Người khởi kiện rút yêu cầu khởi kiện trong vụ án dân sự - Vướng mắc và kiến nghị

Việc rút yêu cầu khởi kiện được quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS), nhưng ở mỗi giai đoạn khác nhau có quy định cách thức rút đơn khác nhau và hậu quả pháp lý cũng khác nhau. Ở bài viết này tác giả xin đề cập về vấn đề rút yêu cầu khởi kiện tại Tòa án cấp sơ thẩm.

1. Cơ sở pháp lý

Rút yêu cầu khởi kiện là một trong những quyền thuộc về quyền quyết định và tự định đoạt của người khởi kiện trong BLTTDS. Nhưng ở mỗi giai đoạn khác nhau có quy định cách thức rút đơn khác nhau và hậu quả pháp lý cũng khác nhau.

Thứ nhất là giai đoạn trước khi thụ lý vụ án, được quy định tại điểm g, khoản 1 Điều 192 BLTTDS: "Người khởi kiện rút đơn khởi kiện" thì Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện. Như vậy, trước khi thụ lý vụ kiện mà người khởi kiện rút đơn thì được trả lại đơn và trong trường hợp này do Thẩm phán được phân công xem xét đơn khởi kiện thực hiện. Trong trường hợp này đương sự có quyền nộp lại đơn khởi kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 192 BLTTDS.

Thứ hai là giai đoạn sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án, thì việc rút đơn khởi kiện của đương sự được quy định tại điểm c, khoản 1 Điều 217 BLTTDS “Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện …” sẽ được Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được quy định tại Điều 218 BLTTDS, đó là đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự, được trả lại tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp và được quyền kháng cáo Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.

Thứ ba là giai đoạn tại phiên tòa sơ thẩm thì BLTTDS quy định cụ thể hơn: "Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút theo quy định tại khoản 2 Điều 244 BLTTDS.

2. Vướng mắc trong thực tiễn

Vấn đề thứ nhất: Việc người khởi kiện rút yêu cầu khởi kiện có thể vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do là do người bị kiện (bị đơn) đã thực hiện xong nghĩa vụ đối với người khởi kiện (nguyên đơn). Vậy trong trường hợp này, Tòa án có bắt buộc phải ghi hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án là người khởi kiện có quyền khởi kiện lại vụ án theo quy định tại khoản 1 Điều 218 không.

Quan điểm thứ nhất, cho rằng theo Mẫu số 45-DS (ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) và tại mục (9) của “Hướng dẫn sử dụng mẫu quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự” có hướng dẫn như sau: Tùy vào từng trường hợp đình chỉ vụ án cụ thể mà ghi hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án quy định tại Điều 218 của BLTTDS.

Từ hướng dẫn này, Thẩm phán căn cứ vào khoản 1 Điều 218 của BLTTDS phải ghi vào phần hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án trong quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là người khởi kiện được quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết lại vụ án. Sau đó, nếu người khởi kiện có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án thì Tòa án xem xét giải quyết vụ án theo quy định pháp luật. Tòa án ra thông báo trả lại đơn khởi kiện (nếu chưa thụ lý vụ án) hoặc đình chỉ giải quyết vụ án (nếu đã thụ lý vụ án) do người khởi kiện không có quyền khởi kiện hoặc đưa vụ án ra xét xử và xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, đồng thời buộc nguyên đơn chịu toàn bộ án phí, chi phí tố tụng khác (nếu có) theo quy định của pháp luật.

Quan điểm thứ hai, cũng là quan điểm của tác giả cho rằng mặc dù tại khoản 1 Điều 218 của BLTTDS có quy định về hậu quả pháp lý của việc đình chỉ giải quyết vụ án là nếu người khởi kiện rút toàn bộ đơn khởi kiện thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của BLTTDS thì người khởi kiện có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng đây là quy định pháp luật chung. Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cần linh hoạt vận dụng quy định của pháp luật vào từng trường hợp cụ thể trong thực tiễn. Trong quá trình giải quyết vụ án, nếu nhận được đơn xin rút yêu cầu khởi kiện, trường hợp trong đơn người khởi kiện không nêu rõ lý do rút đơn khởi kiện thì Tòa án cần làm rõ lý do của việc họ rút đơn khởi kiện và họ có tự nguyện hay không. Nếu họ trình bày hoặc cung cấp cho Tòa án chứng cứ thể hiện rõ người khởi kiện rút lại đơn khởi kiện là do người bị kiện đã thực hiện xong nghĩa vụ đối với họ thì trong trường hợp này, Thẩm phán khi ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án ghi rõ hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án là người khởi kiện không được quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án. Bởi vì trong trường hợp này người bị kiện đã hoàn thành xong nghĩa vụ đối với người khởi kiện. Tránh trường hợp người khởi kiện lại có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án gây bức xúc đối với người bị kiện.  

Vấn đề thứ hai: Đó là quy định về quyền kháng cáo, kháng nghị Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm.

Có quan điểm cho rằng tại khoản 4 Điều 218 BLTTDS quy định “Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm” và theo Mẫu số 45-DS (ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) tại mục 3 “Đương sự, …………………. (10) có quyền kháng cáo, Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định này trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hoặc kể từ ngày quyết định được niêm yết theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.” Theo đó có thể hiểu Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do gì cũng đều có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

Trái lại có quan điểm lại cho rằng Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án do người khởi kiện rút yêu cầu khởi kiện thì không bị kháng cáo, kháng nghị. Tác giả đồng tình với quan điểm này vì người khởi kiện rút yêu cầu khởi kiện là quyền quyết định và tự định đoạt của họ. Theo quy định tại Điều 5 BLTTDS quy định “1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó. 2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội”. Người khởi kiện đã tự rút yêu cầu khởi kiện thì không có quyền kháng cáo đối với quyết định của chính mình, Tòa án tôn trọng quyết định đó của họ. Cũng giống như Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp người khởi kiện rút yêu cầu khởi kiện nên có hiệu lực pháp luật ngay sau khi được ban hành và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.

3. Một số kiến nghị

Từ thực tiễn đó, tôi xin kiến nghị:

Thứ nhất: Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 218 BLTTDS theo hướng “Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, người khởi kiện rút toàn bộ đơn khởi kiện vì lý do bị đơn đã thực hiện xong nghĩa vụ đối với nguyên đơn…”.

Thứ hai: Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 218 BLTTDS theo hướng “Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, trừ trường hợp đình chỉ vì lý do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 và điểm g khoản 1 Điều 192 BLTTDS”. 

Thứ ba: Sửa đổi, bổ sung Mẫu số 45-DS (ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) cho phù hợp với quy định của pháp luật trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án vì lý do người khởi kiện rút yêu cầu khởi kiện.

Qua học tập, nghiên cứu và thực tiễn áp dụng pháp luật trong thời gian qua, tác giả nhận thấy còn một vài vướng mắc nêu trên. Qua bài viết này tác giả rất mong sớm nhận được sự phản hồi của các đọc giả và mong thời gian tới sẽ có những hướng dẫn, bổ sung kịp thời để công tác xét xử được thống nhất.

 

TAND Quận 10 TPHCM xét xủ vụ án dân sự - Ảnh: TL

 

ĐINH THỊ THUỲ (Toà án nhân dân huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai)