Người dưới 16 tuổi thực hiện hành vi hiếp dâm và vướng mắc trong điều tra, truy tố và xét xử
Thực tiễn khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử tại Tòa án các cấp đối với người dưới 16 tuổi phạm tội “ Hiếp dâm” hiện nay cho thấy còn có nhiều quan điểm khác nhau.
1. Quy định của pháp luật
Tại Điều 90 BLHS năm 2015 quy định“Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội phải chịu trách nhiệm hình sự theo những quy định của Chương này;…”. Theo đó tại Điều 12 BLHS, độ tuổi chịu trách hình sự: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của BLHS.
Nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội: Phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội, phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm. Người dưới 18 tuổi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây và có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 29 BLHS, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng các biện pháp khác: Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng, trừ trường hợp quy định tại “Điều 134, Điều 141, Điều 171, Điều 248, Điều 249, Điều 250, Điều 251 và Điều 252 BLHS”; Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS, trừ trường hợp quy định tại “Điều 123; khoản 4, 5, 6 của Điều 134; Điều 141, Điều 142, Điều 144, Điều 150, Điều 151, Điều 168, Điều 171, Điều 248, Điều 249, Điều 250, Điều 251 và Điều 252 BLHS”; Người dưới 18 tuổi là người đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể trong vụ án.
Việc truy cứu trách nhiệm hình sự người dưới 18 tuổi phạm tội chỉ trong trường hợp cần thiết và phải căn cứ vào những đặc điểm về nhân thân của họ, tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và yêu cầu của việc phòng ngừa tội phạm. Khi xét xử, Tòa án chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội nếu xét thấy việc miễn trách nhiệm hình sự và áp dụng một trong các biện pháp tư pháp hoặc việc áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng không bảo đảm hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Không xử phạt tù chung thân hoặc tử hình đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Tòa án chỉ áp dụng hình phạt tù có thời hạn đối với người dưới 18 tuổi phạm tội khi xét thấy các hình phạt và biện pháp giáo dục khác không có tác dụng răn đe, phòng ngừa; Khi xử phạt tù có thời hạn, Tòa án cho người dưới 18 tuổi phạm tội được hưởng mức án nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đủ 18 tuổi trở lên phạm tội tương ứng và với thời hạn thích hợp ngắn nhất; Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người dưới 18 tuổi phạm tội và bản án đã tuyên đối với người chưa đủ 16 tuổi phạm tội, thì không tính để xác định tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm.
Khi tiến hành các thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội phải đảo đảm tính thân thiện, phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức. Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, lợi ích tốt nhất, giữ bí mật cá nhân, quyền tham gia tố tụng của người đại diện, nhà trường, Ðoàn thanh niên, người có kinh nghiệm, hiểu biết về tâm lý, xã hội, tổ chức khác nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động và sinh hoạt; Tôn trọng quyền được tham gia, trình bày ý kiến, quyền bào chữa, quyền được trợ giúp pháp lý của người dưới 18 tuổi và đại diện hợp pháp của họ có quyền lựa chọn người bào chữa hoặc tự mình bào chữa. Bảo đảm các nguyên tắc xử lý của Bộ luật hình sự, giải quyết nhanh chóng, kịp thời các vụ án liên quan đến người dưới 18 tuổi. (Điều 414 BLTTHS).
Đây là những quy định mang tính nhân văn, thể hiện sự nhân đạo, khoan hồng, dân chủ xã hội chủ nghĩa, tôn trọng quyền con người, bảo vệ các quyền lợi ích tốt nhất đối với người dưới 18 tuổi phạm tội của Nước ta được quy định trong Hiến pháp năm 2013, BLTTHS và BLHS năm 2015.
2. Áp dụng pháp luật trong khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đối với người phạm tội dưới 18 tuổi thực hiện hành vi hiếp dâm.
Mặc dù, BLHS, BLTTHS năm 2015, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, các văn bản Thông tư hướng dẫn của đã quy định, hướng dẫn, áp dụng về người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi “Hiếp dâm”, tuy nhiên, thực tế hiện nay các cơ quan tố tụng tại địa phương vẫn còn lúng túng trong việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử đối với người dưới 18 tuổi phạm tội “Hiếp dâm”. Qua nghiên cứu các Quyết định khởi tố, Cáo trạng, Bản án ở một số đơn vị, tôi thấy: Ở mỗi cơ quan tiến hành tố tụng tại các địa phương khác nhau có cách hiểu khác nhau về khởi tố, truy tố, xét xử người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi “Hiếp dâm”. Trong nội dung bài viết này tôi xin đề cập đến nội dung người dưới 18 tuổi thực hiện hành vi hiếp dâm có phạm tội “Hiếp dâm” theo Điều 141 BLHS hay không?.
Khoảng 21 giờ ngày 01/01/2021, TAB đi bộ sang nhà anh HVA thì nhà chỉ có bà VAT (sinh 1946) đang nằm ngủ trên giường. TAB nảy sinh ý định hiếp dâm bà T nên ra chốt cửa, B bước lên giường và dùng tay trái bóp cổ rồi nằm đè lên người bà T khống chế. B thực hiện hành vi giao cấu với bà T. Sau khi giao cấu xong B đe dọa nếu bà T nói cho ai biết sẽ giết chết bà. Tại thời điểm bị xâm hại, bà T khoảng 74 tuổi.
Đến khoảng 10 giờ ngày 03/02/2021, TAB điều khiển xe mô tô đi đến đoạn lô cao su số 12 thì thấy bà HTP đang chăn bò một mình, B bèn giấu xe vào bụi cây đi bộ đến chỗ bà P dùng tay trái bóp cổ, tay phải ôm ngay hông quật bà P nằm ngửa trên đất. Do bất ngờ bà P không kịp chống cự và bị ngất. B đã thực hiện hành vi giao cấu với bà P. Tại thời điểm bị xâm hại, bà P khoảng 80 tuổi.
Theo kết luận giám định số 136/C09C ngày 17/02/2021 của Phân hiệu KHHS tại ĐN tính đến thời điểm giám định tháng 02/2020 TAB từ 14 năm 03 tháng đến 14 năm 09 tháng tuổi.
Như vậy, T.A.B đã thực hiện hành hiếp dâm 2 lần đối với 2 người ở hai thời gian và không gian là khác nhau. Câu hỏi đặt ra ở đây TAB có phạm tội “Tội hiếp dâm” theo Điều 141 BLHS hay không ?.
Quan điểm thứ nhất: Hành vi hiếp dâm của TAB phải bị khởi tố, truy tố và xét xử với tình tiết định khung “Đối với 2 người trở lên” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 141 BLHS năm 2015.
Quan điểm thứ hai: Do 2 lần thực hiện hành vi hiếp dâm đối với 2 người ở hai thời điểm khác nhau, nên TAB phạm tội với tình tiết định khung “Phạm tội 2 lần trở lên” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 141 BLHS năm 2015. (Tham khảo điểm 3 Phần I, Thông báo số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC).
Quan điểm thứ ba: Mặc dù TAB 2 lần phạm tội hiếp dâm đối với 2 người, nhưng mỗi lần phạm tội đều độc lập nhau và ở hai thời gian, không gian và địa bàn khác nhau, có 2 tin báo tội phạm khác nhau (tức là không cùng một lần phạm tội đối với 2 người), cả 02 lần thực hiện hành vi hiếp dâm của TAB đều chưa đủ 16 tuổi. Theo qui định tại khoản 2 Điều 12 BLHS năm 2015 thì người từ đủ 14 tuổi trở lên đến dưới 16 tuổi chỉ “phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng…”. Do đó ở mỗi lần phạm tội TAB đều chưa cấu thành cơ bản về tội hiếp dâm, nên TAB không phải chịu trách nhiệm hình sự về “Tội Hiếp dâm” theo qui định tại khoản 1 Điều 141 BLHS. Vì vậy, không thể khởi tố, truy tố và xét xử TAB về “tội Hiếp dâm” theo tình tiết định khung tại khoản 2 Điều 141 BLHS năm 2015.
3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
Trong công tác khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án có người dưới 18 tuổi phạm tội hiếp dâm trong tình hình hiện nay ngày càng gia tăng về số lượng, tính chất và mức độ. Theo tác giả, người dưới 18 tuổi, trong đó đặc biệt là lứa tuổi từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi có tâm, sinh lý chưa hoàn thiện, nhận thức hạn chế, chịu nhiều tác động từ môi trường, điều kiện, hoàn cảnh và hành vi của người lớn. Mặc dù BLHS năm 2015 so với BLHS năm 1999 có mở rộng hành vi hiếp dâm không chỉ nằm ở hành vi giao cấu mà còn là các hành vi quan hệ tình dục khác trái ý muốn với nạn nhân thì có thể hiểu nạn nhân của tội hiếp dâm, nhưng xử lý còn khó khăn.
Tội phạm hiếp dâm vừa trái đạo lý, vừa làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người bị hại bị xâm hại nên không thể không xử lý thật nghiêm minh. Nên chăng ta cần sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS cho phù hợp tình hình thực tế hiện nay.
“Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.”
Theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của BLHS.
Bởi lẽ, thực tế hiện nay các tội quy định từ Điều 141 đến Điều 144 BLHS không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu thực hiện hành vi phạm tội độ tuổi dưới 16 tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 12 BLHS.
Riêng đối với tội phạm quy định tại Điều 145 BLHS “Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi”, thì nên giữ nguyên theo hướng người từ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm xâm hại tình dục. Mặc dù, hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi đối với người từ 16 tuổi trở lên cũng rất nghiêm trọng, trực tiếp làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín… của người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, hành vi phạm tội là có sự đồng thuận của người bị hại; tính chất mức độ thấp hơn các tội được quy định từ Điều 141 đến 144 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trên đây là quan điểm của tác giả, mong được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đồng nghiệp và bạn đọc.
Một phiên tòa trực tuyến tại TAND tỉnh Gia Lai - Ảnh: TK
Bài liên quan
-
Áp dụng Điều 54 BLHS đối với tội hiếp dâm và tội cưỡng dâm người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi
-
Cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo hiếp dâm người dưới 18 tuổi
-
Hình phạt nào cho bị cáo hiếp dâm?
-
Người chưa thành niên có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Hiếp dâm người dưới 16 tuổi” không?
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận