Tổng Công ty viễn thông X là bị hại

Sau khi đọc được bài viết "Xác định bị hại trong vụ án chiếm đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp Quân đội” của tác giả Nguyễn Minh Cương đăng ngày 12/6/2023, tôi xác định Công ty viễn thông X là bị hại trong vụ án.

Qua tình huống tác giả đưa ra, 02 cuộn cáp quang treo ADSS 24 sợi - KV100m là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Tổng Công ty viễn thông X, cung cấp cho Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp TH để thi công các hạng mục kéo cáp quang treo tại địa bàn, theo Hợp đồng ký kết ngày 25/8/2020. Nội dung Hợp đồng thể hiện: “Công ty TH có trách nhiệm bảo quản và sử dụng vật tư bên Tổng Công ty viễn thông X cấp và chịu trách nhiệm về rủi ro mất mát, hư hỏng tài sản; đối với vật tư còn thừa thì phải trả lại cho Tổng Công ty viễn thông X; ngày khởi công thi công công trình là ngày mà các bên có biên bản xác nhận thời điểm bắt đầu khởi công; thời điểm chuyển rủi ro là thời điểm từ khi Tổng Công ty viễn thông X bàn giao vật tư, tài sản cho Công ty TH và có biên bản bàn giao, kể từ thời điểm đó nếu để xảy ra mất mát hư hỏng thì Công ty TH phải chịu trách nhiệm.”

Như vậy, việc ký kết hợp đồng dân sự giữa hai bên quy định về quyền và nghĩa vụ pháp lý trong quản lý tài sản chứ không làm chuyển dịch quyền sở hữu đối với tài sản của Công ty viễn thông X cho Công ty TH. Theo quy định tại Điều 158 BLDS năm 2015 thì quyền sở hữu tài sản bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu. Trong trường hợp này, 02 cuộn cáp quang bị chiếm đoạt thuộc quyền sở hữu của Công ty viễn thông X còn Công ty TH chỉ nắm được một phần của quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, không có quyền định đoạt nên không có quyền sở hữu đối với 02 cuộn cáp quang bị chiếm đoạt.

BLHS quy định tội “Trộm cắp tài sản” thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu, khách thể của tội trộm cắp tài sản là quan hệ sở hữu được pháp luật hình sự bảo vệ, hành vi trộm cắp 2 cuộn cáp quang treo ADSS 24 sợi - KV100m của Nguyễn Văn A đã xâm hại trực tiếp đến quan hệ sở hữu về tài sản của Quân đội do Công ty viễn thông X là chủ sở hữu.

Do vậy, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 163, khoản 1 Điều 268 và điểm b khoản 1 Điều 272 BLTTHS vụ án này thuộc thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra hình sự trong Quân đội; thuộc thẩm quyền truy tố của Viện kiểm sát quân sự; thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự; bị hại trong vụ án này là Công ty viễn thông X (doanh nghiệp thuộc quản lý của Quân đội) và Công ty KP là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trên đây là quan điểm của tôi, rất mong nhận được sự phản hồi và trao đổi cùng với quý bạn đọc./.

 

Tòa án nhân dân huyện Đăk Tô, Kon Tum xét xử vụ án trộm cắp tài sản- Ảnh: Quang Nhật

 

TRẦN KIM TUYẾN (VKSQS khu vực 41)