Rút đơn khởi kiện và rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện trong tố tụng hành chính – Một vài phân tích và đề xuất

 Bài viết đề cập, phân tích, so sánh để làm rõ về vấn đề rút đơn khởi kiện và rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện và đề xuất sửa một số quy định của Luât Tố tụng hành chính ( LTTHC).

Rút đơn khởi kiện, rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện trong tố tụng hành chính là nội dung chưa thống nhất, còn nhiều băn khoăn trong nghiên cứu pháp luật TTHC về quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện. Về mặt thực tiễn xét xử các vụ án hành chính, các Tòa án vận dụng xử lý hậu pháp lý của việc rút đơn khởi kiện, rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện VAHC cũng chưa có sự thống nhất.

1. Quy định về rút đơn khởi kiện

Rút đơn khởi kiện là một trong những quyền thuộc về quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện trong TTHC. Hiện tại, LTTHC quy định về quyền này rải rác ở một vài điều khoản từ giai đoạn sau khi thụ lý đến giai đoạn xét xử phúc thẩm. Cụ thể, các khía cạnh dưới đây:

Thứ nhất, về chủ thể có quyền rút đơn khởi kiện. Điều 140, 143, 234 và 235  LTTHC đồng thời cùng ghi nhận người khởi kiện vụ án hành chính (VAHC) là chủ thể duy nhất có quyền rút đơn khởi kiện. Trong đó, khoản 8 Điều 3 L TTHC có đề cập về khái niệm người khởi kiện: “người khởi kiện là cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính...”. Do vậy, khi cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện làm phát sinh VAHC thì đồng thời họ cũng có quyền rút đơn khởi kiện.

Thứ hai, về thời điểm rút đơn khởi kiện. Trên cơ sở nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện quy định tại Điều 8 LTTHC, người khởi kiện có quyền định đoạt việc rút đơn khởi kiện trong quá trình TTHC. Theo đó, LTTHC ghi nhận tản mạn quyền rút đơn khởi kiện của người khởi kiện tại Điều 140 và Điều 243. Ở giai đoạn sơ thẩm, tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, nếu người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện thì Thẩm phán lập biên bản về việc người khởi kiện tự nguyện rút đơn khởi kiện (khoản 2 Điều 140 LTTHC); nếu người khởi kiện cam kết rút đơn khởi kiện thì Tòa án lập biên bản về việc cam kết của đương sự. Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày lập biên bản, người khởi kiện phải gửi cho Tòa án văn bản rút đơn khởi kiện (khoản 2 Điều 140 LTTHC). Ở giai đoạn phúc thẩm, trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa người khởi kiện cũng có quyền rút đơn khởi kiện (khoản 1 Điều 234 LTTHC).

Thứ ba, về hậu quả pháp lý của việc rút đơn khởi kiện. Tùy thuộc vào mỗi giai đoạn tố tụng hành chính khác nhau, việc rút đơn khởi kiện sẽ để lại những hậu quả pháp lý khác nhau. Trước hết, tại giai đoạn sơ thẩm, nếu người khởi kiện rút đơn khởi kiện trên cơ sở đối thoại thành thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án và quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm trừ trường hợp luật định (khoản 3 Điều 140 LTTHC); nếu người khởi kiện rút đơn khởi kiện và không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hoặc có yêu cầu độc lập nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng rút yêu cầu thì Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án; nếu có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ yêu cầu thì tòa án đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của người khởi kiện đã rút (điểm b, c khoản 1 Điều 143 LTTHC).

Kế đến, tại giai đoạn phúc thẩm, người khởi kiện rút đơn khởi kiện và đương sự đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của người khởi kiện. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án (Điều 234 LTTHC); nếu người khởi kiện rút đơn khởi kiện trên cơ sở người bị kiện sửa đổi, hủy bị, dừng, khắc phục quyết định định, hành vi bị kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm hủy bản án, quyết định sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

Trong cả hai giai đoạn, người khởi kiện đều có quyền khởi kiện lại nếu còn thời hiệu khởi kiện (khoản 1 Điều 144, khoản 2 Điều 234 LTTHC). Như vậy, khác với giai đoạn sơ thẩm, tại giai đoạn phúc thẩm, người khởi kiện rút đơn khởi kiện phải hỏi ý kiến của các đương sự khác, chỉ khi họ đồng ý thì Tòa cấp phúc thẩm mới hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Đây là quy định hoàn toàn hợp lý, bảo đảm quyền lợi cho tất cả các đương sự trong vụ án, loại trừ trường hợp khi người khởi kiện rút đơn có ảnh hưởng đến quyền lợi của các đương sự khác, bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong TTHC

2. Quy định về rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện

Yêu cầu khởi kiện VAHC là nội dung được đề cập trong đơn khởi kiện hoặc được bổ sung trong giai đoạn sơ thẩm VAHC. Yêu cầu khởi kiện chính là phần thể hiện các nội dung mà người khởi kiện đề nghị Tòa án xem xét nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho họ trước sự xâm phạm của các quyết định hành chính, hành vi hành chính do người bị kiện ban hành, thực hiện. Trong thực tiễn xét xử các VAHC, phần lớn các yêu cầu khởi kiện đều được thể hiện trong nội dung đơn khởi kiện. Khi thụ lý và giải quyết, Tòa án căn cứ vào các yêu cầu đó để xét xử và giải quyết, bảo đảm cho việc giải quyết đúng trọng tâm và toàn diện. Các nội dung dưới đây, tác giả sẽ làm rõ:

Thứ nhất, về chủ thể có quyền rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Theo ghi nhận tại các Điều 8, 56, 138, 173  và 174 LTTHC thì quyền rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện thuộc về duy nhất người khởi kiện. Với quy định tại Điều 174 LTTHC, khi người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện nhưng người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ yêu cầu độc lập của mình thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành người khởi kiện.

Thứ hai, về thời điểm rút yêu cầu khởi kiện. Tương tự như rút đơn khởi kiện, việc rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện cũng được LTTHC quy định tản mạn ở Điều 138, Điều 174. Theo đó, tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, khi tiến hành kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, Thẩm phán công bố tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và hỏi đương sự về việc rút yêu cầu khởi kiện, sau khi các đương sự trình bày xong, Thẩm phán xem xét các ý kiến, giải quyết các đề nghị (khoản 2, 3 Điều 138 Luật TTHC).

Tại phiên tòa sơ thẩm, sau khi khai mạc phiên tòa, giải quyết yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch (nếu có), chủ tọa phiên tòa hỏi người khởi kiện về việc thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện (khoản 1 Điều 172 Luật TTHC). Tiếp đến, Tòa án đánh giá sự tự nguyện trong việc rút yêu cầu để xem xét việc việc rút đơn khởi kiện (khoản 2 Điều 173 Luật TTHC). Như vậy, trong suốt quá trình TTHC, việc rút yêu cầu khởi kiện chỉ được mặc định tại giai đoạn sơ thẩm sau khi thụ lý VAHC mà không được tiếp nối đề cập tại giai đoạn xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Đây là điểm khác biệt với việc rút đơn khởi kiện.

Thứ ba, về hậu quả pháp lý của việc rút yêu cầu khởi kiện. Khác với rút đơn khởi kiện, rút yêu cầu khởi kiện được tách bạch bởi việc rút một phần yêu cầu khởi kiện và rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Theo đó, nếu người khởi kiện rút một phần yêu cầu và việc rút yêu cầu này của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu mà đương sự đã rút (khoản 2 Điều 173 LTTHC). Trường hợp người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện và trong VAHC không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Nếu người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ yêu cầu độc lập của mình thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trở thành người khởi kiện (Điều 174 LTTHC).

Từ các nội dung nêu trên, chúng ta thấy, rút đơn khởi kiện và rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện đều có những điểm giống nhau và có những điểm khác nhau. Theo đó, về điểm giống: Cả rút đơn khởi kiện và rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện đều thuộc về quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện, đây là các quyền được Tòa án bảo đảm thực hiện trong TTHC. Bên cạnh đó, cả rút đơn khởi kiện và rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện đều thể hiện ý chí của người khởi kiện, muốn chấm dứt việc yêu cầu Tòa án giải quyết yêu cầu của mình và chúng đều không được đề cập ở giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm VAHC.

Về điểm khác nhau: Nếu như việc rút đơn khởi kiện được quy định cả trong giai đoạn sơ thẩm và trong giai đoạn phúc thẩm VAHC thì quyền rút toàn bộ yêu cầu chỉ được nhắc đến trong giai đoạn xét xử sơ thẩm tại phiên tòa theo Điều 140, Điều 173 LTTHC mà không được đề cập trong giai đoạn phúc thẩm VAHC.

3. Thực trạng và một số định hướng sửa đổi

3.1.Việc hiểu và vận dụng về rút đơn khởi kiện và rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện VAHC chưa thống nhất

 Từ cơ sở được nêu trên tại mục 1 và mục 2, cho thấy việc rút đơn khởi kiện và rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện có sự trùng lắp và khác nhau nhất định. Về mặt lý luận lẫn thực tiễn, rút đơn và rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện chưa được hiểu thống nhất, bất nhất trong cách hiểu. Hiện nay, trong khoa học pháp lý, có hai cách hiểu như sau:

Cách hiểu thứ nhất, việc rút đơn khởi kiện đồng nhất với việc rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện

Về mặt lý luận, trong TTHC, người khởi kiện chính là đương sự chủ động làm phát sinh VAHC, việc khởi kiện của họ được thực hiện bằng đơn khởi kiện và đơn khởi kiện phải bao gồm các yêu cầu đề nghị Tòa án giải quyết[1]. Với căn cứ này, đơn khởi kiện được hiểu là hình thức để chứa đựng nội dung là các yêu cầu khởi kiện. Hay nói cách khác, đơn khởi kiện là văn bản thể hiện ý chí của người khởi kiện muốn được Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình[2]. Do vậy, việc rút đơn khởi kiện được hiểu là rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện.

Về mặt thực tiễn thụ lý giải quyết các VAHC, hầu như các Tòa án thường sử dụng hai cụm từ “rút đơn khởi kiện” và “rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện” để thay thế cho nhau. Theo đó, khi thẩm định 100 quyết định đình chỉ giải quyết VAHC có căn cứ đình chỉ là (người khởi kiện rút đơn khởi kiện) tại điểm b, c khoản 1 Điều 143 LTTHC, tác giả nhận thấy, các Tòa án ghi nhận căn cứ đình chỉ và sử dụng hai thuật ngữ “rút đơn khởi kiện” và “rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện” là đồng nhất về mặt nội dung và dụng ý, đơn cử một số quyết định đình chỉ sau:

Vụ án thứ nhất[3]: Ngày 05/7/2022, người khởi kiện là bà Nguyễn Thị M đã nộp đơn xin rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, không yêu cầu Tòa án giải quyết và đề nghị đình chỉ giải quyết vụ án. Việc rút yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị M là tự nguyện và phù hợp pháp luật quy định tại điểm b khoản 1 Điều 143 Luật TTHC. Do vậy, Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Vụ án thứ hai[4]: Tại phiên tòa ngày 08/8/2022, ông Trần Đình H đại diện theo ủy quyền của người khởi kiện là bà Lại Thị Mỹ L xin rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Việc rút đơn khởi kiện là hoàn toàn tự nguyện, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 143 Luật TTHC. Do vậy, Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Vụ án thứ ba[5]: Ngày 01/11/2022, ông Nguyễn Tấn Th có đơn xin rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Việc rút đơn yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện thuộc trường hợp không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan quy định tại điểm b khoản 1 Điều 143 Luật TTHC; do vậy, Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Cách hiểu thứ hai, rút đơn khởi kiện và rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện là hai trường hợp có nội hàm khác nhau

Về cơ bản, đối với VAHC mà người khởi kiện không có bổ sung thêm yêu cầu khởi kiện trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm thì việc rút đơn khởi kiện và rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện là hoàn toàn đồng nhất. Thế nhưng, đối với những VAHC, người khởi kiện có bổ sung các yêu cầu khởi kiện so với các yêu cầu trong đơn khởi kiện thì rõ ràng khi người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện có nội hàm rộng hơn rút đơn khởi kiện. Bởi lẽ, LTTHC quy định: trong quá trình giải quyết vụ án, người khởi kiện có quyền thay đổi, bổ sung, rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện (Điều 56 LTTHC). Trong trường hợp người khởi kiện bổ sung yêu cầu khởi kiện, lúc này đơn khởi kiện bao gồm đơn khởi kiện ban đầu và đơn khởi kiện bổ sung. Do vậy, toàn bộ yêu cầu khởi kiện có nội hàm rộng hơn đơn khởi kiện ban đầu. Thế nên, việc rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện có nội hàm rộng hơn rút đơn khởi kiện. Nói cách khác, rút đơn khởi kiện trong trường hợp này được hiểu là rút một phần yêu cầu khởi kiện.

Với cách hiểu như trên, trong thực tiễn xét xử, để thể hiện tương ứng việc người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, một số Tòa án ghi nhận người khởi kiện rút toàn bộ đơn khởi kiện, thay vì rút đơn khởi kiện. Chẳng hạn, tại Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án số 01/2018/QĐST-HC của TAND huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long ghi nhận[6]: xét thấy, người khởi kiện rút toàn bộ đơn khởi kiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 143 của Luật TTHC, Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án; hay tại Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hành chính số 16/2020/QĐST-HC của TAND tỉnh Phú Yên ghi nhận[7]: xét thấy, người khởi kiện rút toàn bộ đơn khởi kiện trong trường hợp không có yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 143 Luật TTHC, Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Như vậy, theo cách tiếp cận này, khi người khởi kiện có bổ sung yêu cầu khởi kiện thì việc rút đơn khởi kiện và rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện lại có sự khác nhau nhất định.

Từ các cách hiểu nêu trên, tác giả đồng tình với cách hiểu thứ hai. Bởi lẽ, cách hiểu thứ nhất chỉ phù hợp với trường hợp trong VAHC người khởi kiện không có bổ sung yêu cầu khởi kiện, tức là không đưa thêm yêu cầu khởi kiện so với các yêu cầu được liệt kê trong đơn khởi kiện. Đối với trường hợp người khởi kiện có bổ sung thêm yêu cầu khởi kiện thì việc đồng nhất giữa rút đơn khởi kiện và rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện là chưa toàn diện, mang tính phiến diện và không phản ánh được đúng tính chất của việc rút hết các yêu cầu khởi kiện. Do vậy, rút đơn khởi kiện và rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện có nội hàm khác nhau và chúng cần được LTTHC sử dụng quy định cho thấu đáo, tường minh, tránh gây ra sự xáo trộn bất nhất trong các quyết định đình chỉ giải quyết vụ án của các Tòa án hiện nay.

Về giải pháp cụ thể, tác giả cho rằng, LTTHC cần thống nhất trong việc sử dụng thuật ngữ “rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện”, “rút đơn khởi kiện” theo các giai đoạn tố tụng.

Một là, LTTHC cần thống nhất quy định về quyền “rút đơn khởi kiện” trước khi Tòa thụ lý vụ án: Nghĩa là, ở thời điểm trước khi Tòa án thụ lý VAHC, người khởi kiện nộp đơn khởi kiện và duy nhất ở thời điểm này chỉ có đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện chứa đựng các yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện, quyền bổ sung yêu cầu khởi kiện chưa được đặt ra trong giai đoạn này. Nên việc đề cập quyền rút đơn khởi kiện ở thời điểm này là phù hợp. Bên cạnh đó, LTTHC cũng cần bổ sung thêm quy định về quyền rút đơn khởi kiện của người khởi kiện trước khi Tòa thụ lý vụ án và trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện trước khi Tòa án thụ lý VAHC thì Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện. Điểm bổ sung này sẽ bảo đảm triệt để hơn quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện.

Hai là, LTTHC nên sử dụng đồng bộ quyền “rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện” sau khi Tòa án thụ lý vụ án: Đây là kiến nghị nên được các nhà làm luật xem xét sửa đổi. Điều này khắc phục được hạn chế mặc nhiên đồng nhất giữa rút đơn khởi kiện và rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện như hiện nay, loại trừ trường hợp các Tòa án sử dụng các thuật ngữ không thống nhất khi ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Theo đó, quyền rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện tại Điều 173 là giữ nguyên, quyền rút đơn khởi kiện của người khởi kiện trong giai đoạn phúc thẩm tại Điều 234 LTTHC cần được thay thế bằng quyền rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Mặt khác, LTTHC cần bổ sung điều khoản giải thích từ ngữ tại Điều 3 về rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, cụ thể là “rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện VAHC là rút toàn bộ yêu cầu trong đơn khởi kiện và rút tất cả các yêu cầu khởi kiện bổ sung (nếu có)”.

Ngoài ra, để bảo đảm tính chỉn chu, tại Nghị quyết 02/20217 của HĐTPTANDTC, danh mục biểu mẫu dùng trong TTHC, các nhà làm luật cũng cần bổ sung biểu mẫu “Đơn bổ sung yêu cầu khởi kiện” để bảo đảm tính thống nhất trong việc thụ lý giải quyết VAHC của các Tòa án, khắc phục tính bất nhất hiện nay, có đương sự thì ghi là Đơn khởi kiện bổ sung, có đương sự lại ghi là Đơn bổ sung thêm yêu cầu khởi kiện.

3.2. LTTHC chưa có quy định về quyền rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện tại giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm

Quyền thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu khởi kiện là nhóm quyền nằm trong nội dung quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện, được ghi nhận tại Điều 8 LTTHC. Theo đó, trong quá trình giải quyết VAHC, người khởi kiện có quyền thay đổi, bổ sung, rút yêu cầu khởi kiện, thực hiện các quyền tố tụng của mình theo quy định. Điều khoản này đã khẳng định, quyền rút một phần hoặc rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện được bảo đảm trong suốt quá trình giải quyết VAHC. Tuy nhiên, hiện tại LTTHC lại chỉ bảo đảm quy định quyền này tại giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm mà không đề cập đến việc thực hiện quyền này tại giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm VAHC. Do vậy, tác giả nhận thấy đây là khiếm khuyết cần phải xem xét toàn diện hơn.

Việc không ghi nhận quyền rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện trong giai đoạn giám đốc thẩm không chỉ xâm phạm, cản trở tới quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện mà còn làm lãng phí thời gian, chi phí tố tụng cho Tòa án lẫn đương sự. Thực chất khi Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật yêu cầu xét xử sơ thẩm hoặc phúc thẩm lại thì người khởi kiện vẫn sẽ được thực hiện quyền rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Chính vì thế, thay vì chỉ cho phép người khởi kiện rút yêu cầu khởi kiện trong giai đoạn sơ thẩm, phúc thẩm thì LTTHC nên trực diện quy định quyền rút  yêu cầu khởi kiện trong giai đoạn giám đốc thẩm, loại trừ trường hợp “mua việc” cho Tòa án, tạo gánh nặng cho công tác xét xử của Tòa mà quan trọng hơn là nhằm tinh giản hơn thủ tục tố tụng, nâng cao được chất lượng giải quyết các VAHC.

Về giải pháp cụ thể: Trên tinh thần tham chiếu quy định của BLTTDS hiện hành, dù không trực tiếp ghi nhận quyền rút yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện trong giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng cũng đã gián tiếp đề cập một cách có chủ ý. Theo đó, Điều 346 BLTTDS quy định “Hội đồng xét xử giám đốc thẩm ra quyết định hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án, nếu vụ án đó thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 217 của Bộ luật này” mà tại điểm g khoản 1 Điều 217 BLTTDS lại gián tiếp đề cập đến quyền rút đơn khởi kiện của người khởi kiện”. Từ đó, trong TTHC, thiết nghĩ đạo luật này cũng cần quy định ghi nhận về quyền rút toàn bộ yêu cầu của người khởi kiện trong giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm VAHC.

Vấn đề đặt ra, chúng ta cần quy định như thế nào? Về vấn đề này, hiện tại có hai phương án đề ra. Phương án thứ nhất, LTTHC chỉ cần ghi nhận quyền rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện và khi người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm ra quyết định hủy bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ giải quyết vụ án. Phương án hai cũng là phương án mà tác giả thấy khả thi, phù hợp toàn diện[8]. Vì giám đốc thẩm, tái thẩm là thủ tục đặc biệt, đối tượng xét lại là bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nên khi người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì có thể ảnh hưởng tới quyền lợi của các đương sự khác cho nên cần có những tiêu chí, điều kiện đặt ra. Theo đó, trước khi mở phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm mà người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, Hội đồng xét xử phải hỏi ý kiến của các đương sự khác. Nếu các đương sự khác không đồng ý thì Hội đồng xét xử không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của người khởi kiện. Nếu đương sự khác đồng ý thì Hội đồng xét xử sẽ chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của người khởi kiện. Trong trường hợp, Hội đồng giám đốc thẩm, tái thẩm ra quyết định hủy bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ việc giải quyết vụ án.

3.3. LTTHC quy định về vấn đề rút đơn khởi kiện của người khởi kiện trong giai đoạn phúc thẩm còn chưa rõ ràng

Khoản 1 Điều 234 LTTHC quy định: “Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mà người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi người bị kiện có đồng ý hay không và tùy trường hợp mà giải quyết như sau: (a.) Nếu người bị kiện không đồng ý thì không chấp nhận việc rút đơn khởi kiện. (b) Đương sự đồng ý thì chấp nhận việc rút đơn khởi kiện của người khởi kiện. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án”. Quy định này có một số điểm chưa hợp lý sau[9]:

Một là, sự không thống nhất khi phần đầu chỉ quy định: “người khởi kiện rút đơn khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi ý kiến của người bị kiện”, nhưng điểm b khoản 1 Điều 234 lại đề cập đến sự đồng ý của toàn bộ các “đương sự”. Rõ ràng, trong nội tại của một điều luật mà ý tứ của các khoản “rối rắm”, gây vướng mắc khi áp dụng pháp luật của các Tòa án. Thực tế xét xử hành chính cho thấy, khi người khởi kiện rút đơn khởi kiện tại giai đoạn phúc thẩm, có Tòa án chỉ hỏi ý kiến của người bị kiện mà không hỏi ý kiến của của các đương sự khác và ngược lại có Tòa án lại hỏi ý kiến của tất cả các đương sự còn lại trong đó có cả người bị kiện. Do đó, điều khoản này cần phải thiết kế lại. 

Hai là, Điều 234 LTTHC cũng chưa đề cập đến cách xử lý của Tòa án phúc thẩm khi người khởi kiện rút đơn khởi kiện tại phiên tòa nhưng Tòa án không thể thực hiện việc hỏi ý kiến của người bị kiện và các đương sự khác vì những người này đều không có mặt trong phiên tòa phúc thẩm. Những thiếu sót này sẽ làm cho Tòa án lúng túng khi xử lý tình huống, dẫn đến việc áp dụng pháp luật thiếu thống nhất.

Về giải pháp cụ thể: Để khắc phục các hạn chế trên, chúng tôi cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 234 LTTHC như sau: “Trước khi mở phiên tòa hoặc tại phiên tòa phúc thẩm mà người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải hỏi người bị kiện và các đương sự khác có đồng ý hay không và tùy từng trường hợp mà giải quyết như sau:

a. Người bị kiện không đồng ý thì không chấp nhận việc rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện;

b. Người bị kiện và các đương sự khác đồng ý thì chấp nhận việc rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện. Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án. Trường hợp này, đương sự vẫn phải chịu án phí sơ thẩm theo quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và phải chịu một nửa án phí phúc thẩm theo quy định của pháp luật.

c. Trường hợp tại phiên tòa mà người bị kiện, các đương sự khác vắng mặt không có người đại diện hợp pháp tham gia phiên tòa thì Tòa án sẽ tạm ngừng phiên tòa để lấy ý kiến của họ và quyết định theo điểm a, b của Luật này khi phiên tòa được mở lại”.

Kết luận

Trong các đương sự của VAHC, người khởi kiện là đương sự chủ động làm phát sinh vụ án và đồng thời họ cũng là chủ thể được LTTHC cho phép có quyền định đoạt chấm dứt việc giải quyết vụ án bằng việc thực hiện các quyền rút đơn khởi kiện, rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện. Về cơ bản, hai quyền này có những tương đồng nhất định song ở mức độ phân tích kỹ lưỡng hai quyền này có những nội hàm khác nhau. Do đó, bài viết đã đánh giá lại chúng và đề xuất một vài kiến nghị hoàn thiện quy định của LTTHC. Điều này góp phần bảo đảm sự thống nhất trong học thuật và áp dụng pháp lý để xét xử các VAHC ở nước ta./. 

 

TAND tỉnh Bắc Giang xét xử trực tuyến vụ án hành chính sơ thẩm được số hóa hồ sơ, tài liệu - Ảnh: Lương Bích Hảo

      

 

 

 

 


[1] Xem thêm Điều 117, 118 LTTHC

[3] Quyết định số: 155/2022/QĐST-HC ngày 29/8/2022 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội về đình chỉ giải quyết vụ án hành chính

[4] Quyết định số: 13/2022/QĐST-HC ngày 08/08/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Tháp về đình chỉ giải quyết vụ án hành chính

[5] Quyết định số: 67/2022/QĐST-HC ngày 01/11/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định về đình chỉ giải quyết vụ án hành chính

[6] Quyết định số: 01/2018/QĐST-HC ngày ngày 31/01/2018 của Tòa án nhân dân huyện Trà Ôn tỉnh Vĩnh Long về đình chỉ giải quyết vụ án hành chính

[7] Quyết định số: 16/2020/QĐST-HC ngày 23/9/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên về đình chỉ giải quyết vụ án hành chính

[8] Nguyễn Hoàng Yến “ Quyền Rút yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện trong TTHC”  Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 1/2020, Tr 45

[9] Lê Thị Mơ, Thủ tục phúc thẩm vụ án hành chính, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 8/2020, Tr 24

Ths LÊ THỊ MƠ (Giảng viên Khoa Hành chính – Nhà nước – Trường Đại học Luật Tp HCM) - TRẦN QUỐC VĂN (Khoa Hành chính – Nhà nước – Trường Đại học Luật Tp HCM)