Yêu cầu thi hành án trở lại theo Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015
Bài viết tập trung phân tích về trường hợp đương sự làm đơn yêu cầu thi hành án trở lại theo quy định tại khoản 5 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 “Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự”. Trên cơ sở phân tích đưa ra kiến nghị tiếp tục hoàn thiện quy định cua pháp luật về nội dung trên.
1. Quy định của pháp luật
Theo quy định tại Điều 51 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, một trong những trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án đó là khi xác định được người phải thi hành án không có tài sản để thi hành án. Khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành thì người được thi hành án có quyền yêu cầu thi hành bản án, quyết định trong thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật này, kể từ ngày phát hiện người phải thi hành án có điều kiện thi hành. Tuy nhiên, Điều 52 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định việc thi hành án đương nhiên kết thúc trong các trường hợp: Đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình; có quyết định đình chỉ thi hành án; có quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án. Từ quy định của hai điều luật cho thấy sự mâu thuẫn, bộc lộ rõ vướng mắc, bất cập khi áp dụng trên thực tiễn và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người được thi hành án.
Xuất phát từ hạn chế, vướng mắc này, Điều 52 Luật Thi hành án dân sự năm 2014 về việc kết thúc thi hành án đã bãi bỏ quy định đương nhiên kết thúc thi hành án đối với trường hợp “có quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án”. Theo đó, việc thi hành án sẽ đương nhiên kết thúc trong hai trường hợp đó là: “1.Có xác nhận của cơ quan thi hành án dân sự về việc đương sự đã thực hiện xong quyền, nghĩa vụ của mình; 2. Có quyết định đình chỉ thi hành án”.
Và để khắc phục triệt để những hạn chế, bất cập về trường hợp đương nhiên kết thúc thi hành án theo quy định tại Điều 52 Luật Thi hành án dân sự năm 2008, tại khoản 5 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về việc yêu cầu thi hành án trở lại quy định “5. Đối với trường hợp đã trả đơn yêu cầu thi hành án trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 mà đương sự yêu cầu thi hành án trở lại thì cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định trả đơn phải ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án. Yêu cầu thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự và phải kèm theo tài liệu liên quan, quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án, nếu có.
Trường hợp không còn quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án, người được thi hành án có quyền đề nghị cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định trả lại đơn yêu cầu thi hành án xác nhận về việc đã trả đơn và thụ lý giải quyết việc thi hành án.
Theo quy định trên, đối với trường hợp đã trả đơn yêu cầu thi hành án trước ngày 01/7/2015 mà đương sự yêu cầu thi hành án trở lại thì cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định trả đơn phải ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án. Yêu cầu thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự và phải kèm theo tài liệu liên quan, quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án, nếu có. Việc tiếp nhận yêu cầu thi hành án tại Điều 31 Luật THADS 2014 quy định:
2. Đơn yêu cầu phải có các nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ của người yêu cầu;
b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
c) Tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
d) Nội dung yêu cầu thi hành án;
đ) Thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có…
Như vậy, khi tiếp nhận đơn yêu cầu thi hành án trở lại trong trường hợp trả lại đơn yêu cầu trước ngày 01/7/2015 do người phải thi hành án không có hoặc không còn tài sản để thi hành, Cơ quan thi hành án dân sự cần kiểm tra tính hợp lệ của đơn yêu cầu thi hành án xác định, xác minh thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án. Nếu xác định được người phải thi hành có tài sản để thi hành thì Cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định trả đơn phải ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án. Nếu xác định được người phải thi hành án không còn tài sản để thi hành thì cần trả lại đơn và từ chối thi hành án theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 37 Luật THADS 2014.
2. Thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện
Xét về kỹ thuật lập pháp, khoản 5 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 thể hiện: Đối với trường hợp đã trả đơn yêu cầu thi hành án trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 mà đương sự yêu cầu thi hành án trở lại thì cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định trả đơn phải ra quyết định thi hành án và tổ chức việc thi hành án. Yêu cầu thi hành án thực hiện theo quy định tại Điều 31 Luật Thi hành án dân sự và phải kèm theo tài liệu liên quan, quyết định trả đơn yêu cầu thi hành án, nếu có. Tuy nhiên, việc kiểm tra tính hợp lệ của đơn yêu cầu thi hành án trở lại và xác minh tài sản bảo đảm cho việc thi hành án tại điểm đ khoản 2 Điều 31 Luật THADS chỉ quy định “thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, nếu có”.
Việc kiểm tra xác minh thông tin tài sản, điều kiện của người phải thi hành án điều luật quy định cụm từ “nếu có” vô hình trung đã dẫn đến cách hiểu đó là không nhất thiết phải xác minh về tài sản của người phải thi hành án khi người yêu cầu thi hành án nộp đơn yêu cầu thi hành án trở lại. Từ đó, khi xác định đơn yêu cầu thi hành án hợp lệ (bỏ qua thông tin về tài sản, điều kiện thi hành án của người phải thi hành án), Cơ quan thi hành án đã căn cứ khoản 5 Điều 4 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 và ra quyết định thi hành án, trong quá trình tổ chức thi hành án xác định tài sản để thi hành án không còn nên phải ra quyết định thu hồi quyết định thi hành án (thực tiễn áp dụng đã xảy ra trường hợp này).
Tồn tại hạn chế, thiếu sót trên, chủ yếu do ý thức chủ quan của Cơ quan thi hành án. Tuy nhiên, nhằm bảo đảm áp dụng pháp luật thống nhất, trong thời gian tới cần sửa đổi điểm đ khoản 2 Điều 31 Luật thi hành án dân sự năm 2014 theo hướng bãi bỏ cụm từ “nếu có” đối với trường hợp làm đơn yêu cầu thi hành án trở lại. Trên đây là quan điểm của chúng tôi khi tiếp cận một vụ việc cụ thể, rất mong nhận được ý kiến trao đổi và góp ý của bạn đọc./.
Cục thi hành án dân sự TP.HCM và các lực lượng chức năng cưỡng chế thi hành án - Ảnh: Cẩm Tú
Bài liên quan
-
Cân nhắc việc mở rộng quyền của đương sự, đặc biệt là quyền chủ động xác minh thi hành án dân sự
-
Kỷ luật Cục trưởng Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế
-
Vướng mắc khi giải quyết yêu cầu phân chia tài sản chung để thi hành án dân sự của Chấp hành viên
-
Hội thảo về đổi mới tổ chức, hoạt động, nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự của Việt Nam - kinh nghiệm từ Vương Quốc Anh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận