Giới thiệu Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 năm 2019

Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 năm 2019 xuất bản ngày 25 tháng 9 năm 2019.

Trong số này, Tạp chí trân trọng giới thiệu tới bạn đọc 07 bài viết về các lĩnh vực pháp luật khác nhau gồm: Pháp luật Dân sự, hình sự, đất đai, hành chính… với những nội dung cụ thể mang tính thời sự sâu sắc và 01 Quyết định của Tòa án nhân dân tối cao về việc công bố Án lệ (cùng một Án lệ).

Trong bài viết “Thời điểm chuyển quyền sở hữu bất động sản ở Việt Nam”, PGS. TS. Đỗ Văn Đại nêu nhận định: “Hợp đồng mua bán (trong đó có trao đổi tài sản như nêu trên) làm phát sinh nhiều vấn đề liên quan tới các bên trong hợp đồng (như vấn đề ai sẽ là chủ sở hữu tài sản, bên bán vẫn là chủ sở hữu hay quyền sở hữu đã thuộc về bên mua?) và liên quan đến cả người thứ ba so với hợp đồng (như vấn đề chủ nợ của bên bán hay chủ nợ của bên mua được yêu cầu xử lý tài sản?)”. Từ đó, trong bài viết của mình, tác giả tập trung đi sâu vào phân tích hai nội dung cơ bản là: (1) Thực trạng pháp luật nước ta về các vấn đề quyền sở hữu tài sản. Tác giả cho rằng, các quy định của pháp luật hiện còn nhiều vướng mắc vì xuất phát từ việc chúng ta không có sự phân biệt rõ ràng thời điểm chuyển quyền sở hữu giữa các bên và thời điểm chuyển quyền sở hữu trong mối quan hệ với người thứ ba; (2) Từ đó, tác giả đưa ra các kiến nghị cụ thể để giải quyết các vướng mắc trên theo hướng phân biệt hai thời điểm chuyển quyền sở hữu. Đây là một công trình nghiên cứu khoa học công phu, tỷ mỷ với nhiều điểm mới có giá trị.

Bài viết “Chế định án phí dân sự – những hạn chế, vướng mắc và một số kiến nghị, đề xuất” của ThS. Ngô Thị Tuyết Thanh lại là một phát hiện mới về chế định án phí dân sự phát sinh trong thực tiễn áp dụng pháp luật. Trong bài viết, tác giả đi sâu vào nghiên cứu, phân tích khái niệm án phí dân sự, các quy định của pháp luật hiện hành về án phí dân sự để làm rõ bản chất của án phí dân sự. Đồng thời, tác giả cũng chỉ ra những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự và những vấn đề mà pháp luật chưa có quy định hoặc có quy định nhưng chưa cụ thể, rõ ràng về vấn đề án phí dân sự; từ đó tác giả đưa ra một số kiến nghị, đề xuất nhằm hoàn thiện các quy định, hướng dẫn về án phí dân sự.
Tác giả Trần Vang Phủ và Huỳnh Nguyễn Đăng Khoa có bài viết “Hoàn thiện pháp luật về chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại”, đây là một nội dung khá được quan tâm bởi tính thời sự của nó. Trong bài viết, các tác giả đưa ra các phân tích, nhận định về khái niệm chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại; nêu đánh giá về những bất cập trong quy định pháp luật về chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại; từ đó nêu kiến nghị để khắc phục những khó khăn, vướng mắc đó.
Trong bài viết “Bàn về một số trường hợp hoãn phiên tòa phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015”, ThS. Võ Văn Tuấn Khanh và Nguyễn Ngọc Đang Thanh nêu một số điểm mới về các trường hợp hoãn phiên tòa phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Từ đó các tác giả luận bàn về các hạn chế, vướng mắc mà pháp luật chưa quy định hoặc chưa quy định cụ thể dẫn đến quá trình áp dụng gặp nhiều khó khăn, đồng thời đề xuất hướng hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung để việc áp dụng được rõ ràng, thống nhất.
Với bài viết “Áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc tại Tòa án – thực tiễn áp dụng và kiến nghị hoàn thiện pháp luật”, các tác giả Lý Văn Toán và Lâm Thị Minh Hiếu nêu một vụ việc cụ thể về đối tượng áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc và các quan điểm khác nhau về trường hợp này cũng như quan điểm và kiến nghị của mình. Các tác giả cũng phân tích về thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND; Kiểm sát viên tham gia phiên họp; việc xác định người nghiện không có nơi cư trú ổn định và đưa ra các đề xuất.

ThS. Võ Duy Tuấn nhận định trong bài viết “Tội phạm kinh tế, tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản ở Việt Nam – thực trạng và giải pháp” như sau: “Tội phạm kinh tế tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng cơ bản ở Việt Nam không những đã gây ra những hậu quả vô cùng to lớn, thiệt hại nghiêm trọng tài sản của Nhà nước mà còn làm xói mòn lòng tin của quần chúng nhân dân với chế độ. Nhận thức, đánh giá được thực trạng của loại tội phạm này sẽ giúp các cơ quan chức năng chủ động phòng ngừa đấu tranh có hiệu quả, từng bước hạn chế tiến tới triệt tiêu các nguyên nhân, điều kiện phát sinh, tồn tại của loại tội phạm này.”. Tác giả đã tổng hợp và đánh giá thực trạng tình hình cũng như chỉ ra một số giải pháp phòng ngừa loại tội phạm này trong thời gian tới.

Trong bài viết “Bàn về biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng”, tác giả Phạm Quang Công tập trung phân tích các quy định của pháp luật về biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, một số hạn chế, vướng mắc trong việc áp dụng để từ đó đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 năm 2019 cũng đăng tải Quyết định số 293/QĐ-CA ngày 09 tháng 9 năm 2019 của Chánh án TANDTC về việc công bố Án lệ. Trong số này, Tạp chí lựa chọn giới thiệu tới bạn đọc một án lệ là: Án lệ số 27/2019/AL về thụ lý, giải quyết vụ án hành chính liên quan đến nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01-7-1991.

Trân trọng kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 18 năm 2019!

BTK