Phạm Văn T phạm tội “Cướp tài sản” theo điểm d khoản 2 Điều 168 BLHS

 Sau khi nghiên cứu bài viết “T có sử dụng vũ khí nguy hiểm theo khoản 2 Điều 168 BLHS hay không?” của tác giả Trần Quang Thái, đăng ngày 25/11/2011, tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất.

Qua nội dung sự kiện pháp lý  và các quan điểm xung quanh việc xác định T có “sử dụng vũ khí nguy hiểm” theo khoản 2 Điều 168 BLHS hay không, tôi có quan điểm đồng tình đối với quan điểm thứ nhất, cho rằng:  Do T đã sử dụng con dao nhọn dài khoản 30cm để đe dọa H, làm cho H sợ hãi không dám phản ứng để mặc cho T chiếm đoạt chiếc điện thoại di động trị giá 20.000.000 đồng nên hành vi của T đã thỏa mãn dấu hiệu của tội cướp tài sản. Tuy nhiên, tôi không đồng tình với nhận định: Hành vi sử dụng con dao nhọn dài khoản 30 cm của T là hành vi “sử dụng vũ khí nguy hiểm”, mà là hành vi “sử dụng phương tiện nguy hiểm”.  Do vậy, cần phải truy tố, xét xử Phạm Văn T về tội “Cướp tài sản” theo điểm d khoản 2 Điều 168 BLHS (với tình tiết định khung là sử dụng phương tiện nguy hiểm chứ không phải là tình tiết sử dụng vũ khí) mới đúng tội, đúng pháp luật. Với các lý do sau:

Trước hết, về quy định của pháp luật thì xác định thế nào là hành vi “sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác”. Đây là nội dung được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168 BLHS, là một tình tiết định khung tăng nặng, được bao hàm bởi 3 vấn đề: 1) sử dụng vũ khí; 2) phương tiện nguy hiểm và 3)  thủ đoạn nguy hiểm khác. Vì vậy, nếu người thực hiện hành vi phạm tội  cướp tài sản thỏa mãn 1 trong 3 tình tiết trên thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với tình tiết định khung tăng nặng.

Vậy thế nào là “sử dụng vũ khí?”. Theo quy định tại Luật Quản lí, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 (viết tắt Luật) tại Điều 3 có giải thích về từ ngữ như sau: “1. Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự. 2. Vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm: a) Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu; b) Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân; c) Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa; d) Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản này. 3. Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này. 4. Vũ khí thô sơ là vũ khí có cấu tạo, nguyên lý hoạt động đơn giản và được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu. 5. Vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm: a) Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này; b) Vũ khí thô sơ quy định tại khoản 4 Điều này dùng để luyện tập, thi đấu thể thao. 6. Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, không theo tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất tương tự như vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao...”.

Phương tiện nguy hiểm” Theo hướng dẫn tại điểm 2. 2 Mục I Nghị quyết số 02/2002/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC (viết tắt Nghị quyết) có hướng dẫn:  "Phương tiện nguy hiểm" là công cụ, dụng cụ được chế tạo ra nhằm phục vụ cho cuộc sống của con người (trong sản xuất, trong sinh hoạt) hoặc vật mà người phạm tội chế tạo ra nhằm làm phương tiện thực hiện tội phạm hoặc vật có sẵn trong tự nhiên mà người phạm tội có được và nếu sử dụng công cụ, dụng cụ hoặc vật đó tấn công người khác thì sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khoẻ của người bị tấn công. a. Về công cụ, dụng cụ. Ví dụ: búa đinh, dao phay, các loại dao sắc, nhọn... b. Về vật mà người phạm tội chế tạo ra. Ví dụ: thanh sắt mài nhọn, côn gỗ... c. Về vật có sẵn trong tự nhiên Ví dụ: gạch, đá, đoạn gậy cứng, chắc, thanh sắt...

Do vậy trường hợp người thực hiện hành vi phạm tội sử dụng vũ khí thô sơ là công cụ để thực hiện hành vi phạm tội nhưng nó không được liệt kê trong danh sách vũ khí thô sơ tại Luật thì đó được coi là phương tiện nguy hiểm.

Còn, “Thủ đoạn nguy hiểm” được hiểu là những phương pháp, kế hoạch nguy hiểm mà người phạm tội áp dụng đối với người bị hại nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt của mình như: bỏ thuốc mê vào thức ăn nước uống, dìm nạn nhân xuống nước, đánh trọng thương…

Thứ hai, trở lại sự kiện pháp lý mà tác giả nêu, đầu tiên T đã có hành vi gian dối mặc dù không có tiền nhưng T vẫn lên mạng xã hội đặt mua của Nguyễn Tấn H 01 điện thoại di động trị giá 20.000.000 đồng. Ngày 20/9/ 2022  hẹn Nguyễn Tấn H ra quán nước tại số 14 đường TQK, phường Y, quận X, thành phố H với ý định sẽ chiếm đoạt chiếc điện thoại này. Tại đây, khi H đưa T xem điện thoại, T bỏ điện thoại vào túi quần của T, sau đó rút trong người ra 01 con dao nhọn dài khoảng 30cm rồi nói với H “giờ tao không có tiền trả, chỉ có cái này thôi mày có lấy không?”. Vì thấy T cầm con dao nhọn trên tay nên H sợ hãi không dám nói gì, T thấy H sợ hãi không dám nói gì nên rời khỏi quán mang theo chiếc điện thoại di động của H rồi đem bán được 18.000.000 đồng lấy tiền tiêu xài cá nhân.

Diễn biến hành vi cho thấy T lúc đầu là gian dối có yếu tố lừa đảo nhưng để chiếm đoạt được tài sản lại là hành vi cướp. Ở đây, T đã sử dụng con dao nhọn dài 30 cm đe dọa Nguyễn Tấn H làm cho H sợ hãi không dám chống cự, phản ứng gì để chiếm đoạt tài sản. Như vậy, với hành vi này được xem là Phạm Văn T đã sử dụng “phương tiện nguy hiểm” nhằm chiếm đoạt tài sản; chứ không phải là hành vi “sử dụng vũ khí”. Vì, theo quy định tại Pháp lệnh thì chỉ hành vi sử dụng dao găm , kiếm, giáo, mác, lưỡi lê, đao, mã tấu, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ mới thỏa mãn yếu tố sử dụng vũ khí (vũ khí thô sơ).

Do vậy, nếu xác định việc Phạm Văn T sử dụng con dao dài 30cm đây là một loại “dao găm” thì mới thỏa mãn hành vi “sử dụng vũ khí”, còn không các định được con dao đó là “dao găm” thì hành vi sử dụng con dao nhọn dài 30 cm cũng hoàn toàn thỏa mãn ý 2 điểm d khoản 2 Điều 168 BLHS, tức là “phương tiện nguy hiểm”.

Từ những phân tích trên thì việc tác giả có nhận định: “Hành vi “sử dụng vũ khí nguy hiểm” phải là hành vi nhằm khai thác tính năng, tác dụng của vũ khí đó như sử dụng súng là lên đạn, bóp cò; sử dụng lựu đạn là rút chốt, giật nụ xùy; sử dụng dao là đâm, chém, chặt, cắt…; nếu chỉ dùng vũ khí để uy hiếp làm tê liệt ý chí của nạn nhân nhằm chiếm đoạt tài sản thì hành vi này chỉ là dấu hiệu thuộc cấu thành cơ bản của tội cướp” là chưa phù hợp. Vì hành vi sử dụng không chỉ là hành vi như tác giả nêu mà hành vi sử dụng còn là những hành vi dùng các loại vũ khí đó để đe dọa uy hiếp làm cho bị hại lâm vào tình trạng sợ hãi tê liệt ý chí kháng cự nhằm chiếm đoạt tài sản. Ở đây, hành vi đe dọa sử dụng vũ khí, phương tiện hay thủ đoạn nguy hiểm khác thì tính nguy hiểm của hành vi đã tăng lên đáng kể . Còn thực tế nếu người phạm tội không chỉ đe dọa mà còn thực hiện hành vi sử dụng vũ khí, phương tiện nguy hiểm hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác gây ra hậu quả ngoài tài sản là chiếm đoạt thì người thực hiện hành vi đó còn phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng.

Từ những phân tích trên, quan điểm của tôi cho rằng  Phạm Văn T phải bị truy tố và xét xử về tôi: “Cướp tài sản” theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 168 BLHS (với tình tiết định khung tăng nặng sử dụng phương tiện nguy hiểm khác) mới đúng tội, đúng pháp luật.

Trên đây là quan điểm của tôi xin được trao đổi với tác giả và quý bạn đọc./.

 

 Tòa án nhân dân huyện Quế Sơn, Quảng Nam xét xử vụ án hình sự- Ảnh: Nguyễn Hồ Thu Thảo

ThS ĐỖ NGỌC BÌNH (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)