Thụ lý, giải quyết tranh chấp xác định không phải cha con như thế nào mới đúng luật?

Sau một thời gian cấp dưỡng nuôi con theo bản án ly hôn, xét nghiệm ADN thấy cháu A không phải là con ruột của mình, nên anh K yêu cầu Tòa án tuyên chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng đối với cháu A.

1. Tình huống pháp lý

Do quen biết, được sự đồng ý của gia đình hai bên nên anh Nguyễn Duy K và chị Hồ Thủy V tiến tới hôn nhân và có đăng ký kết hôn vào năm 2018. Trong thời kỳ hôn nhân thì chị V có sinh cháu Nguyễn Hồ Minh A vào năm 2019. Tuy nhiên, do cuộc sống hôn nhân giữa hai bên có nhiều mâu thuẫn nên vào năm 2022, chị V đã nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn và chị V yêu cầu được nuôi con chung, yêu cầu anh K cấp dưỡng nuôi con chung mỗi tháng 1.500.000 đồng.

Trong quá trình giải quyết vụ án thì hai bên đương sự cùng thuận tình ly hôn và thỏa thuận được các vấn đề của vụ án nên TAND huyện C, tỉnh T đã ban hành Quyết định Công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận của các đương sự số 96/2022/QĐST-HNGĐ ngày 16/3/2022. Theo đó, Quyết định đã công nhận thuận tình ly hôn giữa chị V và anh K; giao con chung là cháu A cho chị V nuôi dưỡng và anh K phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung hàng tháng là 1.500.000 đồng, kể từ ngày quyết định có hiệu lực cho đến khi con chung trưởng thành và tự lập được.

Từ tháng 3 năm 2022 cho đến tháng 9 năm 2022, anh K đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng đúng theo quy định. Tuy nhiên, đến tháng 10 năm 2022, anh K nghi ngờ cháu A không phải là con ruột của mình nên đã phối hợp với cô giáo đang giữ cháu A lấy mẫu theo hướng dẫn của Bệnh viện để gửi đi xét nghiệm ADN.

Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy cháu A không phải là con ruột của anh K nên anh K đã nộp đơn khởi kiện đối với chị V tại TAND huyện C, tỉnh T, để yêu cầu xác định anh K không phải là cha ruột của cháu A, yêu cầu Tòa án tuyên chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng của anh K đối với cháu A.

2. Quan điểm về giải quyết vụ án

Quan điểm thứ nhất: Sau khi thụ lý vụ án tranh chấp về việc xác định không phải cha con và yêu cầu chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng giữa anh K và chị V, Tòa án đã hướng dẫn anh K yêu cầu Tòa án ra quyết định trưng cầu giám định lại và kết quả giám định ADN này cũng tương tự như kết quả giám định do anh K tự yêu cầu giám định tại Bệnh viện.

Kế tiếp, Tòa án đã tiến hành mở phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì các đương sự thỏa thuận thống nhất xác định cháu A không phải là con của anh K, các bên đồng ý chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng của anh K đối với cháu A. Trong quá trình giải quyết vụ án, chị V không đồng ý khai họ tên cha ruột của cháu A vì sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình của cha ruột cháu A (cha ruột của cháu A đã có gia đình và có 02 con); chị V cũng cho rằng đây là bí mật cá nhân và quyền riêng tư của chị V nên đề nghị không trình bày nội dung này tại phiên hòa giải.

Trên cơ sở tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự và các quy định của pháp luật về hòa giải, Tòa án đã ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự số 99/QĐST-HNGĐ ngày 20/02/2023 theo các nội dung mà các đương sự đã thỏa thuận.

Quan điểm thứ hai: Việc Tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp nêu trên và ban hành quyết định Công nhận sự thỏa thuận của đương sự theo quyết định số 99/QĐST-HNGĐ ngày 20/02/2023 là không phù hợp. Bởi lẽ, hiện tại đang có hai quyết định có hiệu lực song song của cùng một cấp Tòa án nhưng lại có nội dung trái ngược nhau, Quyết định số 96/2022/QĐST-HNGĐ ngày 16/3/2022 thì kết luận cháu A là con của anh K, còn Quyết định số 99/QĐST-HNGĐ ngày 20/02/2023 thì kết luận cháu A không phải là con của anh K.

Đáng lẽ ra, TAND huyện C phải hướng dẫn anh K theo hướng anh K làm đơn yêu cầu TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh xem xét theo thủ tục tái thẩm đối với Quyết định số 96/2022/QĐST-HNGĐ ngày 16/3/2022 do có tình tiết mới là kết quả giám định ADN làm thay đổi cơ bản nội dung của Quyết định số 96/2022/QĐST-HNGĐ ngày 16/3/2022 về phần con chung.

Khi đó, TANDCC tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành các thủ tục theo quy định để quyết định sửa một phần Quyết định số 96/2022/QĐST-HNGĐ ngày 16/3/2022 về phần con chung.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả, rất mong quí đồng nghiệp và bạn đọc trao đổi, góp ý!

 

 Phiên toà rút kinh nghiệm xét xử sơ thẩm vụ án dân sự tại TAND quận 10, TPHCM- Ảnh: PV

TRẦN TÚ ANH  - HUỲNH MINH KHÁNH (Tòa án nhân dân huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang)