A đã đủ điều kiện để giảm thời hạn cải tạo không giam giữ
Sau khi nghiên cứu bài viết trao đổi của tác giả Trần Văn Hùng đăng ngày 13/5/2022 về điều kiện giảm thời hạn cải tạo không giam giữ theo quy định tại Điều 102 Luật Thi hành án hình sự (LTHAHS), tôi cho rằng, A đã đủ điều kiện để giảm thời hạn cải tạo không giam giữ.
Cải tạo không giam giữ là một hình phạt được áp dụng khi người phạm tội phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do BLHS quy định, đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng nếu xét thấy không cần thiết phải cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội. Đây là một hình phạt được coi là “nhẹ hơn” so với hình phạt tù bởi lẽ người phạm tội vẫn được tiếp tục học tập, làm việc và sinh sống mà không bị cách ly khỏi xã hội mặc dù phải chấp hành một số nghĩa vụ trong thời gian cải tạo không giam giữ.
Thời hạn cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm. Trong thời gian chấp hành án, người phạm tội đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật sẽ được xem xét để giảm thời hạn cải tạo không giam giữ. Cụ thể, theo quy định tại khoản 1 Điều 102 LTHAHS, người chấp hành án có thể được Tòa án quyết định giảm thời hạn thi hành án khi có đủ 3 điều kiện:
“a) Đã chấp hành được một phần ba thời hạn án phạt; đối với người dưới 18 tuổi thì phải chấp hành được một phần tư thời hạn án phạt;
b) Trong thời gian thử thách người chấp hành án đã chấp hành nghiêm chỉnh các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 99 của Luật này; tích cực học tập, lao động, sửa chữa lỗi lầm hoặc lập thành tích trong lao động, bảo vệ an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng;
c) Bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự trong trường hợp có nghĩa vụ dân sự.”
Đối với điều kiện thứ nhất: Đã chấp hành được một phần ba thời hạn án phạt; đối với người dưới 18 tuổi thì phải chấp hành được một phần tư thời hạn án phạt. Ở đây, thời hạn án phạt là thời hạn được quy định rõ trong bản án. Tức trong vụ án trên, thời hạn án phạt của A là 12 tháng. Tuy nhiên, trước khi bị kết án, A đã bị tạm giam nên theo quy định tại khoản 1 Điều 36 BLHS, A sẽ được quy đổi và trừ vào thời gian chấp hành án.
“Nếu người bị kết án đã bị tạm giữ, tạm giam thì thời gian tạm giữ, tạm giam được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cứ 01 ngày tạm giữ, tạm giam bằng 03 ngày cải tạo không giam giữ.”
Do đó, thực tế A đã chấp hành được 6 tháng, bao gồm 03 tháng được quy đổi từ thời gian tạm giam và 03 tháng chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 102 LTHAHS, trong trường hợp của A, A bị xử phạt 12 tháng cải tạo không giam giữ thì A phải chấp hành ít nhất 04 tháng mới đủ điều kiện xét giảm thời hạn. Trong vụ án này, A đã chấp hành được 06 tháng nên đã đủ thời hạn để xem xét giảm thời hạn cải tạo không giam giữ.
Tôi không đồng tình với quan điểm thứ nhất cho rằng A mới chỉ chấp hành được 03 tháng nên không đủ điều kiện. Bởi lẽ trên thực tế, trước khi bị kết án thì A đã bị tạm giam nên phải được quy đổi, trừ vào thời hạn cải tạo không giam giữ. Có như vậy mới đúng phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 36 BLHS và đảm bảo được quyền lợi chính đáng của A.
Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi, rất mong nhận được ý kiến đóng góp từ quý đồng nghiệp và bạn đọc./.
TAND tỉnh Quảng Trị xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Mạnh Hùng
Bài liên quan
-
Áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ khi người chấp hành án đang bị truy nã
-
Thời hạn đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ tính đến thời điểm thực hiện hành vi phạm tội mới
-
Thời gian đã chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ được tính đến thời điểm Tòa án xét xử về tội phạm mới
-
Xác định thời gian chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ khi phạm tội mới và tổng hợp hình phạt
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận