Tạp chí Tòa án nhân dân số 08 năm 2022

Tạp chí Tòa án nhân dân số 08 năm 2022 xuất bản ngày 25 tháng 4 năm 2022. Trên Tạp chí số này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn đọc 09 bài viết là các công trình nghiên cứu về một số đề tài, lĩnh vực khác nhau hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học.

Trong nội dung bài giới thiệu này, chúng tôi xin nêu một số nội dung cơ bản, trọng tâm mà các bài viết đề cập đến, cụ thể như sau:

          Với bài viết: Vai trò, trách nhiệm của Thẩm phán khi xét xử các vụ án hình sự liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ, trẻ em gái”, tác giả Nguyễn Văn Tùng- Phan Thị Tú Vinh nhận định: Phụ nữ, trẻ em gái là nạn nhân bị bạo lực trong các vụ án hình sự thường có các biểu hiện mặc cảm, sợ hãi, không muốn tiết lộ hoặc để người khác biết về các bí mật hoặc cuộc sống tủi nhục trong quá khứ mà họ đã phải gánh chịu, họ không muốn nhắc lại những ký ức đau buồn, mất mát. Bảo vệ nạn nhân trong quá trình xét xử vụ án hình sự liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ, trẻ em gái vừa là yêu cầu, quy định của pháp luật, vừa mang tính nhân đạo của chế độ xã hội. Bài viết chỉ ra vai trò, trách nhiệm của Thẩm phán nhằm bảo đảm thực hiện tốt việc bảo vệ nạn nhân trong các vụ án hình sự liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ và trẻ em gái, cũng như kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc xét xử các vụ án hình sự có liên quan.

          Trong bài viết: "Vướng mắc, bất cập về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự trong tố tụng hình sự và kiến nghị hoàn thiện”, tác giả Thái Chí Bình cho rằng: Trên cơ sở kế thừa Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định người tham gia tố tụng tại các Chương IV, V gồm 30 điều, từ Điều 55 đến Điều 84 với nhiều sửa đổi, bổ sung, quy định mới về diện người tham gia tố tụng, quyền và nghĩa vụ của từng chủ thể, trong đó có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự. Quy định về người bảo vệ  của bị hại, đương sự góp phần đảm bảo quyền con người, quyền công dân của bị hại, đương sự trong suốt quá trình tố tụng, đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bên cạnh những ưu điểm trên, quy định về người bảo vệ của bị hại, đương sự của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 còn tồn tại một số hạn chế, đòi hỏi cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện.

Bài viết nghiên cứu, phân tích một số vướng mắc, bất cập quy định về người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự trong Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện.

         Với bài viết: “Bàn về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ tại Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 2015" của tác giả Bùi Ai Giôn trao đổi một số vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ tại Điều 124 Bộ luật Hình sự năm 2015, từ đó đưa ra một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện.

          Trong bài viết: “Bàn về một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và kiến nghị", tác giả Tạ Đình Tuyên có nhận định: Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021. Qua hơn một năm triển khai thi hành, Luật đã từng bước đi vào cuộc sống, góp phần giảm tải công việc của Tòa án. Tuy nhiên, cũng có nhiều khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn thi hành một số quy định của Luật. Bài viết phân tích một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án về Hòa giải viên; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành và kiến nghị hoàn thiện pháp luật.

          Với bài viết: “Xác định hiệu lực của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất là tài sản của hộ gia đình", tác giả Trần Ngọc Thành cho rằng: Hiện còn có quan điểm khác nhau về hiệu lực của hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình khi có một thành viên của hộ không tham gia ký kết hợp đồng. Bài viết phân tích trường hợp tài sản của hộ gia đình là quyền sử dụng đất đã được Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định, nhưng khi ký hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất để bảo đảm cho khoản vay thì có một người không tham gia ký hợp đồng; trong trường hợp này, bài viết cho rằng hợp đồng vô hiệu toàn bộ.

           Trong bài viết:“Đề nghị và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015", tác giả Đoàn Minh Đức - Vũ Việt Hằng cho rằng: Đề nghị và chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là một trong các thành tố quan trọng để hợp đồng được xác lập. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày, phân tích tổng quát các quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015 về đề nghị và giao kết hợp đồng. Từ đó, bài viết chỉ ra một số vướng mắc trong thực tiễn áp dụng pháp luật hiện nay và đưa ra một số kiến nghị nhằm hạn chế rủi ro khi giao kết hợp đồng.

     Với bài viết:“Quyền tiếp cận thông tin của người tham gia tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015", tác giả Nguyễn Anh Dũng nhận định:  Quyền tiếp cận thông tin là một trong những quyền cơ bản của con người, của công dân. Những năm qua, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về thực hiện, bảo đảm thực hiện quyền được thông tin của công dân trong một số lĩnh vực. Tuy nhiên, thực tiễn thực hiện quyền được thông tin và pháp luật về quyền được thông tin ở nước ta còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới, trong đó có quyền tiếp cận thông tin với tư cách là người tham gia tố tụng theo quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Bài viết phân tích thực tiễn về việc tiếp cận thông tin của người tham gia tố tụng và đưa ra một số đề xuất, kiến nghị.

        Trong bài viết: “Bàn về một số vướng mắc của Bộ luật Lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật của tác giả Lê Thị Hòa tập trung phân tích trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động khi "người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động…" theo quy định tại khoản 7 Điều 34 Bộ luật Lao động năm 2019, từ đó chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn áp dụng và đưa ra kiến nghị hoàn thiện cụ thể.

Trên chuyên mục Trao đổi ý kiến số này, Tạp chí Tòa án nhân dân giới thiệu tới bạn đọc bài viết: “Lương Anh T tội phạm gì?". Bài viết này tác giả Hoàng Đình Dũng đưa ra một tình huống cụ thể để bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi.

 

Kính mời Quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 08 năm 2022.

*Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

* Trên mỗi số Tạp chí tin (bắt đầu từ Tạp chí số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kết thêm mã QR trong trang mục lục, bạn đọc có thể dễ dàng truy cập để đọc các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng điện thoại thông minh (thông qua việc chụp bằng camera).

 

BTK