Áp dụng điều khoản hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

 “Hoàn cảnh thay đổi cơ bản” quy định những điều kiện cấu thành sự thay đổi cơ bản hoàn cảnh thực hiện hợp đồng và cho phép Tòa án có thể can thiệp sửa đổi/chấm dứt hợp đồng khi một trong các bên có yêu cầu. Quy định này nhằm cân bằng lợi ích của các bên trong trường hợp xuất hiện những sự kiện không lường trước được, hợp đồng có thể tiếp tục thực hiện nhưng hậu quả sẽ tốn kém hơn rất nhiều so với dự tính.

Trong bài viết này, tác giả trình bày (i) Các tiêu chí xác định hoàn cảnh thay đổi cơ bản quy định trong Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế (PICC), Bộ nguyên tắc Luật Hợp đồng Châu Âu (PECL) và pháp luật của một số quốc gia; (ii) Thực tiễn áp dụng điều khoản này trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.

1.Quy định về hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia

Hoàn cảnh thay đổi cơ bản được xem là ngoại lệ của nguyên tắc hợp đồng “pacta sunt servanda” (tôn trọng cam kết). Theo nguyên tắc này, các bên trong hợp đồng có nghĩa vụ tôn trọng và thực hiện các cam kết được thể hiện trong hợp đồng, được xem là luật của các bên. Tuy nhiên, việc thực hiện hợp đồng nói chung và hợp đồng có yếu tố quốc tế nói riêng luôn tồn tại nhiều rủi ro không lường trước được (rủi ro có thể từ nội dung hợp đồng không hoàn hảo, rủi ro khách quan từ thiên nhiên, chính trị, xã hội v…v). Khi rủi ro phát sinh sẽ dẫn đến mục đích ban đầu của hợp đồng không thể đạt được, các bên đứng trước lựa chọn có nên tiếp tục thực hiện hợp đồng không khi hậu quả của việc tiếp tục hợp đồng sẽ ảnh hưởng đến lợi ích của các bên hoặc một trong hai bên. Khi soạn thảo hợp đồng thương mại quốc tế, vấn đề quan tâm của các bên là những trường hợp không thể lường trước được có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng. Hầu hết các hợp đồng đều thỏa thuận điều khoản về “bất khả kháng” hoặc “miễn trừ trách nhiệm” để điều chỉnh những rủi ro khách quan không lường trước được.

Trong hệ thống pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia trên thế giới, điều khoản bất khả kháng (Force Majure) tồn tại từ rất lâu và trở thành điều khoản phổ biến trong hợp đồng để là căn cứ miễn trừ trách nhiệm của của bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Mặc dù hai điều khoản này được áp dụng khi có sự kiện khách quan xảy ra, không lường trước được và bên có nghĩa vụ đã cố gắng khắc phục thiệt hại; tuy nhiên điều kiện, mục đích áp dụng và hệ quả pháp lý là khác nhau tùy từng hoàn cảnh thực hiện hợp đồng. Bất khả kháng được áp dụng đối với những tình huống hợp đồng không thể thực hiện được do sự kiện khách quan dù bên có nghĩa vụ đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết. Ngược lại, “hardship” được áp dụng khi hoàn cảnh thực hiện hợp đồng thay đổi mà các bên không lường trước được tại thời điểm giao kết hợp đồng, mặc dù về nguyên tắc hợp đồng vẫn có thể thực hiện được nhưng một trong các bên sẽ bị thiệt hại về lợi ích kinh tế (mục đích hợp đồng không đạt được).[1] Cơ quan giải quyết tranh chấp hợp đồng phải cân nhắc việc áp dụng điều khoản “hardship” để đảm bảo phân chia rủi ro một cách hợp lý và công bằng lợi ích cho các bên.

​​​​​​​1.1. Khái niệm hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong PICC và PECL

1.1.1. Khái niệm hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong PICC

Định nghĩa và hệ quả pháp lý của hoàn cảnh thay đổi cơ bản được quy định cụ thể trong PICC. PICC được soạn thảo và ban hành bởi Viện Nghiên cứu quốc tế về thống nhất luật năm 1994, sửa đổi năm 2004, 2010, 2016, PICC nhằm giải thích các nguyên tắc chung của luật hợp đồng, thể hiện đặc điểm của các hệ thống pháp luật khác nhau được áp dụng rộng rãi trong thương mại quốc tế. Mặc dù PICC được soạn thảo theo cấu trúc của hệ thống dân luật nhưng các nguyên tắc cơ bản của PICC đều bắt nguồn từ đạo luật hợp đồng trong hệ thống thông luật, do đó có thể nói rằng PICC là sự kết hợp giữa hệ thống dân luật và thông luật.[2]  Bộ nguyên tắc PICC có phạm vi áp dụng rộng, không chỉ điều chỉnh đối tượng hợp đồng là hàng hóa và đóng vai trò quan trọng trong thực tiễn hoạt động thương mại quốc tế trong những năm gần đây. Định nghĩa hoàn cảnh thay đổi cơ bản được quy định tại Điều 6.2.2 của PICC.[3] Theo đó, các yếu tố để xác định hoàn cảnh thay đổi cơ bản gồm:

Thứ nhất là yếu tố khách quan, các sự kiện xảy ra làm thay đổi trạng thái cân bằng của hợp đồng. Thực tế, cơ quan giải quyết tranh chấp có hai tiêu chí để đánh giá sự mất cân bằng lợi ích, cụ thể: (i) sự kiện làm chi phí thực hiện hợp đồng tăng lên đáng kể do giá nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa tăng hoặc sự thay đổi quy định pháp luật dẫn đến chi phí sản xuất tăng hoặc chi phí nguồn nhân lực tăng; (ii) giá trị nhận được của bên đối ứng sẽ sụt giảm nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng do tác động của những thay đổi của nền kinh tế thị trường như ảnh hưởng của lạm phát lên giá cả của hàng hóa hoặc các lệnh cấm của chính phủ đối với xuất khẩu một số hàng hóa ảnh hưởng đến nghĩa vụ giao hàng của một bên.[4]

Thứ hai là yếu tố thời gian, các sự kiện khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng và trước khi một bên hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng. Trường hợp tại thời điểm giao kết hợp đồng, bên bị ảnh hưởng bất lợi đã nhận định được những thay đổi có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng, đây không được xem là hoàn cảnh thay đổi cơ bản vì các bên đã xác định và chấp nhận sự kiện có thể xảy ra là một trong những rủi ro của hợp đồng.

Thứ ba là yếu tố chủ quan, các sự kiện xảy ra là rủi ro không lường trước được đối với bên bị ảnh hưởng bất lợi. Đối với hoàn cảnh thay đổi cơ bản về kinh tế, nếu các bên đều có những kiến thức và thông tin rõ ràng về tình hình kinh tế tại thời điểm giao kết hợp đồng, thì hoàn cảnh này không được xem là thay đổi cơ bản.

Thứ tư là yếu tố mức độ ảnh hưởng, sự kiện xảy ra ngoài tầm kiểm soát của bên bị ảnh hưởng bất lợi. Quy định này của PICC tương đồng với tiêu chí xác định trở ngại khách quan của CISG, đều là sự kiện khách quan và không phụ thuộc vào ý chí của các bên.[5]

Thứ năm là yếu tố cơ bản, rủi ro về các sự kiện này không được bên bị bất lợi gánh chịu. Nếu trong hợp đồng, các bên đã thỏa thuận điều khoản về chia sẻ, phân bổ rủi ro đối với trường hợp cụ thể thì các bên sẽ mất quyền viện dẫn điều khoản hardship để yêu cầu điều chỉnh/sửa đổi hợp đồng.

1.1.2 Khái niệm hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong PECL

Theo Bộ nguyên tắc Luật Hợp đồng châu Âu (gọi tắt là PECL) được xây dựng bởi Ủy ban châu Âu về Luật Hợp đồng, với mục đích không chỉ giúp đảm bảo sự vận hành thông suốt của thị trường chung châu Âu mà còn có thể được sử dụng rộng rãi trong quan hệ hợp đồng quốc tế ngoài phạm vi Liên minh châu Âu. PECL quy định hardship trong một điều 6:111 gồm 3 khoản với tên gọi “Change of circumstances”.[6] Khoản 2 Điều 6:111 quy định các bên có quyền đàm phán lại hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng nếu hoàn cảnh thay đổi khiến cho việc thực hiện hợp đồng trở nên khó khăn và đáp ứng các điều kiện sau đây:

Thứ nhất, hoàn cảnh thay đổi sau khi giao kết hợp đồng;

Thứ hai, các bên không lường trước khả năng xảy ra hoàn cảnh cảnh thay đổi này tại thời điểm giao kết hợp đồng;

Thứ ba, hợp đồng không thỏa thuận rằng bên bị ảnh hưởng gánh chịu rủi ro do hoàn cảnh thay đổi này.

PICC không đề cập đến nghĩa vụ khắc phục khó khăn/ giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích của bên bị ảnh hưởng bất lợi và mức độ của khó khăn mà bên bị ảnh hưởng bất lợi phải đối mặt. Tuy nhiên, PECL quy định khó khăn trong việc tiếp tục thực hiện hợp đồng là một yếu tố để các bên đề nghị đàm phán lại hoặc chấm dứt hợp đồng.​​​​​​​

2. Khái niệm hoàn cảnh thay đổi cơ bản ở các quốc gia trên thế giới

Điển hình các nước theo hệ thống dân luật như Pháp, Đức, Ý đều có những quy định về hoàn cảnh thay đổi cơ bản của hợp đồng, mặc dù có quốc gia vẫn chưa có định nghĩa vụ thể nhưng đã đưa ra các điều kiện để xác định hoàn cảnh được xem là thay đổi cơ bản và hệ quả pháp lý. Tại Pháp, việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi đã được ghi nhận tại Điều 1195 Bộ luật Dân sự Pháp. Theo đó, nếu sau khi giao kết hợp đồng, hoàn cảnh thay đổi đến mức làm cho chi phí thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng tăng lên, mà bên bị bất lợi không thể gánh chịu rủi ro về sự kiện này, họ có quyền yêu cầu tiến hành đàm phán lại hợp đồng. Trong quá trình đàm phán lại hợp đồng, bên bị bất lợi vẫn phải thực hiện nghĩa vụ. Nếu các bên không thỏa thuận điều chỉnh hợp đồng, các bên có quyền hủy bỏ hợp đồng, hoặc cùng yêu cầu Tòa án sửa đổi hợp đồng. Nếu sau một thời hạn hợp lý mà hai bên không thỏa thuận được, Tòa án, theo yêu cầu của một bên, có quyền sửa đổi hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng vào ngày và theo các điều kiện do Tòa án quyết định. Tại Đức, năm 2002, Bộ luật Dân sự Đức sửa đổi quy định việc thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi tại Điều 313. Khoản 1 Điều 313 quy định rằng: nếu sau khi hợp đồng được giao kết mà hoàn cảnh thay đổi cơ bản đến mức nếu các bên biết trước sẽ không giao kết hợp đồng hoặc sẽ giao kết hợp đồng khác đi, thì hợp đồng có thể được sửa đổi trong phạm vi hợp lý căn cứ hoàn cảnh liên quan. Khoản 3 Điều 313 quy định rằng, nếu việc sửa đổi hợp đồng không thể thực hiện được hoặc không hợp lý cho một bên thì bên bị bất lợi có quyền chấm dứt hợp đồng.

Trong khi đó, các nước theo hệ thống luật Anh-Mỹ thì không phân biệt “bất khả kháng” (force majeure) và “hoàn cảnh thay đổi cơ bản” (hardship).  Luật hợp đồng Mỹ không quy định khái niệm “hardship”.

Tại Việt Nam, lần đầu quy định hoàn cảnh thay đổi cơ bản ở Điều 420 Bộ luật Dân sự 2015, phù hợp với xu thế chung của thế giới, tiếp thu quy định của hai Bộ nguyên tắc về hợp đồng là PICC và PELC. Bên cạnh đó, quy định pháp luật Việt Nam đã bổ sung hai tiêu chí để xem xét hoàn cảnh thay đổi cơ bản, phân biệt với các điều kiện cấu thành sự kiện bất khả kháng (sự kiện khách quan không lường trước được, áp dụng biện pháp cần thiết v…v), cụ thể:

Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc giao kết với nội dung hoàn toàn khác” – có thể thấy quy định này mang tính chất định tính, bởi vì rất khó để xác định thay đổi lớn là bao nhiêu và mục đích thực sự của các bên khi giao kết hợp đồng là gì, các bên có thể hiện mục đích trên hợp đồng hay không. Ví dụ các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, một bên là thương nhân tại Việt Nam, mục đích của hợp đồng là việc mua bán hàng hóa, thời hạn là 2 năm. Tại thời điểm giao kết hợp đồng đại dịch Covid-19 chưa bùng phát ở Việt Nam thì các chi phí thỏa thuận trong hợp đồng vẫn hợp lý. Tuy nhiên, khi Việt Nam đóng cửa biên giới để phòng chống dịch Covid-19 đã khiến các bên khó khăn khi tiếp tục thực hiện hợp đồng. Bên bị bất lợi buộc phải chứng minh Covid-19 là hoàn cảnh thay đổi cơ bản, nếu bên đó biết trước dịch bùng phát thì sẽ thỏa thuận khác trong hợp đồng hoặc không giao kết.

“Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên”. Ví dụ, từ vụ kiện giữa Công ty Slovenia (Nguyên đơn - Bên bán) và Công ty Việt Nam (Bị đơn - Bên mua) ký hợp đồng 05 năm, mỗi năm với số lượng hàng cụ thể, giá cụ thể. Đến vụ mùa thứ ba, Bên mua đề nghị điều chỉnh lại giá của hợp đồng từ 105,5 Euro/kg xuống còn 32,8 Euro/kg do giá thị trường giảm mạnh. Hai bên đã tiến hành thương lượng điều chỉnh lại giá cho vụ mùa trên nhưng không thành và phát sinh tranh chấp. Bên bán yêu cầu giữ nguyên giá đã nêu trong hợp đồng nhưng không được Hội đồng Trọng tài chấp nhận. Cơ quan giải quyết tranh chấp phải xác định thiệt hại đến mức nào thì được xem là “nghiêm trọng”? Nếu tuân thủ đúng hợp đồng thì Bên mua phải trả gấp 3 lần so với thị trường.[7] Tác giả cho rằng Tòa án sẽ cần phải xem xét dưới góc độ hợp lý ảnh hưởng của một hoàn cảnh thay đổi đối với việc thực hiện hợp đồng trong một khoảng thời gian dài xuyên suốt thời hạn của hợp đồng, thay vì chỉ chú trọng đến khoảng thời gian mà sự kiện được cho là hoàn cảnh thay đổi cơ bản diễn ra. Nếu giá thị trường đang có xu hướng giảm và thời hạn hợp đồng còn dài thì rõ ràng việc bên mua phải trả giá mua cao gấp 3 lần giá thị trường sẽ gây thiệt hại nặng nề cho doanh thu của Bên mua.

2. Áp dụng điều khoản “Hardship” trong Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

2.1.Theo thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng

Các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng về hệ quả và các biện pháp khắc phục khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Việc áp dụng điều khoản “hardship” trong trường hợp này không phụ thuộc vào luật áp dụng (điều ước quốc tế, pháp luật quốc gia) mà sẽ tuân thủ theo thỏa thuận cụ thể của các bên trong hợp đồng. Điều này phù hợp với nguyên tắc thiện chí, trung thực và nguyên tắc tự do hợp đồng. Như đã phân tích ở phần 1 về quy định hoàn cảnh cơ bản ở luật của một số quốc gia, có thể thấy rằng các yếu tố xác định áp dụng hoàn cảnh thay đổi cơ bản để điều chỉnh/chấm dứt hợp đồng quy định khác nhau, không thống nhất, ví dụ: luật một số nước chỉ cho phép bên bị bất lợi chấm dứt hợp đồng trong khi một số nước khác cho phép bên bị bất lợi được yêu cầu đàm phán sửa đổi hợp đồng. Do đó, đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, chủ thể tham gia ở các quốc gia khác nhau, phương thức giải quyết sẽ phụ thuộc vào luật áp dụng. Hiện nay, ICC đã soạn thảo điều khoản mẫu “hardship” (ICC FORCE MAJEURE AND HARDSHIP CLAUSES)[8] với nhiều tình huống để các bên lựa chọn thỏa thuận trong hợp đồng: 

“2…, các bên bị ràng buộc, trong một thời gian hợp lý kể từ khi viện dẫn Điều khoản này, phải thương lượng các điều khoản hợp đồng thay thế hợp lý để khắc phục hậu quả của hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Các bên có thể lựa chọn thỏa thuận các trường hợp sau đây:

3A: Khi điểm 2 của Điều khoản này được áp dụng, nhưng nếu các bên không thể đồng ý các điều khoản hợp đồng thay thế, thì bên viện dẫn Điều khoản này có quyền chấm dứt hợp đồng, nhưng không thể yêu cầu thẩm phán hoặc trọng tài điều chỉnh mà không có sự đồng ý của bên kia.

3B: Khi điểm 2 của Điều khoản này được áp dụng, nhưng nếu các bên không thể đồng ý các điều khoản hợp đồng thay thế, thì một trong hai bên có quyền yêu cầu thẩm phán hoặc trọng tài điều chỉnh hợp đồng nhằm khôi phục trạng thái cân bằng hoặc chấm dứt hợp đồng nếu phù hợp.

3C: Khi điểm 2 của Điều khoản này được áp dụng, nhưng trong trường hợp các bên không thể thỏa thuận các điều khoản hợp đồng thay thế, thì một trong hai bên có quyền yêu cầu thẩm phán hoặc trọng tài tuyên bố chấm dứt hợp đồng.”​​​​​​​

2.2.Theo luật áp dụng của hợp đồng

2.2.1 Luật áp dụng là Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980

Nguồn luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế bao gồm: điều ước quốc tế, luật quốc gia, tập quán quốc tế, án lệ và các nguyên tắc pháp lý. Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 (CISG) do Liên Hợp quốc soạn thảo đóng vai trò là điều ước quốc tế điều chỉnh trực tiếp hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Việc áp dụng CISG được quy định tại Khoản 1 Điều 1 Công ước này. CISG không có quy định về hoàn cảnh thay đổi cơ bản do đó cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ rất khó viện dẫn điều khoản này để miễn trừ trách nhiệm. Có nhiều ý kiến cho rằng có thể xem hardship là một trong các loại trở ngại khách quan theo Điều 79, tuy nhiên thực tiễn xét xử tại Tòa án và Trọng tài thì phần lớn đều không công nhận sự thay đổi cơ bản của hợp đồng là trở ngại khách quan để miễn trách nhiệm cho bên bị ảnh hưởng. Tuy nhiên theo quan điểm của tác giả, Điều 79 không hoàn toàn loại trừ khả năng áp dụng các trường hợp hoàn cảnh hợp đồng thay đổi cơ bản.

Thứ nhất, theo ý kiến của Ủy ban cố vấn soạn thảo CISG, từ “trở ngại” (impediment) không được định nghĩa rõ ràng khi xây dựng Công ước, trở ngại này khiến cho việc thực hiện hợp đồng là không thể, chính vì vậy nên nếu một bên tìm thấy căn cứ chứng minh rằng mình gặp hoàn cảnh bất lợi so với thời điểm giao kết hợp đồng thì có thể viện dẫn để miễn trừ trách nhiệm theo Điều 79 CISG.

Thứ hai, cơ quan giải quyết tranh chấp xem xét áp dụng Điều 79 đối với hoàn cảnh thay đổi cơ bản cũng tùy từng vụ việc, đặc biệt những hoàn cảnh thay đổi về tài chính, kinh tế khiến mất cân bằng lợi ích của các bên trong hợp đồng. Bên bị ảnh hưởng không thể viện dẫn “hardship” đối với sự thay đổi về điều kiện kinh tế, thị trường nếu đó là những rủi ro kinh doanh thông thường mà các bên khi tham gia hợp đồng buộc phải lường trước được. Nếu một sự thay đổi thị trường cực kỳ bất lợi đáp ứng định nghĩa của một “trở ngại ngoài tầm kiểm soát ”, đồng thời thỏa mãn các yếu tố khác của Điều 79, thì bên bị ảnh hưởng có thể viện dẫn Điều 79 để miễn trách nhiệm cho việc không thực hiện (chính là phần nghĩa vụ tài chính vượt quá khả năng lường trước, dự đoán được).

Trong vụ kiện giữa bên bán (nhà sản xuất than của Ba Lan) – bị đơn và người mua (Ý)[9] tại tòa án Phúc thẩm Ba Lan, bên bán viện dẫn hoàn cảnh thay đổi cơ bản để từ chối thực hiện hợp đồng do giá than trên thị trường thay đổi đáng kể. Phán quyết của Tòa án cho rằng bị đơn phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại có thể thấy trước. Tòa phúc thẩm đã công nhận rằng nhiều yếu tố kinh tế toàn cầu đã góp phần làm tăng giá nhiên liệu than chưa từng có. Tuy nhiên, Tòa phúc thẩm quyết định trách nhiệm của người bán không thể được miễn trừ theo Điều 79 CISG vì người bán hoàn toàn có khả năng tài chính để mua nhiên liệu than để giao cho người mua. Tòa phúc thẩm cũng lưu ý rằng các bên đã không thỏa thuận về điều khoản “hardship” trong hợp đồng hoặc về khả năng thương lượng lại giá hàng hóa trong trường hợp có sự thay đổi đáng kể về giá cả. Điều đó cho thấy biến động giá cả có thể xảy ra và cần được các bên lường trước khi giao kết hợp đồng. Cuối cùng, Tòa phúc thẩm tuyên bố rằng bị đơn chỉ có khả năng lường trước việc tăng giá 20% và theo đó chỉ phải chịu trách nhiệm đối với 20% thiệt hại đối với người mua. 

Để việc áp dụng CISG được linh hoạt và hiệu quả đối với hoàn cảnh thay đổi cơ bản, đòi hỏi phải có cơ chế chế tài đặc biệt. Theo Điều 79, bên gặp trở ngại sẽ được miễn hoàn toàn trách nhiệm bồi thường do việc vi phạm hợp đồng tuy nhiên đối với những thay đổi hoàn cảnh cơ bản không khiến hợp đồng “không thể thực hiện được” nên có cơ chế giải quyết bằng phương thức đàm phán lại hoặc chấm dứt hợp đồng thay vì miễn trách nhiệm.[10] Tuy nhiên, đối với quy định hiện tại thì CISG không có cơ chế đàm phán lại và chấm dứt hợp đồng. Trong phạm vi của CISG không điều chỉnh trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản của hợp đồng, đây có thể xem là khoảng trống pháp lý của CISG. Bởi vì theo Điều 4 của CISG không loại trừ phạm vi điều chỉnh hậu quả pháp lý đối với hoàn cảnh thay đổi cơ bản nhưng CISG cũng không đề cập đến “hardship” một cách rõ ràng. Trong trường hợp này, nguyên tắc Điều 7.2 của CISG có thể được áp dụng để giải quyết “Các vấn đề pháp lý liên quan đến đối tượng điều chỉnh của Công ước này mà không có các quy định rõ ràng trong Công ước này thì sẽ được giải quyết theo các nguyên tắc chung làm nền tảng của Công ước, hoặc nếu không có các nếu không có các nguyên tắc chung đó thì giải quyết theo luật áp dụng được xác định dựa trên các quy tắc của tư pháp quốc tế”. Một trong những nguyên tắc nền tảng của CISG là nguyên tắc “favor contractus” - nguyên tắc bảo tồn hiệu lực của hợp đồng, yêu cầu sự hợp tác, cách giải thích và thậm chí là sự điều chỉnh hợp đồng một cách thuận lợi cho các bên. Việc thương lượng và điều chỉnh lại hợp đồng trong trường hợp mất cân bằng lợi ích giữa các bên sẽ giảm bớt gánh nặng, thiệt hại cho bên bị ảnh hưởng và tái cân bằng lợi ích của hợp đồng. Thực tế, thông qua việc điều chỉnh hợp đồng, mục đích và lợi ích ban đầu của hai bên sẽ được duy trì thay vì hợp đồng bị chấm dứt hoàn toàn hoặc tiếp tục thực hiện mà gây thiệt hại cho một bên. Tuy nhiên cũng không chắc chắn rằng tòa án sẽ cho rằng việc viện dẫn nguyên tắc “favor contractus” là lý lẽ đủ thuyết phục để bên bị ảnh hưởng có thể đàm phán lại hợp đồng khi xảy ra hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

2.2.2 Bộ nguyên tắc Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế (PICC) được áp dụng điều chỉnh hợp đồng

PICC được áp dụng để điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa trong các trường hợp sau đây:

  • Khi các bên thoả thuận hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi Bộ Nguyên tắc này.
  • Khi các bên thoả thuận rằng hợp đồng sẽ được điều chỉnh bởi « Các nguyên tắc chung của pháp luật », bởi « lex mercatoria » hay một cách diễn đạt tương tự.
  • Khi các bên không lựa chọn một luật cụ thể nào điều chỉnh hợp đồng.

Ngoài ra, PICC có thể được sử dụng để giải thích hay bổ sung cho các văn bản luật quốc tế thống nhất khác và cũng có thể được sử dụng để giải thích hay bổ sung cho luật quốc gia.

Trong các trường hợp nêu trên, “hardship” sẽ được viện dẫn để giải quyết tranh chấp giữa các bên theo các điều kiện đáp ứng tại Điều 6.2.2 và Điều 6.2.3 của PICC.  Ngay cả trong trường hợp PICC không được áp dụng trong hợp đồng mua bán, một số quyết định của trọng tài và tòa án cũng viện dẫn Bộ nguyên tắc này để giải thích các quy định của luật điều chỉnh trên cơ sở đây là các quy tắc được thừa nhận trên toàn thế giới về thực tiễn hợp đồng, hoặc được xem như là nguyên tắc chung của thương mại quốc tế, hoặc các quy tắc áp dụng trong luật thương mại quốc tế.[11]

Trong vụ Scafom, Tòa án Belgian Cassation đã áp dụng Bộ nguyên tắc để giải thích Điều 79 của CISG để đưa ra quyết định và yêu cầu các bên thương lượng lại hợp đồng. Mặc dù một số án lệ áp dụng PICC để quyết định điều chỉnh hợp đồng trong hoàn cảnh thay đổi cơ bản, các bên vẫn nên quy định rõ ràng trong hợp đồng về điều khoản “hardship”, có tham chiếu đến điều khoản Hardship của ICC.[12]

