Tạp chí Tòa án nhân dân số 02 năm 2023

Tạp chí Tòa án nhân dân số 02, kỳ II tháng 01 năm 2023 xuất bản ngày 25 tháng 01 năm 2023. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc Thư chúc Tết xuân Quý Mão 2023 của đồng chí Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 12 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 02, cụ thể như sau:

​Bài viết “Hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015” của tác giả Lê Huỳnh Tấn Duy phân tích và đánh giá quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 358 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về trường hợp bản án sơ thẩm có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật nhưng không thuộc trường hợp Hội đồng xét xử phúc thẩm sửa bản án theo quy định của Bộ luật này. Từ đó, tác giả chỉ ra một số điểm cần bàn luận thông qua thực tiễn áp dụng trong thời gian qua tại một số Tòa án địa phương. Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất hướng dẫn quy định trên nhằm bảo đảm áp dụng thống nhấtpháp luật.

​Trong bài viết “Dẫn giải trong tố tụng hình sự - một số vấn đề lý luận và thực tiễn”, tác giả Nguyễn Văn Tùng chỉ ra những điểm mới về biện pháp dẫn giải trong quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; phân tích những hạn chế, bất cập trong quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng biện pháp dẫn giải; trên cơ sở đó, đề xuất hướng hoàn thiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về biện pháp dẫn giải, nhằm nâng cao hiệu quả áp dụng trong thực tiễn.

​Bài viết “Một số vướng mắc trong việc áp dụng miễn hình phạt đối với tội phạm tham nhũng và kiến nghị”, tác giả Đỗ Ngọc Bình viết: “Việc xử lý đối với tội phạm tham nhũng hiện nay là tương đối đồng bộ, đầy đủ. Miễn hình phạt đối với tội phạm tham nhũng là quy định có tác dụng khuyến khích người phạm tội chủ động khai báo, khắc phục hậu quả để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng pháp luật miễn hình phạt nói chung và miễn hình phạt đối với tội phạm tham nhũng nói riêng vẫn còn một số bật cập”. Để làm rõ luận điểm nêu trên, trong bài viết, tác giả phân tích, chỉ ra một số vướng mắc từ thực tiễn áp dụng, từ đó đề xuất một số kiến nghị, giải pháp về hoàn thiện hệ thống pháp luật và các văn bản hướng dẫnthi hành.

​Bài viết “Xác định tư cách tố tụng của người bán dâm trong giải quyết vụ án mua dâm người dưới 18 tuổi” của tác giả Nguyễn Chí Hiếu và Trần Văn Toán chỉ ra bất cập của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đối với việc xác định tư cách tham gia tố tụng của người bán dâm trong quá trình giải quyết vụ án hình sự về tội mua dâm người dưới 18 tuổi. Thông qua đó, bài viết đề xuất giải pháp để chủ thể có thẩm quyền tiến hành tố tụng xác định tư cách tham gia tố tụng của người bán dâm trong quá trình giải quyết vụ án mua dâm người dưới 18 tuổi, bảo đảm đúng quy định pháp luật và quyền lợi của các chủ thể tham gia tố tụng hình sự.

​Trong bài viết “Những vướng mắc, bất cập trong việc xử lý tội phạm hành hung đồng đội”, tác giảTrần Quốc Tài phân tích quy định của pháp luật về tội phạm “hành hung đồng đội” theo Điều 398 Bộ luật Hình sự năm 2015. Từ thực tiễn áp dụng pháp luật, bài viết đề xuất, kiến nghị một số sửa đổi nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật về tội danh này. 

Trong bài viết “Nâng cao hiệu quả hoạt động xây dựng và áp dụng án lệ tại Việt Nam”, tác giả Trần Linh Huân nêu nhận định: “Hiện nay, tại Việt Nam án lệ đã được thừa nhận là một nguồn bổ sung không thể thiếu trong hoạt động áp dụng pháp luật vào thực tiễn xét xử. Tuy nhiên, việc xây dựng và áp dụng án lệ trong thực tiễn xét xử của Việt Nam trong những năm gần đây vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, dẫn đến hiệu quả xây dựng, áp dụng án lệ chưa cao”. Bài viết tập trung làm rõ một số vấn đề tổng quan về xây dựng và áp dụng án lệ tại Việt Nam, phân tích, đánh giá các điểm còn hạn chế, bất cập trong vấn đề này, từ đó, đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện.

Trong bài viết “Chứng cứ là dữ liệu điện tử trong các vụ án tham nhũng”, tác giả Nguyễn Văn Vương cho rằng: “Dữ liệu điện tử là một trong những nguồn chứng cứ có giá trị như các nguồn chứng cứ khác, được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Chứng cứ là dữ liệu điện tử đang ngày càng phổ biến, xuất hiện trong hầu hết các tội phạm, trong đó có tội phạm tham nhũng. Hiện nay, việc sử dụng dữ liệu điện tử làm chứng cứ trong các vụ án tham nhũng ở Việt Nam ngày càng gia tăng, góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử”. Trong bài viết, tác giả phân tích quy định về chứng cứ điện tử và vấn đề thu thập, bảo quản dữ liệu điện tử trong các vụ án tham nhũng; từ đó, tác giả phân tích chỉ ra một số trở ngại chính khi sử dụng chứng cứ là dữ liệu điện tử trong các vụ án tham nhũng và đưa ra đề xuất, giải pháp cụ thể về vấn đề này.

Trong bài viết “Gửi đơn khởi kiện đến Tòa án bằng hình thức trực tuyến thông qua Cổng Thông tin điện tử của Tòa án – khó khăn, vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Nguyễn Đăng Duy nhận định: “Công nghệ thông tin đã và đang có những bước phát triển vượt bậc trong nhiều năm trở lại đây. Tận dụng được lợi thế đó, trực tuyến đang trở thành xu thế chung cho mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực trong xã hội tại Việt Nam, bao gồm cả hoạt động tư pháp. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 đã bổ sung quy định về việc gửi đơn khởi kiện đến Tòa án bằng hình thức trực tuyến, nhằm tạo thuận lợi tốt nhất cho mọi người khi tham gia tố tụng. Tuy nhiên, việc gửi đơn khởi kiện đến Tòa án bằng hình thức trực tuyến còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong khi áp dụng”. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích các quy định về việc gửi đơn khởi kiện đến Tòa án bằng hình thức trực tuyến trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; từ đó đưa ra kiến nghị hoàn thiện.

​Bài viết “Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ phiên tòa hình sự theo chức năng của lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp”, tác giả Nguyễn Hữu Giang đưa ra một số giải pháp cần thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực tập phương án bảo vệ phiên tòa hình sự trong thời gian tới trên cơ sở phân tích, đánh giá việc xây dựng, thực tập phương án bảo vệ phiên tòa hình sự theo chức năng của lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp.

​Bài viết “Giao nộp tài liệu, chứng cứ trong tố tụng hành chính” của tác giả Nguyễn Sơn Lâm trao đổi một số vấn đề về pháp lý và thực trạng thi hành pháp luật về giao nộp tài liệu, chứng cứ trong vụ án hành chính, từ đó đưa ra một số kiến nghị, giải pháp nhằm khắc phục những bất cập đang tồn tại.

​Bài viết “Quyền được có con của các cặp đôi đồng tính: góc nhìn từ quy định pháp luật bang Queensland (Úc) và kinh nghiệm cho pháp luật Việt Nam”, tác giả Lê Thị Ngọc Hân đưa ra nhận định: “Nhu cầu có con của con người vẫn luôn hiện hữu, bất kể tình trạng mối quan hệ hay khuynh hướng tính dục của họ và quyền được có con là một quyền chính đáng, cần được pháp luật bảo vệ. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện nay vẫn chưa thực sự tạo điều kiện cho tất cả mọi người được có con, trong số đó phải kể đến những cặp đôi đồng tính”. Trong bài viết, tác giả tập trung phân tích những hạn chế còn tồn tại trong pháp luật Việt Nam gây khó khăn cho việc được nhờ người mang thai hộ của các cặp đôi đồng tính, đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm tháo gỡ tình trạng này thông qua kinh nghiệm từ quy định pháp luật của bang Queensland (Úc).

​Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 02, kỳ I tháng 01 năm 2023.

                                              

* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

* Trên Tạp chí in (bắt đầu số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kế thêm mã QR trong trang mục lục, giúp bạn đọc dễ dàng truy cập các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng máy ảnh của điện thoại thông minh.

BTK