyễn Xuân Quang - Trần Ngọc Tuấn nhận định: Ngày nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, do đó nhu cầu về chỗ ở ngày một tăng, đặc biệt là ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, đất đai tại các khu vực thành phố về cơ bản ngày càng bị thu hẹp do dân số đông, đồng thời, giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất tăng cao là một trong những khó khăn để người dân tiếp cận về nhà ở, đất ở. Vì vậy, các khu nhà chung cư, căn hộ chung cư ra đời như một giải pháp cơ bản, thiết thực để giải quyết vấn đề đó khi mà quỹ đất không thể tăng lên.
Với sự phát triển nhanh chóng và nhu cầu của loại hình nhà chung cư, pháp luật có những quy định chặt chẽ để kiểm soát hoạt động này nhằm đảm bảo an ninh, chất lượng căn hộ, bảo vệ chính chủ thể tham gia mua bán, chuyển nhượng. Trong đó hành lang pháp lý cho việc mua bán, chuyển nhượng nhà chung cư đã được thiết lập, tuy nhiên, trên thực tế, các quy định này vẫn còn nhiều bất cập dẫn đến sự “lách luật” của chủ đầu tư từ đó xuất hiện những rủi ro cho người mua.
Như vậy hợp đồng mua bán căn hộ chung cư là một loại hợp đồng thông dụng, vì vậy nó thỏa mãn những yếu tố chung của hợp đồng là “nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ trong việc chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền chiếm hữu, sử dụng tài sản”. Sự thỏa thuận này là tự nguyện và không vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự.
Trong nội dung bài viết này, các tác giả tập trung phân tích về hợp đồng mua bán căn hộ chung cư và qua thực tiễn việc giao kết thực hiện các hợp đồng mua bán căn hộ chung cư và các quy định pháp luật một số quốc gia về hợp đồng mua bán căn hộ chung cư.
Với bài viết: Bàn về tội “thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn” quy định trong Bộ luật Hình sự năm 2015”, tác giả Ngô Văn Vịnh nêu quan điểm: Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp được quy định từ Điều 367 đến Điều 391, Chương XXIV Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). So với các tội xâm phạm hoạt động tư pháp quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), nhiều quy định về nhóm tội này đã có sự sửa đổi, bổ sung để phù hợp hơn với các quy định mới trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, các đạo luật khác có liên quan và thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích những điểm mới trong các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội thiếu trách nhiệm để người bị bắt, người bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù trốn, đồng thời, làm rõ những hạn chế, bất cập trong các quy định này; từ đó, đưa ra những kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện tội danh này trong thời gian tới.
Với bài viết:“ Một số vướng mắc, bất cập khi thi hành Luật Phá sản năm 2014 và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Ngô Hương Ly - Vũ Xuân Hùng nhận định: Ngày nay, với sự phát triển của các thành phần kinh tế trong nền kinh tế thị trường đã góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, một hiện thực tất yếu xảy ra là số lượng các doanh nghiệp, hợp tác xã làm ăn thua lỗ, dẫn đến phá sản diễn ra ngày càng nhiều. Để điều tiết sự phát triển của nền kinh tế vĩ mô, ngoài việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chính sách kinh tế phù hợp, hiện đại thì không thể bỏ qua việc ban hành các cơ chế để "xử lý" đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tinh trạng phá sản, bởi, điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chính các doanh nghiệp, hợp tác xã đó mà còn ảnh hưởng đến các bên có liên quan như: chủ nợ, người lao động, cơ quan thuế, cơ quan bảo hiểm.
Thực tiễn áp dụng các quy định của Luật Phá sản năm 2014 cho thấy, với những quy định khá tiến bộ và tiệm cận hơn với các quan hệ trong đời sống dân sự, Luật Phá sản năm 2014 đã góp phần tạo ra môi trường pháp lý bình đẳng, lành mạnh, tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp cùng phát triển. Tuy nhiên, qua hơn 05 năm triển khai thi hành, Luật Phá sản năm 2014 vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, bất cập, khiến cho việc hiểu và áp dụng chưa thống nhất, đòi hỏi cần tiếp tục được nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện.
Trong phạm vi bài viết này, các tác giả tập trung phân tích những vướng mắc, khó khăn trong việc áp dụng một số quy định của Luật Phá sản năm 2014 vào thực tiễn; từ đó đưa ra những kiến nghị cụ thể.
Trong bài viết: “Định khung hình phạt và quyết định việc bồi thường thiệt hại đối với các tội xâm phạm sở hữu khi không còn tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, tác giả Nguyễn Mai Bộ và Vũ Quỳnh Mai nêu nhận định: Tội phạm, theo quy định của Bộ luật Hình sự là hành vi nguy hiểm cho xã hội, được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật Hình sự phải bị xử lý hình sự. Tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, thể hiện ở việc, hành vi đó gây thiệt hại cho xã hội hoặc tạo ra khả năng gây ra các thiệt hại cho các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Như vậy, thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra luôn là một thuộc tính của tội phạm và bao gồm: thiệt hại vật chất; thiệt hại phi vật chất.
Trong nội dung bài viết này, các tác giả tập trung phân tích về việc bỏ các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” ở các tội xâm phạm sở hữu của Bộ luật Hình sự năm 2015, Về việc quyết định bồi thường thiệt hại trong giải quyết các vụ án xâm phạm sở hữu.
Với bài viết: “Tội chống người thi hành công vụ quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 – một số vướng mắc, bất cập và kiến nghị hoàn thiện”, của Nguyễn Văn Tuấn có nêu nhận định: Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 với nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng so với Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 đã khắc phục được nhiều hạn chế, bất cập trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ công bằng, bảo đảm công lý. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của các quan hệ xã hội trong nền kinh tế thị trường, thì tình hình tội phạm cũng diễn ra ngày càng phức tạp với số lượng các vụ án tăng nhanh chóng, tính chất ngày càng phức tạp, trong đó, phải kể đến các tội phạm chống người thi hành công vụ.. .Nghiên cứu các quy định về tội chống người thi hành công vụ thì thấy, Bộ luật Hình sựnăm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng, giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử đối với loại tội phạm này được thuận lợi, dễ dàng hơn, so với quy định tại Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, những quy định về tội chống người thi hành công vụ vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập, do đó, chưa thực sự phát huy được hiệu quả trong thực tiễn. Bài viết này, tác giả tập trung phân tích một số nội dung cơ bản của tội chống người thi hành công vụ quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015, từ đó, chỉ ra những hạn chế, bất cập và đưa ra kiến nghị hoàn thiện.
Trong bài viết: “Quan hệ tín thác trong pháp luật của một số quốc gia và gợi ý cho Việt Nam”, tác giả Lê Vũ Nam- Lê Bích Thủy cho rằng: Chế định “tín thác” hay “quản lý tài sản ủy thác” (Trust) được xem là một trong những thành tựu nổi bật của pháp luật Anh - Mỹ và được áp dụng phổ biến từ rất lâu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Chế định này được áp dụng rộng rãi, điều chỉnh hiệu quả các mối quan hệ tài sản trong xã hội của các nước áp dụng và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống người dân tại các quốc gia này. Tín thác thường được áp dụng trong nhiều lĩnh vực như đầu tư tài chính, giao dịch bảo đảm, quản lý tài sản cá nhân, thừa kế. Việc thành lập quỹ tín thác gia đình để chăm lo lợi ích của các thế hệ sau, hay việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho người khác, để người này quản lý và giúp người chuyển quyền được hưởng lợi tối ưu từ tài sản ngay khi còn sống, cũng được thực hiện khá thường xuyên.
Tại Việt Nam, một số quy định pháp luật điều chỉnh các quan hệ về tài sản có những tính chất tương tự với tín thác như chế định giám hộ, chế định ủy quyền, ngân hàng nhận ủy thác, quy định về cử đại diện nhận tài sản bảo đảm nằm rải rác trong các quy định của pháp luật dân sự, ngân hàng, chứng khoán… Mặc dù Bộ luật Dân sự năm 2015 đã ghi nhận quyền khác đối với tài sản, cũng như bước đầu ghi nhận trái quyền nhưng cũng chỉ liệt kê quyền hưởng dụng và quyền đối với bất động sản liền kề trong nhóm này. Việc Bộ luật Dân sự cũng như các văn bản pháp luật khác chưa đề cập hoặc chưa thừa nhận khái niệm “tín thác” khiến nhiều nhu cầu trong thực tế xã hội chưa được đáp ứng. Trong phạm vi bài viết này, tác giả nghiên cứu, tìm hiểu về chế định tín thác hay quản lý tài sản ủy thác trong hệ thống thông luật, điển hình là luật Anh - Mỹ, cũng như trong hệ thống pháp luật của một số quốc gia khác có đặc điểm pháp lý tương tự Việt Nam và nêu ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình hoàn thiện pháp luật.
Đồng thời, trên Tạp chí số này, chúng tôi xin gửi tới bạn đọc Tổng mục lục các bài viết đăng tải trên 24 số Tạp chí năm 2020 để bạn đọc tiện tra cứu, tìm đọc.
Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2020!
*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 xuất bản ngày 10 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”