Tạp chí Tòa án nhân dân số 08 năm 2023

Tạp chí Tòa án nhân dân số 08, kỳ II tháng 4 năm 2023 xuất bản ngày 25 tháng 4 năm 2023. Trong bài giới thiệu này, chúng tôi trân trọng gửi đến bạn đọc một số nội dung cơ bản, trọng tâm được đề cập đến trong 09 bài viết đăng tải trên Tạp chí Tòa án nhân dân số 08, cụ thể như sau:

Bài viết “Liêm chính tư pháp trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay” của tác giả Nguyễn Minh Đoan tập trung làm rõ vấn đề liêm chính tư pháp ở nước ta, đồng thời, nêu ra một số giải pháp để bảo đảm liêm chính tư pháp ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Bài viết “Hoàn thiện pháp luật về biện pháp khẩn cấp tạm thời trong vụ án hành chính” của tác giả Trần Lê Đăng Phương và tác giả Nguyễn Thành Phương tập trung phân tích các quy định có liên quan đến cơ chế áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong Luật Tố tụng hành chính năm 2015. Thông qua đó, bài viết chỉ ra những bất cập có liên quan đến cơ chế này và đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện pháp luật.

Bài viết “Hoàn thiện pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xét xử tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” của tác giả Ngô Văn Vinh nêu nhận định: “Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự chiếm tỷ lệ đa số (trên 70%) trong cơ cấu tội phạm liên quan đến tín dụng đen và cho vay trong giao dịch dân sự. Quá trình điều tra, xét xử tội phạm này gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong đó có những bất cập về mặt pháp lý như thẩm quyền điều tra, quy định về cấu thành tội phạm, những hướng dẫn áp dụng pháp luật có liên quan…” Bài viết phân tích những vướng mắc về mặt pháp lý, từ đó kiến nghị và đề xuất giải pháp hoàn thiện pháp luật góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều tra, xét xử tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thời gian tới.

Trong bài viết “Bảo vệ quyền con người qua công tác xét xử vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân hiện nay”, tác giả Tô Thị Kim Nhung có viết: “Một trong các chế định để bảo vệ quyền con người đã được Hiến pháp ghi nhận đó là qua công tác xét xử tại Tòa án. Công tác xét xử các vụ án hành chính tại Tòa án nhân dân trong thời gian qua dù đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót.”. Bài viết phân tích, làm rõ thêm những kết quả đạt được, nguyên nhân của hạn chế, thiếu sót, từ đó đưa ra các kiến nghị nhằm bảo vệ tốt hơn nữa quyền con người qua công tác xét xử vụ án hành chính.

Tác giả Tạ Thanh Hương viết trong bài “Nguyên nhân, điều kiện của các hành vi phạm tội xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm trên địa bàn cả nước thời gian vừa qua và một số kiến nghị” như sau: “Kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới là hoạt động có ý nghĩa quan trọng giúp Nhà nước giảm sát được số lượng, chất lượng xe cơ giới hiện hành, kiểm tra mức độ và ngưỡng an toàn của phương tiện vận tải, qua đó, giảm thiểu rủi ro tai nạn và nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Bên cạnh những đóng góp tích cực của lĩnh vực đăng kiểm, trong thời gian vừa qua, lực lượng chức năng đã khám xét nhiều trung tâm đăng kiểm, phát hiện và bắt giữ hàng loạt cán bộ, nhân viên làm việc tại các trung tâm này với nhiều tội danh khác nhau.”. Bài viết tập trung phân tích những nguyên nhân, điều kiện của các hành vi phạm tội xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm thời gian vừa qua và đưa ra một số kiến nghị nhằm khắc phục, loại bỏ các nguyên nhân, điều kiện đó.

Bài viết “Nhận diện một số sai sót trong xét xử các tranh chấp kinh doanh, thương mại tại Tòa án và kiến nghị” của tác giả Đỗ Văn Quân phân tích, chỉ ra một số lưu ý về thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại của Tòa án; nhận diện một số sai sót trong xét xử các tranh chấp kinh doanh, thương mại tại Tòa án và đề xuất một số giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao hiệu quả công tác này trong thời gian tới.

Với bài viết “Trách nhiệm trả nợ thuộc về cơ quan nào?” của tác giả Đinh Thị Thu Hiền, nêu ra một tình huống cụ thể còn nhiều quan điểm giải quyết khác nhau để bạn đọc cùng nghiên cứu, trao đổi nhằm bảo đảm việc hiểu và áp dụng thống nhất pháp luật trên thực tiễn.

Trong chuyên mục Trao đổi ý kiến, Tạp chí TAND tiếp tục giới thiệu đến bạn đọc bài viết “Về bài viết: “Lương Anh T phạm tội gì?”. Đây là bài viết tổng hợp quan điểm của một số tác giả về việc giải quyết tình huống cụ thể được đăng ở Tạp chí Tòa án nhân dân số 8/2022.

Bài viết “Bàn về căn cứ từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết của Tòa án nước ngoài trong lĩnh vực dân sự, thương mại theo Công ước La Hay 2019 – một số kinh nghiệm hoàn thiện pháp luật Việt Nam” của tác giả Đào Thị Vui và tác giả Nguyễn Phan Vân Anh có viết: “Công ước La Hay năm 2019 về công nhận và cho thi hành phán quyết của Tòa án nước ngoài trong lĩnh vực dân sự, thương mại được thông qua là bước tiến mới, thúc đẩy hoạt động hợp tác trong lĩnh vực dân sự, thương mại giữa các quốc gia trong khuôn khổ Hội nghị La Hay.”. Bài viết phân tích các quy định của Công ước về các căn cứ từ chối công nhận và cho thi hành phán quyết của Tòa án nước ngoài trong lĩnh vực dân sự, thương mại. Đồng thời, bài viết nghiên cứu quy định pháp luật Việt Nam hiện hành, pháp luật một số nước trên thế giới về vấn đề này, từ đó rút ra một số lưu ý cho Việt Nam.

Kính mời quý độc giả đón đọc Tạp chí Tòa án nhân dân số 08, kỳ II tháng 04 năm 2023.

 

* Tạp chí Tòa án nhân dân bản in được phát hành 02 số/tháng (lịch phát hành là vào ngày 10 và 25 hàng tháng). Bạn đọc có nhu cầu đặt mua Tạp chí xin liên hệ bưu điện gần nhất hoặc gọi đến số điện thoại: (024) 39.341.735 để được tư vấn, hỗ trợ.

* Trên Tạp chí in (bắt đầu số 01/2022), Tạp chí Tòa án nhân dân thiết kế thêm mã QR trong trang mục lục, giúp bạn đọc dễ dàng truy cập các bài viết trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử thông qua việc quét mã QR này bằng máy ảnh của điện thoại thông minh

BTK