Tạp chí Tòa án nhân dân số 02 năm 2025

Tạp chí Tòa án nhân dân số 02 xuất bản ngày 25 tháng 01 năm 2025.

Trong bài giới thiệu này, chúng tôi xin gửi tới độc giả một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập trong 07 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 02 năm 2025, cụ thể như sau:

Bài viết Thực trạng thi hành phán quyết trọng tài của cơ quan thi hành án dân sự” của các tác giả Phan Nữ Hiền Oanh và Hồ Thị Duyên tập trung tìm hiểu khái niệm, đặc điểm của hoạt động thi hành phán quyết trọng tài của cơ quan thi hành án dân sự, đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn thi hành phán quyết trọng tài của cơ quan thi hành án dân sự, chỉ ra những hạn chế trong các quy định của pháp luật và những nguyên nhân khác tác động đến chất lượng, hiệu quả hoạt động thi hành phán quyết trọng tài. Trên cơ sở đó, bài viết đề ra một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thi hành phán quyết trọng tài của cơ quan thi hành án dân sự trên thực tế.

Bài viết Một số vấn đề lý luận về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp tại Việt Nam” của tác giả Hà Hải Nam nêu nhận định: “Với tổng diện tích đất nông nghiệp lớn, nông nghiệp là ngành kinh tế trọng tâm bậc nhất của Việt Nam hiện nay, ảnh hưởng trực tiếp và mạnh mẽ nhất đến sự ổn định và phát triển của đất nước. Xuất phát từ sự vận động, nhu cầu của xã hội, chuyển nhượng quyền sử dụng đất nói chung và chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp nói riêng có xu hướng ngày càng gia tăng.”. Bài viết nghiên cứu một số vấn đề lý luận về chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp tại Việt Nam, chỉ ra một số bất cập và đề xuất một số giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Bài viết “Bàn về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm và tội sản xuất, buôn bán hàng giả tại Điều 190 và Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015” của các tác giả Lê Đình Nghĩa và Bùi Thị Hằng nhận định: “Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm và tội sản xuất, buôn bán hàng giả sớm được quy định trong luật hình sự và ngày càng hoàn thiện, cụ thể hơn. Tuy nhiên, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả là một vấn đề phức tạp, tội phạm gây tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, ảnh hưởng lớn đến quản lý kinh tế và phát triển của đất nước. Do vậy, đấu tranh phòng, chống sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật và của toàn dân. Hoàn thiện quy định pháp luật về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm, tội sản xuất, buôn bán hàng giả là điều kiện quan trọng bảo vệ người tiêu dùng, góp phần ổn định, phát triển kinh tế thị trường, phát triển đất nước.”. Bài viết phân tích một số vướng mắc, bất cập về tội sản xuất, buôn bán hàng cấm và tội sản xuất, buôn bán hàng giả và kiến nghị hoàn thiện.

Bài viếtBàn về quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về khởi tố vụ án hình sự” của các tác giả Đặng Đức Huy và Nguyễn Thị Quỳnh Anh cho rằng: “Khởi tố vụ án hình sự là hoạt động của cơ quan tiến hành tố tụng xác định có sự việc phạm tội để tiến hành điều tra phát hiện tội phạm. Đây là một giai đoạn tố tụng độc lập, mở đầu các hoạt động điều tra.” Trong phạm vi bài viết, nhóm tác giả trình bày những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về khởi tố vụ án hình sự; một số vấn đề bất cập trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về khởi tố vụ án hình sự và kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về khởi tố vụ án hình sự.

Bài viết “Đánh giá chứng cứ trong vụ án hành chính” của Nguyễn Sơn Lâm và Lý Thường Đông trình bày, phân tích một số vấn đề liên quan đến đánh giá chứng cứ khi giải quyết vụ án hành chính, đồng thời, chỉ ra một số điểm bất cập trong quy định pháp luật về vấn đề này và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện.

Bài viết “Nguyên tắc suy đoán vô tội và việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính theo Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng: kinh nghiệm quốc tế và kiến nghị cho Việt Nam” của Nguyễn Nam Trung phân tích mối quan hệ giữa nguyên tắc suy đoán vô tội và việc hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính trong bối cảnh các thách thức pháp lý đặt ra cho công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam, tập trung vào vai trò của nguyên tắc suy đoán vô tội - một trụ cột bảo vệ quyền con người và bảo đảm công bằng trong tố tụng. Bài viết chỉ ra các rào cản chính như gánh nặng chứng minh và nguy cơ xâm phạm quyền không tự buộc tội, vốn làm phức tạp hóa việc xử lý hành vi làm giàu bất chính. Dựa trên kinh nghiệm quốc tế từ các quốc gia như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Colombia và Thụy Sĩ, bài viết đề xuất các giải pháp nhằm thiết lập một khung pháp lý hài hòa, vừa bảo vệ quyền lợi cá nhân, vừa nâng cao hiệu quả trong công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam.

Bài viết “Pháp luật Trung Quốc về kiện phái sinh và kiến nghị hoàn thiện pháp luật Việt Nam” của các tác giả Nguyễn Lâm Phương, Phạm Trung An và Hoàng Mai Trang cho rằng: “Với mục đích đáp ứng sự phát triển của nền tố tụng hiện đại, việc hoàn thiện cơ chế kiện phái sinh ở Việt Nam là hoàn toàn cần thiết.” Bài viết phân tích các quy định của pháp luật về kiện phái sinh của Trung Quốc, đồng thời đánh giá những ưu điểm của cơ chế kiện này. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện cơ chế kiện phái sinh phù hợp với tình hình thực tiễn tại Việt Nam.

Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 02 kỳ II tháng 01 năm 2025.

* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hằng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

BTK