Nghị quyết 30 tạo điều kiện cho Chính phủ điều hành phòng, chống dịch, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép được huy động các nguồn lực phòng chống dịch thì cần phải thống kê đã huy động nguồn lực tổng số là bao nhiêu tiền, tài khóa là bao nhiêu, tiền tệ là bao nhiêu, chuyển nguồn dùng cho phòng chống dịch là bao nhiêu – Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Chiều 10/10, tại Phiên họp thứ 16, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV.

Tính chủ động, tích cực bám sát thực tiễn của Quốc hội

Khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 quy định về ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”. Trong đó, Quốc hội tán thành việc Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện trong thời gian qua; đồng thời, giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện 8 nhóm giải pháp cấp bách.

Tại phiên họp, sau khi nghe báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tập trung làm rõ thêm ý nghĩa, yêu cầu, tính cấp bách của Nghị quyết; việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết như về ban hành các văn bản hướng dẫn, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, công tác thông tin, tuyên truyền, kết quả và hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết 30. Cho ý kiến về việc triển khai thực hiện các biện pháp được Nghị quyết 30 giao hoặc cho phép tổ chức triển khai thực hiện, như việc thực hiện các biện pháp hạn chế trong phòng, chống dịch COVID-19; việc tổ chức hoạt động khám, chữa bệnh COVID-19; điều động huy động người tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo thuốc, vaccine, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch. Việc thực hiện hỗ trợ người sử dụng lao động thông qua các chính sách tài khóa, tiền tệ, giảm thuế cho doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19; về nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch; về các đề nghị của Chính phủ và việc rà soát, tổng kết các quy định liên quan.

 

 Nghị quyết 30 đã có tác động tích cực -Ảnh: PV

Nhắc lại bối cảnh ra đời của Nghị quyết 30, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, thời điểm đó chưa hầu như chưa ai nghĩ đến việc này. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là một sáng kiến lập pháp của Quốc hội và Chính phủ ra đời một cách kịp thời, chưa có tiền lệ. Khởi đầu từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng nếu không có các Bộ, các Ủy ban của Quốc hội, không có đồng tình, nhanh chóng phối hợp giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Thủ tướng thì chắc chắn không có sáng kiến pháp luật này. Vì vậy cũng cần đánh giá thêm để thấy được tính chủ động, tích cực bám sát thực tiễn của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua trao đổi tại các diễn đàn nghị viện đa phương, nghị viện và đại biểu các nước đều tâm đắc với cách làm của Việt Nam. Không có nước nào trên thế giới có Nghị quyết 30 như của Việt Nam. Phải chăng đây là một trong những sáng kiến độc đáo của Việt Nam, sự ưu việt của chế độ cũng như sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định khẳng định Nghị quyết 30 Quốc hội là một văn bản rất quan trọng, ra đời kịp thời ngay từ Kỳ họp thứ Nhất, đã đề ra những chủ trương, chính sách, những giải pháp và giao trách nhiệm các cơ quan rất cụ thể và việc tổ chức triển khai thực hiện được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ cũng tiến hành khẩn trương.

Phải thống kê đã huy động nguồn lực tổng số là bao nhiêu tiền

Về các nội dung cụ thể của báo cáo, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát phạm vi đánh giá bám sát các điểm của khoản 3 trong Nghị quyết, về các cơ chế, chính sách đặc cách, đặc thù mà không phải đánh giá tổng kết toàn bộ công tác phòng chống dịch. Trong đó, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 30 thì có tiếp 6 nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 10 nghị quyết liên quan cũng cần phải đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết này.

Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép được huy động các nguồn lực phòng chống dịch thì cần phải thống kê đã huy động nguồn lực tổng số là bao nhiêu tiền, tài khóa là bao nhiêu, tiền tệ là bao nhiêu, chuyển nguồn dùng cho phòng chống dịch là bao nhiêu. Hay như cho phép lấy quyết định thành lập và quyết định hoạt động của bệnh viện dã chiến vào một thì cần báo cáo cả nước thành lập bao nhiêu bệnh viện dã chiến theo quy định này, hoạt động của bệnh viện ra sao, việc huy động nguồn nhân lực tham gia như thế nào. Hoặc là cho phép được khám bệnh từ xa thì đã áp dụng chưa và áp dụng thế nào…

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh phải có có số liệu tình hình triển khai thực hiện, qua kết quả đó để đánh giá sự cần thiết, tính đúng đắn và tác động to lớn của Nghị quyết 30 về phòng, chống dịch, hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ cho phục hồi và tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có kết luận về một số nội dung sau: 

Thứ nhất, khi tổng kết Nghị quyết 30/2021/QH15 cần ghi nhận Báo cáo của Chính phủ, Bộ Y tế và các tài liệu kèm theo cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội đã có chuẩn bị sơ bộ, có nhiều thông tin, bước đầu thể hiện rất toàn diện, qua đó cho thấy Nghị quyết 30/20221/QH15 rất quan trọng, ra đời kịp thời ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. Trong đó, đề ra những chủ trương, chính sách, giải pháp là giao trách nhiệm các cơ quan rất cụ thể. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị cần khẳng định việc tổ chức triển khai thực hiện được UBTVQH và Chính phủ tiến hành rất khẩn trương (chưa đến 10 ngày), các lĩnh vực được triển khai rất đồng bộ, kịp thời và có hiệu quả.

Thứ hai, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng chỉ rõ rằng, một số văn bản ban hành và tổ chức thực còn có chậm, sự phối hợp giữa các cơ quan ở cả Trung ương, địa phương thì nhiều nơi còn chưa chặt chẽ, dẫn đến là cách hiểu, cách làm ở chỗ này, chỗ kia còn khác nhau và việc thực hiện các giải pháp cũng còn có mặt hạn chế… do đó, dẫn đến một phần nào làm hạn chế kết quả.

Thứ ba, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, đồng thời giao Uỷ ban Xã hội chủ trì và các Ủy ban liên quan tham gia phối hợp thẩm tra để bám sát nội dung Nghị quyết của Quốc hội.

**

Tại Phiên họp, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, Bộ Y tế tiếp thu các ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với báo cáo của Chính phủ tổng kết, đánh giá việc thực hiện quy định tại khoản 3 Nghị quyết số 30/2021/QH15 về kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV. 

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, vì thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15 chưa có tiền lệ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 nên có thể chưa có văn bản hướng dẫn. 

Trên tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Y tế sẽ rà soát lại những nhiệm vụ trọng tâm, những nội dung nào cần chuyển tiếp. Bộ Y tế cũng mong nhận được thêm ý kiến đóng góp của các Ủy ban khác để tiếp thu thêm đối với Báo cáo cũng như có lộ trình triển khai trong thực tiễn về lưu hành thuốc, chuẩn bị đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế… nhằm thuận lợi trong việc tổ chức thực hiện trong thực tiễn.

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ qua thảo luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ghi nhận nỗ lực của ngành y tế, hoan nghênh Bộ Y tế có báo cáo bổ sung phụ lục, đồng thời, cần đánh giá sâu sắc hơn tính cấp bách, bối cảnh khi ban hành Nghị quyết 30 để thấy được tính chủ động, tích cực, đồng bộ, từ sớm, từ xa, bám sát thực tiễn của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng hành cùng Chính phủ. Đây là sáng kiến pháp luật của lãnh đạo Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội quyết định trong thời điểm phòng, chống dịch COVID-19. Chính từ Nghị quyết 30 này tạo điều kiện cho Chính phủ điều hành phòng, chống dịch, cũng đồng thời điều hành, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị trong điều kiện dịch bệnh COVID-19. Nhờ đó, trong năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội đảm bảo tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định an sinh xã hội.

 

THÁI VŨ