Xác định bị hại trong vụ án chiếm đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp Quân đội
Tổng Công ty viễn thông X , cung cấp dây cáp quang cho Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp TH để thi công các hạng mục kéo cáp quang treo tại địa bàn, theo Hợp đồng hai bên đã ký. Số dây cáp đó bị mất trộm, bên nào là bị hại trong vụ án?
Tình huống pháp lý
Đầu tháng 8/2021, trong khi đi làm, Nguyễn Văn A (sinh năm 1989, trú tại xã CT, huyện CX, tỉnh HT, là lao động tự do) thường xuyên phát hiện thấy tại bãi đất trống cạnh đường liên xã thuộc địa phận xã CT, huyện CX, tỉnh HT có để 02 cuộn cáp quang (loại cáp quang chuyên dùng để các nhà mạng lắp đặt các hạng mục viễn thông) không có ai trông coi, nên nảy sinh ý định trộm cắp bán lấy tiền tiêu xài. Ngày 17/8/2021, Nguyễn Văn A thuê 01 xe ô-tô cẩu vào để vận chuyển, đến 14 giờ cùng ngày thì A đưa 02 cuộn cáp lên xe về TP. HT, giấu ở khu vực chân cầu vượt đường tránh TP. HT, tỉnh HT.
A gọi điện cho anh Nguyễn Văn B là nhân viên Công ty cổ phần tư vấn xây lắp KP (Công ty KP) và nói đây là tài sản cần thanh lý, nên B đồng ý và cho xe đến địa điểm nói trên chở 02 cuộn cáp quang về nhập kho vật liệu của Công ty KP, sau đó thanh toán tiền hàng cho A. Sau một thời gian thì hành vi của A bị phát hiện, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản của A, đồng thời sau một quá trình điều tra đã thu hồi lại được tài sản nguyên vẹn. Tại bản kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thể hiện: 02 cuộn cáp quang treo ADSS 24 sợi - KV100m (dài 40.000 mét) bị chiếm đoạt có trị giá là 90.000.000 đồng.
Quá trình điều tra xác định tài sản bị A chiếm đoạt tại địa phận xã CT, huyện CX, tỉnh HT là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Tổng Công ty viễn thông X (doanh nghiệp thuộc quản lý của Quân đội), cung cấp cho Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp TH (Công ty TH) để thi công các hạng mục kéo cáp quang treo tại địa bàn, theo Hợp đồng ký kết ngày 25/8/2020. Theo nội dung Hợp đồng, Công ty TH có trách nhiệm bảo quản và sử dụng vật tư bên Tổng Công ty viễn thông X cấp và chịu trách nhiệm về rủi ro mất mát, hư hỏng tài sản; đối với vật tư còn thừa thì phải trả lại cho Tổng Công ty viễn thông X; ngày khởi công thi công công trình là ngày mà các bên có biên bản xác nhận thời điểm bắt đầu khởi công; thời điểm chuyển rủi ro là thời điểm từ khi Tổng Công ty viễn thông X bàn giao vật tư, tài sản cho Công ty TH và có biên bản bàn giao, kể từ thời điểm đó nếu để xảy ra mất mát hư hỏng thì Công ty TH phải chịu trách nhiệm.
Các quan điểm giải quyết khác nhau
Trong quá trình giải quyết vụ án phát sinh hai quan điểm.
- Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trong vụ án này cần xác định Tổng Công ty viễn thông X là bị hại, còn Công ty TH và Công ty KP là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Bởi vì việc ký kết Hợp đồng dân sự giữa Tổng Công ty viễn thông X và Công ty TH chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ pháp lý trong quản lý tài sản để thi công công trình trong một thời hạn nhất định, chứ không làm chuyển dịch quyền sở hữu tài sản của Tổng Công ty viễn thông X cho Công ty TH. Theo quy định tại Điều 158 BLDS thì quyền sở hữu tài sản bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt đối với tài sản; trong đó quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý tài sản; quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản; quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.
Như vậy, trong trường hợp này 02 cuộn cáp quang bị chiếm đoạt thuộc quyền sở hữu của Tổng Công ty viễn thông X, còn Công ty TH chỉ nắm được một phần của quyền chiếm hữu về tài sản là quản lý, sử dụng số vật tư cáp quang để phục vụ thi công các hạng mục viễn thông, thông qua hợp đồng dân sự. Công ty TH chỉ có quyền sử dụng quản lý vật tư thiết bị để thực hiện theo công việc yêu cầu của Tổng Công ty viễn thông X, còn mọi quyền quyết định định đoạt về tài sản vẫn là của Tổng Công ty viễn thông X, chứ Công ty TH không có quyền định đoạt tài sản.
Do đó, phải xác định Tổng Công ty viễn thông X là bị hại trong vụ án để đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho Tổng Công ty viễn thông X.
- Quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả) cho rằng: Công ty TH là bị hại trong vụ án, còn Tổng Công ty viễn thông X và Công ty KP là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Theo quy định tại khoản 1 Điều 62 BLTTHS, thì bị hại là tổ chức hoặc cá nhân trực tiếp bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản hoặc là cơ quan, tổ chức bị thiệt hại về tài sản, uy tín do tội phạm gây ra hoặc đe dọa gây ra; trong vụ án này Công ty TH là tổ chức bị thiệt hại trực tiếp do hành vi chiếm đoạt của A gây ra. Khi xảy ra sự việc mất cáp, Công ty TH đã tiến hành tổ chức huy động nhân viên và phương tiện để tìm kiếm tài sản bị mất (trước khi trình báo sự việc với cơ quan chức năng) chứ không phải là Tổng Công ty viễn thông X, và đã chịu tổn thất nhiều thời gian và chi phí cho việc tổ chức tìm kiếm tài sản bị mất cắp; trong khi đó Tổng Công ty viễn thông X không hề phải tốn bất kỳ một khoản chi phí nào về sự việc này.
Đồng thời theo nội dung tại Hợp đồng số 92, thì Công ty TH sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm đền bù thiệt hại cho Tổng Công ty viễn thông X nếu để xảy ra mất mát hư hỏng tài sản; còn trong trường hợp khắc phục được thì Công ty TH vẫn sẽ phải chịu thêm một khoản tiền phạt rủi ro cho Tổng Công ty viễn thông X do để xảy ra sự việc mất mát hư hỏng tài sản. Bên cạnh đó, mặc dù tài sản bị xâm phạm trong vụ án nói trên thuộc quyền sở hữu của Tổng Công ty viễn thông X, nhưng tại thời điểm tài sản bị xâm phạm thì Tổng Công ty viễn thông X không trực tiếp quản lý tài sản đó mà thông qua các giao dịch dân sự là các hợp đồng được ký kết phù hợp với các quy định của BLDS thì tài sản đó đang thuộc quyền quản lý, sử dụng của Công ty TH. Như vậy, tổ chức trực tiếp bị thiệt hại do tội phạm gây ra trong trường hợp này là Công ty TH, do đó phải xác định Công ty TH là bị hại mới phù hợp với quy định tại Điều 62 BLTTHS và đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty TH.
Trên đây là quan điểm trao đổi, rất mong sự đóng góp trao đổi thêm của quý đồng nghiệp và bạn đọc.
Thi công kéo cáp quang- Ảnh: MH
Bài liên quan
-
S và Đ là bị hại trong vụ án
-
Cảnh sát điều tra tìm bị hại trong vụ án Tập đoàn Egroup
-
Bàn về việc tiếp xúc giữa người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị cáo tại phiên tòa xét xử các vụ án xâm hại tình dục
theo quy định tại Thông tư số 02/2018/TT-TANDTC -
S và Đ là bị hại hay người có nghĩa vụ, quyền lợi liên quan đến vụ án
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận