Tội loạn luân trong pháp luật hình sự nước ta từ xưa đến nay
Bài viết tìm hiểu quy định về Tội loạn luân trong pháp luật hình sự nước ta từ Quốc triều hình luật (Luật Hồng Đức) đến Bộ luật Hình sự năm 2015.
1.Quy định trong Quốc triều hình luật và Hoàng Việt luật lệ
Ở nước ta, dưới thời phong kiến,theo quan niệm Nho giáo, gia đình được coi là nền tảng của xã hội. Gia đình có vững mạnh, nền tảng xã tắc mới bền vững. Vì vậy, pháp luật rất chú trọng việc bảo vệ gia đình. Tại Điều 2 của hai bộ luật nêu trên quy định về Mười tội ác (thập ác) gồm: tội mưu phản, tội đại nghịch, tội mưu phản nước theo giặc, tội ác nghịch, tội bất đạo, tội đại bất kính, tội bất hiếu tội bất mục, tội bất nghĩa, tội nội loạn. Trong mười tội này thì có bốn tội ác xâm phạm đến gia đình: tội ác nghịch là đánh và mưu giết ông, bà,cha mẹ mình, ông bà cha mẹ chồng, bác, chú, thím, cô, anh, chị, em, ông bà ngoại, chồng; tội bất hiếu là tố cáo, rủa mắng ông bà, cha mẹ, trái lời cha mẹ dạy bảo, nuôi nấng cha mẹ thiếu thốn, có tang cha mẹ mà lấy vợ lấy chồng hoặc vẫn vui chơi ăn mặc như thường, có tang ông bà, cha mẹ mà giấu đi; tội bất mục là giết hay đem bán những người trong họ hàng phải để tang 3 tháng trở lên, đánh đập và tố cáo chồng, cùng những họ hàng phải để tang tiểu công (5 tháng) trở lên; tội nội loạn là gian dâm với người trong họ phải để tang tiểu công trở lên, thông dâm với nàng hầu của cha ông .
Tất cả mười tội ác nói trên, nếu có gặp ân xá cũng không được tha. Có thể hiểu tội nội loạn chính là Tội loạn luân.
Bộ Quốc triều hình luật, tại Điều 406 quy định: “Gian dâm với vợ kế, vợ lẽ của ông, cha, với mẹ nuôi, mẹ kế, bác gái, thím, cô, dì, chị em gái, vợ của con cháu, con gái của anh em, đều xử tội chém; đàn bà con gái (gian dâm ) bị lưu đi châu xa. Gian dâm với tỳ thiếp mà ông hay cha đã lấy rồi, thì được giảm một bậc. Với cô, bác, thím họ, mợ, vợ con anh em, cùng vợ sau, vợ lẽ, người kế phụ, cũng đều phải tội chém; đàn bà con gái bị lưu đi châu xa “.
Bộ Hoàng Việt luật lệ (Luật Gia Long), tại Điều 334 quy định về Tội thân thuộc cùng gian nhau. Phần quy định cùng với giải thích khiến điều luật này rất dài. Vua Minh Mạng đã có Dụ về tội này như sau: “Phàm kẻ nào gian dâm với người thân thuộc cùng họ không phải để tang và vợ cả của người thân thuộc không phải để tang, thì danh phận, vai trên vai dưới khác với người thường, kẻ gian phu gian phụ đều xử tội giảo; nếu dùng bạo lực, thì kẻ gian phu xử tội trảm đem hành hình ngay. Lại có kẻ gian dâm với người thân thuộc bên nội, bên ngoại phải để tang 3 tháng trở lên, và vợ người thân thuộc phải để tang 3 tháng trở lên ấy, cùng con gái chồng trước của vợ, chị em cùng cha khác mẹ, thì danh phận đã rối loạn, kẻ gian phu gian phụ đều xử tội giảo đem hành hình ngay; nếu dùng bạo lực thì kẻ gian phu xử tội trảm đem hành hình ngay.
Lại nữa phàm kẻ nào gian dâm với bà họ, bà cô họ, thím bác gái họ, cô về ngành thúc bá, chị em gái về ngành thúc bá của cha, chị em gái ruột của mẹ, vợ của anh em ruột và vợ của con anh em ruột, thì là gian dâm lộn bậy trong nhà, tội ấy thuộc về điều “thập ác” trong luật, kẻ gian phu gian phụ đều xử tội trảm đem hành hình ngay; nếu dùng bạo lực thì kẻ gian phu xử tội trảm đem chém ngay, lấy đầu bêu lên cho mọi người biết.
Lại phàm kẻ nào gian dâm với vợ lẽ của cha, của ông, vợ của chú bác, cô ruột, chị em gái ruột, vợ của con cháu, con gái của anh em ruột, tức đảo lộn luân thường, xếp vào hạng đại ác không thể tha được, kẻ gian phu gian phụ đều xử tội trảm đem chém ngay, lấy đầu bêu lên cho mọi người biết; nếu dùng bạo lực để hiếp dâm thì xử tội trảm, đem thi hành ngay…”(1)
Như vậy, trong cả hai bộ luật nói trên, phạm vi những người thân thuộc trong tội “gian dâm” rất rộng bao gồm những người cùng dòng máu về trực hệ, những người có họ (bàng hệ), những người thân thuộc bên mẹ; hình phạt rất nghiêm khắc: giảo (treo cổ), trảm (chém đầu), lưu (đày đi xa). Bộ Hoàng Việt luật lệ còn quy định ngay trong điều luật cả tội hiếp dâm (có tính chất loạn luân).
2.Quy định trong bộ Luật hình An Nam 1921 (thi hành ở Bắc kỳ) và bộ Hoàng Việt hình luật 1933 (thi hành ở Trung kỳ)
Đây là hai bộ luật do chính quyền bảo hộ Pháp soạn thảo, được cho là chịu ảnh hưởng lớn của Bộ Hình luật Canh cải 1912, thi hành ở Nam kỳ.
Bộ Hình luật An Nam, tại Điều 202 quy định: “Cha loạn dâm với con gái, con dâu, anh em loạn dâm với chị, em thì phải tội đồ”(2). Và tại Điều 203 quy định: “Người nào thông dâm với vợ hay là vợ lẽ của cha, ông, anh, em, chú và bác, thì phải bị khổ sai chung thân. Người gian phụ cũng tội đồng”.
Bộ Hoàng Việt hình luật, tại Điều 305 quy định: “Phàm cha dâm loạn với con gái nó hay con dâu nó và anh em tư thông với chị em gái đều bị câu cấm từ 6 năm đến 10 năm.” (3) Và Điều 306 quy định: “Phàm người nào tư thông với vợ cả, vợ lẽ của cha ông, anh em, chú bác nó, sẽ bị khổ sai từ 5 năm đến 15 năm.
“Phàm người nào tư thông với một người con gái hay một người đàn bà có thân thuộc mà khác với thân thuộc đã kể trên này sẽ bị phạt giam từ 1 năm đến 5 năm hay phạt bạc từ 120 $00 đến 600 $00”.
Trong các trường hợp nêu trên, người đàn bà cũng bị tội như gian phu.
Có thể thấy,phạm vi những người thân thuộc (chủ thể) trong tội loạn luân của hai bộ luật hình này cũng rất rộng bao gồm những người có quan hệ trực hệ và bàng hệ.
Sau Cách mạng Tháng Tám, theo Sắc lệnh số 47 ngày 10-10-1945 thì hai bộ luật hình trên và bộ Hình luật canh cải 1912 được tạm thời “giữ nguyên như cũ“. Các bộ luật này đã được bãi bỏ sau khi bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 19-VHH ngày 30/6/1955, Thông tư số 2140-TT-VHH/HS ngày 6/12/1955 và TANDTC ra Chỉ thị 772-NC ngày 10/7/1959 đình chỉ áp dụng pháp luật cũ của đế quốc, phong kiến.
3. Quy định trước khi ban hành các BLHS năm 1985, 1999 và 2015
Trước khi BLHS 1985 được ban hành, năm 1964 TANDTC đã hướng dẫn Tội loạn luân là trường hợp có sự thỏa thuận giao cấu giữa những người cùng dòng máu về trực hệ (như giữa bố mẹ, ông, bà với con, cháu hoặc cùng dòng máu về bàng hệ (như giữa anh, chị em ruột, giữa anh, em cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha) hoặc giữa bố mẹ nuôi và con nuôi, giữa bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể (4). Tuy nhiên, không thấy hướng dẫn về hình phạt đối với tội này; dẫn đến nghi vấn: không rõ trong thực tế có xảy ra tội phạm này hay không?
Nhân đây cũng xin nói thêm là BLHS năm 1972 của Việt Nam cộng hòa ở mục Các tội xâm phạm mỹ tục, không có quy định về “tội loạn luân”, Điều 356 chỉ quy định: can phạm là người tôn thuộc của nạn nhân mà xâm phạm hay toan xâm phạm “liêm sỉ” không có bạo hành trên thân thể nạn nhân nam hay nữ dưới 15 tuổi thì bị phạt khổ sai hữu hạn, nếu nạn nhân trên 15 tuổi thì bị phạt cấm cố, trường hợp dùng bạo hành với nạn nhân này thì bị phạt khổ sai hữu hạn; nếu xâm phạm hay toan xâm phạm “liêm sỉ” có bạo hành trên thân thể hoặc hiếp dâm nạn nhân dưới 15 tuổi thì sẽ bị khổ sai chung thân. (Người tôn thuộc là những người thân thuộc ở đời trên, như ông bà, cha mẹ, chú bác, cô dì…).
Theo quy định của BLHS này thì “toan phạm tội” là không thực hiện được hành vi phạm tội đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của kẻ phạm tội (Điều 19); khổ sai chung thân là phạt giam vĩnh viễn; khổ sai hữu hạn là phạt giam không dưới năm năm và không trên hai mươi năm, kẻ bị án phải làm những công việc khó nhọc trong nhà lao (Điều 25 ); hình phạt cấm cố là phạt giam không dưới năm năm và không trên mười năm, kẻ bị án phải làm việc trong nhà lao những công việc thích hợp với khả năng và sức khỏe của họ (Điều 26 ). Có thể hiểu hành vi xâm phạm “liêm sỉ” trên thân thể nạn nhân là hành vi dâm ô.
4.Quy định trong các BLHS 1985, 1999 và 2015
Điều 146 BLHS 1985 quy định Tội loạn luân như sau: ”Người nào giao cấu với người cùng dòng máu về trực hệ, với anh chị em cùng cha mẹ, anh chị em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm“. Điều 150 BLHS năm 1999 giữ nguyên quy định này của BLHS năm 1985. Điều 184 BLHS năm 2015 ,về cơ bản vẫn giữ nguyên quy định này, chỉ bổ sung mà biết rõ người đó (cùng dòng máu về trực hệ) là (anh chị em cùng cha mẹ…) và nâng hình phạt thấp nhất của tội này từ sáu tháng lên một năm tù.
Chúng ta đều biết, quan hệ về trực hệ là giữa hai đời liên tiếp với nhau có mối quan hệ cha con. Nếu cùng dòng máu, lấy đời mình là gốc thì trên đời mình có: cha mẹ, ông bà, cụ, kỵ; dưới đời mình có: con, cháu, chắt, chút. Tất cả là chín đời (cửu tộc). Vậy “người cùng dòng máu về trực hệ nêu tại Điều 184 BLHS có bao gồm tất cả trong chín đời hay không? Nhưng có những người không cùng dòng máu mà vẫn có quan hệ trực hệ như: bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng, giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; theo quy định về tội loạn luân, nếu những người này đồng thuận giao cấu với nhau thì lại không bị coi là phạm tội loạn luân. Điều này có vẻ như không hợp lý vì trong xã hội ta vẫn lên án mạnh mẽ những hành vi này, coi đó là vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội.
Qua những điều đã dẫn ở trên, chúng ta thấy các bộ luật hình An Nam, Hoàng Việt hình luật và các BLHS năm 1985,1999 và 2015 đã kế thừa các bộ luật Hồng Đức, Gia Long trong việc quy định về tội loạn luân. Tuy nhiên, nếu vẫn giữ Điều 184 BLHS 2015 thì nên sửa đổi quy định về chủ thể của tội này cho phù hợp.
TAND huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu đưa ra xét xử vụ án “giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” phạm tội có tính chất loạn luân, nạn nhân là con của chị gái bị cáo - Ảnh: Bạch Long
1. Khâm định Đại Nam Hội điển sự lệ, tập 12,tr334 – NXB Thuận Hóa – Huế, 1993
2. Đồ: Bị giam và phục dịch trong ngục thất, mức phạt từ 5 năm đến 10 năm. Lưu là đày đi châu gần hoặc châu xa.
3. Câu cấm: Người bị phạt câu cấm sẽ bị giam ở một “sở phối dịch“, mức phạt không dưới 5 năm và không quá 20 năm.
4. TANDTC - Hệ thống hóa luật lệ về hình sự, Tập I, tr 475, Hà Nội 1975
Bài liên quan
-
Huỳnh Xuân T phải bị xét xử theo điểm b khoản 1 Điều 173 với tình tiết định khung hình phạt tái phạm nguy hiểm theo điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015
-
Tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù theo quy định của BLHS năm 2015 – Một số vướng mắc và kiến nghị
-
Hành vi của Trần Đức C đủ yếu tố cấu thành tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” theo Điều 323 BLHS
-
Một số vướng mắc, bất cập về hình phạt đối với người dưới 18 tuổi theo quy định của BLHS và giải pháp hoàn thiện
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận