Áp dụng hay không áp dụng tình tiết định khung tăng nặng?

Bị cáo K có hai tiền án. Quá trình giải quyết có các quan điểm khác nhau về việc xác định có áp dụng tình tiết định khung tăng nặng để chuyển khung hình phạt đối với bị cáo K hay không.

Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 14/5/2021, H (sinh năm 1978) cùng Nh (sinh năm 1982) đến mua của K 300.000 đồng tiền ma túy. Sau đó K cho H sử dụng ma túy tại nhà ở của mình (lấy chai nhựa tự chế đưa cho H sử dụng ngay tại phòng ngủ). H mời K cùng sử dụng, khi cả hai vừa sử dụng hết số ma túy H mua của K thì bị bắt quả tang. K tự giác giao nộp 01 túi nilon bên trong có bột màu hồng và tinh thể màu trắng (giám định có khối lượng 0,314 gam, loại Methamphetamine).

Về nhân thân xác định K có các tiền án như sau:

- Bản án số 41/2008/HSST ngày 12/8/2008 của TAND huyện H, tỉnh P xử K 42 tháng tù về tội Cưỡng đoạt tài sản. Đã thi hành xong số tiền án phí hình sự sơ thẩm và dân sự sơ thẩm ngày 04/12/2008. Qua xác minh, đại diện bị hại xác nhận K đã bồi thường đủ số tiền theo bản án xét xử.

- Bản án số 07/2010/HSST ngày 22/01/2010 của TAND huyện M, tỉnh P xử K 36 tháng tù về tội Trốn khỏi nơi giam tổng hợp với hình phạt 42 tháng tù tại bản án số 41/2008/HSST ngày 12/8/2008 của TAND huyện H, tỉnh P  buộc bị cáo Hải chấp hành hình phạt chung cho cả 2 bản án là 6 năm 6 tháng tù. Chấp hành xong án phạt tù ngày 28/5/2014. Đối với phần án phí hình sự sơ thẩm, Chi cục Thi hành án dân sự huyện M, tỉnh P chưa nhận được Bản án số 07/2010/HSST ngày 22/01/2010 của TAND huyện M để thụ lý. Kiểm tra khoản nộp tiền tạm thu của đương sự thì xác định K chưa nộp khoản án phí này.

Căn cứ vào hành vi nêu trên, K bị truy tố về 2 tội Mua bán trái phép chất ma túy, Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy” theo quy định tại Điều 251 và Điều 256 BLHS.

Quá trình giải quyết vụ án này thì hiện còn có các quan điểm khác nhau về việc xác định có áp dụng tình tiết định khung tăng nặng để chuyển khung hình phạt đối với K về cả 2 tội trên hay không.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Theo quy định tại Điều 70 BLHS 2015, K chưa chấp hành xong toàn bộ bản án số 07/2010/HSST ngày 22/01/2010 của TAND huyện M (cụ thể là chưa thi hành về án phí), mặc dù không phải do lỗi của K mà do lỗi của TAND huyện M (không giao bản án cơ quan THA DS) và cơ quan THA DS không ra quyết định thi hành án chủ động đối với K). Mặt khác, pháp luật không quy định về thời hiệu thi hành đối với các khoản thi hành án chủ động (trong đó có khoản thi hành về án phí) nên K chưa được xóa án tích. Do đó, lần phạm tội này phải chịu tình tiết định khung Tái phạm nguy hiểm (trước đó bản án của Tòa án huyện M xác định K tái phạm”.

Do vậy, phải truy tố, xét xử K về tội Mua bán trái phép chất ma túy theo điểm q khoản 2 Điều 251 BLHS và tội Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy theo điểm đ khoản 2 Điều 256 BLHS  là có căn cứ, đúng pháp luật.

Quan điểm thứ hai cho rằng: Khoản 2 Điều 73 BLHS quy định: “Người bị kết án chưa được xóa án tích mà thực hiện hành vi phạm tội mới và bị Tòa án kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật thì thời hạn để xóa án tích cũ được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính hoặc thời gian thử thách án treo của bản án mới hoặc từ ngày bản án mới hết thời hiệu thi hành.”. Như vậy, theo quy định này thì thời hạn để được xóa bản án số 41/2008/HSST ngày 12/8/2008 của TAND huyện H, tỉnh P được tính lại kể từ ngày chấp hành xong hình phạt chính của bản án số 07/2010/HSST ngày 22/01/2010 của TAND huyện M. Cụ thể là, K đã chấp hành xong hình phạt tù ngày 28/5/2014 nên được xóa án tích cũ (bản án số 41/2008/HSST ngày 12/8/2008 của TAND huyện H) vào ngày 28/5/2017.

Đối với bản án số 07/2010/HSST ngày 22/01/2010, bản án này xử phạt K 36 tháng tù về tội Trốn khỏi nơi giam, tổng hợp với hình phạt 42 tháng tù tại bản án số 41/2008/HSST ngày 12/8/2008 của Tòa án huyện M, buộc bị cáo K chấp hành hình phạt chung cho cả hai bản án là 6 năm 6 tháng tù. K đã chấp hành xong án phạt tù ngày 28/5/2014 nhưng đến nay cơ quan THADS chưa ra quyết định thi hành khoản án phí. Vấn đề đặt ra là kể từ khi bản án có hiệu lực pháp luật (sau 1 tháng kể từ khi xét xử sơ thẩm), tức là từ cuối tháng 2/2010 đến thời điểm phạm tội mới (14/5/2021) là hơn 11 năm thì bản án còn hiệu lực thi hành (khoản án phí) hay không và K có được xóa án tích đối với bản án này? 

Trong khi đó, tại mục 1 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC “hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS về thời hiệu thi hành bản án…” quy định:

 “1.1. Thời hiệu thi hành bản án quy định tại Điều 55 của BLHS là thời hiệu thi hành bản án hành sự về quyết định hình phạt. Đối với các quyết định về bồi thường thiệt hại, án phí và các quyết định khác về tài sản thì việc xác định thời hiệu thi hành bản án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

1.2. Thời hiệu thi hành bản án hình sự tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 55 của BLHS mà người bị kết án lại phạm tội mới, thì thời hiệu tính lại kề từ ngày phạm tội mới.”

Quy định trên được hiểu là: Đối với các quyết định về bồi thường thiệt hại, án phí và các quyết định khác về tài sản thì việc xác định thời hiệu thi hành bản án được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Trong khi, pháp luật thi hành án dân sự không quy định về thời hiệu thi hành đối với các khoản thi hành án chủ động.

Tuy nhiên, hiên nay Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã hết hiệu lực thi hành theo Quyết định số 355/QĐ-TANDTC ngày 8/10/2021, TANDTC đã ban hành Quyết định về việc công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực toàn bộ thuộc lĩnh vực của TANDTC. Vì vậy, thời hiệu thi hành bản án hình sự cần phải được hiểu là thời hiệu thi hành bản án hành sự về các quyết định trong bản án, bao gồm cả các quyết định về bồi thường thiệt hại, án phí và các quyết định khác về tài sản.

Mặc dù Nghị quyết nêu trên hết hiệu lực nhưng các nội dung hướng dẫn có lợi cho bị can, bị cáo vẫn phải được áp dụng nếu có lợi cho họ và các nội dung đó đến nay pháp luật chưa có hướng dẫn hướng dẫn. Cụ thể là, tại tiểu mục 1.5. quy định: “Trường hợp trong bản án có tổng hợp hình phạt của nhiều bản án thì căn cứ vào mức hình phạt trong mỗi bản án cụ thể để tính thời hiệu thi hành mỗi bản án hình sự cụ thể đó mà không phải căn cứ vào mức tổng hợp hình phạt chung.” Theo đó,  bản án số 41/2008/HSST ngày 12/8/2008 của Tòa án huyện H đã được xóa theo phân tích ở trên. Còn đối với bản án số 07/2010/HSST ngày 22/01/2010 của Tòa án huyện M, xử phạt K 36 tháng tù về hành vi phạm tội sau nên phải căn cứ vào mức hình phạt 3 năm tù để xác định thời hiệu thi hành là 5 năm kể từ ngày bản án có hiệu lực. Như vậy, thời điểm hết hiệu lực thi hành bản án là 23/02/2015.

Kể từ thời điểm hết thời hiệu thi hành bản án, theo quy định tại khoản 3 Điều 70 thì sau 02 năm K không phạm tội mới thì được đương nhiên xóa án tích.

Như vậy, lần phạm tối mới này, K không tái phạm hay tái phạm nguy hiểm nên chỉ bị truy cứu theo khoản 1 Điều 251 và khoản 1 Điều 256 BLHS.

Qua các quan điểm trên, chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất là phải xác định K chưa chấp hành xong bản án số 07/2010/HSST ngày 22/01/2010 của TAND huyện M, tỉnh P về án phí. Do vậy, ở lần phạm tội ngày 14/5/2021 K phải bị truy tố, xét xử  về các tội Mua bán trái phép chất ma túy, Chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy theo điểm q khoản 2 Điều 251, điểm đ khoản 2 Điều 256 BLHS, với tình tiết định khung tăng nặng là tái phạm nguy hiểm.

Mong nhận được nhiều ý kiến tranh luận của đồng nghiệp và bạn đọc.

 

TAND tỉnh Long An xét xử vụ án Vận chuyển trái phép chất ma túy - Ảnh: Kiên Định

 

Th.S ĐỖ NGỌC BÌNH (TAQS Thủ đô Hà Nội) và Th.S CHU MẠNH HÀ (Phó Chánh án TAND huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang)