Giới thiệu nội dung Tạp chí Tòa án nhân dân số 2 năm 2021
Tạp chí Tòa án nhân dân số 02 năm 2021 xuất bản ngày 25 tháng 01 năm 2021. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 08 bài viết là các công trình nghiên cứu về các vấn đề, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, tìm hiểu từ xã hội.
Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số vấn đề cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:
Trong bài viết:“Một số vấn đề vướng mắc trong việc định tội và định khung hình phạt đối với một số tội xâm phạm sở hữu ", tác giả Phạm Minh Tuyên tập trung phân tích chỉ ra những điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 về các tội xâm phạm sở hữu. Qua thực tiễn công tác và quá trình nghiên cứu, tác giả chỉ ra một số vướng mắc về các tội xâm phạm sở hữu trong Bộ luật Hinh sự năm 2015 và đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật cụ thể.
Với bài viết:“ Bàn về việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại”, tác giả Nguyễn Quang Hiền cho rằng: Pháp luật hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam) đã quy định pháp nhân thương mại là chủ thể tội phạm phải chịu trách nhiệm hình sự và các hình phạt tương ứng được quy định trong Bộ luật Hình sự. Tội phạm do pháp nhân thương mại thực hiện thường gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội về kinh tế, môi trường và trật tự công cộng, với hình thức phạm tội đa dạng, có tổ chức, với sự liên kết trong nội bộ và bên ngoài pháp nhân thương mại. Hành vi phạm tội của pháp nhân thương mại thường phức tạp, tập hợp các chuỗi hành vi riêng lẻ, là sản phẩm của một nhóm người, có sự phân chia quyền lực trong quá trình ra quyết định hoạt động của pháp nhân thương mại. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, để giải quyết những khó khăn, bất cập trong việc xử lý những hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân thương mại, đồng thời tạo điều kiện, hành lang bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại do các hành vi vi phạm pháp luật của pháp nhân thương mại gây ra. Việc quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại đặt ra yêu cầu cần phải có một thủ tục tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân tương mại phạm tội không phải là ngẫu nhiên mà là hệ quả tất yếu khách quan do kết quả của các nguyên nhân, điều kiện của sự phát triển kinh tế, pháp luật, xã hội và thực tiễn của việc phòng, chống tội phạm. Bộ luật Hình sự năm 2015 lần đầu tiên quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại là điểm mới và tiến bộ, đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế bền vững, đồng thời đảm bảo được nguyên tắc công bằng, bình đẳng trong chính sách hình sự của quốc gia, cũng như đáp ứng được yêu cầu hội nhập trong khu vực và quốc tế. Pháp nhân thương mại là một thực thể độc lập được thành lập, cơ cấu theo quy định của pháp luật, có tài sản, quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình, với mục tiêu là tối đa hóa lợi nhuận. Pháp nhân thương mại bao gồm, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế khác theo Điều 74, Điều 75 Bộ luật Dân sự năm 2015. Trong bài viết của mình, tác giả tập trung phân tích, đánh giá thực trạng giải quyết vụ án pháp nhân thương mại bị buộc tội, từ đó chỉ ra một số hạn chế, vướng mắc và đưa ra những kiến nghị cụ thể.
Trong bài viết: “Giải quyết tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường – một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Nguyễn Viết Xuân nhận định: Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường, thế giới ngày càng phải đối mặt với nguy cơ ô nhiễm môi trường tăng cao; đây là mặt trái của nền kinh tế thị trường mang lại, đồng thời cũng là mối quan tâm không chỉ của từng quốc gia mà của toàn thế giới.
Với mục tiêu phát triển bền vững, các quốc gia trên thế giới đã có nhiều biện pháp để bảo vệ môi trường, song hành cùng mục tiêu phát triển kinh tế. Và Việt Nam cũng là một quốc gia tích cực, chủ động xây dựng, ban hành nhiều giải pháp để bảo vệ môi trường. Quan điểm của Đảng ta xác định, mục tiêu của quản lý môi trường là phát triển bền vững, nhằm đảm bảo giữ cân bằng giữa phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Hay nói cách khác, phát triển kinh tế xã hội tạo ra các tiềm lực kinh tế để bảo vệ môi trường, còn bảo vệ môi trường tạo ra các tiềm năng tự nhiên và xã hội mới cho công cuộc phát triển kinh tế, xã hội trong tương lai. Mục tiêu cơ bản của bảo vệ môi trường ở nước ta trong giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay là: “Ngăn ngừa ô nhiễm môi trường, phục hồi và cải thiện môi trường ở những nơi, những vùng đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng môi trường ở các khu công nghiệp, đô thị và nông thôn, góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, tiến hành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” Tuy nhiên, không thể phủ định một thực tế là các hành vi gây ô nhiễm môi trường ngày càng xảy ra phổ biến với tính chất phức tạp và hậu quả để lại là vô cùng nặng nề, trong đó phải kể đến vụ gây ô nhiễm môi trường của Công ty Vedan Việt Nam làm thiệt hại hàng trăm tỷ đồng cho nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hồ Chí Minh hay vụ việc do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra thiệt hại nặng nề cho môi trường và cuộc sống của người dân các tỉnh miền trung. Khi giải quyết các hành vi gây ô nhiễm môi trường này, cần có cơ chế phù hợp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan bị hành vi gây ô nhiễm môi trường gây ra.
Tuy nhiên, qua thực tiễn giải quyết các tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra cho thấy, các quy định của pháp luật có liên quan vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập, dẫn đến chưa bảo vệ được lợi ích chính đáng của các chủ thể bị gây thiệt hại.
Trong bài viết này, tác giả tập trung đánh giá nguyên tắc và căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường của chủ thể gây ô nhiễm môi trường; đánh giá, phân tích về những bất cập, hạn chế còn tồn tại trong quá trình giải quyết tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi làm ô nhiễm môi trường gây ra; từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị cụ thể.
Trong bài viết: “Căn cứ đình chỉ điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015”, tác giả Hoàng Đình Dũng cho rằng: Trong giai đoạn điều tra, Cơ quan điều tra phải tiến hành các hoạt động điều tra nhằm xác định tội phạm và người thực hiện tội phạm. Trường hợp trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra phát hiện quyết định khởi tố không có căn cứ, khởi tố sai bị can hoặc có những căn cứ miễn trách nhiệm hình sự mà Cơ quan điều tra vẫn tiếp tục tiến hành các hoạt động điều tra, thì có thể dẫn đến tình trạng oan, sai, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị can. Do đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có những quy định rất chặt chẽ về các căn cứ để Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra. Trong bài viết của mình, tác giả tập trung phân tích, làm rõ các căn cứ để Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra và kiến nghị một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Trong chuyên mục Trao đổi ý kiến, Tạp chí Tòa án nhân dân xin gửi đến bạn đọc 02 bài viết: “Các bị cáo phạm tội giết người, tội cố ý gây thương tích, hay tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh?” của tác giả Đinh Ngọc Huân. Tác giả nêu ra một vụ án cụ thể mà việc định tội danh đối với bị cáo còn nhiều quan điểm khác nhau để bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi, giúp cho việc hiểu và áp dụng pháp luật thống nhất trong thực tiễn. Và bài viết: “Phạm Văn V phạm tội gì?” là tổng hợp các quan điểm, nhận định, lập luận của các tác giả đưa ra để tranh luận về việc định tội danh trong một tình huống cụ thể.
Với bài viết: “Một số kinh nghiệm quốc tế về hoàn thiện pháp luật liên quan đến nhận dạng hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc”, tác giả Nguyễn Thị Bích và Nguyễn Thùy Dương nêu nhận định: Trong bối cảnh quyền con người đang ngày càng được bảo đảm, nhu cầu được làm việc trong môi trường an toàn, được bảo vệ trước những hành vi phân biệt đối xử hay quấy rối tình dục đã trở thành nhu cầu chính đáng của người lao động. Đây là vấn đề đã được thế giới quan tâm từ rất lâu, nhưng mới được chú ý tại Việt Nam trong thời gian gần đây. Đặc biệt là mới được chính thức ghi nhận trong Bộ luật Lao động năm 2012 và gần đây nhất là trong Bộ luật Lao động năm 2019.
Thực tế cho thấy, các quy định về nhận dạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong pháp luật lao động của Việt Nam còn tồn tại những vướng mắc nhất định khi triển khai trong thực tiễn. Do đó, việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam về nhận dạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc là rất cần thiết. Đồng thời, việc nghiên cứu pháp luật quốc tế để tìm kiếm các kinh nghiệm và giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật Việt Nam về nhận dạng hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc sẽ giúp cho việc áp dụng pháp luật vào thực tiễn hiệu quả và có tính khả thi cao. Từ đó, hướng tới xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, an toàn.
Trong bài viết của mình, các tác giả tập trung phân tích các quy định để nhận dạng hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Đồng thời phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam về nhận dạng hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Với việc phân tích pháp luật một số quốc gia trên thế giới về vấn đề này, tác giả chỉ ra kinh nghiệm quốc tế về nhận dạng hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho Việt Nam.
Trong bài viết: “Nghiên cứu quy định về tội gây rối trật tự công cộng trong luật hình sự Mông Cổ và bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam”, tác giả Đinh Văn Tú nhận định: So sánh với nhiều quốc gia khác trên thế giới, Mông Cổ giành được độc lập khá sớm (1921) và thành lập nhà nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ năm 1924. Trải qua quá trình phát triển, Mông Cổ coi trọng xây dựng, hoàn thiện quy định pháp lý nói chung và quy định về tội gây rối trật tự công cộng để xử lý đối với các trường hợp phạm tội. Nhằm mục đích trao đổi kiến thức pháp lý, cho phép bạn đọc nghiên cứu, tham khảo, đối chiếu và so sánh với quy định pháp luật Việt Nam, trong bài viết này, tác giả chia sẻ quy định của pháp luật hình sự Mông Cổ đối với tội gây rối trật tự công cộng và đưa ra một số bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam.
Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 02 năm 2021.
Tạp chí Tòa án nhân dân chân thành cảm ơn sự yêu mến và đồng hành của Quý độc giả trong năm vừa qua. Nhân dịp năm mới – Xuân Tân Sửu 2021, Tạp chí Tòa án nhân dân xin gửi tới Quý bạn đọc lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công!
*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 năm 2025
Tạp chí Tòa án nhân dân số 01 xuất bản ngày 10 tháng 01 năm 2025.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 24 xuất bản ngày 25 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 23 xuất bản ngày 10 tháng 12 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn đại biểu kiều bào tham dự Chương trình "Xuân Quê hương 2025"