Lấy ý kiến các đại biểu miền Trung- Tây Nguyên đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Ngày 8/7, Ngày 8/7, tại TP. Đà Nẵng, TANDTC tổ chức Hội nghị lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có ông Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TANDTC; đồng chủ trì Hội nghị; ông Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án TANDTC; Lãnh đạo, Thẩm phán TAND cấp cao tại Đà Nẵng; TAQS quân khu 5; đại diện Lãnh đạo TAND các tỉnh/thành phố khu vực miền Trung Tây Nguyên.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định, từ năm 2016 tới nay, quá trình thực hiện Luật Tổ chức TAND cơ bản đã tổ chức được bộ máy Tòa án hợp lý, khoa học. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật đã bộc lộ những hạn chế về tổ chức. Trong xu thế phát triển của đất nước, đòi hỏi tiếp tục đổi mới để nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp, nâng cao hiệu quả xét xử. Vì vậy, Quốc hội đã đưa vào chương trình xây dựng nội dung trụ cột Nhà nước pháp quyền đổi mới tổ chức hoạt động của Quốc hội, Chính phủ và địa phương, trong đó có đổi mới tổ chức hoạt động của Tòa án. Ban soạn thảo đã dự thảo Luật, đưa ra lấy ý kiến và bước đầu đạt được một số kết quả, khắc phục được những hạn chế, tiếp thu được nhiều ý kiến chất lượng.

Chánh án TANDTC nhấn mạnh, Hội nghị lấy ý kiến góp ý với Dự thảo Luật đặc biệt có ý nghĩa chiến lược phát triển lâu dài cho Tòa án trong tương lai. Đây là cơ hội mà Đảng, Quốc hội dành cho hệ thống Tòa án. Chánh án đề nghị các đại biểu nắm chắc cơ hội, thảo luận, trao đổi, đóng góp để nội dung của Luật thật sự chất lượng, thể chế hóa đầy đủ, đúng tinh thần của cải cách tư pháp… Ngoài 19 nội dung Ban soạn thảo đưa ra để tham gia góp ý, các đại biểu có thể tham gia những nội dung khác mà bản thân quan tâm.

Cùng với đó, Chánh án TANDTC cũng lưu ý, để Hội nghị thành công, đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến sôi nổi, ngắn gọn, không trùng lặp, tập trung vào những vấn đề gợi ý trong tài liệu. Chánh án cũng đề nghị Ban soạn thảo và Tổ Thư ký ghi chép đầy đủ những ý kiến của các đại biểu.

Đối với Tòa án các địa phương, Chánh án TANDTC yêu cầu sau hội nghị này tiếp tục triển khai lấy ý kiến thêm. Tổ chức hội nghị tại địa phương để giới thiệu đến đoàn đại biểu Quốc hội, đồng thời ghi nhận thêm những ý kiến đóng góp và phải xác định, hội nghị tại địa phương là một công tác quan trọng.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tiến, Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án TANDTC, Phó Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật trình bày một số nội dung, vấn đề lớn của dự thảo Luật và đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, góp ý.

Cụ thể, Về chức năng thực hiện quyền tư pháp của Tòa án; nhiệm vụ xét xử các vi phạm hành chính; nhiệm vụ xem xét tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản quy phạm pháp luật; thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự tại phiên tòa;

Thẩm quyền, trách nhiệm thu thập chứng cứ của Tòa án trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, hành chính, vụ việc dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án cấp sơ thẩm; giám sát hoạt động của Tòa án; tổ chức lại bộ máy giúp việc của TANDTC;

Tổ chức lại bộ máy giúp việc của TAND cấp cao; đổi tên TAND huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh thành TAND sơ thẩm; thành lập TAND sơ thẩm chuyên biệt; đổi tên gọi của Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia thành Hội đồng Tư pháp quốc gia; bổ sung thành phần, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tác hoạt động của Hội đồng Tư pháp quốc gia;

Về Phó Chánh án TANDTC; Thẩm phán; Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án; hội thẩm; tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp; phiếu lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) và về những vẫn đề khác mà các đại biểu thấy cần góp ý...

 

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, trao đổi, đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, sâu sắc đối với dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Các đại biểu đánh giá cao nội dung dự thảo luật, cho rằng dự thảo là kết tinh trí tuệ của tập thể lãnh đạo, thẩm phán, công chức Tòa án các cấp trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu các ý kiến góp ý thiết thực của các cá nhân, tổ chức và thực tiễn tổng kết hơn 8 năm triển khai thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014.

Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) gồm 150 điều, trong đó, giữ nguyên 9 điều; sửa đổi, bổ sung 90 điều; xây dựng mới 51 điều. Dự thảo được thiết kế thành 9 chương.

Trước Hội nghị này, ngày 3/7/2023, TANDTC đã tổ chức lấy ý kiến đối với Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) khu vực các tỉnh phía Bắc, tổ chức tại TP. Hải Phòng. Sau Hội nghị này, TANDTC sẽ tiếp tục tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) đối với các tỉnh khu vực phía Nam, tổ chức tại Đồng Nai.

 

Ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC chủ trì Hội nghị - Ảnh: Lê Hùng

 

PVA