Lấp lánh ánh hào quang của công lý
Các vị Thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý. Mỗi Thẩm phán xử án quyết định theo pháp luật và lương tâm của mình - Ngay từ Sắc lệnh số 13 ngày 24 tháng 1 năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, đã có những quy định mang tính nền móng như vậy…
Đã có lần tôi đọc một bài báo, kể về bà cụ 76 tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh bị chiếm mất nhà do tranh chấp về hợp đồng mua bán. Vị Thẩm phán giải quyết vụ kiện cho rằng, ngay giữa trung tâm thành phố không thể có chuyện ngang nhiên vào chiếm giữ nhà người khác khi vụ án đang được Tòa án giải quyết, nên đã trực tiếp đến thẩm định căn nhà. Ngay sau đó, Thẩm phán đã ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, buộc người chiếm giữ trái phép phải ra khỏi căn nhà. Nhờ sự phối hợp tích cực của cơ quan thi hành án dân sự với Tòa án, bà cụ đã được trở về căn nhà của mình. Tôi nhớ mãi tấm hình bà cụ có gương mặt hiền hậu, ngồi trên xe lăn trở về nhà với niềm vui xen lẫn xúc động và câu kết của bài báo. Tác giả kết luận: “Từ vụ việc nêu trên, có thể thấy rằng nếu người thực thi pháp luật quyết liệt, công lý sẽ được bảo vệ và người dân có niềm tin hơn vào pháp luật”[1].
Quả thật, bà cụ khởi kiện ra Tòa án là cách hành xử văn minh, đúng đắn. Nhờ quyết định “đáo tụng đình” mà bà đã được pháp luật, được Tòa án bảo vệ, trả lại lẽ công bằng. Nếu không cậy nhờ pháp luật, không khởi kiện ra Tòa án mà kéo dài tranh chấp, dẫn đến những hành xử khó lường của các bên liên quan thì không biết hậu quả sẽ dẫn đến đâu. Có biết bao câu chuyện phiền lòng do những tranh chấp gây ra.
Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Quy định này đã được thể hiện sinh động trong một vụ án cụ thể, người dân cảm nhận được sức mạnh của pháp luật trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ những giá trị vừa thiêng liêng, vừa gần gũi, thiết thực đối với cuộc sống của người dân.
Đây chỉ là một trong hàng trăm ngàn vụ án các loại mà Tòa án các cấp phải giải quyết mỗi năm. Mỗi vụ án, dù dân sự hay hình sự, lao động hay hành chính đều liên quan trực tiếp đến thân phận con người, nếu phán quyết đúng pháp luật, thấu lý đạt tình thì công lý được bảo vệ, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân được bảo đảm và ngược lại.
Khái niệm công lý được đưa vào Hiến pháp là một sự đổi mới quan trọng trong tiến trình xây dựng đất nước hiện nay. Từ công lý đã được ghi nhận trong nhiều cuốn từ điển, trong đó có quan niệm “Công lý là lẽ phải, lẽ công bằng, phù hợp với pháp luật đương thời, không thiên lệch, không tư vị. Chế độ nào cũng coi Tòa án là tượng trưng cho công lý, là cơ quan công lý của chế độ ấy”. Quan niệm khá sáng rõ đó cho thấy vai trò và trách nhiệm đặc biệt của Tòa án đối với công lý.
Công lý là một giá trị phổ quát mang tính nhân loại, trong một thể chế dân chủ, ai cũng có quyền tiếp cận công lý, được hưởng sự công bằng, bình đẳng trước pháp luật. Một đất nước văn minh không thể để xảy ra tình trạng người có tiền được hưởng lợi, người không có tiền phải chịu thiệt thòi, để bất công được lộng hành.
Để có được những bản án nghiêm minh, đúng pháp luật, có nhiều tiêu chuẩn và điều kiện đặt ra đối với mỗi Tòa án, mỗi vị Thẩm phán, đơn cử như một yếu tố cực kỳ quan trọng là tính độc lập. Người dân đến Tòa án kỳ vọng Thẩm phán không thiên vị, họ thật sự độc lập trong xét xử, không bị tác động của người khác hay lợi ích khác, để bảo đảm các bên đứng trước Tòa án đều bình đẳng. Nếu Thẩm phán không độc lập thì dù pháp luật có chặt chẽ đến đâu cũng sẽ bị uốn cong theo yêu cầu của người đã chi phối họ.
