Vì sao Phòng khám thẩm mỹ Cao Kim lại dỡ biển hiệu?

Hiện nay, nhiều cơ sở trước đây treo biển Thẩm mỹ Cao Kim đã dỡ bỏ biển hiệu. Tuy nhiên, các bác sĩ trước đây được giới thiệu là làm tại Cao Kim lại quảng cáo hoạt động như một phòng khám riêng, nhưng khi có khách hàng thì họ lại dẫn đến địa chỉ của Cao Kim.

Như Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử đã thông tin tới bạn đọc liên tiếp trong ngày 22/1/2024 và ngày 2/2/2024 về 2 bài viết “Dấu hiệu mập mờ trong hoạt động của Phòng khám thẩm mỹ Cao Kim” và “Phòng khám thẩm mỹ Cao Kim - Thanh tra y tế Hà Nội giải quyết theo quy trình” phản ánh về những hoạt động mập mờ khi thực hiện các dịch vụ làm đẹp và việc Sở Y tế Hà Nội và Phòng Y tế quận Đống Đa (Hà Nội) sẽ tiến hành kiểm tra đối với Phòng khám thẩm mỹ Cao Kim đã nhận được sự quan tâm lớn của bạn đọc.

Tuy nhiên, sau những “lùm xùm” này, thì bất ngờ trong thời gian vừa qua, theo ghi nhận của PV Tạp chí Tòa án nhân dân nhiều cơ sở đã tháo dỡ các bảng tên, biển quảng cáo liên quan Phòng khám thẩm mỹ Cao Kim. 

 

Ảnh chụp trước và sau khi cơ sở của Cao Kim tại số 42, phố Liễu Giai, quận Ba Đình, TP Hà Nội.

Theo ghi nhận mới đây của PV được biết, nhiều cơ sở có liên quan Phòng khám thẩm mỹ Cao Kim trước đây đã tháo dỡ các bảng tên, biển quảng cáo phía ngoài tòa nhà, chỉ để lại một bảng hiệu nhỏ ở nơi khuất tầm nhìn. Tại cơ sở số 42, phố Liễu Giai, Q. Ba Đình, TP. HN đã gỡ toàn bộ biển hiệu của Cao Kim bên ngoài tòa nhà. Tại cơ sở số 69A, đường 3/2, Q.10; và cơ sở số 221-223-225 phố Lý Tự Trọng, Q.1, TP HCM phía ngoài tòa nhà cũng đã gỡ biển hiệu của Cao Kim, nay chỉ còn lại dòng chữ: “Beauty Medical Center” (dịch ra tiếng Việt tức là “Trung tâm y tế thẩm mỹ”). Các bác sĩ trước đây được giới thiệu là làm tại Cao Kim hiện cũng xóa bài, xóa logo, hình ảnh của Cao Kim và quảng cáo hoạt động như một phòng khám riêng của bác sĩ...

Đơn cử như trang facebook của bác sỹ Thạch Văn Chất có tên “Dr. Thạch Chất - Phòng khám Thẩm mỹ Quốc tế”; “Dr Thạch Chất - Bác sĩ chuyên khoa da liễu thẩm mỹ” ; “Dr Thạch Văn Chất”... Nội dung các trang quảng cáo này như: “Phòng khám bác sỹ Chất”; “Công nghệ Meso do bác sỹ Chất thực hiện”,… Đều khiến khách hàng hiểu lầm rằng bác sĩ Thạch Văn Chất có phòng khám riêng với những máy móc trang thiết bị hiện đại, dịch vụ đưa đón tận nhà,…

Nhiều trang Facebook tự xưng là của bác sĩ Thạch Văn Chất quảng cáo tư vấn khiến khách hàng hiểu lầm rằng đây là phòng khám riêng của bác sĩ này

Trong vai người có nhu cầu làm đẹp, PV đã nhắn tin tư vấn với trang Facebook có tên “Dr Thạch Chất - Bác sĩ chuyên khoa da liễu thẩm mỹ”. Tại đây một nhân viên tên Hạnh Nguyên, tự xưng là trợ lý của bác sỹ Thạch Văn Chất, đã nhắn tin, gọi điện trực tiếp để tư vấn với khách hàng.

Nội dung cuộc tư vấn, nhân viên tên Hạnh Nguyên này không ngần ngại tung những lời có cánh để quảng cáo: “Có nhiều phương pháp điều trị, nhưng với tình trạng của chị thì thì liệu pháp Meso Extra là phù hợp để điều trị các tình trạng da đó. Đây là liệu pháp làm đẹp chuẩn y khoa, trực tiếp thăm khám tư vấn lên phác đồ điều trị bởi các bác sĩ chuyên khoa da liễu giàu kinh nghiệm. Máy móc của Hàn công nghệ cao. Trước khi làm sẽ được kiểm tra đầy đủ thông tin… Bên em còn hỗ trợ xe đưa đón miễn phí tận nhà khi thăm khám và điều trị, cho em xin địa chỉ của mình để em cho xe đến đón”.

Khi khách hàng hỏi phòng khám của ai, địa chỉ cụ thể ở đâu? Nhân viên này cho biết: “Đây là Phòng khám bác sĩ Thạch Văn Chất ở số 42 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội”.

Khách hàng thắc mắc "đây là địa chỉ của phòng khám Cao Kim, có phải của bác sĩ Chất đâu" thì nhân viên tên Hạnh Nguyên thừa nhận: “Đúng rồi chị ạ. Bác sĩ Thạch Văn Chất thuộc phòng khám của Cao Kim, bác sĩ Chất đang công tác ở Phòng khám bên em. Chị đang ở đâu em đón…”

Để khiến khách hàng tin tưởng và mạnh dạn xuống tiền làm đẹp, nhân viên tên Hạnh Nguyên còn cho biết thêm: “Hiện tại phòng khám đang áp dụng chương trình khuyến mại, ưu đãi trợ giá 50%, đối với gói Meso White, gói này thiên về làm sáng da. Chi phí từ 3 triệu giảm còn 1,5 triệu trên một buổi. Còn nếu điều trị chuyên sâu là gói Meso Extra Plus thì chi phí từ 6 triệu giảm còn 3 triệu trên một buổi. Thông thường khách hành sẽ làm liệu trình từ 2-3 buổi và có thể hơn tùy thuộc vào tình trạng da. Nếu đăng ký liệu trình sẽ được trừ trực tiếp 3 triệu trên một hoá đơn.  Ngoài ra, ngày mai nếu chị đến sẽ có trực tiếp Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sỹ Phạm Hoàng Khâm. Nguyên Chủ nhiệm Khoa da liễu và thẩm mỹ Bệnh viện Quân y 103 trực tiếp thăm khám tại phòng khám”.

Khách hàng thắc mắc có phải trực tiếp được bác sĩ làm cho không hay ai làm dịch vụ thì Hạnh Nguyên cho hay: “Ngoài bác sĩ Chất còn bác sĩ Tuấn và Phó giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ Phạm Hoàng Khâm cơ. Thế nên em rất mong muốn ngày mai chị qua gặp trực tiếp các bác sĩ chuyên gia đầu ngành trực tiếp thăm khám xử lý cho mình. Mấy giờ chị qua cũng được, hiện nay bác Khâm đang có lịch trống lắm”.

Sau đó nhân viên này liên tục nhắn tin gọi điện cho khách hàng hỏi địa chỉ để cho xe đến đón.

Cũng tương tự như bác sĩ Thạch Văn Chất, tại các trang facebook khác được cho là của PGS.TS.BS Phạm Hoàng Khâm; bác sĩ Nguyễn Phương Trúc, bác sĩ Thanh Diễm, bác sĩ Bùi Kim Kha; bác sĩ Huế Anh; bác sĩ Đào Xuân Hưởng; bác sĩ Lưu Hồng Anh; bác sĩ Ngô Thị Lợi… đều xóa các bài đăng, thông tin, hình ảnh liên quan đến Cao Kim và quảng cáo tư vấn khách hàng theo kiểu là một phòng khám riêng của các bác sỹ này. Điểm chung của các bài quảng cáo này là chỉ có số điện thoại liên hệ chứ không công khai địa chỉ cụ thể. Đến khi hỏi ra mới biết địa chỉ nơi thực hiện dịch vụ thăm khám điều trị vẫn là những cơ sở của hệ thống Phòng khám thẩm mỹ Cao Kim trước đây.

Các trang Facebook có tên của PGS.TS-BS cao cấp Phạm Hoàng Khâm cũng quảng cáo rằng đây là phòng khám của bác sĩ Khâm nhưng không có địa chỉ cụ thể.

Có thể thấy trước tình trạng Phòng khám thẩm mỹ Cao Kim có nhiều thông tin tiêu cực bị phản ánh liên tục thì phải chăng, đây là một cách thức mới mà các cơ sở của Cao Kim áp dụng để tiếp cận khách hàng cũng như “trốn tránh” sự quản lý của các Sở, ban ngành của TP. Hà Nội và TP. HCM?

Nhiều người đã và đang là khách hàng của Cao Kim không khỏi bàng hoàng, lo lắng khi chứng kiến sự thay đổi chóng vánh của hệ thống thẩm mỹ Cao Kim. Quảng cáo là một hệ thống thẩm mỹ lớn, uy tín, nhưng khi bị khách hàng phản ánh thì lập tức trốn tránh theo kiểu “ve sầu thoát xác”?.

Phản ánh trên một số nền tảng xã hội, một khách hàng bày tỏ bất bình khi doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm, “Gói dịch vụ của tôi có bảo hành lên đến 5, 10 năm. Lúc làm họ cam kết là bảo hành. Nhưng giờ họ gỡ biển hiệu, xóa hết bài đăng, từ hồi trước tên là Lavian, đến Cao Kim, giờ không biết lại đổi thành tên gì. Nếu giờ mà họ chặn số điện thoại trốn hết rồi thì tôi biết tìm ai bây giờ?”

Một khách hàng khác cũng cho rằng làm dịch vụ không có hiệu quả nên đã đòi lại số tiền hàng chục triệu đồng của mình. Nhưng khi đến đòi thì phía Cao Kim liên tục trốn tránh, câu kéo với những lý do muôn thuở như: “Phải báo cáo lên cấp trên; đã chuyển vị trí công tác, chuyển công việc, đổi công ty…” khiến khách hàng vô cùng lo lắng, bất an.

Theo quy định của pháp luật, việc treo bảng hiệu doanh nghiệp là một trong những thủ tục bắt buộc mà doanh nghiệp phải thực hiện sau khi thành lập doanh nghiệp. Tên doanh nghiệp thể hiện trên con dấu, hóa đơn, giấy tờ của doanh nghiệp. Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ về ban hành quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng, quy định về việc treo biển hiệu của doanh nghiệp tại Điều 22, Điều 23.

Khi thay đổi tên doanh nghiệp, cần thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; gửi hồ sơ thay đổi tên công ty đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để thực hiện đổi tên. Sau khi đổi tên cần phải tiến hành các thủ tục: Làm lại biển treo tại trụ sở công ty; gửi công văn lên cơ quan thuế về việc thay đổi tên công ty trên hóa đơn công ty. Đối với các doanh nghiệp phải có hóa đơn VAT thì sau khi thay đổi tên doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi hóa đơn VAT vì trong hóa đơn bắt buộc phải có tên của doanh nghiệp.

Cơ sở của Cao Kim tại số 69A, đường 3/2, Q.10. TP HCM hiện đã "ve sầu thoát xác" sau khi khiến một khách hàng phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch

Quy định về nội dung biển hiệu gồm có: Tên cơ quan chủ quản trực tiếp (nếu có); Tên gọi đầy đủ bằng chữ Việt Nam đúng với quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp; Loại hình doanh nghiệp hoặc hợp tác xã; Ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh chính (đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ); Mã số thuế, địa chỉ giao dịch, số điện thoại; Trên biển hiệu được thể hiện biểu tượng (logo) đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.

Cũng tại khoản 2, Điều 3 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi sau:

“Không gắn tên doanh nghiệp tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp; không viết hoặc gắn tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh tại trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh;”

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 48 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, mức phạt cho các hành vi vi phạm về biển hiệu như sau:

Mức phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi sau đây:

– Biển hiệu hông thể hiện đầy đủ trên biển hiệu tên cơ quan chủ quản trực tiếp; tên cơ sở sản xuất kinh doanh theo đúng giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; địa chỉ, điện thoại;

– Sử dụng biển hiệu có kích thước không đúng theo quy định.

Mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

– Ghi không đúng hoặc ghi không đầy đủ tên gọi bằng tiếng Việt trên biển hiệu;

– Biển hiệu không viết bằng chữ tiếng Việt mà chỉ viết bằng chữ tiếng nước ngoài trên biển hiệu;

– Thể hiện tên riêng, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ tiếng nước ngoài ở phía trên tên bằng chữ tiếng Việt trên biển hiệu;

– Thể hiện tên gọi, tên viết tắt, tên giao dịch quốc tế bằng chữ tiếng nước ngoài có khổ chữ quá ba phần tư khổ chữ tiếng Việt trên biển hiệu;

Mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng

Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc phải tháo dỡ biển hiệu hoặc buộc phải có biển hiệu đối với hành vi quy định.

Đối chiếu với các quy định trên, việc Phòng khám thẩm mỹ Cao Kim có dấu hiệu tự gỡ bảng tên, chuyển sang hoạt động với tên gọi khác liệu có vi phạm quy định của pháp luật?

Việc các bác sĩ quảng cáo, tư vấn khiến khách hàng hiểu lầm rằng cơ sở của Cao Kim là phòng khám riêng của các bác sĩ này. Như cách mà Cao Kim đang làm có đúng quy định của pháp luật hay không? Có tạo tiền lệ xấu và là lỗ hổng trong quản lý cấp phép hành nghề hay không?  Đề nghị cơ quan chức năng của TP. Hà Nội và TP HCM vào cuộc để xác minh, làm rõ nhằm xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

Tạp chí Tòa án nhân dân sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

Nhóm PV

Theo giới thiệu trên các trang mạng, hệ thống Phòng khám thẩm mỹ Cao Kim hiện có 06 cơ sở gồm: Số 42 phố Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội; số 50 phố Trung Phụng, quận Đống Đa, Hà Nội; Số 69A đường 3/2 Phường 11, Quận 10, TP. HCM; số 591 đường Điện Biên Phủ, phường 1, Quận 3, TP. HCM; số 221-223-225 đường Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, Quận 1, TP. HCM và 280 đường 30/4, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương.

Các cơ sở này liên tục đăng tin tuyển dụng nhân sự ở các vị trí với mức lương từ vài chục lên tới hàng trăm triệu đồng…