Tạp chí Tòa án nhân dân số 04 năm 2023
Tạp chí Tòa án nhân dân số 04, kỳ II tháng 02 năm 2023 xuất bản ngày 25 tháng 02 năm 2023. Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 09 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 04, cụ thể như sau:
Bài viết “Những điểm mới về vấn đề tổ chức và phát triển thị trường các-bon – một số đề xuất” của tác giả Nguyễn Tấn Hoàng Hải phân tích, đánh giá và đưa ra một số bàn luận về những thuận lợi, khó khăn của việc tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước, đồng thời chỉ ra điểm mới về vấn đề này được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Từ đó, tác giả đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.
Trong bài viết “Thực tiễn thực hiện quy định của pháp luật về thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm đối với bản án hình sự sơ thẩm – bất cập và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Đặng Văn Phượng và Hoàng Đình Dũng nêu quan điểm: “Xét xử phúc thẩm là cấp xét xử thứ hai, bản án phúc thẩm sau khi tuyên sẽ có hiệu lực thi hành ngay. Các quyền mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định cho Hội đồng xét xử phúc thẩm là nhằm mục đích khắc phục kịp thời những sai sót của cấp sơ thẩm trong việc áp dụng luật nội dung cũng như luật tố tụng. Qua nghiên cứu các bản án phúc thẩm và quyết định giám đốc thẩm có thể thấy bên cạnh sai sót mang tính chủ quan của Hội đồng xét xử phúc thẩm dẫn đến các bản án phúc thẩm bị hủy, sửa, thì còn có nguyên nhân từ những bất cập trong các quy định của pháp luật”. Trong phạm vi bài viết, tác giả phân tích, chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong thực hiện thẩm quyền của Hội đồng xét xử phúc thẩm qua thực tiễn các vụ án đã được giải quyết, từ đó nêu kiến nghị hoàn thiện pháp luật.
Bài viết “Quy định về điều kiện và thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015” của tác giả Phan Thành Nhân phân tích quy định về điều kiện và thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Trên cơ sở đó, bài viết chỉ ra một số hạn chế trong quy định của pháp luật và đề xuất một số giải pháp góp phần hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả áp dụng thủ tục này trong thực tiễn.
Với bài viết “Bàn về hình phạt cải tạo không giam giữ theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015”tác giả Nguyễn Thị Yến cho rằng: “Cải tạo không giam giữ là một trong các hình phạt chính được áp dụng đối với cá nhân người phạm tội được quy định tại Phần những quy định chung của Bộ luật Hình sự năm 2015. Để đạt được hiệu quả trong công tác phòng, chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay, đồng thời, phù hợp với xu hướng chung của thế giới, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã có một số thay đổi so với Bộ luật Hình sự năm 1999, trong đó có các quy định về hình phạt cải tạo không giam giữ.”. Bài viết phân tích, đánh giá quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, chỉ rõ những bất cập, từ đó, đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam về loại hình phạt này.
Bài viết “Một số khó khăn, vướng mắc trong giải quyết vụ án liên quan đến pháo nổ và đề xuất, kiến nghị” của tác giả Nguyễn Tất Trình nêu nhận định: “Mặc dù đã có chế tài xử lý nghiêm đối với những hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển pháo nổ, nhưng vì lợi nhuận, nên hiện nay, các hành vi này ngày càng gia tăng. Theo quy định tại Điều 190 và 191 Bộ luật Hình sự năm 2015, pháo nổ được quy định là mặt hàng cấm, do vậy, các hành vi sản xuất, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển các mặt hàng này sẽ bị xử lý hình sự khi bảo đảm các yếu tố định lượng (trừ trường hợp quy định tại Điều 5 Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo). Thông qua thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến pháo nổ trong thời gian gần đây, bài viết nêu ra một số khó khăn, vướng mắc, từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Trong bài viết “Pháp luật tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 và một số kiến nghị hoàn thiện”, các tác giả Lưu Thị Phấn và Lê Thị Thúy Nga nêu nhận định: “Tại Việt Nam, tài chính tiêu dùng giá trị nhỏ được phát triển như một giải pháp quan trọng và hữu hiệu để giải quyết vấn nạn tín dụng đen. Đặc biệt, trong những năm gần đây, với sự phát triển của công nghệ và ứng dụng công nghệ 4.0 đã dẫn đến sự bùng nổ các công ty công nghệ tài chính (fintech), các nền tảng cho vay trực tuyến, cho vay ngang hàng… giúp người tiêu dùng tiếp cận nguồn vốn dễ dàng hơn. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, pháp luật hiện hành chưa dự liệu đầy đủ các giải pháp pháp lý để giải quyết các vướng mắc, tranh chấp phức tạp, quyền lợi của người tiêu dùng chưa được bảo vệ hiệu quả.”. Bài viết đánh giá thực trạng quy định của pháp luật điều chỉnh hoạt động tín dụng tiêu dùng và đề xuất hoàn thiện pháp luật.
Trong bài viết “Một số ý kiến về phương thức bồi thường về đất trong bối cảnh sửa đổi Luật Đất đai năm 2013”, tác giả Hồ Thị Hải cho rằng: “Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở là một trong những vấn đề quan trọng để phát huy hiệu quả của công tác thu hồi đất, đồng thời ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã có những quy định về việc giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ở, nhưng vẫn chưa thực sự rõ ràng trong việc xác định đây là phương thức bồi thường hay hỗ trợ cho người sử dụng đất.”. Bài viết phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến các vấn đề bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở, từ đó đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật.
Trong bài viết “Hoàn thiện pháp luật về xử lý kỷ luật viên chức trong các cơ sở giáo dục đại học công lập”, tác giả Đỗ Thị Thơ nêu quan điểm: “Xử lý kỷ luật được xem là một giải pháp hữu hiệu trong công tác đấu tranh phòng, chống các vi phạm kỷ luật của viên chức nhằm duy trì trật tự và bảo đảm hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học công lập.”. Bài viết phân tích các quy định pháp luật hiện hành về xử lý kỷ luật viên chức tại các cơ sở giáo dục đại học công lập, chỉ ra một số bất cập và đề xuất các giải pháp hoàn thiện.
Bài viết “Nâng cao vị thế, vai trò của Tòa án nhân dân tối cao trong hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật” của tác giả Nguyễn Hà Khánh Linh nêu nhận định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp. Tuy nhiên, hiện nay, sự bảo đảm các mặt công tác của Tòa án nhân dân vẫn chưa tương xứng với vị thế, vai trò của Tòa án nhân dân trong bộ máy nhà nước.”. Bài viết làm rõ những bất cập, vướng mắc về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tòa án nhân dân tối cao, từ đó đề xuất giải pháp nâng cao vị thế của hệ thống Tòa án nhân dân trong hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 04, kỳ II tháng 02 năm 2023.
* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
* Trên Tạp chí in (bắt đầu số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kế thêm mã QR trong trang mục lục, giúp bạn đọc dễ dàng truy cập các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng máy ảnh của điện thoại thông minh.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 xuất bản ngày 10 tháng 10 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao