Tạp chí Tòa án nhân dân số 05 năm 2023
Tạp chí Tòa án nhân dân số 05, kỳ I tháng 3 năm 2023 xuất bản ngày 10 tháng 3 năm 2023. Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 10 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 05, cụ thể như sau:
Bài viết “Thủ tục tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015 – một số vướng mắc và kiến nghị hoàn thiện” của tác giả Lê Việt Sơn phân tích quy định của Luật Tố tụng hành chính năm 2015 về thủ tục tranh luận tại phiên tòa sơ thẩm vụ án hành chính, đồng thời đưa ra một số nhận xét, đánh giá và kiến nghị hoàn thiện pháp luật nhằm bảo đảm tốt hơn nữa việc áp dụng các quy định này trong thực tiễn.
Trong bài viết “Bàn về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019”, tác giả Lê Thảo Nguyên nêu quan điểm: “Bộ luật Lao động năm 2019 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2019 đã có những thay đổi mang tính đột phá trong chế định về hợp đồng lao động, đặc biệt là quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động, nhằm bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích chính đáng của họ. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng vẫn còn những hạn chế và vướng mắc nhất định.”. Trong bài viết, tác giả phân tích điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019 so với Bộ luật Lao động năm 2012 về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động, đồng thời, làm rõ một số vướng mắc, hệ quả phát sinh trên thực tế, từ đó, đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới.
Bài viết “Biện pháp thu thập chứng cứ khác của Tòa án trong Luật Tố tụng hành chính” của tác giả Nguyễn Sơn Lâm và tác giả Lý Thường Đông có nêu: “Biện pháp thu thập chứng cứ khác của Tòa án là quy định mang tính chất dự phòng, giúp cho Tòa án khi cần thiết có thể linh động áp dụng để thu thập được nhiều loại chứng cứ khác nhau, để làm sáng tỏ nội dung của vụ án. Tuy nhiên, luật chưa quy định về cách thức, trình tự, thủ tục thu thập chứng cứ, nên khi áp dụng trên thực tế có nhiều khó khăn, không thống nhất giữa các Tòa án với nhau”. Bài viết này, các tác giả phân tích, đánh giá các biện pháp khác trong quá trình thu thập chứng cứ của Tòa án theo Luật Tố tụng hành chính hiện hành và đề xuất hoàn thiện pháp luật.
Với bài viết “Hoàn thiện pháp luật về tính bảo mật thông tin trong hòa giải vụ án kinh doanh, thương mại tại Tòa án nhân dân”, tác giả Lý Văn Toán cho rằng: “Hiện nay, vấn đề bảo mật thông tin trong quá trình hòa giải vụ án kinh doanh, thương mại vẫn chưa được quy định chặt chẽ dẫn đến thông tin về bí mật kinh doanh, nghề nghiệp của các bên đương sự chưa được bảo mật tuyệt đối”. Bài viết phân tích những quy định pháp luật liên quan đến tính bảo mật thông tin trong hòa giải vụ án kinh doanh, thương mại của Tòa án nhân dân, từ đó chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, đồng thời đưa ra một số kiến nghị để nâng cao hiệu quả thực hiện hoạt động này trong thực tiễn.
Bài viết “Một số vấn đề về tội xâm phạm chỗ ở của người khác theo quy định cùa Bộ luật Hình sự năm 2015” của tác giả Hồ Nguyễn Quân trình bày, phân tích các quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội xâm phạm chỗ ở của người khác; từ đó đề xuất một số kiến nghị, giải pháp nhằm hoàn thiện quy định của Bộ luật Hình sự về tội danh này, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay.
Trong bài viết “Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự - lý luận và thực tiễn”, tác giả Vũ Tuấn Dũng nêu nhận định: “Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có nhiều sửa đổi căn bản so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Theo đó, thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự cũng có những thay đổi và được quy định thống nhất với quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo quy định của pháp luật là thẩm quyền xét xử riêng biệt về đối tượng phạm tội, đối tượng tác động của tội phạm và thẩm quyền theo lãnh thổ.”. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích về thẩm quyền xét xử riêng biệt của Tòa án quân sự, từ đó đưa ra một số kiến nghị cần hướng dẫn nhằm tạo thuận lợi cho việc thi hành các quy định của pháp luật.
Trong bài viết “Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015”, tác giả Trần Văn Hùng cho rằng: “Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã có quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự tại Điều 272. Theo đó, Bộ luật này đã bổ sung nhiều quy định mới so với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, nhưng do chưa có văn bản hướng dẫn thi hành nên trong thực tiễn áp dụng vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau.”. Bài viết chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, đồng thời, tác giả đề xuất một số giải pháp hoàn thiện pháp luật.”.
Trong bài viết “Công ước Lahay năm 2019 về công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài trong lĩnh vực dân sự, thương mại và một số gợi mở cho Việt Nam”, tác giả Nguyễn Thu Thủy viết: “Với mong muốn tạo lập một môi trường pháp lý ổn định nhằm thúc đẩy hoạt động thương mại đa phương, đầu tư quốc tế và tự do di chuyển, Hội nghị Lahay về Tư pháp quốc tế đã thông qua Công ước Lahay năm 2019 về công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài trong lĩnh vực dân sự, thương mại. Công ước đã và đang nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia trên thế giới.”. Bài viết phân tích các quy định về công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài theo Công ước Lahay năm 2019 và làm rõ những vấn đề mà Việt Nam cần xem xét để tăng cường hiệu quả của hoạt động công nhận và cho thi hành bản án của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam.
Trong bài viết “Quy ước trong giải thích pháp luật thành văn của Tòa án các nước thuộc hệ thống thông luật và kiến nghị cho Việt Nam”, tác giả Huỳnh Thị Sinh Hiền giới thiệu các quy ước được Thẩm phán các nước theo hệ thống Thông luật sử dụng để giải thích làm rõ nghĩa các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó, tác giả kiến nghị thiết lập các quy ước, nhằm nâng cao hiệu quả giao tiếp giữa chủ thể ban hành và chủ thể giải thích văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta hiện nay.
Trên Chuyên mục Trao đổi ý kiến, Tạp chí TAND giới thiệu tới bạn đọc bài viết “Về bài viết: “Nguyễn Văn K phạm tội gì?”. Đây là bài viết tổng hợp một số quan điểm của các tác giả trao đổi ý kiến về việc giải quyết tình huống được đưa ra trong bài viết “Nguyễn Văn K phạm tội gì?” đăng ở Tạp chí Tòa án nhân dân số 15 (kỳ 1 tháng 8/2022).
Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 05, kỳ I tháng 03 năm 2023.
* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
* Trên Tạp chí in (bắt đầu số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kế thêm mã QR trong trang mục lục, giúp bạn đọc dễ dàng truy cập các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng máy ảnh của điện thoại thông minh.
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 xuất bản ngày 10 tháng 10 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao