Vũ Thị N phạm tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”

Sau khi nghiên cứu bài viết “Vũ Thị N có phạm tội hay không?” của tác giả Nguyễn Phi Hùng đăng ngày 28/ 2 /2022, tôi cho rằng N phạm tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”.

Tôi không đồng tình với tác giả khi cho rằng hành vi của N được coi là phòng vệ chính đáng và không phạm tội và tôi cũng không đồng ý với quan điểm cho rằng hành vi của N phạm tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”. Tôi cho rằng N phạm tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” bởi các lí do sau:

Thứ nhất: Theo quy định tại khoản 1, Điều 22 BLHS 2015, “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.” Theo đó, người bị xâm phạm đang trong tình thế bị xâm hại nghiêm trọng và để bảo vệ lợi ích chính đáng của mình thì người xâm hại đã có những hành vi phòng vệ trực tiếp và cấp thiết.

Trong trường hợp này, đứng giữa bối cảnh là công viên hoang vắng, đối tượng H đã có những hành động rất quyết liệt như “vật ngã”, “dùng dao dọa giết nếu không cho thực hiện hành vi quan hệ tình dục” và đặc biệt là khi chị N bỏ chạy H vẫn tiếp tục đuối theo để nhằm thực hiện bằng được hành vi của mình… thì việc chị N có những hành vi để chống trả lại H để thoát thân là cần thiết và hành vi đó được coi là hành vi “phòng vệ chính đáng”.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là khi bị tên H đuổi theo bắt lại, chị N đã dùng chính con dao mà H đã chuẩn bị từ trước đâm 3 nhát vào H. Tôi cho rằng khi dùng dao đâm H chị Vũ Thị N không hề có mục đích giết H. Mục đích ở đây là chỉ là gây thương tích cho H để thoát thân. Ngoài ra, khi đã chạy thoát H, chị N đã dùng điện thoại của người dân gọi điện cho lực lượng Công an để đến giúp H. Cho nên, có thể khẳng định rằng chị N không hề có ý định giết H và việc H chết là nằm ngoài ý định chủ quan của chị N.

Cho nên, xác định hành vi của chị N đã phạm vào tội “Cố ý gây thương tích do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” quy định tại khoản 3, Điều 136 BLHS là phù hợp. Trên đây là ý kiến của tác giả kính mong độc giả gần xa đóng góp ý kiến./.

 

Tòa án nhân dân TP Cần Thơ  xét xử phúc thẩm vụ án “Cố ý gây thương tích” - Ảnh: Ngô Hải Sơn

 

 

LÊ ĐỨC ANH  (Viện kiểm sát quân sự khu vực 41 Quân khu 4)