Thời hạn phải chấp 17 năm 6 tháng tù của phạm nhân Q là đúng
Sau khi nghiên cứu bài viết “Xác định thời hạn tù còn phải chấp hành của phạm nhân bị xử phạt tù chung thân được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù” của tác giả Nguyễn Hồng Thắm, đăng ngày 21/01/2022 tôi cho rằng kháng nghị của VKSND tỉnh K là có cơ sở, đúng pháp luật.
Qua tình huống pháp lý mà tác giả đã nêu tôi có ý kiến đồng tình với kháng nghị của Viện kiểm sát với lý do đúng như một phần phân tích ở quan điểm thứ nhất, cụ thể: “Tính đến ngày Tòa án mở phiên họp xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, phạm nhân đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù còn 30 năm, phạm nhân đã chấp hành thực tế được 12 năm 6 tháng nên thời hạn tù còn phải chấp hành là 17 năm 6 tháng”, là hoàn toàn đúng với các quy định của pháp luật. Do vậy, theo quan điểm của tôi quan điểm của tác giả đưa ra là chưa phù hợp.
Bởi các lý do sau:
Thứ nhất, quy định của pháp luật
Một là, về điều kiện xét giảm: Theo quy định tại ý 2 và 3 khoản 1 Điều 58 BLHS năm 1999 thì: “Người bị kết án phạt tù, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định và có nhiều tiến bộ, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án phạt tù, Toà án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù từ ba mươi năm trở xuống, mười hai năm đối với tù chung thân.” Và đến BLHS năm 2015 thì tại khoản 1 Điều 63 BLHS năm 2015: “1. Người bị kết án cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn hoặc phạt tù chung thân, nếu đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định, có nhiều tiến bộ và đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự, thì theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền, Tòa án có thể quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt. Thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là một phần ba thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù có thời hạn, 12 năm đối với tù chung thân.”.
Như vậy, giữa khoản 1 Điều 58 BLHS năm 1999 và khoản 1 Điều 63 BLHS năm 2021 chỉ có điểm khác nhau đó là ngoài các tiêu chí: (1), đã chấp hành hình phạt được một thời gian nhất định; (2), có nhiều tiến bộ; thì BLHS năm 2015 đặt ra phạm nhân phải có thêm tiêu chí (3), đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự.
Hai là, về mức xét giảm: Đối với người bị kết án chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải đảm bảo thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm (khoản 3 Điều 58 BLHS năm 1999); còn đến BLHS năm 2015 thì được chỉ ra 3 trường hợp: Trường hợp 1: Người bị kết tù chung thân, lần đầu được giảm xuống 30 năm tù và dù được giảm nhiều lần cũng phải đảm bảo thực tế chấp hành hình phạt là 20 năm (ý 2 khoản 2 Điều 63 BLHS); trường hợp 2: Người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì Tòa án chỉ xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù sau khi đã chấp hành được 15 năm tù và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành là 25 năm (khoản 3 Điều 63 BLHS) và trường hợp 3: Người bị kết án tử hình được ân giảm hoặc người bị kết án tử hình thuộc trường hợp quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 3 Điều 40 của Bộ luật này thì thời gian đã chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu là 25 năm và dù được giảm nhiều lần nhưng vẫn phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 30 năm (khoản 6 Điều 63 BLHS).
Ba là, thời gian còn phải chấp hành sau khi được giảm: Thời gian còn phải chấp hành sau khi được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt đã tuyên nói chung và đối với người bị phạt tù chung thân nói riêng cho chúng ta thấy về nguyên tắc thời gian đã chấp hành án phạt tù để được tính xét giảm lần đầu đó là tính kể thời điểm người đó bị tạm giữ, tạm giam và thực tế chấp hành án tại cơ sở giam giữ và sau khi người đó được giảm với mức giảm cụ thể thì hiện nay Tòa án phải tính toán cụ thể người bị kết án còn phải chấp hành án theo mẫu số 5 – THAHS (ban hành kèm Thông tư liên tịch số 02/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 12/8/2021 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quy định quan hệ phối hợp trong thực hiện trình tự, thủ tục tạm đình chỉ và giảm thời hạn chấp hành án phạt tù); Tù chung thân là hình phạt tù không thời hạn tuy nhiên khi người bị kết án đã được giảm xuống 30 năm tù thì đây được xem là tù có thời hạn. Mặc dù, theo quy định tại Điều 38 BLHS thì tù có thời hạn đối với người phạm một tội có mức tối thiểu là 03 tháng và mức tối đa là 20 năm; còn mức phạt tù 30 năm chỉ đặt ra khi một người phạm nhiều tội (điểm a khoản 1 Điều 55 BLHS). Do vậy, khi người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống 30 năm tù thì đây được xác định là mức án mà người bị kết án phải chấp hành và theo ý 3 khoản 1 chấp hành hành hình phạt tù, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 01 ngày tù.
Thứ hai, trở lại tình huống pháp lý mà tác giả nêu phạm nhân Lê Văn Q bị kết án tù chung thân, đủ điều kiện, tiêu chuẩn xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đợt 2/9/2021, thời gian đã chấp hành án của phạm nhân Q đến ngày Tòa án mở phiên họp xem xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù là 12 năm 6 tháng. Tòa án tỉnh K đã chấp nhận đề nghị của Trại giam A, và xác định “Thời hạn chấp hành án phạt tù được giảm là tù chung thân giảm xuống 30 năm tù” là đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên Tòa án xác định sai thời hạn tù Lê Văn Q còn phải chấp hành là 30 năm tù mà trong trường hợp Tòa án phải xác định thời hạn tù Lê Văn Q còn phải chấp hành là 17 năm 06 tháng mới đúng. Do vậy, kháng nghị của VKSND tỉnh K là có cơ sở, đúng pháp luật.
Bởi lẽ như tôi đã phân tích ở trên thời hạn tạm giữ, tạm giam và thời gian thực tế chấp hành án của phạm nhân Lê Văn Q tại Trại giam phải được trừ vào thời hạn chấp hành án phạt tù được xác định sau khi được giảm xuống 30 năm tù. Ở đây, mức phạt tù được xác định là 30 năm tù đối với phạm nhận Lê Văn Q phải chấp hành và thực tế phạm nhân đã tạm giữ, tạm giam và chấp hành án được 12 năm 06 tháng. Do đó, thời gian còn lại phải chấp hành của phạm nhân sẽ là kết quả của (30 năm – 12 năm 06 tháng) = 17 năm 06 tháng và đây chính là thời gian còn phải chấp hành án của phạm nhân Lê Văn Q sau khi đã được chấp nhận xét giảm lần đầu xuống 30 năm tù.
Trên đây là quan điểm của tôi đối với bài viết “Xác định thời hạn tù còn phải chấp hành của phạm nhân bị xử phạt tù chung thân được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù" xin được trao đổi với tác giả và quý bạn đọc./.
Trại tạm giam Công an tỉnh Điện Biên tuyên truyền pháp luật về giáo dục, cải tạo đến các phạm nhân - Ảnh: Thu Hằng
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận