Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 6 năm 2020

Tạp chí Tòa án nhân dân số 06 năm 2020 xuất bản ngày 25 tháng 3 năm 2020. Trên số Tạp chí này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 07 bài viết về các vấn đề, lĩnh vực mang tính thời sự nổi bật hiện nay và Án lệ số 30/2020/AL về hành vi cố ý điều khiển phương tiện giao thông chèn lên bị hại ssu khi xảy ra tai nạn giao thông.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin tóm tắt một số nội dung chính, nổi bật của các bài viết như sau:
Với bài viết: “Bàn về những chính sách, biện pháp phòng, chống tham nhũng hiệu lực, hiệu quả và thực chất”, PGS.TS Nguyễn Hòa Bình nêu nhận định: “Những năm gần đây, nhất là từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng đã được thực hiện quyết liệt, toàn diện và đạt hiệu quả tích cực. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn được phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh, có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh; được cán bộ, đảng viên và Nhân dân hoan nghênh, bạn bè quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, đây là cuộc đấu tranh cam go, phức tạp, cần phải tiếp tục kiên trì, kiên quyết tiến hành với những chính sách, biện pháp ngày càng hiệu lực, hiệu quả và thực chất hơn”. Trong bài viết của mình, tác giả tập trung nghiên cứu, phân tích về thực trạng tình hình tham nhũng ở nước ta thời gian qua; kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng và những thách thức đặt ra đối với công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; từ đó tác giả nêu ra những chính sách, biện pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian tới. Đây là một bài viết, một công trình khoa học được nghiên cứu công phu, tỉ mỉ, phản ánh một nội dung vô cùng quan trọng được toàn đảng, toàn dân quan tâm trong thời gian hiện nay.
Trên chuyên mục Pháp luật–Thực tiễn, Tạp chí Tòa án nhân dân gới thiệu đến bạn đọc bài viết: “Dịch Covid-19 và vấn đề miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam” của tác giả Lưu Minh Sang và Đoàn Thanh Hải. Với nhận định cho rằng: “Trong bối cảnh dịch Covid-19 do chủng mới của coronavirus (ncoV hay SARS-CoV-2) là một tình trạng khẩn cấp về y tế trên toàn cầu đã dẫn việc đình đốn hoạt động sản xuất do doanh nghiệp phá sản hàng loại và khan hiếm nguyên vật liệu cũng như hạn chế trong việc đi lại và vận chuyển hàng hóa. Vấn đề đặt ra là liệu các tổ chức, cá nhân, có thể coi dịch Covid-19 là căn cứ để lập luận miễn trừ trách nhiệm cho việc vi phạm hợp đồng của mình hay không? Pháp luật Việt Nam quy định nguyên tắc ghi nhận trách nhiệm tuân thủ hợp đồng của các bên và trách nhiệm dân sự của một bên khi vi phạm hợp đồng, tuy nhiên cũng cho phép các bên được miễn trừ trách nhiệm do vi phạm hợp đồng trong một số trường hợp”. Trong bài viết này, các tác giả tập trung phân tích, bình luận về các trường hợp miễn trừ trách nhiệm theo thỏa thuận của các bên, theo quy định của pháp luật … từ đó đưa ra một số kiến nghị cụ thể phù hợp với yêu cầu của thực tế đặt ra.
Với bài viết: “Thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân”, tác giả Nguyễn Thị Hường đưa ra nhận định: Thực tế hiện nay, việc chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân diễn ra ngày càng phổ biến. Việc chia này giúp giải tỏa được những xung đột, mâu thuẫn trong gia đình, giải quyết được nhu cầu của thực tiễn đặt ra trong mỗi gia đình, đồng thời cũng bảo đảm nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận về tài sản chung của vợ chồng. Tuy nhiên, một số quy định của pháp luật về vấn đề này còn tồn tại những bất cập, hạn chế cần được nghiên cứu hoàn thiện. Trong bài viết này, tác giả phân tích, chỉ ra một số vướng mắc, bất cập khi áp dụng quy định về thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể.
Trong bài viết: “Áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp giám sát đối với người dưới 18 tuổi”, tác giả Phan Thị Thu Lê và Bùi Thị Hằng Mong cho rằng: Do đặc thù của người dưới 18 tuổi phạm tội, cho nên, để giải quyết đúng đắn vụ án, thể hiện được chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, cũng như phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em, pháp luật tố tụng hình sự đã có những quy định cụ thể đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nhằm mục đích bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của họ. Trong nội dung bài viết, tác giả tập trung phân tích quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp giám sát đối với người dưới 18 tuổi; đồng thời chỉ ra một số bất cập trong thực tiễn áp dụng biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế, biện pháp giám sát đối với người dưới 18 tuổi; từ đó đưa ra những kiến nghị cụ thể để hoàn thiện pháp luật, đảm bảo áp dụng hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn.
Trên chuyên mục Trao đổi ý kiến, Tạp chí TAND giới thiệu đến bạn đọc bài viết: “Một số bất cập về bồi thường, hỗ trợ ổn định đời sống, chuyển đổi nghề khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp” của tác giả Trần Hữu Quân. Đây là vấn đề thường xảy ra trong thực tiễn đời sống, tuy nhiên cách nhận định và giải quyết vấn đề này còn nhiều quan điểm khác nhau, Tạp chí TAND rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của bạn đọc để việc hiểu và áp dụng pháp luật được thống nhất trong thực tiễn.
Ngoài ra, trên Tạp chí TAND số này còn có bài viết: “Một số bất cập trong quá trình thực hiện quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại theo Điều 84 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015” của tác giả Lê Xuân Cảnh và bài viết: “Kiểm soát tính công bằng của các điều khoản mẫu” của tác giả Nguyễn Thị Dung.
Trân trọng kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 06 năm 2020!