Tạp chí Tòa án nhân dân số 10 năm 2023

​​​​​​​Tạp chí Tòa án nhân dân số 10, kỳ II tháng 5 năm 2023 xuất bản ngày 25 tháng 5 năm 2023. Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 10 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 10 năm 2023, cụ thể như sau:

Bài viết “Nguyên nhân của bạo lực về thể chất đối với trẻ em trong phạm vi gia đình” của tác giả Lê Nguyên Thanh tập trung phân tích nhận thức về hành vi bạo lực về thể chất đối với trẻ em trong phạm vi gia đình; đánh giá những nguyên nhân của bạo lực về thể chất đối với trẻ em trong phạm vi gia đình ở Việt Nam và góc nhìn từ một số vụ việc cụ thể, từ đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm phòng ngừa, xử lý hành vi bạo lực về thể chất đối với trẻ em, bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em.

Bài viết “So sánh Luật Phá sản trong mối quan hệ với các văn bản quy phạm pháp luật khác - một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện” của tác giả Cao Nhất Linh nêu nhận định: “Đối tượng áp dụng của Luật Phá sản năm 2014 là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam. Do đó, khi những tổ chức kinh tế này lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán nợ đến hạn thì người lao động, công đoàn cơ sở, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã, những người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã,… có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Tuy nhiên, so với các quy định của một số văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như Luật Đầu tư năm 2020, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Doanh nghiệp năm 2020 thì các quy định liên quan nêu trên đang bộc lộ một số bất cập cần được tiếp tục hoàn thiện”. Trong bài viết, tác giả so sánh một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan mật thiết đến việc áp dụng Luật Phá sản năm 2014; nhằm tìm ra những điểm khác biệt, bất cập của Luật Phá sản năm 2014 so với các văn bản quy phạm pháp luật này, làm cơ sở cho các kiến nghị hoàn thiện Luật Phá sản năm 2014 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Bài viết “Bảo vệ quyền của người tiêu dùng đối với dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động” của tác giả Nguyễn Thị Bảo Anh có viết: “Nguồn thực phẩm được cung cấp từ dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động đã đáp ứng một phần không nhỏ nhu cầu của người tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay. Thực tế đã có nhiều cảnh báo về nguy cơ mất an toàn về sức khỏe đối với loại hình cung cấp thực phẩm này, tuy nhiên hiện nay nhiều quy định pháp luật vẫn còn chưa có sự đồng bộ, nhiều vấn đề pháp lý có liên quan đến quyền của người tiêu dùng trong hoạt động này còn chưa được hoàn thiện”. Bài viết nghiên cứu làm rõ một số vấn đề liên quan đến 03 quyền cơ bản của người tiêu dùng; phân tích quy định của pháp luật Việt Nam và so sánh với quy định có liên quan của pháp luật một số quốc gia trên thế giới, từ đó chỉ ra một số hạn chế, bất cập về vấn đề này và nêu kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Bài viết “Một số vướng mắc trong xét xử tội phạm ma túy theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015” của tác giả Nguyễn Thị Bình phân tích quy định của pháp luật về các tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy quy định tại các điều 249, 250, 251 Bộ luật Hình sự năm 2015; đánh giá thực tiễn xét xử các loại tội phạm nêu trên và kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Bài viết “Bàn về một số quy định của pháp luật về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” của tác giả Nguyễn Trọng Cảnh nêu đánh giá: “Tình trạng vi phạm pháp luật và tội phạm liên quan đến nghiên cứu, thăm dò, khai thác trái phép tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên nước, dầu khí và khoáng sản là vấn đề “nóng” gây mất an ninh trật tự tại nhiều địa phương trên cả nước”. Bài viết phân tích quy định của pháp luật về tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên; đánh giá thực trạng áp dụng pháp luật đối với tội vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị.

Bài viết “Đánh giá chứng cứ trong tố tụng dân sự” của các tác giả Nguyễn Thị Thúy Hằng - Nguyễn Cao Thắng - Phan Minh Toản viết: “Đánh giá chứng cứ được quy định tại Điều 108 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, nhưng những nội dung thể hiện trong điều luật chưa thật sự đầy đủ, hợp lý và còn một số bất cập”. Bài viết phân tích, làm rõ những hạn chế, bất cập của quy định của pháp luật về đánh giá chứng cứ theo Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.

Bài viết “Quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường - thực trạng và kiến nghị” của tác giả Phan Thị Thu Thủy và Phan Thị Lan Anh tập trung phân tích, chỉ ra một số bất cập, hạn chế của quy định hiện hành về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường; từ đó, đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định về vấn đề này cho phù hợp ở nước ta hiện nay.

Bài viết “Giải quyết tranh chấp tiêu dùng theo thủ tục rút gọn tại Tòa án - một số hạn chế, vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Nguyễn Thị Dung nêu nhận định: “Tranh chấp tiêu dùng là loại tranh chấp diễn ra phổ biến trong xã hội ngày nay với tính đa dạng của hoạt động tiêu dùng. Khi phát sinh tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, theo quy định tại Điều 30 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, có 04 phương thức giải quyết tranh chấp là thương lượng, hòa giải, trọng tài và Tòa án. Trong đó, phương thức giải quyết tranh chấp tại Tòa án là phương thức được lựa chọn phổ biến bởi những đặc trưng mà chỉ phương thức này mới có. Quy trình, thủ tục giải quyết tranh chấp tiêu dùng tại Tòa án được tuân theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan”. Bài viết phân tích, đánh giá quy định về giải quyết tranh chấp tiêu dùng tại Tòa án theo thủ tục rút gọn, chỉ ra một số tồn tại, vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

Bài viết “Bàn về dấu hiệu hậu quả “gây thiệt hại về tài sản” trong mặt khách quan của tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” của tác giả Hoàng Quảng Lực đánh giá thực trạng điều tra, truy tố, xét xử các vụ án theo tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng ở một số địa phương, mà theo tác giả, nếu việc điều tra, truy tố, xét xử đúng, thì những trường hợp này phải phạm vào một tội khác hoặc không phạm tội. Bài viết còn chỉ ra sự khác nhau giữa hai khái niệm “gây ra thiệt hại” và “để người khác gây ra thiệt hại”, từ đó, chỉ ra khi nào thì điều tra, truy tố, xét xử hành vi thiếu trách nhiệm theo tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, khi nào thì xét xử hành vi này theo một tội danh khác.

Bài viết “Giới hạn nghĩa vụ bảo mật thông tin người bệnh trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật Việt Nam” của tác giả Nguyễn Vương Quốc tập trung làm sáng tỏ nguyên tắc của nghĩa vụ bảo đảm bí mật thông tin người bệnh trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; xác định những giới hạn (ngoại lệ) của nghĩa vụ này. Trên cơ sở đó, bài viết phân tích những hạn chế, bất cập của quy định pháp luật Việt Nam về những giới hạn của nghĩa vụ bảo mật thông tin người bệnh và đưa ra đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện những quy định của pháp luật có liên quan.

          Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 10, kỳ II tháng 5 năm 2023.

 

* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

* Trên Tạp chí in (bắt đầu số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kế thêm mã QR trong trang mục lục, giúp bạn đọc dễ dàng truy cập các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng máy ảnh của điện thoại thông minh

BTK