Tiền bồi thường khắc phục hậu quả thiệt hại không thể coi là vật chứng trong vụ án hình sự
Sau khi nghiên cứu bài viết “Tiền bồi thường có thể được coi là vật chứng của vụ án hay không?” của tác giả Hồng Ngát, Ngọc Mai đăng trên Tạp chí điện tử Tòa án nhân dân ngày 10/12/2021, tôi có một số ý kiến trao đổi cùng các tác giả và bạn đọc.
Khoa học Luật Tố tụng Hình sự quy định, vật chứng trong vụ án hình sự được xác định là nguồn chứng cứ quan trọng, được các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thu thập trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử; có giá trị quan trọng trong việc chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội, giúp cho việc giải quyết vụ án hình sự được đúng đắn. Theo quy định tại Điều 89 BLTTHS năm 2015: “Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm”. Như vậy, một vật được coi là vật chứng chỉ khi thỏa mãn các đặc điểm đặc trưng của vật chứng trong vụ án hình sự, đó là: 1) Vật chứng tồn tại dưới dạng vật thể. 2) Vật chứng chứa đựng và phản ánh những thông tin, sự kiện thực tế liên quan đến vụ án, sự liên quan này có thể ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp nhưng quan trọng phải nằm trong mối liên hệ tổng thể giữa các nội dung, vấn đề của vụ án hình sự. 3) Vật chứng được các chủ thể có thẩm quyền thu thập theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định. 4) Vật chứng có giá trị chứng minh tội phạm, người phạm tội và các tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.
Trong khi đó, khoản 1 Điều 48 BLHS năm 2015 quy định: “Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra”. Theo quy định tại điều luật, có thể hiểu bị can, bị cáo trong vụ án hình sự phải có trách nhiệm bồi thường những tổn thất về mặt vật chất do hành vi phạm tội của mình gây ra cho bị hại (chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp đối với tài sản đã bị bị can, bị cáo chiếm đoạt). Việc bồi thường thiệt hại có thể diễn ra trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự hoặc có thể diễn ra sau khi Tòa án tuyên bị cáo phạm tội theo tội danh mà Cơ quan điều tra (CQĐT), VKSND đã viện dẫn với hình phạt tương ứng và phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (trách nhiệm dân sự trong vụ án hình sự) cho bị hại đối với hành vi phạm tội mà mình gây ra. Tuy nhiên, việc bị can, bị cáo chủ động bồi thường khắc phục hậu quả thiệt hại trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử mới được xem xét là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS) theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015.
Trên cơ sở phân tích nêu trên và dựa theo nội dung vụ án mà tác giả Hồng Ngát, Ngọc Mai đề cập đến thì vật chứng quan trọng được xác định trong vụ án này là những bộ hồ sơ vay tiền ngân hàng mà bị can Trần Thanh B, Vũ Văn T và Giang Đình Q đã nhiều lần làm giả để trực tiếp hoặc nhờ người khác vay tiền của Ngân hàng MB và VPBank nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của các ngân hàng. Số tiền 136.000.000 đồng mà bị can Giang Đình Q nộp cho CQĐT để khắc phục hậu quả không được coi là vật chứng vì không thỏa mãn 4 đặc điểm đặc trưng của vật chứng dưới khía cạnh của Khoa học Luật Tố tụng Hình sự.
Cụ thể, số tiền này không phải là vật được bị can Trần Thanh B, Vũ Văn T và Giang Đình Q sử dụng làm công cụ, phương tiện nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Ngân hàng MB và VPBank; không phải là vật mang dấu vết tội phạm; không chứa đựng những thông tin có tác dụng làm rõ việc có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra hay không và không có giá trị chứng minh hành vi phạm tội của B, T và Q. Việc bị can Giang Đình Q chủ động nộp 136.000.000 đồng cho CQĐT trong giai đoạn điều tra được xem xét là tình tiết giảm nhẹ TNHS, để từ đó xác định trách nhiệm dân sự của bị cáo Giang Đình Q theo quy định của pháp luật.
Từ những lập luận được đề cập ở trên và dựa theo cơ sở lý luận và thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm, tác giả cho rằng, số tiền 136.000.000 đồng không phải là vật chứng mà chỉ là một trong những chứng cứ của vụ án được xem xét là tình tiết giảm nhẹ TNHS cho bị can Giang Đình Q (đồng quan điểm với tác giả Hồng Ngát và Ngọc Mai).
Các tác giả Hoàng Nguyên Thắng (Viện kiểm sát quân sự Quân khu 1), Dương Văn Hưng (Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân); Trần Thanh Sơn (Tòa án quân sự ), Trần Thị Phụng (Ấp Mỹ Đông Nhất, xã Mỹ Thọ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp), Đinh Thị Ngọc Bích (Tòa án quân sự Quân khu 4), Nguyễn Thị Thanh Thủy (Viện kiểm sát quân sự khu vực 43 Quân khu 4) có cùng quan điểm nêu trên.
Tòa án nhân dân huyện Bạch Thông, Bắc Kạn xét xử vụ án “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” - Ảnh: Thanh Tuyền
Bài liên quan
-
Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử
-
Bảo quản, xử lý vật chứng trong quá trình điều tra, giải quyết vụ án hình sự
-
Xử lý vật chứng là tài sản chung trong các vụ án hình sự
-
Xử lý vật chứng là tài sản chung của vợ chồng trong trường hợp một bên vợ hoặc chồng sử dụng vào việc phạm tội
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận