Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”

Sáng 25/12/2023, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm do có đơn kháng cáo của 21 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.

Trước đó, từ 11 - 28/7/2023, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 54 bị cáo các mức án từ 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến tù chung thân, về 5 tội danh: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Môi giới hối lộ”, “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu cán bộ công an) bị tuyên án chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trước thời điểm  mở phiên tòa phúc thẩm, bị cáo đã thay đổi kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ hình phạt. Ngoài ra, bị cáo Hưng đã tự nguyện tác động gia đình, người thân, bạn bè khắc phục thay bị cáo toàn bộ số tiền 800.000 USD (18,8 tỷ đồng) nhằm khắc phục hậu quả vụ án. Đồng thời, bị cáo Hưng đề nghị TAND cấp cao tại Hà Nội cho bị cáo vắng mặt tại phiên tòa phúc thẩm. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp thuận đề nghị xin vắng mặt của bị cáo Hưng.

Là bị cáo đầu tiên đứng trước bục khai báo, bị cáo Hưng khẳng định, lý do bị cáo thay đổi kháng cáo từ “kêu oan” sang “nhận tội và xin giảm nhẹ hình phạt” vì từ cuối tháng 11 bị cáo đã thay đổi nhận thức.

Phúc thẩm vụ án “chuyến bay giải cứu”: Bị cáo Hoàng Văn Hưng thấy đau lòng khi nhận tiền “chạy án”  -0

Bị cáo Hoàng Văn Hưng tại phiên tòa phúc thẩm

Bị cáo Hưng tự nhận thấy, rất đáng tiếc và đau lòng về hành vi nhận tiền “chạy án” của mình và khẳng định, gia đình, người thân của bị cáo đã thay bị cáo đã nộp lại số tiền 18,8 tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Bị cáo Hưng mong Hội đồng xét xử phúc thẩm đánh giá lại toàn bộ nội dung vụ án để đưa ra phán quyết hợp tình, hợp lý với bị cáo để bị cáo sớm được trở về với gia đình và xã hội.

Chủ tọa phiên tòa phúc thẩm ghi nhận lời khai này và thông báo, việc bị cáo Hưng nhận tội, đồng thời cùng gia đình nộp toàn bộ tiền khắc phục hậu quả sẽ được xem là tình tiết mới để Hội đồng xét xử phúc thẩm xem xét, đánh giá. Bị cáo Hưng khẳng định: “Bị cáo tôn trọng và chấp hành mọi phán quyết của Tòa án cấp phúc thẩm”.

Khai báo tại phiên tòa, bị cáo Hưng nhiều lần đề nghị được xét xử vắng mặt để điều trị bệnh tiền đình. “Bị cáo mắc bệnh tiền đình rất nặng phải điều trị. Phần bào chữa tại phiên tòa, bị cáo ủy quyền cho các luật sư”, bị cáo Hưng trình bày.

Trong số 21 bị cáo kháng cáo, duy nhất bị cáo Trần Minh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Thái Hòa) kháng cáo kêu oan cả về cả hai tội. Các bị cáo còn lại đều kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Trần Minh Tuấn bị phạt 16 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 2 năm tù về tội “Đưa hối lộ”. Tổng hợp hình phạt chung đối với bị cáo Trần Minh Tuấn là 18 năm tù.

Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân (bị tòa án cấp sơ thẩm tuyên phạt 7 năm tù về tội “Nhận hối lộ”) cũng làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Hai bị cáo “chạy án” là Nguyễn Thị Thanh Hằng, Lê Hồng Sơn (Công ty Blue Sky) cũng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Hằng và Sơn còn đề nghị tòa án cấp phúc thẩm tuyên buộc bị cáo Hoàng Văn Hưng phải trả lại cho hai bị cáo này số tiền lừa đảo là hơn 18,8 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ án này, một số bị cáo xin được hưởng án treo như: Lê Văn Nghĩa, Đặng Minh Phương, Trần Thị Mai Xa, Nguyễn Hoàng Linh. Bị cáo Võ Thị Hồng kháng cáo xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bà Trần Phi Nga (vợ bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) kháng cáo một phần nội dung bản án, xin giải tỏa kê biên và cấm dịch chuyển nhà tại dự án Tây Hồ Tây và xin giải tỏa kê biên, cấm dịch chuyển và trả lại sổ đỏ nhà khu vực Bắc An Khánh.

Ảnh: Hội đồng xét xử phúc thẩm.

ANH TUẤN