Thời gian tố cáo tại cơ quan điều tra có tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự hay không?

Chỉ khi hết thời hiệu khởi kiện và có đương sự yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án thì Tòa án mới căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS để quyết định đình chỉ giải vụ án.

Theo quy định tại Điều 149 Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) thì thời hiệu khởi kiện là “Thời hạn mà chủ thể được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp”.  Hết thời hiệu khởi kiện chủ thể có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm sẽ mất quyền khởi kiện theo quy định của pháp luật, không được pháp luật bảo vệ; bên có nghĩa vụ không bị cưỡng chế bắt buộc thực hiện nghĩa vụ. Đồng thời, theo khoản 2 Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS): “Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc”. Như vậy, chỉ khi hết thời hiệu khởi kiện và có đương sự yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án thì Tòa án mới căn cứ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 217 BLTTDS để quyết định đình chỉ giải vụ án. Đây là quy định mới về thời hiệu khởi kiện, phù hợp với nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Do đó, Tòa án không được tự ý viện dẫn lý do đã hết thời hiệu khởi kiện để đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.  Việc xác định đúng thời hiệu khởi kiện có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm đảm bảo việc giải quyết tranh chấp được chính xác và đúng pháp luật. Tác giả xin dẫn chiếu vụ án sau để làm rõ nội dung nêu trên.

1. Nội dung vụ án

Vợ chồng ông Nguyễn Văn T là chủ sử dụng diện tích đất 55.000m2  tọa lạc tại tỉnh B. Tháng 10/2007, ông T chuyển nhượng cho bà D diện tích đất nêu trên với giá 9,5 tỷ đồng, bà D đã đặt cọc cho ông T số tiền 2,9 tỷ đồng. Sau đó, ngày 07/4/2009 ông T và bà D lập Hợp đồng chuyển nhượng lại diện tích đất trên cho ông G. Ngay sau khi ký Hợp đồng chuyển nhượng, ông G đã trả cho bà D số tiền 2,9 tỷ đồng. Tại thời điểm ký Hợp đồng chuyển nhượng thì ông T chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ). Do đất các bên chuyển nhượng cho nhau chưa được cấp GCN QSDĐ nên ngày 11/6/2009 ông T và chị Nguyễn Thị K (con của ông T) lập Hợp đồng ủy quyền số 388 và số 390, theo đó ủy quyền cho ông G liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để được cấp GCN QSDĐ và khi GCN QSDĐ đứng tên ông T và chị K thì ông G “có quyền cho thuê, tặng cho, góp vốn, thế chấp, chuyển nhượng” đối với diện tích đất nêu trên. Các Hợp đồng ủy quyền này được lập và công chứng tại Phòng Công chứng số 3, tỉnh B.

Sau khi ký Hợp đồng ủy quyền, ông G đã giao cho ông T và chị K số tiền 6,5 tỷ đồng và ông T và chị K đã giao quyền sử dụng đất cho ông G. Ngày 15/8/2013 ông T và chị K đã được cấp GCN QSDĐ với tổng diện tích là 40.813,5m2 (trong đó ông T đứng tên diện tích đất 8.534,3m2 và 8.435,4m2; chị K đứng tên diện tích đất 23.843,8m2). Căn cứ Hợp đồng ủy quyền, ông G đã lập Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho con là chị L.

Ngày 02/02/2016, ông T có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy Hợp đồng ủy quyền nêu trên do bị lừa dối và hủy các GCN QSDĐ mang tên chị L.

Trong quá trình tranh chấp Hợp đồng ủy quyền, ông H (con của ông T) có đơn tố cáo ông G tại cơ quan Công an và VKSND về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 30/01/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra có Công văn số 46 và tại Công văn số 250 ngày 19/3/2015 của VKSND trả lời kết quả giải quyết đơn tố cáo cho ông H với nội dung không khởi tố vụ án do tranh chấp giữa các bên là tranh chấp dân sự. Ngày 24/02/2017 ông G có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu khởi kiện của ông T.

Tại Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự sơ thẩm số 27/2017/QĐST-DS ngày 29/9/2017, TAND tỉnh B quyết định: Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự về tranh chấp hợp đồng ủy quyền. Hậu quả của việc đình chỉ: Nguyên dơn không có quyền khởi kiện yêu cầu  Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp.

Tại Quyết định giải quyết việc kháng cáo đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, TANDCC tại thành phố H quyết định: Hủy toàn bộ quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và chuyển hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh B tiếp tục giải quyết vụ án.

2. Đánh giá về vụ án

Đối với vụ án nêu trên, tác giả có quan điểm như sau:

Ngày 07/4/2009 ông T lập Hợp đồng chuyển nhượng diện tích đất 55.000m2  cho ông G. Ngày 11/6/2009 ông T và chị K lập Hợp đồng ủy quyền số 388 và số 390 được công chứng theo quy định của pháp luật. Như vậy, việc lập Hợp đồng ủy quyền định đoạt quyền sử dụng đất giữa ông T và chị K với ông G là sau khi các bên đã ký Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Do đó, có cơ sở xác định ý chí của ông T và chị K ủy quyền cho ông G được quyền “cho thuê, tặng cho, góp vốn, thế chấp, chuyển nhượng” đối với diện tích 55.000m2 chính là để thực hiện Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 07/4/2009 giữa hai bên. Mặc dù khi ông T với ông G lập Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 07/4/2009 thì đất chưa được cấp GCN QSDĐ nhưng sau đó ngày 15/8/2013 ông T và chị K đã được cấp GCN QSDĐ, với tổng diện tích là 40.813,5m2 . Thực tế, bên nhận chuyển nhượng đã trả đủ tiền, bên chuyển nhượng đã giao đất.

Sau khi ông T và chị K đứng tên GCN QSDĐ, căn cứ vào nội dung của Hợp đồng ủy quyền ngày 11/6/2009, ông G đã lập Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất cho con là chị L là đúng nội dung đã ủy quyền. Như vậy, việc ký Hợp đồng ủy quyền giữa hai bên là hợp pháp và Hợp đồng chuyển nhượng đã hoàn thành. Đồng thời, các bên không tranh chấp về Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nên việc ông T khởi kiện cho rằng khi ký Hợp đồng ủy quyền ngày 11/6/2009 ông G đã lừa dối về nội dung ủy quyền là “Sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất nêu trên, bên B được quyền cho thuê, tặng cho, góp vốn, thế chấp, chuyển nhượng” là không có cơ sở chấp nhận. Ngoài ra, ông T cũng không có chứng cứ khác để chứng minh việc ông G lừa dối khi ký Hợp đồng ủy quyền.

Về tố tụng: Ngày 02/02/2016, ông T có đơn khởi kiện; ngày 24/02/2017 ông G có đơn yêu cầu Tòa án áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với yêu cầu khởi kiện của ông T. Theo quy định tại Điều 132 BLDS năm 2005 về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa và khoản 1 Điều 136 BLDS năm 2005 thì thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này là hai năm, kể từ ngày giao dịch được xác lập. Như vậy, ông T, chị K và ông G lập Hợp đồng ủy quyền ngày 11/6/2009 nhưng đến ngày 02/02/2016 mới khởi kiện yêu cầu tuyên bố Hợp đồng ủy quyền vô hiệu do bị lừa dối là đã hết thời hiệu khởi kiện. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng thời hiệu khởi kiện và đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm e, khoản 1 Điều 217 BLTTDS là có căn cứ, đúng pháp luật.

Trong quá trình tranh chấp Hợp đồng ủy quyền, ông H có đơn tố cáo ông G. Tác giả thấy rằng, việc ông T khởi kiện vụ án dân sự đối với ông G và việc ông H tố cáo ông G có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hai việc khác nhau và được giải quyết theo các thủ tục tố tụng khác nhau. Việc ông H tố cáo ông G tại Cơ quan điều tra không phải là trở ngại khách quan làm cho ông T không thể khởi kiện vụ án dân sự đối với ông G tại Tòa án trong phạm vi thời hiệu do không thuộc các trường họp quy định tại Điều 161 BLDS về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự. Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng, thời hiệu khởi kiện của ông T phải được tính từ ngày các cơ quan nêu trên tống đạt thông báo kết quả giải quyết đơn tố cáo cho ông H, từ đó xác định, ngày 02/02/2016 ông T khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết là còn trong thời hiệu khởi kiện và hủy Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để giải quyết lại vụ án là không đúng quy định tại Điều 132 và khoản 1 Điều 136 BLDS năm 2005.

Trên đây là ý kiến của tác giả, rất mong nhận được trao đổi của đồng nghiệp và bạn đọc.

 

Cánh đồng trồng hành ở An Giang - Ảnh minh họa của Thái Vũ

 

Luật gia CHU THANH TÙNG