Vũ Thị N phạm tội “Giết người” do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

H và N đang hẹn hò ở công viên thì H đòi quan hệ tình dục nhưng N không đồng ý, đẩy ra. N bị H vật ngã rồi rút dao đe dọa. H bịt miệng N, doạ nằm im nếu không sẽ giết. H và N giằng co qua lại, N cắn vào tay H, giật được dao rồi bỏ chạy nhưng bị H kéo lại, N liền đâm H ba nhát rồi chạy thoát. H cũng chạy bỏ đi nhưng chạy  được một đoạn thì ngã và tử vong.

Trên đây là tình huống trong bài viết “Vũ Thị N có phạm tội hay không?” của tác giả Hoàng Phi Hùng, đăng ngày 28/2, qua bài viết tôi không đồng tình với tác giả khi cho rằng N không phạm tội và không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tôi cho rằng N phạm tội Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng (PVCĐ) bởi những lý do sau:

Để xác định N có phạm tội hay không thì phải xác định hành vi của N có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không?

Theo quy định tại khoản 1, Điều 22 BLHS, “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm”. Đây là hành vi phòng vệ trực tiếp và cấp thiết, là tình tiết loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội, thông qua đó người thực hiện hành vi phòng vệ có thể ngăn chặn được những hành vi xâm phạm để bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình. Vì vậy PVCĐ không được xem là tội phạm.

Khoản 2 Điều 22 BLHS quy định “Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này”. Trong trường hợp này người bị xâm phạm đã có quyền phòng vệ và đã phòng vệ tuy nhiên đã phòng vệ quá mức cần thiết, tức hành vi PVCĐ đó so với tính chất mức độ nguy hiểm của hành vi bị xâm hại thì nó không tương xứng.

Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 05/01/1986 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS 1985 có hướng dẫn rằng: “Hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi hành vi phòng vệ phải tương xứng với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại”. Ngoài ra, Nghị quyết 02 cũng hướng dẫn rằng: “Tương xứng không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ. Để xem xét hành vi chống trả có tương xứng hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không, thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như: khách thể cần bảo vệ (thí dụ: bảo vệ địa điểm thuộc bí mật quốc gia, bảo vệ tính mạng); mức độ thiệt hại do hành vi xâm hại có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại (nam, nữ; tuổi; người xâm hại là côn đồ, lưu manh…); cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ; hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc (nơi vắng người, nơi đông người, đêm khuya) v.v… Đồng thời cũng cần phải chú ý đến yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp, phương tiện chống trả thích hợp, nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ. Sau khi đã xem xét một cách đầy đủ, khách quan tất cả các mặt nói trên mà nhận thấy rõ ràng là trong hoàn cảnh sự việc xảy ra, người phòng vệ đã sử dụng những phương tiện, phương pháp rõ ràng quá đáng và gây thiệt hại rõ ràng quá mức (như: gây thương tích nặng, làm chết người) đối với người có hành vi xâm hại thì coi hành vi chống trả là không tương xứng và là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Ngược lại, nếu hành vi chống trả là tương xứng thì đó là phòng vệ chính đáng”.

Ở tình huống tác giả đưa ra, trong quá trình giằng co, H có rút dao ra dọa N nằm im nếu không bị giết thì N cắn vào tay H, giật ngược được dao và bỏ chạy. Trước hành vi đe dọa của H thì N có quyền phòng vệ và đã phòng vệ bằng cách cắn vào tay H, giật dao, chạy, những hành động này được xem là phòng vệ chính đáng vì nó tương xứng với hành vi đe dọa xâm hại của H (thiệt hại do phòng vệ nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra).

Tuy nhiên, khi N bị H kéo lại thì N đã đâm H 03 nhát dao và chạy thoát. Hành vi đâm 03 nhát dao của N xác định rõ ràng là quá đáng bởi: Vũ khí mà hai bên đã sử dụng đó là dao, một vật có độ nguy hiểm cao, có khả năng tước đoạt tính mạng con người và vật này đang được N cầm trên tay; tuy người xâm hại là nam nhưng theo tình huống đưa ra thì H không đủ sức khỏe để hoàn toàn khống chế N, N có thể phản kháng được; H đang đe dọa xâm hại N nhưng sự phòng vệ của N là đâm liên tiếp 03 nhát vào người H chứng tỏ N đã phòng vệ bằng cường độ tấn công cao với vũ khí nguy hiểm; tuy hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc là buổi đêm và ở công viên, nhưng theo tình huống vẫn có người qua lại, việc tấn công của H không quá bất ngờ. Trong tình huống này, chỉ cần H đâm 01 nhát vào người N rồi bỏ chạy kêu cứu thì việc phòng vệ của H được xác định là chính đáng, đã loại trừ được hành vi xâm hại của H (nếu nhát đâm đó không vào vùng trọng yếu).

Sau khi đã xem xét một cách đầy đủ, khách quan tất cả các mặt có thể xác định rõ ràng là trong hoàn cảnh sự việc xảy ra, N đã sử dụng phương tiện nguy hiểm, phương pháp đâm 03 nhát dao khiến H tử vong đã rõ ràng quá đáng và gây thiệt hại rõ ràng quá mức và hành vi chống trả của N được xác định là không tương xứng và là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và N được xem là tội phạm. Vì vậy, xác định N phạm tội Giết người do vượt quá giới hạn PVCĐ là có căn cứ.

 

TAND tỉnh Nghệ An xét xử vụ án giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng - Ảnh: Trần Vũ

ĐINH THỊ NGỌC BÍCH (Tòa án quân sự Quân khu 4)