Các tổ chức tín dụng, y tế, giáo dục được thảo luận kỹ tại Quốc hội
Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, ngày 1 và 2/6/2022, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN năm 2021; Tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Có lãi thì Ngân hàng hưởng, còn lỗ thì đã có Nhà nước lo?!
Đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang) bày tỏ quan điểm nhất trí kéo dài thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 thí điểm xử lý nợ xấu và đưa nội dung này vào Nghị quyết ching của Kỳ họp. Đại biểu cũng đề nghị để công tác xử lý nợ xấu đạt hiệu quả cao hơn, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, cơ quan liên quan hoàn thiện và triển khác các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc, hạn chế trong thời gian qua.
Đại biểu Hà còn đề nghị sớm luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu, bởi kết quả Nghị quyết mang lại chứng minh tính đúng đắn, cần thiết của việc ban hành quy định pháp luật cho công tác xử lý nợ xấu. Cụ thể như các quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, thủ tục rút gọn thứ tự ưu tiên thanh toán… nhằm tạo hành lang pháp lý trong xử lý nợ xấu vững chắc, ổn định và hoàn thiện hơn.
Đại biểu Nguyễn Công Long
Về nội dung này Đại biểu Nguyễn Công Long (Đồng Nai) cho rằng, trong bối cảnh hiện tại vấn đề tiếp tục cơ chế này là cần thiết, tuy nhiên đề nghị Chính phủ và đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá kỹ tất cả những tác động cả thuận lẫn nghịch của cơ chế này.
Theo đại biểu, bất kỳ một phương thuốc nào dù có công dụng đến mấy thì luôn luôn để lại tác dụng phụ, cơ chế xử lý theo Nghị quyết 42 là phương thức rất hiệu quả và đã được chứng minh qua thực tế. Tuy nhiên, cần phải đánh giá hệ lụy của nó, trong bất kỳ một nền kinh tế nào khi có nợ tăng cao, đe dọa đến nền kinh tế và gây bất ổn thì Nhà nước phải can thiệp. Tuy nhiên, quá trình này luôn luôn gắn liền với việc cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng. Đây là một cuộc thanh lọc rất gắt gao, các tổ chức tín dụng, các ngân hàng thương mại khôi phục, phục hồi hiệu quả thì tồn tại, còn không có sẽ bị thải loại.
Đại biểu Nguyễn Công Long băn khoăn, phải chăng cơ chế này đang tạo ra một thứ bao cấp cho hoạt động đối với thị trường tín dụng. Nếu cơ chế này kéo dài có thể sẽ tạo ra tâm lý cho ngân hàng thương mại kinh doanh có lãi thì hưởng còn lỗ, nợ thì đã có Nhà nước lo. Phương thức để xử lý nợ xấu phải tạo ra là yếu tố tự thân cho tất cả các tổ chức tín dụng, qua đó phát triển và nâng cao hiệu quả kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động chứ không thể trông chờ mãi và biện pháp bao cấp của Nhà nước như trong thời gian qua.
Phục hồi ngành Y tế sau đại dịch
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho biết, hiện cơ sở điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chỉ còn 10 bệnh nhân, con số này rất ít so với lúc đỉnh dịch. Các bệnh viện khác tại Hà Nội cũng như các tỉnh, thành khác hiện số lượng bệnh nhân rất ít. Tỷ lệ tử vong do COVID-19 nhiều ngày nay gần như không có. Do đó, theo đại biểu, cũng là một bác sĩ, đã đến lúc phải "trở lại bình thường cũ" để hướng tới 2 mục tiêu là phục vụ cho lộ trình mở cửa phục hồi kinh tế thời kỳ hậu COVID và tránh quá tải cho hệ thống y tế, các bệnh viện đủ sức để điều trị các bệnh lý thông thường và bệnh lý COVID-19.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho hay, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực nhưng ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất, để lại hậu quả nặng nề nhất chính là ngành Y tế. Hệ thống Y tế đã trải qua những giây phút không thể nào quên. Những thành công đã được xã hội ghi nhận bằng nhiều hình thức. Những sai lầm đã phải trả giá. Vấn đề đặt ra là sau "cơn bão" lớn việc phục hồi tốt hơn một ngành trụ cột trong an sinh xã hội như thế nào.
Đại biểu nhấn mạnh: "Việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc men là nỗi lo lớn nhất của đại đa số các bệnh viện công và tư. Ngay gần đây một vị Bộ trưởng cũng than phiền rằng, muốn mua một viên kháng sinh rất thông dụng nhưng không thể mua được".
Nhắc đến vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành Y tế "đã ít, đã thiếu nay còn ít hơn" bởi mức không tăng mà còn xu hướng giảm theo thống kê từ các bệnh viện công; không đủ phương tiện, cơ sở vật chất để triển khai những kỹ thuật mới khiến các bác sĩ có giỏi đến đâu cũng phải "bó tay".
Vì vậy, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị Quốc hội một số vấn đề.
Thứ nhất, rà soát, cho ý kiến chi tiết, cụ thể sớm hoàn thiện dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) trong kỳ này và thông qua vào Kỳ họp sau.
Thứ hai, giám sát Chính phủ ban hành các Nghị định, Thông tư then chốt nhằm tháo gỡ các vướng mắc nghiêm trọng của hệ thống y tế như: Quyết nghị giảm mức độ dịch COVID-19; Hướng dẫn quyết toán các chi phí chống dịch; Thống nhất thanh toán chi trả BHYT cho một số lĩnh vực cụ thể.
Thứ ba, có nguồn ngân sách cụ thể ghi trong gói Hồi phục kinh tế cho y tế cơ sở; đầu tư vào kỹ thuật cao ở các bệnh viện chuyên ngành; chính sách đào tạo nâng cao chất lượng thu hút tài năng, nguồn nhân lực.
Cuối cùng, với tư cách là một bác sĩ, Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu rất mong các vị lãnh đạo cao cấp, các vị Đại biểu Quốc hội hiểu được phần nào khó khăn ngành Y tế đang gặp phải. Nó không chỉ là vật chất mà trong lúc này chủ yếu là về tinh thần, sự ổn định và phương hướng phát triển rõ ràng là nhân viên y tế cần nhất lúc này. Đại dịch COVID-19 vừa qua đã chứng minh khả năng vượt khó của ngành y tế Việt Nam.
“Những "con sâu" đã lạc khỏi hệ thống nhưng những người mới nhận nhiệm vụ lại vô cùng bối rối, loay hoay chưa tìm được đường đi bởi đi đâu cũng vướng, làm gì cũng có thể sai khi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh" – Đại biểu bày tỏ.
"Chúng ta coi an sinh xã hội là mục đích để phấn đấu, y tế và giáo dục là trụ cột của an sinh xã hội nhưng hai lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn. Sự ảnh hưởng không chỉ một vài năm mà qua hàng nhiều năm, nhiều thế hệ, để lại những hậu quả khó lường mà thiệt hại nhất là người dân" – Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu lưu ý.
Nhà nước cần có chính sách ưu tiên với giáo viên
Phát biểu về lĩnh vực giáo dục, chế độ, chính sách cho thầy cô giáo nhằm bổ sung giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục trong thời gian tới, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng, tình trạng học sinh vi phạm về đạo đức và lối sống như vi phạm các quy định của nhà trường, bạo lực học đường, không kính trọng thầy cô, không lễ phép với ông bà, cha mẹ, cư xử thiếu tính nhân văn,… tuy không nhiều nhưng nếu không được quan tâm điều chỉnh sớm sẽ là hậu quả cho các gia đình, ảnh hưởng đến các học sinh khác và tác động tiêu cực đến chính cuộc sống của các em sau này. Theo Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, trách nhiệm chính ở đây là gia đình và nhà trường. Nếu gia đình và nhà trường không cùng nhận lỗi thì đạo đức và lối sống của các em sẽ được điều không được điều chỉnh tốt hơn, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh
Theo Đại biểu, cần phân rõ trách nhiệm chính của cha mẹ là nuôi con và làm gương tốt cho con. Việc giáo dục, dạy dỗ, thưởng phạt hãy tin tưởng vào thầy cô và nhà trường – nơi các em được học tập, vui chơi, được dạy dỗ, quan tâm cư xử một cách công bằng. Đại biểu cho rằng, nếu gia đình và nhà trường có tiếng nói chung, không vì một vài trường hợp cá biệt học sinh bị thầy cô la mắng, trách phạt mà phụ huynh mất lòng tin vào thầy cô thì khi đó các em sẽ được quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ tốt hơn.
Đại biểu cũng phản ánh, trong thời buổi kinh tế thị trường, cha mẹ nào cũng phải làm việc ngày đêm để kiếm tiền nuôi con ăn học. Nhiều gia đình không có nhiều thời gian gần gũi, dạy dỗ con đúng cách. Học sinh dễ mắc phải nhiều bệnh về tâm lý. Khi đó sự quan tâm, dạy dỗ của thầy cô lại càng trở nên cần thiết.
Nêu rõ, giáo dục là quốc sách hàng đầu, nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng nghề giáo đáng lẽ phải là nghề ít chịu tác động nhất của kinh tế thị trường, các chế độ đối với thầy cô phải được ưu tiên trước nhất để thầy cô sống được với lương của mình.
Dẫn thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo về thu nhập của giáo viên các cấp ở nhiều khung thâm niên, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh chỉ rõ, thầy cô không thể không làm thêm để đảm bảo cuộc sống của bản thân, chưa kể là phải lo thêm cho gia đình. Để thầy cô toàn tâm, toàn ý với công việc của mình, đại biểu cho rằng, Nhà nước cần có chính sách tiền lương, chính sách liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng để thầy cô yên tâm công tác, phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp trồng người. Đại biểu đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội cần có nội dung đảm bảo chi ngân sách cho giáo dục tăng hàng năm để cải thiện các chính sách cho thầy cô giáo và đến năm 2028 thực chi ngân sách cho giáo dục đạt tỷ lệ 20% tổng chi ngân sách.
Ngoài ra, trong phát biểu của mình, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng đề nghị trong Nghị quyết của Quốc hội có nội dung giao Chính phủ quy định về đỗ xe trong đô thị làm cơ sở cho Chính phủ có căn cứ chỉ đạo ngành giao thông phối hợp với các địa phương có quy định về việc đỗ xe ô tô phù hợp với thực tiễn, nhằm giải quyết tình trạng đỗ xe trước nhà riêng, nơi kinh doanh, trước cơ quan, đơn vị…hài hòa giữa việc không cản trở người dân đi vào nhà mình, không ảnh hướng đến hoạt động kinh doanh, hoạt động bình thường của các cơ quan, nhằm tránh xung đột không cần thiết, các vi phạm do phá hỏng, làm hư hại các phương tiện đậu đỗ do không có quy định rõ ràng.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận - Ảnh: Qh.vn
Bài liên quan
-
Techcombank: Nợ xấu năm 2023 tăng nhanh, ưu tiên cho vay lĩnh vực bất động sản
-
Bài 1: Techcombank tăng cho vay bất động sản, tổng nợ xấu tăng hơn gấp đôi
-
Tuyên án 54 bị cáo trong vụ án các “chuyến bay giải cứu” giữa đại dịch Covid-19
-
Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam Đẩy mạnh đầu tư đáp ứng tăng trưởng Của ngành hàng không sau đại dịch Covid-19
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận