Hoàn thiện một số quy định về biện pháp bảo đảm tín chấp trong pháp luật dân sự Việt Nam

Tín chấp là việc ai đó sử dụng uy tín của mình để thế chấp cho việc thực hiện một nghĩa vụ nào đó đối với bên hoặc các bên có quyền trong các quan hệ pháp luật dân sự. Tuy nhiên, quy định về tín chấp hiện có những bất cập, cần được nghiên cứu để hoàn thiện.

1. Khái quát chung về tín chấp

Hiểu một cách ngắn gọn và khái quát nhất, tín chấp là việc ai đó (tổ chức hoặc cá nhân) sử dụng uy tín của mình để thế chấp cho việc thực hiện một nghĩa vụ nào đó đối với bên hoặc các bên có quyền trong các quan hệ pháp luật dân sự. Cụ thể, trong các hợp đồng vay (hợp đồng tín dụng) thì tín chấp được hiểu là việc dùng uy tín của mình để thực hiện nghĩa vụ trả nợ đối với các tổ chức tín dụng cho các khoản vay đã được giao kết. Uy tín với tư cách là đối tượng của quan hệ tín chấp được đề cập tới nội dung này là tất cả những gì thuộc về nhân thân của người vay như: sự tín nhiệm của cộng đồng, phẩm chất đạo đức; đặc biệt là lịch sử tín dụng tốt và khả năng thanh toán nợ cao (ví dụ có nghề nghiệp và thu nhập ổn định). Với bản chất về tín chấp và vay tín chấp như phân tích ở trên, chiểu theo các quy định của pháp luật dân sự Việt Nam hiện hành, thì tín chấp là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự theo nghĩa tổng quát nhất, là một trong các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng nói chung và là một trong các biện pháp bảo đảm tiền vay cụ thể tron giao dịch dân sự.

Điều 344 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng khác để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật”. Bên cạnh đó, Điều 45 Nghị định số 21/2021/NĐ-CP ngày 19/3/2021 của Chính phủ quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định: “Trường hợp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng tín chấp thì tổ chức ở xã, phường, thị trấn của Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Công đoàn cơ sở là bên bảo đảm bằng tín chấp, trừ trường hợp Điều lệ của tổ chức này quy định khác”.

Quy định này cho thấy rằng, ngoài các biện pháp bảo đảm bằng tài sản, hợp đồng tín dụng có thể được bảo đảm bằng uy tín của các tổ chức chính trị - xã hội[1]. Khi các thành viên nghèo của mình có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh hoặc làm dịch vụ mà không có tài sản bảo đảm, các tổ chức chính trị - xã hội bằng uy tín của mình để bảo đảm trước các tổ chức tín dụng cho thành viên của mình vay vốn. Khi đứng ra bảo đảm, các tổ chức này phải xác nhận theo yêu cầu của tổ chức tín dụng về điều kiện, hoàn cảnh của cá nhân, hộ gia đình nghèo khi vay vốn tại tổ chức tín dụng đó, đồng thời phải chủ động hoặc phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn; giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc trả nợ đầy đủ, đúng hạn cho tổ chức tín dụng. Tổ chức chính trị - xã hội có quyền từ chối bảo đảm bằng tín chấp, nếu xét thấy cá nhân, hộ gia đình nghèo không có khả năng sử dụng vốn vay để sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ và trả nợ cho tổ chức tín dụng.

Tín chấp là biện pháp bảo đảm có tính chất đối nhân (cùng với biện pháp bảo lãnh), hay là các biện pháp bảo đảm không bằng tài sản[2]. Biện pháp bảo đảm này được dùng để thực thi các chính sách hỗ trợ người nghèo – đối tượng không có tài sản bảo đảm trong việc tiếp cận vốn vay của Chính phủ. Nó có tính chất “tương trợ”, hỗ trợ cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn. Tuy nhiên, khác với biện pháp bảo lãnh, tín chấp thuần tuý là dùng uy tín để cam kết (bảo đảm) về khả năng trả nợ vốn vay của bên có nghĩa vụ. Bên cho vay tin tưởng vào bên tín chấp sẽ kiểm soát việc sử dụng tiền vay có hiệu quả. Mặt khác, việc cho vay là một chính sách xoá đói, giảm nghèo của Nhà nước, cho nên chủ thể cho vay là các tổ chức tín dụng.

Như vậy có thể hiểu rằng, khái niệm tín chấp được nghiên cứu dưới nhiều góc độ khác nhau: (i) Dưới góc độ khách quan, tín chấp là tập hợp các quy định của pháp luật quy định về biện pháp tín chấp, gồm các nội dung như chủ thể bảo đảm tín chấp, chủ thể được vay tín chấp, mục đích vay tín chấp, hình thức vay tín chấp; (ii) Dưới góc độ chủ quan, tín chấp là một giao dịch bảo đảm, cụ thể là hợp đồng tín chấp, được hình thành trên cơ sở thoả thuận giữa các bên. Với tính chất là một giao dịch bảo đảm, giao dịch thế chấp phải tuân thủ các quy định của pháp luật được áp dụng chung cho các giao dịch.

Trên thực tế, khái niệm cho vay tín chấp được sử dụng mặc định như cho vay không cần tài sản bảo đảm. Dựa theo những khái niệm trên, tín chấp hiểu theo nghĩa của một biện pháp bảo đảm là việc một bên (bên bảo đảm) mang uy tín, danh dự, mức độ tín nhiệm của bản thân để bảo đảm với bên còn lại (bên nhận bảo đảm) về việc sẽ thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng. Khác với các biện pháp còn lại, đối tượng mà các bên mang ra bảo đảm là tài sản – những vật hữu hình có giá trị mà bên nhận bảo đảm có thể thu hồi khi bên bảo đảm không thực hiện nghĩa vụ của mình.

Trong biện pháp bảo đảm tín chấp, đối tượng được các bên mang ra bảo đảm là vô hình, không có giá trị quy đổi thành tiền, không thể thu hồi và không mang tính đền bù cho việc bên bảo đảm đã vi phạm nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng. Nếu hiểu rộng hơn, tín chấp không chỉ là biện pháp bảo đảm mà tổ chức chính trị - xã hội có uy tín mang ra để bảo đảm cho khoản vay của các thành viên nghèo thuộc tổ chức mình, các cá nhân cũng có thể tự mang uy tín, sự tín nhiệm của bản thân ra để đảm bảo cho hợp đồng vay với các tổ chức tài chính[3].

2. Bất cập và kiến nghị hoàn thiện pháp luật về tín chấp

2.1. Bất cập trong quy định pháp luật về tín chấp

Đối với hình thức, tiêu đề Điều 345 và nội dung của Điều luật này không thống nhất với nhau. Vì Điều 345 có tên gọi là “Hình thức, nội dung tín chấp” nhưng nội dung cụ thể của quy định này là “Vỉệc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản”. Vì sự không thống nhất giữa tiêu đề và nội dung Điều luật nên có nhiều ý kiến trái chiều tranh luận xung quanh hình thức của tín chấp: (i) Quan điểm thứ nhất cho rằng, biện pháp tín chấp được quy định trong hợp đồng vay tài sản; do đó, thoả thuận vay lập thành văn bản thì cũng hiểu đương nhiên tín chấp phải được lập thành văn bản; (ii) Quan điểm thứ hai cho rằng, tín chấp với tính chất là một giao dịch bảo đảm, có thể được quy định như một điều khoản trong hợp đồng vay hoặc cũng có thể thoả thuận độc lập, không nằm trong hợp đồng vay; do đó, bác lại quan điểm thứ nhất, quan điểm này cho rằng việc coi tín chấp đương nhiên có hình thức giống với hình thức của hợp đồng vay tiền giữa cá nhân, hộ gia đình nghèo và tổ chức tín dụng nên hình thức của tín chấp không được quy định cụ thể; do đó, hình thức của tín chấp tuân theo quy định chung về hình thức của giao dịch bảo đảm, có thể lập thành văn bản, lời nói hoặc hành vi. Việc không thống nhất được về hình thức của tín chấp xuất phát từ sự không thống nhất giữa tiêu đề và nội dung của Điều 345, do đó, Điều luật này cần sửa đổi để thống nhất cách hiểu về hình thức của tín chấp.

Đối với nội dung, cũng theo quy định tại Điều 345 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có xác nhận của tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm bằng tín chấp về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn; Thoả thuận bảo đảm bằng tín chấp phải cụ thể về số tiền, mục đích, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người vay, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm bằng tín chấp”.Hợp đồng vay vốn được giao kết giữa tổ chức tín dụng và cá nhân, hộ gia đình thuộc đối tượng chính sách – xã hội. Trong hợp đồng cần phải có sự xác nhận của tổ chức chính trị - xã hội đứng ra bảo đảm cho bên vay về hoàn cảnh gia đình, điều kiện vay… Quy định này nhằm đảm bảo tính xác thực của việc bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bằng biện pháp tín chấp, vì so với các biện pháp bảo đảm được xác lập theo thoả thuận, tính chất bảo đảm của biện pháp tín chấp rất thấp. Bởi tín chấp thuần tuý là dùng uy tín để cam kết (và bảo đảm) về khả năng trả nợ vốn vay của bên có nghĩa vụ. Trường hợp bên vay không trả được nợ thì bên nhận bảo đảm (là các tổ chức tín dụng) không thể xử lý uy tín của tổ chức chính trị - xã hội, yếu tố thuộc về “tinh thần”, không phải là yếu tố “vật chất” để thu hồi nợ được. Bên cạnh đó, đối tượng được tiếp cận vốn vay theo hình thức bảo đảm này là những người có hoàn cảnh khó khăn, đó là cá nhân, hộ gia đình nghèo, nên cần có sự xác nhận của tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm bằng tín chấp về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn.

2.2. Kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về tín chấp

Thứ nhất, loại bỏ biện pháp tín chấp ra khỏi Bộ luật Dân sự và ghi nhận tín chấp trong một văn bản pháp lý riêng. Trong khoa học pháp lí dân sự, bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự luôn có tính chất tài sản do các bên trong quan hệ nghĩa vụ cam kết, thoả thuận đều nhằm buộc người có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ mà họ cam kết. Với tính chất là biện pháp bảo đảm có tính chất dự phòng, nên trong trường hợp người có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ những nghĩa vụ mà họ đã cam kết, thoả thuận, thì người có quyền có thể yêu cầu Toà án, các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tuỳ từng trường hợp và tuỳ thuộc vào sự cam kết, thoả thuận, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự có những quy chế xử lý khác nhau đối với tài sản bảo đảm.

Một số nhà khoa học pháp lí quan điểm rằng, tín chấp không thể là một biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ. Bởi khi cá nhân, hộ gia đình nghèo vay tiền của tổ chức tín dụng nhưng không trả được thì hoàn toàn không có bất kỳ một phương thức xử lý nào để tiến hành thu hồi nợ cho bên có quyền như những biện pháp bảo đảm khác. Nên, những người theo quan điểm này nhận định cần loại biện pháp này ra khỏi Bộ luật Dân sự năm 2015. Nếu xét về góc độ kinh tế thuần tuý, có ý kiến cho rằng:“Thực chất thì trách nhiệm về tài sản của biện pháp bảo đảm này hoàn toàn bằng không. Đó chính là một thứ bảo đảm ảo, như một thứ thuốc giả, không màu sắc, không mùi vị và hoàn toàn vô tác dụng trong chế định giao dịch bảo đảm. Do các quan hệ dân sự là quan hệ tài sản nên tác giả còn nhấn mạnh rằng: Giao dịch tín chấp này không thuộc về quan hệ tài sản, cũng chẳng phải là quan hệ nhân thân phi tài sản, nên cần loại bỏ khỏi Bộ luật Dân sự biện pháp bảo đảm là “tín chấp” để bảo đảm sự hợp lý, chuẩn mực của Bộ luật Dân sự, vì đây là bộ luật điều chỉnh chủ yếu là quan hệ tài sản”[4].