Yêu cầu độc lập của Tòa án, của Thẩm phán được đặt ra ngay từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ mới ra đời. Sắc lệnh số 13 ngày 24 tháng 1 năm 1946 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký đã nêu rõ tại Điều 47 “Tòa án Tư pháp độc lập với các cơ quan hành chính. Các cơ quan khác không được can thiệp vào việc Tư pháp” và “Các vị Thẩm phán sẽ chỉ trọng pháp luật và công lý”. Điều thứ 50 nhấn mạnh “Mỗi Thẩm phán xử án quyết định theo pháp luật và lương tâm của mình. Không quyền lực nào được can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào công việc xử án”[2].
Độc lập cũng đồng thời là một yêu cầu, một mong ước của mỗi Thẩm phán. Họ cần được độc lập, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và lương tâm của mình, chỉ vì một mục đích cao nhất là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân… đã được Hiến định.
Có người còn nói rằng, tính độc lập và khả năng thi hành quyền tư pháp của Tòa án chính là chỗ dựa khơi nguồn cho lòng dũng cảm cần thiết để phụng sự các giá trị pháp quyền, đồng thời mang lại cho người dân niềm tin lớn lao và vững chắc hơn vào Tòa án trong quá trình bảo vệ công lý.
Ở nhiều quốc gia có quy định công dân phải được xét xử bởi những vị Thẩm phán có mức lương và thu nhập đủ sống, để họ không bị tác động bởi các lợi ích vật chất, giữ được sự trong sạch và vô tư; có nhiệm kỳ Thẩm phán đủ dài, có cơ hội thăng tiến để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ xét xử… Nếu chỉ có những yêu cầu mang tính tiêu chí như không tham nhũng, không nhận hối lộ, vô tư, khách quan, thượng tôn pháp luật mà không có những bảo đảm cụ thể về chế độ lương, thưởng, đãi ngộ đi cùng với ràng buộc về trách nhiệm với chế độ giám sát, kỷ luật chặt chẽ thì việc bảo vệ pháp luật, bảo vệ công lý chắc chắn tiềm ẩn nhiều khúc mắc, rủi ro không chỉ cho người dân mà còn cho mỗi Thẩm phán, công chức Tòa án.
Trong những năm gần đây, công cuộc cải cách tư pháp được Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt, vai trò của hệ thống Tòa án nhân dân cũng được đề cao. Điều 102 Hiến pháp 2013 đã quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Như vậy, Tòa án đã được đặt đúng vị trí trong bộ máy nhà nước. Tòa án phải là một thiết chế đặc biệt, là nhánh quyền lực tư pháp, dù ở cấp nào Tòa án cũng là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
“Chiến lược xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” đã đặt ra những tiêu chí cụ thể về hệ thống Tòa án nhân dân, khắc phục những bất cập mà những năm cải cách tư pháp đã phát hiện và nhận thức lại. Những vấn đề được các chuyên gia, các nhà khoa học nghiên cứu, kiến nghị như các quy định về tính công khai, minh bạch; quyền độc lập của Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân trong công tác xét xử; quy trình bổ nhiệm, nhiệm kỳ Thẩm phán; chế độ lương thưởng, đãi ngộ; các yêu cầu về phẩm chất, đạo đức cũng như kỷ luật; ngân sách cho hệ thống Tòa án… được xem xét kỹ càng, phù hợp với điều kiện đất nước.
Có thể nói, không chỉ Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị mà mỗi người dân đều mong mỏi, kỳ vọng hệ thống Tòa án nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh, mỗi Thẩm phán, mỗi công chức Tòa án đều liêm chính và vững vàng về chuyên môn, để mỗi bản án luôn lấp lánh ánh hào quang của công lý, của công bằng, đúng pháp luật và cũng thấu đáo tình người.
[1] https://thanhnien.vn/cong-ly-duoc-bao-ve-post1478674.html
[2] Dẫn lại theo Nguyễn Xuân Tùng - Tư tưởng Hồ Chí Minh về công lý- https://nxbtuphap.moj.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin-tuc.aspx?ItemID=1833&l=Nghiencuutraodoi
Bài liên quan
-
Chủ tịch nước Lương Cường: Xây dựng hệ thống Tòa án tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
-
Bình luận Án lệ số 71/2024/AL về việc đình chỉ giải quyết vụ án với lý do sự việc đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
-
Thành lập thị xã Mộc Châu;Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thị xã Mộc Châu, tỉnh Sơn La
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận