Mai Ngọc C có phạm tội đe dọa giết người theo Điều 133 BLHS 2015

Thực trạng hiện nay cho thấy hành vi đe dọa giết người xảy ra không ít nhưng việc xét xử tội danh này lại không nhiều, do khó khăn trong việc điều tra, đánh giá chứng cứ...

Điều 133 BLHS 2015 đã quy định cụ thể về tội phạm đe dọa giết người: “Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: a) Đối với 2 người trở lên; b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân; d) Đối với người dưới 16 tuổi; đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.”

Tuy nhiên, việc chứng minh “người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện” trong tội đe dọa giết người hay phạm tội chưa đạt trong tội phạm khác trong nhiều trường hợp còn nhiều quan điểm khác nhau.

Đơn cử tình huống sau đây: Mai Ngọc C và chị Phạm Thị Hồng Đ là vợ chồng từ năm 2007 và có hai con chung. Khoảng giữa năm 2019, C không còn quan tâm chăm lo cho gia đình, xảy ra mâu thuẫn nên chị Đ dọn ra ở riêng tại số 97/40 đường X, Phường C, quận D. Còn C ở tại chỗ làm tại số 30A đường Y, Phường C, quận D. Các con được gửi về quê cho ông bà ngoại chăm sóc. Sau khi ly thân, do ghen tuông nên C có nhắn tin, gọi điện thoại đe đọa giết chị Đ.

Khoảng 19 giờ 30 phút ngày 02/4/2020, C gọi điện cho chị Đ để thông báo con ở quê bị bệnh nhưng không liên lạc được do đã bị chặn số, C bèn đến nhà số 97/40 đường X, Phường C, quận D tìm chị Đ nhưng cũng không gặp. Trên đường quay về, C thấy có một người đàn ông chở chị Đ đi ngang qua, C kêu cả hai dừng lại nhưng không được. C đến tiệm làm tóc của chị Phạm Thị H (bạn thân của chị Đ) tại địa chỉ số 97/36 đường X nhặt 01 khúc gỗ dài khoảng 01 mét đập vào cửa sắt của tiệm tóc yêu cầu chị H gọi điện cho chị Đ về gấp.

Sau đó, C quay về chỗ làm, mượn điện thoại của bạn gọi điện tiếp cho chị Đ, yêu cầu chị Đ về nói chuyện. C quay lại tiệm làm tóc của chị H thì thấy chị Đ đi bộ vào trong tiệm. C đập tay vào cửa sắt kêu chị Đ ra nói chuyện nhưng chị Đ không ra. C đe dọa sẽ giết chị Đ. Chị Đ nói “Mày không đi thì tao gọi Công an bắt mày”. Bực tức, C nảy sinh ý định mua xăng về đe dọa giết chị Đ. C đạp xe đến tiệm tạp hóa mua một bình nhựa, bỏ vào túi nhựa màu đen rồi đạp xe đến cửa hàng xăng dầu tại số 293 đường Z, Phường E, quận D mua 52.000 đồng tiền xăng Ron 92. Sau đó, C quay lại dựng xe trước nhà số 97/36 đường X, giấu can nhựa chứa xăng vào gốc cây gần đó. C đến tiệm làm tóc gọi chị Đ nhưng chị Đ không ra.

Một lúc sau, có một phụ nữ đi vào tiệm làm tóc nên C đi vào nhưng chị H không cho vào, dọa sẽ báo Công an. Khoảng 2 phút sau, chị Đ đi ra, cả hai ngồi nói chuyện phía trước tiệm làm tóc được một lúc thì cãi nhau. C đe dọa sẽ giết chị Đ, chị Đ thách thức và đứng lên đi về phía tiệm làm tóc. C chạy đến gốc cây lấy can xăng đuổi theo chị Đ, tay phải C cầm can xăng, tay trái mở nắp can và nói “mày tin không, tao giết mày”. Thấy vậy, chị Đ bỏ chạy về phía đầu hẻm 97 đường X và chạy vào một nhà dân. C chạy đuổi theo.

Khi chạy được dăm mét thì C giữ được chị Đ, C đổ xăng từ trên đầu xuống hết người chị Đ và hỏi “Mày chừa chưa… mày chừa chưa”. Chị Đ hoảng sợ van xin C “Em chừa rồi, tha cho em, em còn con”. C tiếp tục kéo chị Đ đến trước số 97/20 đường X, ép chị Đ ngồi xuống rồi đổ hết số xăng còn lại lên người chị Đ và C. C ném can xăng đi, lấy trong túi quần đang mặc 01 hộp quẹt ga màu vàng cầm trong lòng bàn tay (chưa để ngón tay vào bộ phận đánh lửa). C nói với chị Đ “Tao cho mày chết, tao với mày cùng chết”. Lúc này, thấy có người dân đến can ngăn nên C để ngón tay cái vào bộ phận đánh lửa và đưa hộp quẹt gas lên dọa nếu ai căn ngăn thì C sẽ châm lửa đốt cháy, đồng thời C chẹt hộp quẹt ga 02 cái nhưng không lên ngọn lửa (C không rõ có phát ra tia lửa hay không). Trong lúc C đe dọa sẽ châm lửa đốt cháy cả C và chị Đ thì người dân đã căn ngăn, đạp cho C một cái và lấy hộp quẹt ga trên tay C. Sau đó, C đứng dậy bỏ đi thì Công an có mặt đưa C về trụ sở làm việc.

Hiện có các quan điểm khác nhau với tội danh của Mai Ngọc C.

Quan điểm thứ nhất là Mai Ngọc C có dấu hiệu của tội phạm giết người dù ban đầu mục đích của C chỉ là đe dọa giết chị Đ, nhưng sau đó C đã có hành vi đổ xăng lên người chị Đ dù chị Đ đã van xin nhưng C không dừng lại mà tiếp tục đổ nốt xăng lên người C và đe dọa nếu sẽ châm lửa. Không dừng lại ở việc đe dọa, C đã dùng hộp quẹt gas và chẹt hộp quẹt gas 2 cái thì bị người dân sử dụng vũ lực để ngăn chặn, tuy C chưa đánh được lửa trên chiếc hộp quẹt gas đã bị người dân ngăn cản bằng vũ lực nhưng C có thể thấy trước được hậu quả có thể sẽ làm chị Đ nguy hiểm đến tính mạng và C cũng đã có khoảng thời gian để lựa chọn hành vi của mình chứ không phải là hành động bột phát do bị người dân can ngăn bằng vũ lực ngay. Do vậy có thể thấy C đã có dấu hiệu của tội giết người, trong trường hợp phạm tội chưa đạt.

Quan điểm thứ hai là Mai Ngọc C chỉ dừng lại ở việc đe dọa giết người chứ không có mục đích giết chị Đ. Dù C có thể thấy trước được hậu quả nhưng do lo sợ bị người dân xung quanh vây bắt và ngăn cản trong lúc hoảng loạn nên C có hành vi đánh lửa để đe dọa người dân không lại gần C để ngăn cản.

Từ hai quan điểm trên có thể thấy rằng, việc chứng minh mục đích của C chỉ là đe dọa hay sẵn sàng giết người là vấn đề khó xác định trong các vụ án cụ thể khác.

Xuất phát từ thực trạng hiện nay cho thấy việc xét xử các vụ án liên quan đến tội danh “Đe dọa giết người” là không nhiều do khó khăn trong việc điều tra chứng minh bị can có đủ điều kiện bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không; nạn nhân có thực sự lo sợ khi bị đe dọa hoặc có những đối tượng liều lĩnh dù bị kề dao vào cổ dọa giết cũng không hề lo sợ mà còn thách thức ngược lại đối tượng đe dọa. Chưa có các văn bản hướng dẫn cụ thể và thống nhất xử lý các hành vi có dấu hiệu vi phạm để xử lý các đối tượng côn đồ, nhũng nhiễu, coi thường pháp luật. Vì vậy trong thời gian tới cần có văn bản hướng dẫn về vấn đề đe dọa giết người để kịp thời đấu tranh với loại tội phạm này trong tình hình hiện nay.

 

TAND tỉnh Bình Thuận xét xử vụ án “Giết người” và “Cướp tài sản” - Ảnh: CTV

VŨ THÀNH HUY (Tòa án quân sự khu vực – Quân khu 1)