Trần Văn B phạm hai tội và A là bị hại duy nhất trong vụ án
Nghiên cứu bài “Trần Văn B phạm những tội gì?” của tác giả Nguyễn Thị Mai, đăng ngày 17/4, tôi cho rằng để xác định chính xác tội danh của B cần bám vào các quan hệ pháp lý đã phát sinh có liên quan đến B, gồm có: hợp đồng mua bán xe, hợp đồng cầm cố xe, hợp đồng mua bán xe ban đầu.
Đối với hợp đồng mua bán xe của B với anh Th
B đã nhờ làm giả giấy tờ đăng ký xe ô tô mang tên Hoàng Văn A sau đó B mang xe và giấy tờ xe giả này bán chiếc xe này cho Phạm Văn Th với giá tiền 500 triệu đồng. Chúng ta thấy rằng việc B sử dụng giấy tờ giả để bán xe cho anh Phạm Văn Th là hành vi lừa dối, tuy nhiên không là hành vi khách quan của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản là tội phạm có tính chất chiếm đoạt, người có hành vi lừa đảo đã cố ý chuyển dịch bất hợp pháp tài sản từ người khác thành tài sản của mình, thủ đoạn của việc chiếm đoạt đó là hành vi gian dối.
Trong khi đó, việc mua bán xe giữa Th và B là trên cơ sở tự nguyện thoả thuận giữa hai bên, về bản chất xe ô tô có phần quyền sở hữu của B nên B có quyền định đoạt đối với một phần xe ô tô này, ngoài ra thì Th cũng đã nhận xe ô tô theo hợp đồng mua bán xe. Vì vậy, Th không bị chiếm đoạt 500 triệu, việc B sử dụng giấy tờ giả để nhằm mục đích định đoạt xe mà không cho A biết, không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản của anh Th. Do đó, B không lừa đảo chiếm đoạt tài sản của anh Th.
Tuy nhiên, vì xe ô tô này có phần quyền sở hữu của A nên việc B tự mình định đoạt toàn bộ xe ô tô là vi phạm pháp luật dân sự, và do B làm giả giấy tờ đăng ký xe để bán xe cho Th nên hợp đồng mua bán xe giữa anh Th và B vô hiệu do bị lừa dối, anh Th cần được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án này.
Đối với hợp đồng cầm cố xe ô tô cho T
Điều 309 BLDS quy định “Cầm cố tài sản là việc bên cầm cố giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên nhận cầm cố để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”. Vì A, B và T thoả thuận là T chỉ giữ giấy tờ xe; số tiền 300 triệu đồng giao cho A để làm vốn kinh doanh, A có trách nhiệm trả lãi hằng tháng cho T; còn xe ô tô thì giao cho B quản lý, sử dụng. Do đó, chính xác đây không là hợp đồng cầm cố xe ô tô, mà là hợp đồng thế chấp xe ô tô.
Điều 317 BLDS quy định: “Thế chấp tài sản là việc bên thế chấp dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên nhận thế chấp” và “tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ”. Theo hợp đồng giữa A, B và T thì A, B (Bên thế chấp) có nghĩa vụ giao giấy tờ xe cho T (bên nhận thế chấp) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đối với số tiền 300 triệu vay của T, số tiền vay này do A nhận và thực hiện nghĩa vụ trả lãi hàng cho T.
Như vậy, về bản chất hợp đồng thế chấp xe ô tô giữa A, B và T là hợp đồng vay 300 triệu, trong đó việc giữ giấy tờ xe ô tô là biện pháp bảo đảm cho khoản vay này, A là người có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng (trả nợ 300 triệu) này với T. Do đó, việc B bỏ trốn và việc xe ô tô bị bán đi không làm ảnh hưởng đến quan hệ vay tài sản đã được xác lập, mà việc xe ô tô bị bán chỉ ảnh hưởng đến việc T thu hồi khoản vay khi A không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ (trả lãi, trả nợ gốc). Căn cứ vào nội dung vụ án thì A không có hành vi vi phạm hợp đồng này. Do vậy, T chưa bị thiệt hại trước hành vi bán xe và bỏ trốn của B nên T không là bị hại trong vụ án này. Tuy nhiên, vì xe ô tô này được xác định là tài sản bảo đảm cho khoản tiền vay 300 triệu, và hợp đồng này có hiệu lực nên cần xác định T là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của T.
Đối với hợp đồng mua bán xe ban đầu
Do có quen biết với nhau đã lâu nên Trần Văn B và Hoàng Văn A cùng góp mỗi người 350 triệu đồng với nhau để mua xe ô tô trị giá 700 triệu đồng và thống nhất để Hoàng Văn A đứng tên một mình trong giấy tờ đăng ký xe, B là người trực tiếp quản lý và sử dụng xe ô tô.
Chứng tỏ vì mối quan hệ quen biết vốn có nên A và B mới chung nhau tiền để mua xe ô tô, trở thành đồng sở hữu đối với xe ô tô này, trong đó A đứng tên xe, B sử dụng và quản lý xe. Tuy nhiên, sau khi được giao quản lý, sử dụng xe thì B đã làm giả giấy tờ xe để tự định đoạt chiếc xe mà không cho A biết, rồi bỏ trốn cùng với toàn bộ số tiền bán xe ô tô.
Như vậy, B đã lợi dụng sự tin tưởng, quen biết lâu năm của A để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Đây là hành vi khách quan của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản: “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là hình thức vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản”.
Do đó, ngoài tội Sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức, B còn phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và A là bị hại trong vụ án.
Trên đây quan điểm của người viết về các vấn đề tác giả Nguyễn Thị Mai đưa ra, có thể xem là Quan điểm thứ tư đối với vụ án này, rất mong nhận được sự phản hồi và trao đổi của tác giả và các quý bạn đọc.
TAND tỉnh Thanh Hóa xét xử bị cáo Liu Chen Yuan (Đài Loan) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản - Ảnh: Quốc Hương
Bài liên quan
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí gặp mặt các đồng chí lãnh đạo TANDTC qua các thời kỳ
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận