Nguyễn Văn B phạm tội Vô ý làm chết người
Nghiên cứu bài viết “Nguyễn Văn B phạm tội gì?” của tác giả Thanh Thủy đăng ngày 12/4/2022 và các ý kiến trao đổi, tôi cho rằng hành vi của quân nhân Nguyễn Văn B đã phạm tội “Vô ý làm chết người”, tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 128 BLHS năm 2015.
Để xem xét toàn diện một vụ án chúng ta phải dựa vào các yếu tố cấu thành tội phạm của từng tội danh để phân tích và đánh giá cho phù hợp. Trong tình huống mà tác giả nêu ra, tôi nhận thấy:
Thứ nhất, hành vi của B không phạm tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính” theo quy định tại Điều 129 BLHS vì Tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính là trường hợp làm chết người do không thực hiện đúng những quy tắc về an toàn khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ mà người phạm tội phải có trách nhiệm hay có nghĩa vụ do nghề nghiệp quy định. Trong trường hợp này, Nguyễn Văn B đang trong thời gian nghỉ trực không phải thực hiện nhiệm vụ trực ban, trực sẵn sàng chiến đấu nên không vi phạm các quy tắc hành chính, công vụ.
Mặc dù hành vi bóp cò súng của B làm cho Trần Văn H chết đã vi phạm quy tắc an toàn về sử dụng vũ khí, đó là không được giơ súng hướng về người khác mà chỉ được giương nòng súng lên trời hoặc hướng nòng súng xuống đất, tuy nhiên ở đây, chính Trần Văn H là người đã tự hướng nòng súng vào ngực mình và thách B bắn mình, bản thân B quá tự tin nghĩ rằng trong súng trực gác thì không có đạn nên B đã bóp cò súng. Việc trong súng có đạn và hành vi bóp cò súng làm H chết là nằm ngoài suy nghĩ của B. Mặt khác, do B không thực hiện nhiệm vụ và cũng không phải là người đang cầm súng đùa nghịch cùng H mà lỡ tay bắn H, mà B chỉ thực hiện việc bắn H khi H thách thức mình. Do đó, buộc B phạm tội “Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính” theo quy định tại Điều 129 BLHS là chưa đánh giá đúng tính chất khách quan của vụ án.
Thứ hai, hành vi của Nguyễn Văn B đã phạm tội “Vô ý làm chết người” quy định tại Điều 128 BLHS. Vì “Vô ý làm chết người” được hiểu là hành vi của một người do không thấy trước được việc mình làm có khả năng gây ra hậu quả chết người mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước được hậu quả đó, hoặc tuy biết hành vi của mình có thể gây ra hậu quả chết người nhưng tin rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hay bản thân có thể ngăn ngừa được.
Trong trường hợp này, hành vi đưa tay bóp cò súng của B chỉ thực hiện khi bị H thách bắn và chính bản thân Trần Văn H đã đưa nòng súng hướng vào ngực mình để cho B bắn, điều đó càng củng cố sự tự tin của B khi nghĩ rằng chắc chắn súng H đang cầm là không có đạn, đồng thời do tự tin là súng trực ban thì không có đạn nên B không cần yêu cầu H đưa súng cho mình kiểm tra các điều kiện an toàn. Chính sự thách đố của H là động lực để B bắn H, do đó không thể buộc B là đã vi phạm quy tắc bảo đảm an toàn khi tiếp xúc, sử dụng các loại vũ khí quân dụng mà quân nhân phải chấp hành, cũng không buộc B phải kiểm tra các quy tắc an toàn khi sử dụng súng và súng chỉ được sử dụng cho việc thực hiện nhiệm vụ, bởi vì lúc này B hoàn toàn là người bình thường không thực hiện bất cứ nhiệm vụ hay công vụ gì. Chính vì những lý do trên nên tôi cho rằng không thể buộc B tội “ Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc hành chính” theo quy định tại Điều 129 BLHS được mà chỉ buộc B phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Vô ý làm chết người” quy định tại Điều 128 BLHS mới phù hợp./.
TAQS khu vực Thủ đô Hà Nội xét xử vụ án Cố ý gây thương tích - Ảnh: Đức Anh
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
Bình luận