Trái ngược với quan điểm trên, một số ý kiến cho rằng vẫn nên quy định biện pháp bảo đảm tín dụng tín chấp trong Bộ luật Dân sự. Những người theo quan điểm này lập luận rằng: (i) Dưới góc độ xã hội, vay vốn bằng tín chấp của các tổ chức chính trị - xã hội phù hợp với chính sách của Đảng, Chính phủ về xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Nên biện pháp bảo đảm tín chấp cần được giữ lại và tách ra thành một biện pháp bảo đảm riêng biệt, có như thế mới thể chế hoá chính sách của Đảng, Nhà nước và đi vào thực hiện trong thực tiễn; (ii) Dưới góc độ pháp lý: Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đều có chức năng nói chung: Một là, chức năng tác động, các tổ chức chính trị cũng như sự bảo đảm của các tổ chức này có ảnh hưởng, tác động mạnh mẽ tới ý thức vay vốn, sử dụng vốn và trả nợ của người vay vốn; Hai là, chức năng dự phòng, ngân hàng, tổ chức tín dụng chỉ áp dụng tín chấp nếu người vay vốn là thành viên của tổ chức chính trị - xã hội được phép bảo đảm cho thành viên của tổ chức tín dụng mình vay vốn.

            Tác giả cho rằng, nội dụng vẫn nên được quy định trong quy chế về tổ chức và hoạt động của ngân hàng chính sách xã hội – một ngân hàng thực hiện chính sách lớn của Chính phủ trong xoá đói, giảm nghèo. Theo đó, tác giả kiến nghị loại bỏ biện pháp bảo đảm tín chấp ra khỏi Bộ luật dân sự và ghi nhận tín chấp trong một văn bản pháp riêng.

            Thứ hai, cần bổ sung thêm quy định về số lượng các khoản vay mà cá nhân, hộ gia đình nghèo được ký kế. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp cá nhân, hộ gia đình nghèo là thành viên của nhiều tổ chức chính trị - xã hội khác nhau; tuy nhiên trong cả Bộ luật Dân sự năm 2015 và các văn bản quy định về tín chấp không có một cá nhân, hộ gia đình nghèo được kí bao nhiêu hợp đồng vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Điều này đã gây lúng túng trong việc triển khai áp dụng của các tổ chức chính trị - xã hội cũng như của các tổ chức tín dụng. Do đó, tác giả kiến nghị, tại một thời điểm thì cá nhân, hộ gia đình nghèo chỉ được vay một khoản vay tín chấp tại tổ chức tín dụng. Quy định như thế sẽ hạn chế được tình trạng vay vốn tràn lan, sử dụng vốn không có hiệu quả của cá nhân, hộ gia đình nghèo; qua đó giảm thiểu được các trường hợp không trả được nợ của cá nhân, hộ gia đình nghèo.

            Thứ ba, mở rộng chủ thể được vay vốn bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội. Theo quan điểm của tác giả, vấn đề cho vay vốn bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội là một chính sách xã hội nhằm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; do đó, không chỉ cá nhân, hộ gia đình nghèo mà một số chủ thể khác cũng có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Về việc mở rộng đối tượng được vay vốn bằng tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội, một số đối tượng cần được quy định có thể tham gia vay vốn bằng tín chấp như: (i) Thành viên của tổ chức chính trị - xã hội có thành tích trong lao động, sản xuất. Việc quy định cả những người của tổ chức chính trị - xã hội có thành tích trong lao động, sản xuất cũng được vay vốn bằng tín chấp có ý nghĩa như một biện pháp khuyến khích các thành viên khác thi đua lập thành tích trong tổ chức; (ii) Các hộ gia đình thuộc diện hộ cận nghèo. Đây là những chủ thể cũng gặp khó khăn trong cuộc sống; do đó nên mở rộng cho chủ thể này được vay bằng biện pháp tín chấp với các ưu đãi về tiền vay, thời hạn vay, lãi suất vay thấp hơn so với cá nhân, hộ gia đình nghèo.

Thứ tư, cần bổ sung thêm các quy định điều chỉnh quan hệ tín chấp giữa các cá nhân, tổ chức liên quan trong tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội. Quy phạm pháp luật điều chỉnh quan hệ tín chấp còn ít, bên các quy phạm pháp luật này không được cụ thể hoá, còn chung chung dẫn tới việc còn thiếu một số nội dung trong pháp luật về tín chấp của tổ chức chính trị - xã hội. Nhằm nâng cao hiệu quả của biện pháp tín chấp, cần bổ sung thêm các quy định: (i) Bổ sung quy định về trách nhiệm của tổ chức chính trị - xã hội khi người vay vốn không có khả năng trả nợ; (ii) Xây dựng cụ thể tiêu chuẩn cho vay bằng tín chấp.

            Thứ năm, cần bổ sung thêm các quy định nhằm hạn chế rủi ro cho các tổ chức tín dụng cho vay tín chấp. Hiện nay, nguồn vốn cho vay tín chấp được lấy gần như hoàn toàn từ ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, có rất nhiều cá nhân, hộ gia đình nghèo vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội nhưng không có khả năng trả hoặc cố tính không trả. Bởi vậy, tác giả kiến nghị huy động thêm nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước để làm nguồn vay cho cá nhân, hộ gia đình nghèo để giảm thiểu bớt rủi ro cho ngân sách Nhà nước; đồng thời huy động được nguồn lực của toàn xã hội trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo của nước ta.

Thứ sáu, cần quy định chặt chẽ giai đoạn thu nhận và xử lý hồ sơ vay tín chấp, đồng thời xác định rõ sự vi phạm từ phía chủ thể vay sẽ là điều kiện để ngân hàng huỷ bỏ hợp đồng. Về phía chủ thể bảo đảm và ngân hàng ở giai đoạn đầu khi kiểm tra hồ sơ phải nghiêm ngặt trong việc ra quyết định có phê duyệt hồ sơ vay đó không nhằm hạn chế rủi ro cho mình. Còn từ góc độ pháp lý, nên quy định rõ trường hợp được huỷ bỏ hợp đồng và yêu cầu hoàn trả những gì đã nhận từ nhau khi một bên vi phạm nghĩa vụ của mình, đặc biệt là bên được bảo đảm”.

 

Khách hàng cá nhân giao dịch tại Ngân hàng. Ảnh: Diệp Đức Minh

                                    

 

[1] Trường Đại học Luật Hà Nội (2019), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam – Tập II, Nxb Công an nhân dân, tr.106.

[2] PGS.TS. Nguyễn Văn Cừ - PGS.TS. Trần Thị Huệ (2017), Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự năm 2015, Nxb Công an nhân dân, tr.537.

[3] TS. Lê Ngọc Thắng (2023), Tín chấp và vay tín chấp theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015; https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tin-chap-va-vay-tin-chap-theo-quy-dinh-cua-bo-luat-dan-su-2015-102402.htm; Truy cập ngày 12/7/2023,

[4] Hoàng Thu Hường (2016), Pháp luật tín chấp và thực tiễn áp dụng tại tỉnh Điện Biên, Luận văn Thạc sĩ Luật học, Trường Đại học Luật Hà Nội, tr.67 – tr.68.

NCS.ThS. ĐOÀN THỊ NGỌC HẢI (Nghiên cứu sinh Khoa pháp luật Dân sự - Trường Đại học Luật Hà Nội)