Tạp chí Tòa án nhân dân số 10 năm 2021
Tạp chí Tòa án nhân dân số 10 năm 2021 xuất bản ngày 25 tháng 5 năm 2021. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 08 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu từ xã hội.
Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:
Trong bài viết: “Trách nhiệm bồi thường của nhà nước trong tố tụng hình sự”, tác giả Nguyễn Xuân Quang - Trần Ngọc Tuấn nhận định: Việt Nam đã và đang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với quan điểm tất cả vì con người và hướng tới con người, mọi cá nhân, tổ chức phải thực thi pháp luật một cách nghiêm minh, không ai được đứng trên pháp luật, kể cả cơ quan Nhà nước. Trong quá trình thực thi công vụ vì nhiều lý do chủ quan, khách quan khác nhau vẫn xảy ra những trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức. Quán triệt tinh thần của Hiến pháp năm 2013 và để khắc phục tình trạng này, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật để bồi thường cho người bị thiệt hại và nâng cao trách nhiệm của người thi hành công vụ, trong đó có Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Trên Tạp chí TAND số này, chúng tôi giới thiệu đến bạn đọc phần I của bài viết với các nội dung khái quát về trách nhiệm bồi thường của nhà nước và một phần nội dung về những vướng mắc khi giải quyết bồi thường thiệt hại trong tố tụng hình sự.
Với bài viết:“Thực tiễn thi hành Luật hòa giải, đối thoại Tại tòa án năm 2020 – một số kiến nghị hoàn thiện ”, tác giả Tạ Đình Tuyên nêu quan điểm: Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án được xây dựng và ban hành xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống; từ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án; thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng về đa dạng hóa các phương thức giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính thông qua việc xây dựng cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; đồng thời, học tập kinh nghiệm của một số quốc gia đã triển khai thành công mô hình này.
Tuy nhiên, việc triển khai thi hành Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án trên thực tế vẫn còn tồn tại một số hạn chế gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình áp dụng. Trong bài viết, tác giả tập trung đánh giá những kết quả đạt được, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong thi hành Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thi hành Luật trong thời gian tới.
Trong bài viết: “Giao nộp tài liệu, chứng cứ và việc hủy án sơ thẩm liên quan đến thu thập chứng cứ ”, tác giả Trần Thị Huyền Vân cho rằng: Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 lần đầu tiên quy định về thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ, những trường hợp được phép giao nộp tài liệu, chứng cứ sau thời hạn quy định và việc công khai chứng cứ. Quy định mới này ràng buộc trách nhiệm của các đương sự trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ trong thời hạn nhất định, bảo đảm việc giải quyết vụ án dựa trên các tài liệu, chứng cứ được công khai, minh bạch đối với tất cả các đương sự và tránh tình trạng đương sự cố tình giao nộp chứng cứ ở giai đoạn tố tụng mà họ cho là có lợi cho mình, dẫn đến việc xét xử bị kéo dài.
Tuy nhiên, sau một thời gian thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, thực tiễn xét xử cho thấy, dường như mục đích nêu trên chưa thực sự đạt được như mong đợi của nhà làm luật. Vẫn tồn tại khá phổ biến việc giao nộp tài liệu, chứng cứ tại bất kỳ giai đoạn tố tụng nào và được Tòa án chấp nhận. Điều đó phá vỡ cấu trúc và triết lý chế định về thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ và nhiều trường hợp bản án, quyết định của Tòa án cấp dưới bị hủy với lý do có tình tiết, chứng cứ mới được cung cấp.
Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích các quy định của pháp luật tố tụng dân sự về thời hạn giao nộp tài liệu, chứng cứ, hệ quả của việc không giao nộp tài liệu, chứng cứ trong thời hạn quy định, thực tiễn áp dụng các quy định đó, kinh nghiệm của nước ngoài và cuối cùng, đề xuất về những nội dung cần phải được hướng dẫn cụ thể về những trường hợp được phép giao nộp tài liệu, chứng cứ sau thời hạn quy định, trên tinh thần bảo đảm việc đạt được mục đích của chế định mới, ưu việt này trong thực tiễn xét xử.
Với bài viết: “Dấu hiệu định tội, định khung đối với tội gây ô nhiễm môi trường trong pháp luật hình sự” tác giả Ngô Ngọc Diễm- Trần Quang Minh cho rằng: Ô nhiễm môi trường là nguồn gốc chính của các vấn đề đối với sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của xã hội và kinh tế trên thế giới. Các chất ô nhiễm khác nhau trong môi trường như chất ô nhiễm hữu cơ tồn lưu, chất ô nhiễm vật liệu nano, vi nhựa, chất ô nhiễm phóng xạ và kim loại nặng có tác hại đối với cơ thể người, động vật và thực vật. Các loại ô nhiễm môi trường chủ yếu dẫn đến những tác hại hiện nay là ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm đất, ô nhiễm không khí, ô nhiễm tiếng ồn và ô nhiễm mùi.
Trong bài viết của mình, các tác giả tập trung phân tích để làm rõ khái niệm ô nhiễm môi trường và tội gây ô nhiễm môi trường; về dấu hiệu định tội, dấu hiệu định khung hình phạt quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự năm 2015; từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện đối với tội gây ô nhiễm môi trường.
Với bài viết: “Một số kiến nghị hoàn thiện quy định về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản tại Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015”, tác giả Lê Văn Nông- Hoàng Mạnh Thắng nhận định: Tài sản là của cải vật chất dùng vào mục đích sản xuất hoặc tiêu dùng. Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, thì tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Mỗi tài sản đều có giá trị nhất định đối với người sở hữu tài sản đó, nó bao gồm cả giá trị về mặt vật chất và tinh thần. Quyền sở hữu đối với tài sản của công dân được xác lập theo quy định của pháp luật thì được bảo hộ, không ai có quyền xâm phạm đến quyền của chủ sở hữu tài sản hợp pháp. Mọi hành vi xâm phạm đều bị nghiêm cấm và tùy theo mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, buộc bồi thường hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay xảy ra khá phổ biến hành vi hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác, vì các động cơ khác nhau, như: để trả thù, vì vụ lợi hoặc vì lý do cá nhân khác. Trong từng trường hợp, căn cứ vào mức độ và tính chất của hành vi mà có thể áp dụng chế tài hình sự hoặc hành chính để xử lý.
Trong phạm vi bài viết này, các tác giả tập trung phân tích làm rõ quy định của pháp luật hình sự đối với hành vi hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản của người khác, qua đó chỉ ra những điểm còn hạn chế và kiến nghị hoàn thiện.
Với bài viết: “Bàn về vấn đề thu thập chứng cứ chứng minh trong thực tiễn áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”, tác giả Nguyễn Minh Quốc Việt nêu quan điểm: Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung quan trọng so với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004, như bổ sung quy định về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và vấn đề cung cấp chứng cứ chứng minh trong tố tụng dân sự. Những sửa đổi, bổ sung của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 được đánh giá là tiến bộ và bảo đảm quá trình giải quyết các vụ việc dân sự nói chung và vấn đề thu thập chứng cứ chứng minh nói riêng.
Tuy nhiên, vấn đề Tòa án tự thu thập hay có trách nhiệm hỗ trợ đương sự thu thập chứng cứ nhằm cung cấp cho Tòa án làm căn cứ áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trên thực tiễn còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong bài viết này, qua một vụ án cụ thể, tác giả phân tích các quy định về việc thu thập chứng cứ chứng minh trong áp dụng Biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đồng thời, chỉ ra những vướng mắc, bất cập còn tồn tại trong thực tiễn và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể.
Với bài viết:“Tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015 và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Lê Anh Tuấn nhận định: Hiện nay, cùng với sự phát triển và hợp tác sâu rộng trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế, xã hội ngày càng xuất hiện nhiều tổ chức, cá nhân có hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng. Đây là vấn nạn nghiêm trọng, không chỉ gây hại cho sức khỏe của người dân, đặc biệt khi hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh,… mà còn là mối đe dọa lớn đến sự phát triển của các doanh nghiệp hoạt động chân chính, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của nền kinh tế quốc gia. Vì vậy, để phòng, chống loại hành vi nguy hiểm này, hầu hết các nước trên thế giới đều hình sự hóa hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả với các chế tài nghiêm khắc, nhằm hạn chế, ngăn ngừa loại hành vi nguy hiểm này, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, quyền con người, quyền công dân…
Trong bài viết của mình, với việc phân tích quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, tác giả chỉ ra một số điểm cần lưu ý khi áp dụng quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015, đồng thời chỉ ra một số vướng mắc, bất cập và kiến nghị hoàn thiện đối với tội phạm này.
Trong bài viết: “Một số khó khăn, vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện quy định của pháp luật về hoạt động truy nã có yếu tố nước ngoài ”, tác giả Phùng Văn Hà- Trần Ngọc Tình nhận định: Trong xu thế quốc tế hóa, hội nhập mạnh mẽ, ngày càng có nhiều người nước ngoài vào Việt Nam sinh sống, học tập và lao động. Trong đó, không ít người là đối tượng truy nã của các cơ quan nước ngoài. Mặt khác, có nhiều đối tượng bị các cơ quan của Việt Nam ra quyết định truy nã, đã trốn ra nước ngoài. Điều đó đòi hỏi các cơ quan chức năng của Việt Nam cần tăng cường hơn nữa hoạt động truy nã có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, qua nghiên cứu cho thấy, pháp luật trong nước hiện nay không theo kịp thực tiễn, không tương thích với các điều ước và thông lệ quốc tế, do vậy, đây sẽ là rào cản lớn, gây khó khăn cho các cơ quan của Việt Nam khi tiến hành hoạt động truy nã có yếu tố nước ngoài. Với việc chỉ ra một số vướng mắc, bất cập, tác giả đưa ra một số kiến nghị cụ thể về vấn đề này.
Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 10 năm 2021.
*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 02 năm 2025
Tạp chí Tòa án nhân dân số 02 xuất bản ngày 25 tháng 01 năm 2025.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2025
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 xuất bản ngày 10 tháng 01 năm 2025.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 xuất bản ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 xuất bản ngày 10 tháng 12 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
-
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn đại biểu kiều bào tham dự Chương trình "Xuân Quê hương 2025"
-
Tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024