Nguyên nhân vi phạm của một số tổ chức đảng và đảng viên qua vụ việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước trong đại dịch Covid -19

Trong đại dịch Covid -19, một số bộ, ngành có liên quan trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước trong đại dịch Covid -19 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo để một số cán bộ, đảng viên trục lợi, nhũng nhiễu, tiêu cực, thậm chí nhận hối lộ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước.

Những vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng

Trong đại dịch Covid -19, với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với  việc bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về nước khi có những sự cố, thiên tai, dịch bệnh để về nước an toàn sum họp cùng gia đình, cộng đồng là một chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, một số bộ, ngành có liên quan trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước trong đại dịch Covid -19 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo từ đó để một số cán bộ, đảng viên  suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống lợi dụng sự buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đảng bộ, ngành; các quy chế làm việc, quy chế hoạt động, nguyên tắc và quy trình phối hợp... để trục lợi, nhũng nhiễu, tiêu cực, thậm chí nhận hối lộ đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới chính sách ưu việt của Đảng và Nhà nước, cũng như uy tín của tổ chức đảng và ngành có những đảng viên vi phạm. Đây cũng là bài học cho các tổ chức đảng trong việc buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo; vi phạm nguyên tắc tổ chức đảng; xây dựng quy chế làm việc, quy chế phối hợp chưa kịp thời, chặt chẽ và đặc biệt việc giáo dục, sự tu dưỡng, rèn luyện đối với đảng viên.

Sau các chuyến bay giải cứu đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch Covid-19, thực hiện nhiệm vụ theo Điều lệ Đảng và sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, UBKT Trung ương đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Cán sự đảng (BCSĐ) Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2021 – 2026, trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Quy chế làm việc và thực hiện nhiệm vụ đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch. Qua kiểm tra, UBKT Trung ương Kết luận: Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Ngoại giao và nhiều tổ chức, cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong tham mưu, tổ chức thực hiện các chuyến bay giải cứu, đưa công dân về nước trong đại dịch Covid-19; một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức  lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, tiêu cực, nhận hối lộ, bị khởi tố, bắt tạm giam.

Những vi phạm nêu trên đã gây hậu quả nghiêm trọng, bức xúc trong xã hội; làm sai lệch chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, giảm uy tín của tổ chức đảng và Ngành Ngoại giao. Liên quan đến những vi phạm trên còn có trách nhiệm của một số cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy tại các Đảng bộ: Bộ Ngoại giao; Văn phòng Chính phủ; Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an và một số tổ chức đảng, đảng viên khác.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; căn cứ quy định của Đảng, UBKT Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức: Khiển trách đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Ngoại giao; cảnh cáo đối với: Đảng ủy Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Ban Thường vụ Đảng uỷ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an; Ban Thường vụ Đảng uỷ Văn phòng Chính phủ. Đối với đảng viên thi hành kỷ luật bằng hình thức: Khai trừ ra khỏi Đảng các cá nhân: Nguyễn Hồng Hà, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản; Lý Tiến Hùng, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Nga; Nguyễn Lê Ngọc Anh, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia; Vũ Ngọc Minh, nguyên cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola. Cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với ông Trần Việt Thái, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia. Cảnh cáo ông Nguyễn Hoàng Linh, Nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia. Khiển trách các cá nhân: Phạm Sanh Châu, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ; Vũ Bình, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản; Phạm Như Ý, cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Cùng với đó, UBKT Trung ương yêu cầu Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao phối hợp với Đảng ủy Bộ kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục các vi phạm, khuyết điểm đã được chỉ ra; kiểm điểm, xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật các tổ chức, cá nhân có liên quan, báo cáo kết quả về UBKT Trung ương.

UBKT Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao các nhiệm kỳ 2016 - 2021, 2021 - 2026; ông Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và ông Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản. Từ đề nghị này, ngày 27/12/2022, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao và ông Bùi Thanh Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.

Căn cứ nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định phê bình nghiêm khắc ông Bùi Thanh Sơn, yêu cầu nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc, kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục triệt để các vi phạm đã được chỉ ra. Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao nhiệm kỳ 2016 – 2021; khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Vũ Hồng Nam, nguyên Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, do vi phạm của ông  Vũ Hồng Nam đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây dư luận xấu, bức xúc trong xã hội; ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và Ngành Ngoại giao.

Qua các hình thức xử lý kỷ luật trên đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm đã thấy rõ phương châm của Đảng trong việc xử lý thi hành kỷ luật đảng vừa có tính nhân văn, song cũng rất nghiêm khắc khi tổ chức đảng và đảng viên vi phạm đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật thì “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”.

Những nguyên nhân cơ bản

Nhìn lại những vi phạm của một số tổ chức đảng và đảng viên qua việc tổ chức thực hiện các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch Covid -19, có thể thấy rõ một số nguyên nhân cơ bản đó là: Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; không kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc. Bộ Ngoại giao không tham mưu giúp Lãnh đạo Chính phủ ban hành các văn bản thể chế hoá hoạt động đối với các bộ có liên quan về (quyết định thành lập, quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ, nguyên tắc, quy trình phối hợp) trong việc tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước trong đại dịch Covid -19.

Bộ Ngoại giao, Cục Lãnh sự không ban hành quy trình, tiêu chí cụ thể, chặt chẽ, khách quan, công khai, minh bạch để lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực, uy tín tổ chức các chuyến bay combo (là các chuyến bay do doanh nghiệp đứng ra tổ chức, cung cấp dịch vụ trọn gói để đưa công dân về nước, tổ chức cách ly, xét nghiệm… và tự nguyện trả phí cho doanh nghiệp); không xác định số lượng doanh nghiệp tham gia, mà chấp thuận nhiều doanh nghiệp đứng ra tổ chức các chuyến bay, sau đó các doanh nghiệp này lại ký hợp đồng với nhiều doanh nghiệp khác để cung ứng các dịch vụ liên quan, vi phạm Quy định số 172-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Quy chế làm việc, làm mất vai trò tham mưu của một số bộ, ngành, địa phương có liên quan khi lựa chọn doanh nghiệp, quyết định địa điểm cách ly, cung ứng các dịch vụ khác khi công dân về nước.

Để Cục Lãnh sự và một số cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xét duyệt, thực hiện công tác lãnh sự, bảo hộ và đưa một số công dân về nước không đúng đối tượng là thực hiện không đúng kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Ngoại giao không thông tin đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách, quy định của Đảng, Nhà nước; không chỉ đạo, yêu cầu các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc đưa công dân ở nước ngoài về nước theo hình thức các chuyến bay combo, từ đó tạo ra cơ chế “xin - cho”, một số doanh nghiệp và cá nhân lợi dụng kẽ hở này gây nhũng nhiễu, tiêu cực, đưa hối lộ trong việc tổ chức các chuyến bay; công dân muốn về nước phải tăng thêm chi phí… Hơn nữa, sau khi thực hiện một số chuyến bay đưa công dân về nước đã có nhiều đơn, thư phản ánh của công dân và một số cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về những vi phạm, tiêu cực trong việc tổ chức các chuyến bay, song Bộ Ngoại giao không kịp thời kiểm tra, thanh tra; hoặc cung cấp thông tin cho các cơ quan bảo vệ pháp luật để ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ngoài những vi phạm của Ban Cán sự đảng Bộ Ngoại giao, còn có những vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Ngoại giao và Đảng ủy Cục Lãnh sự nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong việc thiếu trách nhiệm, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát để một số cấp ủy viên, đảng viên trong Đảng bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước; vi phạm những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm nêu gương; nhận hối lộ, đã bị khởi tố, bắt tạm giam, gây búc xúc trong dư luận xã hội, làm sai lệch chủ trương, chính sách ưu việt của Đảng, Nhà nước; giảm sút uy tín của tổ chức đảng và Ngành Ngoại giao.

Qua những vi phạm trên của một số cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên cho thấy, cấp ủy, tổ chức đảng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; buông lỏng công tác lãng đạo, chỉ đạo; vi phạm quy chế làm việc, không kịp thời rà soát, bổ sung quy chế khi có vấn đề nảy sinh mới; chưa chủ động tham mưu giúp cấp ủy cấp trên và các cấp có thẩm quyền liên quan để xây dựng quy chế phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Trong công tác kiểm tra, giám sát còn bị buông lỏng, có phần coi nhẹ, dẫn tới cấp ủy, tổ chức đảng không kịp thời nắm bắt được những dấu hiệu vi phạm; những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, dẫn tới một số cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhận hối lộ đã bị khởi tố, bắt tạm giam, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống

Có thể thấy rằng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay không phải là vấn đề mới phát sinh, mà những biểu hiện này đã được Đảng ta chỉ ra từ nhiều năm trước. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Nghị quyết Trung ương 4, khoá XII, một lần nữa Đảng ta nhận định rõ: “Tình trang suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước”. Tiếp đó, Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng; Kết luận số 21-KL/TW, của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Kết luận số 34-KL/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030, tiếp tục cảnh báo: “Tình trạng tham nhũng, vi phạm pháp luật, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý là có sự cấu kết, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, rất tinh vi, phức tạp, nghiêm trọng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành...”. Từ đó, trong mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kết luận số 34-KL/TW cũng đã nêu rõ và yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động, nhất là người đứng đầu trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là kiểm tra dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội...

Chính vì vậy, nếu như Đảng ủy, Ban Cán sự đảng và các tổ chức đảng trực thuộc Bộ Ngoại giao có liên quan đến những vi phạm trong các chuyến bay đưa công dân về nước trong đại dịch Covid -19, sớm nắm bắt tình hình; chú trọng tới công tác kiểm tra, giám sát; nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, cùng với ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, đảng viên; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn sớm những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên sẽ hạn chế được vi phạm, giảm hậu quả không bị mất cán bộ, đảng viên cũng như uy tín của tổ chức đảng và đảng viên qua vụ việc nêu trên./.

 

Theo Ubktw.vn

 

 

TRỌNG THÀNH -TRẦN THỊ KIM OANH