3. Kết luận 

Từ những phân tích nêu trên, trong trường hợp các bên tham gia hợp đồng thương mại quốc tế áp dụng CISG, nếu có sự thay đổi kinh tế hoặc biến động thị trường gây bất lợi cho một bên và tạo thành “trở ngại”, các bên có thể viện dẫn Điều 79 để miễn trừ trách nhiệm, tuy nhiên cần có quy định thống nhất một ngưỡng biến động kinh tế, tài chính cụ thể để bên bị bất lợi được miễn trừ trách nhiệm (ví dụ biến động tối thiểu 100% về chi phí và giá cả của hàng hóa). Việc quy định này giúp cho cơ quan giải quyết tranh chấp có cơ sở để xác định trở ngại được miễn trừ trách nhiệm cho bên bị ảnh hưởng. Dù vậy, để tránh những tranh chấp và thiệt hại không đáng có, các bên nên thỏa thuận điều khoản về miễn trừ trách nhiệm và điều khoản giải quyết hậu quả pháp lý khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản sau khi giao kết hợp đồng.

 

Các bên nên thỏa thuận điều khoản về miễn trừ trách nhiệm và điều khoản giải quyết hậu quả pháp lý khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản - Ảnh: MH

 

 

 

[1] Lorenz&Partners, Comparison of commonly-used Force Majeure and Hardship Clauses in International Contracts, Newsletter No. 119, 2020, <https://lorenz-partners.com/download/international/NL119E-Force-Majeure-and-Hardship-Clauses-in-International-Contracts-Mar20.pdf>, truy cập ngày 20/6/2022

[2] William Tetley, Mixed Jurisdictions: Common Law v. Civil Law (Codified and Uncodified), 60 La. L. Rev. (2000), pp.681-684

[3] PICC, Article 6.2.2.“There is hardship where the occurrence of events fundamentally alters the equilibrium of the contract either because the cost of a party ’s performance has increased or because the value of the performance a party receives has diminished, and (a) the events occur or become known to the disadvantaged party after the conclusion of the contract; (b) the events could not reasonably have been taken into account by the disadvantaged party at the time of the conclusion of the contract; (c) the events are beyond the control of the disadvantaged party; and (d) the risk of the events was not assumed by the disadvantaged party. ”

[4] Zhang, Y., 2012. UNIDROIT principles of international commercial contracts 2010, Beijing: China Commerce and Trade Press, pp.450-470

[5] LEAF, Can you apply hardship or force majeure during the coronavirus crisis? (2020), <https://www.legal500.com/developments/thought-leadership/can-you-apply-hardship-or-force-majeure-during-the-coronavirus-crisis/>, truy cập ngày 24/6/2022

[7] VIAC, #004 | Điều chỉnh lại hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi (VIAC, 2021) <https://www.viac.vn/thu-tuc-trong-tai/004-%7C-dieu-chinh-lai-hop-dong-khi-hoan-canh-thay-doi-a130.html>, truy cập ngày 10/6/2022

[8] ICC Force Majeure and Hardship Clauses (2020) < https://iccwbo.org/content/uploads/sites/3/2020/03/icc-forcemajeure-hardship-clauses-march2020.pdf> truy cập ngày 10/6/2022

[9] Poland November 26, 2013 Court of Appeals (T.K.M.E. GmbH v. P.K. S.A.)

[10] Alejandro M. Garro, Exemption of Liability for Damages Under Article 79 of the CISG, CISG Advisory Council Opinion No. 7 (CISG Advisory Council) < http://www.cisgac.com/file/repository/CISG_Advisory_Council_Opinion_No_7.pdf>, truy cập ngày 16/7/2022

[11] Marcello Mantelli, Hardship in international sales of goods, (Avvocati Associati, 2020) < https://imantelli.eu/en/hardship-in-international-sales-of-goods/>, truy cập ngày 24/8/2022

[12] Belgium June 19, 2009 Cour De Cassation [Supreme Court] (Scafom International BV v. Lorraine Tubes S.A.S.)

 

ThS PHẠM THỊ CẨM NGỌC (Giảng viên Đại học Quốc tế Sài Gòn)