Vũ Văn Q có phạm tội không?
Vũ Văn Q mua của T 1,5 kg lõi đồng dây điện, do T trộm cắp trên đường. Q trả cho T 240.000 đồng và bán được 270.000 đồng. Q có phạm tội không?
Khoảng 02 giờ 30 phút ngày 25/01/2024, Nguyễn Văn T điều khiến xe mô tô một mình từ phòng trọ đến cột đèn chiếu sáng số 24 thuộc đường gom cao tốc Hà Nội – Bắc Giang, dùng tay bật nắp cống đường dây cáp điện ngẩm gần cột đèn số 24, thấy phía dưới có nhiều ống màu vàng để luồn dây cáp điện, T chui xuống dưới cống thì phát hiện một đầu dây điện nhãn hiệu Trần Phú loại dây 3x35mm+1x16mm vỏ màu đen bị cắt đứt từ trước hướng về cột đèn số 23. T dùng tay kéo đầu dây thì thấy kéo được. T kéo dây cáp lên trên đường và cắt 2 đoạn mỗi đoạn khoảng 1,5m. Cắt xong T dùng dao tách vỏ nhựa lấy lõi đồng xong bó lại thành 1 bó.
Sau đó, T mang đi bán cho Vũ Văn Q. Khi mua Q có hỏi T về nguồn gốc số lõi đồng và T có nói cho Q biết số lõi đồng trên là do T vừa trộm cắp ở cột đèn điện chiếu sáng trên Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang. Sau khi kiểm tra, đồng ý mua giá 160.000 đồng/kg. Số đồng T đem bán cho Q có trọng lượng 1,5 kg, theo thỏa thuận Q trả cho T là 240.000 đồng. Toàn bộ số lõi đồng mua được của T, Q đã bán lại cho người đàn ông không quen biết với giá 180.000 đồng/kg được số tiền 270.000 đồng (Q lãi 30.000 đồng). Hiện chưa thu hồi được số lõi đồng Q đã mua. Toàn bộ số tiền trên T và Q đã tiêu sài hết.
Kết luận định giá tài sản: 01 dây điện nhãn hiệu Trần Phú loại dây 3x35mm+1x16mm dài 3 m đã qua sử dụng trị giá 954.000 đồng.
Ngày 02/01/2024, Nguyễn Văn T bị Công an thành phố X, tỉnh B xử phạt vi phạm hành chính 2.750.000 đồng về hành vi “Trộm cắp tài sản”.
Đối với hành vi của Q, hiện còn có quan điểm khác nhau. Cụ thể:
Quan điểm 1: Vũ Văn Q phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” quy định tại khoản 1 Điều 323 BLHS.
Khoản 1 Điều 323 BLHS quy định: “1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm…”
“Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ...) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua);
“Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có cần cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội”.
Tiêu thụ tài sản là một trong các hành vi sau đây: mua, bán, thuê, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, đặt cọc, ký gửi, cho, tặng, nhận tài sản hoặc giúp cho việc thực hiện các hành vi đó.
Theo quy định tại Điều 323 BLHS thì người có hành vi chứa chấp, tiêu thụ tài sản buộc phải biết rõ tài sản đó do người khác phạm tội mà có, mà không buộc người tiêu thụ, chứa chấp phải biết rõ tài sản đó có giá trị thực tế như thế nào và họ đã bị xử lý hình sự hay chưa.
Từ nội dung vụ án trên có thể khẳng định: T đã bị khởi tố và xét xử về tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm a khoản 1 Điều 173 BLHS, do đó đủ căn cứ khẳng định 1,5 kg đồng mà T bán cho Q là tài sản do T phạm tội mà có. Vũ Văn Q không có hứa hẹn, bàn bạc hoặc thỏa thuận trước với T; Q biết rõ tài sản mà mình mua của T là tài sản do T trộm cắp mà có nhưng do ham lợi nên Q đã mua lại và bán cho người khác thu lợi số tiền 30.000 đồng.
Từ các căn cứ trên có đủ cơ sở khẳng định, Vũ Văn Q phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” quy định tại khoản 1 Điều 323 BLHS.
Quan điểm 2 cũng là quan điểm của tác giả: Vũ Văn Q không phạm tội.
Mặc dù, Vũ Văn Q có ý thức chủ quan biết rõ tài sản mà mình mua của T để bán kiếm lời là do T trộm cắp mà có, tuy nhiên tài sản mà T trộm cắp được có giá trị 954.000 đồng chưa đủ cấu thành tội “Trộm cắp tài sản” do đó không đủ cơ sở để xác định Q biết tài sản mua lại của T là do T “phạm tội mà có” hay do T “có hành vi vi phạm hành chính mà có”.
Từ nội dung vụ án trên có thể xử phạt Q vì đã có hành vi “d) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Vũ Văn Q không phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” quy định tại khoản 1 Điều 323 BLHS.
Tòa án nhân dân tp Kon Tum xét xử vụ án “Trộm cắp tài sản” và “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” - Ảnh: Hồng Khanh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Thông qua Pháp lệnh Chi phí tố tụng, tăng phụ cấp cho hội thẩm lên 900.000 đồng/ngày
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận