Những Luật gia nghỉ hưu nhưng vẫn gần dân, giúp dân

Trong 10 năm qua, Trung tâm tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên thuộc Hội Luât gia Việt Nam đã đạt được những thành tích xuất sắc trong hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và từ thiện xã hội.

Điều đặc biệt là hầu hết thành viên Trung tâm là những Thẩm phán, Kiểm sát viên, cán bộ các cơ quan pháp luật đã nghỉ hưu. Nhưng với tâm huyết và trách nhiệm xã hội, họ lại tìếp tục cống hiến, mang ánh sáng công lý đến cho nhân dân, góp phần củng cố pháp chế và xây dựng Nhà nước pháp quyền vững mạnh.

Nghỉ hưu nhưng trí không hưu

Nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rộng rãi cho cộng đồng trong bối cảnh tội phạm gia tăng, kiến thức pháp luật chưa đồng đều trong nhân dân, mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng bà Đặng Thị Thanh, nguyên Thẩm phán, nguyên Phó Chánh tòa Tòa Hình sự TANDTC luôn trăn trở và đã có sáng kiến (với sự cố vấn của bà Dương Thị Thanh Mai, nguyên Phó Chánh án TANDTC) đề nghị Hội Luật gia Việt Nam thành lập một Trung tâm tuyên truyền, tư vấn pháp luật. Ngày 10/10/2013 Hội Luật gia Việt Nam đã ban hành Quyết định số 169-QĐ/HLGVN Thành lập “Trung tâm tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên” trực thuộc TW Hội Luật gia do bà Đặng Thị Thanh làm Giám đốc (từ đây gọi tắt là Trung tâm).

Trung tâm quy tụ những cán bộ nguyên là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Chấp hành viên, Điều tra viên thuộc các cơ quan pháp luật ở TW và Hà Nội, hoạt động không hưởng lương, tự nguyện cống hiến trí tuệ, tâm huyết cho sự nghiệp bảo vệ công lý. Từ 05 cán bộ ngày đầu thành lập, đến nay Trung tâm đã tập hợp trên 20 thành viên, cộng tác viên là những luật gia, chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm. Bên cạnh trụ sở chính tại Hà Nội, Trung tâm đã thành lập 05 chi nhánh tại các tỉnh Quảng Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Thanh Hóa và TP Hồ Chí Minh.

 

Riêng trong 5 năm (2015-2020), Trung tâm đã tư vấn pháp luật miễn phí tại các địa phương cho hơn 1000 đối tượng là phụ nữ và trẻ em (mỗi cuộc trên 100 đối tượng tham gia). Trung tâm chú trọng tuyên truyền về quyền, nghĩa vụ của phụ nữ và trẻ em theo Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ trẻ em, Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhằm phòng chống nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng chống xâm hại tình dục, đặc biệt là trang bị các kỹ năng phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em, kỹ năng bảo vệ chứng cứ khi bị xâm hại. Trong điều kiện kinh phí tự túc, địa bàn cách trở, nhưng những bước chân của các Luật gia, tư vấn viên của Trung tâm đã không quản ngại gian khó, âm thầm miệt mài tới các miền núi xa xôi như: Hà Giang, Lai Châu, Thanh Hóa, Lào Cai, Tuyên Quang, Ninh Bình, Hà Nam, Bắc Giang, Phú Thọ, TP HCM… Trực tiếp tuyên truyền, tư vấn pháp luật miễn phí cho đồng bào vùng sâu, vùng xa.

 Với trẻ em khuyết tật, trẻ em vi phạm pháp luật...Trung tâm đã quan tâm đặc biệt. Điển hình là tại Trường trẻ em khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu, Thành phố Hồ Chí Minh; Trường giáo dưỡng số 2, Tổng cục VIII Bộ Công an, Ninh Bình. Tại đây, cán bộ Trung tâm trò chuyện, trao đổi thân tình, nắm bắt mức độ nhận thức pháp luật, nguyện vọng của các đối tượng, kịp thời tuyên truyền và giảỉ đáp vướng mắc.

Từ năm 2021, Trung tâm thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực phổ biến, tư vấn pháp luật trong lĩnh vực đất đai” với các hoạt động tư vấn lưu động, tư vấn tại cơ sở và trợ giúp pháp lý. Năm 2022, Trung tâm đã thực hiện 12 cuộc phổ biến, tư vấn pháp luật lưu động về đất đai cho hơn 600 đối tượng là công dân, cán bộ Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến bình, cán bộ Mặt trận Tổ quốc tại 2 huyện Đông Anh và Thanh Trì, Thành phố Hà Nội.

Năm 2022, Trung tâm được phân công tư vấn tại trụ sở Tiếp dân Trung ương, xử lý 61 vụ việc liên quan đến đất đai cho công dân nhiều địa phương qua hình thức trực tiếp và qua điện thoại về thủ tục cấp sổ đỏ, giải quyết khiếu kiện tranh chấp, thừa kế đất đai. Các vụ việc được tư vấn nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu của người dân, góp phần hạn chế tình trạng khiếu nại tố cáo đông người.

Trung tâm đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến về “Phòng chống xâm hại trẻ em trên không gian mạng”, “tác hại của thuốc lá điện tử” tại 4 điểm trường: Trường THCS Chu Văn An; Trường THCS xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì; Trường THCS xã Uy Nỗ và xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội (mỗi điểm trường thu hút trên 1000 học sinh tham gia), được thày trò các trường hưởng ứng và đánh giá rất bổ ích, thiết thực.

Trước vấn nạn bạo hành gia đình và trẻ em có chiều hướng gia tăng, Trung tâm đã tổ chức Hội nghị tập huấn cho cán bộ là lãnh đạo Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội CCB, Mặt trận Tổ quốc tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội (6/2020); tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (12/2022) về nội dung, kinh nghiệm phòng chống bạo hành và xâm hại trẻ em, trao đổi, giải đáp các vướng mắc bất cập, từ đó tổng hợp ý kiến đóng góp Dự thảo Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Đồng thời, Trung tâm đã trợ giúp pháp lý trực tiếp cho một số đối tượng trẻ em, phụ nữ là nạn nhân trong các vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, “Bạo hành gia đình”, “ly hôn”, “Vụ án hành chính” xảy ra tại Hà Nội, Thanh Hóa, Nam Định...Điển hình là vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” để bảo vệ quyền lợi cho cháu Vũ Trường Hải (17 tuổi) theo đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý của mẹ đẻ ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Kết quả, Tòa án cấp phúc thẩm đã chấp nhận đề nghị tăng hình phạt đối với bị cáo, tăng mức bồi thường thỏa đáng cho nạn nhân. Tại Thanh Hóa, Trung tâm đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, trợ giúp pháp lý cho cháu Lê Thị Thu Nhung (8 tuổi) tại xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn, bị cha ruột bạo hành. Kết quả, cháu Nhung đã được Tòa án quyết định giao cho mẹ nuôi dưỡng (Trước đó, Tòa quyết định giao cho bố nuôi). Hiện cuộc sống của mẹ con cháu đã ổn định…

Tích cực góp ý kiến xây dựng thể chế

Ngoài ra, Trung tâm còn tích cực tham gia đóng góp ý kiến, xây dựng các Dự án, Dự thảo Luật, Chuyên đề của Chính phủ và các tổ chức khác. Với đề xuất của Hội Luật gia Việt Nam, Trung tâm đã tham gia Chương trình “Nhân rộng Sáng kiến Phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam”. Đây là Dự án P15 của Thanh tra Chính phủ, Trung tâm đã tham gia dự thi và đạt chất lượng tốt, với mục đích “Nâng cao năng lực giám sát của Ban giám sát đầu tư cộng đồng, Tổ giám sát đầu tư cộng đồng tự nguyện” tại địa bàn xã Dương Đức, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Trung tâm là một trong 10 đơn vị trong cả nước được Chính phủ lựa chọn tham gia Dự án này.

Các đại biểu tại lễ kỷ niệm

 Trung tâm đã góp ý dự thảo “Luật tư pháp người chưa thành niên” do TANDTC chủ trì; Xây dựng báo cáo tổng kết thi hành Nghị định 77/2008 của Chính phủ; Tham dự các Hội thảo, Nâng cao vai trò của tổ chức tư vấn pháp luật trong hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại Việt Nam; Tập huấn giảng viên nguồn về “Tư vấn pháp luật thân thiện cho người chưa thành niên”; Hội nghị tham vấn tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam; Dự án tăng cường năng lực về bảo vệ trẻ em tại Việt Nam; Đối thoại bàn tròn đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hiệp quốc và các tổ chức phi Chính phủ về “công tác trẻ em và tăng cường chấm dứt bạo lực”…

Mặt khác, Trung tâm đã phối hợp với một số TAND địa phương, chủ động  xây dựng Chuyên đề  “Kỹ năng phòng chống xâm hại tình dục trẻ em và bảo vệ chứng cứ”  nhằm trang bị kiến thức cho các bà mẹ và trẻ em (16 đến dưới 18 tuổi), kỹ năng bảo vệ các dấu vết đối với các hành vi xâm hại tình dục. Hiện đề án này đã được thực hiện tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Tuyên Quang, mang lại hiệu quả tích cực trong phòng chống tội phạm xâm hại tình dục ở địa phương.

 Nhiệt tình hoạt động từ thiện, chia sẻ khó khăn

Phát huy đạo lý truyền thống “thương người như thể thương thân”, thành viên của Trung tâm và các tổ chức, cá nhân đã tự nguyện đóng góp, giúp đỡ những phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thông qua hoạt động thiện nguyện của CLB nhân ái Tâm Thanh (được Trung tâm thành lập ngày 20/10/2015).

CLB Nhân ái Tâm Thanh đã hỗ trợ giúp các hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 650.000.000 đồng (Riêng năm 2022 là hơn 80 triệu đồng). Trong dịp Tết nguyên đán năm 2022 và Tết Trung thu, Trung tâm đã tặng quà cho bệnh nhân là trẻ em tại 2 Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện K Tân Triều, Hà Nội 150 suất quà trị giá hơn 40 triệu đồng. Một hoạt động thường niên của CLB Nhân Ái Tâm Thanh là: Định kỳ hàng tháng, tổ chức phát cơm miễn phí tại 2 Bệnh viện Nhi TW và Bệnh viện K Tân Triều, Hà Nội, mỗi tháng 100 suất cơm với tổng số tiền 14.500.000 đồng/tháng.

Ngoài ra, CLB Nhân ái Tâm Thanh đã đóng góp ủng hộ con em chiến sĩ Hải quân; Ủng hộ học sinh nghèo di chứng của chất độc màu da cam; Tử năm 2016 đến nay, Trung tâm ủng hộ Chương trình “Cặp lá yêu thương” do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức; Ủng hộ áo ấm, chăn bông trong chương trình “Đông ấm vùng cao” cho các em nhỏ miền núi Yên Bái, Lai Châu; Triển khai chương trình “Trung thu yêu thương” ủng hộ Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hà Cầu – Hà Đông, Hà Nội; Ủng hộ nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ gặp thiên tai, động đất…v.v.. Với tổng số tiền hàng chục triệu đồng.

Trong phong trào ủng hộ ủng hộ phòng chống dịch bệnh covid-19, các thành viên Trung tâm và các Chi nhánh đã tham gia ủng hộ Quỹ Phòng chống Covid-19 do Trung ương Hội Luật gia phát động với số tiền 30.000.000 đồng. Ủng hộ khẩu trang cho Bệnh viện K, bệnh viện Nhi TW và nhân dân xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội (Hơn 2000 khẩu trang, trị giá trên 15 triệu đồng). Ngoài ra, Trung tâm cũng đã ủng hộ bà con có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội 05 tạ gạo và 5,5 triệu đồng thông qua Mặt Trận Tổ quốc xã.

Tính riêng trong giai đoạn dịch bệnh năm 2021, Trung tâm đã ủng hộ các đơn vị và địa phương là 56.850.000 đồng và trên 1 tấn gạo, ủng hộ “Cặp lá yêu thương” 14.400.000 đồng. Chi nhánh Tuyên Quang đã ủng hộ các tổ chức và cá nhân tại địa phương 11.000.000 đồng; Chi nhánh Yên Bái ủng hộ gần 10.000.000 đồng; Chi nhánh TP Hồ Chí Minh ủng hộ 25.000.000 đồng.

Những phần quà ủng hộ tuy còn nhỏ bé, nhưng chứa đựng tình yêu thương, lòng nhân ái quý báu, trách nhiệm xã hội của cán bộ Trung tâm Tư vấn pháp luật cho người chưa thành niên và CLB Nhân ái Tâm Thanh – Những người suốt đời miệt mài mang ánh sáng công lý đến cho cộng đồng, phấn đấu không mệt mỏi vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân.

Xứng đáng nhận Cờ đơn vị thi đua xuất sắc

Với sự cố gắng, nỗ lực bền bỉ trong suốt 10 năm hình thành và phát triển, liên tục trong nhiều năm, Trung tâm tư vấn pháp luật cộng đồng và trợ giúp pháp lý cho người chưa thành niên đã được Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam biểu dương và tặng Bằng khen. Năm 2020, Trung tâm được công nhận là Đơn vị điển hình tiên tiến vì đã có “Thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng và phát triển Hội Luật gia Việt Nam giai đoạn 2015-2020”.

Đặc biệt, tại Lễ kỷ niệm 10 năm ngày thành lập (10/10/2013 - 10/10/2023), Trung tâm đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam và bức trướng.

Năm 2022, Trung tâm đã vinh dự được Hội Luật gia Việt Nam tặng thưởng “Cờ thi đua Đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua năm 2022”.

 

Một hoạt động của CLB Nhân Ái Tâm Thanh

Đồng thời, Trung tâm đã nhận được nhiều Thư khen ngợi, Thư cảm ơn từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân vì đã tích cực tuyên truyền, tư vấn pháp lý, nhiệt tình ủng hộ, trao tặng quà từ thiện cho bà con và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đây là niềm vinh dự, là nguồn động viên lớn lao đối với cán bộ Trung tâm và CLB Nhân Ái Tâm Thanh, những người nghỉ hưu nhưng trí không hưu, suốt đời cống hiến vì công lý, vì nhân dân, khích lệ tinh thần để Trung tâm tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý và thiện nguyện trong giai đoạn phát triển mới./.

LÊ PHÚC HỶ