Cần thiết xác minh nguyên nhân phát sinh tranh chấp khi ly hôn

Qua nghiên cứu bài viết “Không đăng ký kết hôn - Toà án có bắt buộc phải xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp ly hôn?” của tác giả Dương Tấn Thanh đăng trên Tạp chí ngày 18/11, tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất.

 Không phân biệt đương sự có đăng ký kết hôn hay không, Toà án phải thu thập tài liệu, chứng cứ để xác định nguyên nhân của việc phát sinh tranh chấp. Bởi những lý do sau đây:

Trong một vụ án Hôn nhân và gia đình điển hình là “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn” thì có ba quan hệ tranh chấp gồm:

+ “Ly hôn” là tranh chấp mà môt bên yêu cầu được ly hôn để chấm dứt quan hệ vợ chồng, còn một bên không chấp nhận việc ly hôn mà có yêu cầu đoàn tụ.

+ “Tranh chấp về nuôi con” là việc các bên không thống nhất được ai là người có trách nhiệm trực tiếp nuôi con, ai là người có nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn.

+ “Tranh chấp về chia tài sản” là việc các đương sự không thống nhất  được về việc chia tài sản, phân chia quyền hoặc nghĩa vụ về tài sản khi ly hôn.

Đối với tranh chấp “ly hôn” thì việc Tòa án xác minh nguyên nhân phát sinh tranh chấp là để xác định “về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được” (theo Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình) để làm căn cứ giải quyết cho ly hôn hay không. Trong tình huống mà tác giả đưa ra, thì anh A và chị B sống chung với nhau như vợ chồng không có đăng ký kết hôn nên theo quy định pháp luật thì Toà án quyết định không công nhận quan hệ vợ chồng giữa anh A và chị B. Do đó, có thể xác định đây không phải là quan hệ tranh chấp “ly hôn” mặc dù chị A có yêu cầu ly hôn với anh B, nên không cần phải xác minh nguyên nhân phát sinh đối với tranh chấp này.

Tuy nhiên, trong trường hợp này còn tồn tại hai quan hệ tranh chấp là “tranh chấp về nuôi con” và “tranh chấp chia tài sản”. Trong đó, “tranh chấp về nuôi con” là tranh chấp liên quan trực tiếp đến người chưa thành niên. Do đó, các đương sự có nghĩa vụ đưa ra các chứng cứ chứng minh khả năng thu nhập, điều kiện sống, chỗ ở ổn định, điều kiện về thời gian chăm sóc, sự hiểu biết về tâm sinh lý… để chứng minh cho mình có đủ khả năng nuôi dưỡng con chung với điều kiện tốt. Ngoài ra, đương sự cũng sẽ đưa ra nhiều nguyên nhân khác để mong được nuôi con như cho rằng người kia ngoại tình, không quan tâm gia đình, có cuộc sống bê tha, trụy lạc, có hành vi bạo lực gia đình… Điều này bắt buộc Tòa án phải trực tiếp xác minh nguyên nhân phát sinh tranh chấp mà các bên đưa ra có đúng sự thật hay không mới đảm bảo tính khách quan, chính xác… Mặt khác, khi xét thấy cần thiết, có thể tham khảo ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em về hoàn cảnh gia đình, nguyên nhân phát sinh tranh chấp và nguyện vọng của vợ, chồng, con có liên quan đến vụ án. Như vậy, mới đủ cơ sở để Tòa án quyết định giao con cho một người và người kia phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nhằm đảm bảo quyền lợi về mọi mặt của con chưa thành niên.

Ngay cả vấn đề giải quyết tranh chấp tài sản tại khoản 5 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình cũng xác định nguyên tắc: “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự…”. Do đó, việc xác minh nguyên nhân tranh chấp trong vụ án hôn nhân và gia đình có liên quan đến người chưa thành niên là điều thực sự cần thiết.

Trên đây là ý kiến của tôi về tình huống nêu trên, mong được trao đổi cùng tác giả và bạn đọc. 

 

Tòa án nhân dân tp Cần Thơ xét xử vụ án dân sự  “Tranh chấp ly hôn, nuôi con và chia tài sản chung”- Ảnh: Hầu Thị Bích Thủy

 

NGUYỄN TẤT DUẨN (Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum)