Tạp chí Tòa án nhân dân số 06 năm 2022
Tạp chí Tòa án nhân dân số 06 năm 2022 xuất bản ngày 25 tháng 3 năm 2022. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 07 bài viết là các công trình nghiên cứu về một số đề tài, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học.
Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:
Với bài viết: “Một số nội dung cải cách tư pháp trong thời gian tới", tác giả PGS.TS. Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC nhận định: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đặt ra nhiệm vụ trọng tâm xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có cải cách tư pháp. Để thực hiện thành công Nghị quyết của Đảng, đòi hỏi phải đẩy mạnh cải cách tư pháp, phát huy những thành quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khó khăn, bất cập, xây dựng nền tư pháp nước nhà tương đồng với trình độ chung của thế giới. Cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án nhân dân nhằm thực hiện hiệu quả những nguyên tắc căn cốt trong hoạt động xét xử; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và uy tín của Tòa án nhân dân– cơ quan thực hiện quyền tư pháp; xây dựng hệ thống Tòa án nhân dân chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Bài viết định hướng nội dung cải cách tư pháp trong hệ thống Tòa án nhân dân trong thời gian tới theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trong bài viết: " Trình tự, thủ tục tạm ngừng phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự - thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Trần Thăng Long - Nguyễn Kim Yến cho rằng: Trong quá trình tranh tụng tại phiên tòa dân sự sơ thẩm, khi xuất hiện một trong các căn cứ quy định tại Điều 259 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Hội đồng xét xử sẽ ra quyết định tạm ngừng phiên tòa. Việc quyết định tạm ngừng phiên tòa giúp cho việc bổ sung tài liệu, chứng cứ một cách đầy đủ hơn hoặc để khắc phục những lý do mà khi nó xảy ra khiến cho không thể tiếp tục phiên tòa. Trong bài viết này, các tác giả tập trung phân tích, luận bàn về trình tự, thủ tục tạm ngừng phiên tòa dân sự sơ thẩm; từ đó chỉ ra một số vướng mắc và đưa ra đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.
Với bài viết: “Một số vướng mắc về đối thoại trong giải quyết vụ án hành chính và kiến nghị hoàn thiện", tác giả Nguyễn Văn Điều nêu quan điểm: Đối thoại là thủ tục tố tụng quan trọng trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Trong thời gian qua, nhiều vụ án hành chính thông qua đối thoại đã được giải quyết nhanh chóng, triệt để, mang lại những lợi ích kinh tế, xã hội cho cả các bên đương sự, Nhà nước và Tòa án. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, đối thoại trong quá trình giải quyết vụ án hành chính vẫn còn tồn tại một số vướng mắc, hạn chế. Bài viết phân tích một số vướng mắc về đối thoại trong thực tiễn áp dụng, từ đó, đưa ra các kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án hành chính.
Trong bài viết: “Thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Tòa án về góp vốn của cổ đông bằng quyền sử dụng nhãn hiệu", tác giả Nguyễn Hữu Hưng có nhận định: Quyền sử dụng nhãn hiệu là quyền của chủ sở hữu khai thác lợi ích từ nhãn hiệu đó và có thể chuyển giao cho tổ chức, cá nhân khác thông qua hợp đồng bằng văn bản. Bài viết phân tích cơ sở pháp lý của việc góp vốn bằng quyền sử dụng nhãn hiệu và thực tiễn giải quyết tranh chấp thông qua một số vụ án liên quan để làm rõ những sai sót trong quá trình áp dụng pháp luật và kiến nghị hoàn thiện.
Với bài viết: “Một số quy định về hòa giải tại Tòa án trong Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020", tác giả Huỳnh Thị Nam Hải cho rằng: Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 đã “khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài; Tòa án hỗ trợ bằng quyết định công nhận việc giải quyết đó”. Trên cơ sở thể chế hóa quy định nêu trên của Nghị quyết số 49-NQ/TW, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 đã được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 16/6/2020 và có hiệu lực vào ngày 01/01/2021. Có thể nói việc hòa giải tại Tòa án được thực hiện trước khi thụ lý theo thủ tục tố tụng là vấn đề mới trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, phù hợp với xu hướng chung của thế giới trong việc góp phần giải quyết nhanh chóng các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Theo đó, “hòa giải tại Tòa án” được hiểu là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ án dân sự theo quy định của Luật Hòa giải đối thoại tại Tòa án.
Bài viết này, tác giả tập trung trình bày và phân tích một số quy định về hòa giải tại Tòa án trong Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm phạm vi hoạt động hòa giải, quyền định đoạt của đương sự và việc công nhận kết quả hòa giải thành tại Tòa án; đánh giá thực tiễn áp dụng các quy định về hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và đưa ra một số kiến nghị.
Trong bài viết:“ Quy định của bộ luật hình sự năm 2015 về hình phạt tù có thời hạn ", tác giả Nguyễn Minh Hải- Hoàng Ngọc Anh cho rằng: Bộ luật Hình sự năm 2015 có những sửa đổi lớn về chính sách hình sự và kỹ thuật lập pháp, trong đó có những sửa đổi, bổ sung về hệ thống hình phạt nói chung và hình phạt tù có thời hạn nói riêng, đặt ra yêu cầu cần phải tìm hiểu, nghiên cứu để vận dụng đúng vào thực tiễn xét xử. Trong bài viết, các tác giả tập trung phân tích những quy định của Bộ luật Hình sự về tù có thời hạn tại Phần những quy định chung và Phần các tội phạm.
Với bài viết:“Nâng cao hiệu quả phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người ở Việt Nam hiện nay ", tác giả Nguyễn Thanh Ngân đưa ra những tổng hợp, đánh giá về một số phương thức, thủ đoạn của tội phạm mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người và đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này tại Việt Nam trong thời gian tới.
Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 06 năm 2022.
*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.
* Trên mỗi số Tạp chí tin (bắt đầu từ Tạp chí số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kết thêm mã QR trong trang mục lục, bạn đọc có thể dễ dàng truy cập để đọc các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng điện thoại thông minh (thông qua việc chụp bằng camera).
CÁC BÀI VIẾT KHÁC TRONG CHUYÊN MỤC Tạp chí giấy
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 22 xuất bản ngày 25 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 21 xuất bản ngày 10 tháng 11 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 20 xuất bản ngày 25 tháng 10 năm 2024.
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 năm 2024
Tạp chí Tòa án nhân dân số 19 xuất bản ngày 10 tháng 10 năm 2024.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao